backup og meta

Viêm giác mạc chấm nông

Viêm giác mạc chấm nông

Viêm giác mạc chấm nông là một bệnh về mắt phổ biến. Bệnh có thể ảnh hưởng đến thị lực cũng như sinh hoạt của người bệnh. Hiểu về bệnh lý này sẽ giúp bạn phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Vậy nguyên nhân gây viêm giác mạc chấm nông là gì và làm thế nào để phát hiện bệnh? Mời bạn cùng tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chung

Viêm giác mạc chấm nông là gì?

Viêm giác mạc chấm nông hay còn gọi là viêm giác mạc đốm, là những tổn thương xuất hiện ở lớp biểu mô của giác mạc. Bệnh có thể xảy ra ở hai mắt, biểu hiện bởi nhiều chấm nhỏ li ti màu trắng xám trên bề mặt giác mạc, chủ yếu tập trung ở đồng tử. Bất cứ ai cũng có khả năng mắc căn bệnh này, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 20-30.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm giác mạc đốm. Tương ứng với từng nguyên nhân, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện cũng như khả năng tái phát khác nhau. Tình trạng triệu chứng bệnh tái phát rồi thuyên giảm từng đợt có xu hướng kéo dài trung bình từ 10-20 năm. Tuy nhiên, một số báo cáo đã ghi nhận có trường hợp thời gian kéo dài tới 40 năm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm giác mạc chấm nông là gì?

Các triệu chứng viêm giác mạc chấm nông bao gồm: 

  • Mắt đỏ 
  • Khô mắt 
  • Chảy nước mắt 
  • Nhìn mờ 
  • Đau mắt 
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng 
  • Cảm giác bỏng rát ở mắt hoặc như có dị vật trong mắt
  • Sưng hạch bạch huyết ở trước tai 

Ngoài ra, đôi khi bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập ở trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh viêm giác mạc chấm nông là gì?

nguyên nhân gây viêm giác mạc chấm nông

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh viêm giác mạc chấm nông. Hầu hết liên quan đến tổn thương hoặc kích ứng giác mạc như:

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus như adenovirus, herpes
  • Đeo kính áp tròng quá lâu
  • Khô mắt, hở mi
  • Mắt tiếp xúc với hóa chất
  • Dị ứng (mỹ phẩm, không khí ô nhiễm…)
  • Xuất hiện dị vật ở mắt
  • Giác mặt bị chấn thương vật lý
  • Tiếp xúc với tia cực tím (ánh sáng mặt trời, đèn hàn)
  • Viêm mí mắt
  • Dị ứng với thuốc nhỏ mắt
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc dùng tại chỗ hoặc toàn thân
  • Gen đáp ứng miễn dịch và nhiều rối loạn tự miễn như hội chứng Addison, lupus ban đỏ hệ thống
  • Liệt dây thần kinh ngoại biên ở mặt (ví dụ như liệt Bell)

Tất cả những nguyên nhân này có thể gây tổn thương các tế bào của giác mạc, dẫn đến viêm giác mạc chấm nông.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh viêm giác mạc chấm nông?

Bác sĩ nhãn khoa sẽ dựa theo tiền sử bệnh, các triệu chứng và tiến hành soi đáy mắt để kiểm tra tình trạng mắt của người bệnh, từ đó làm cơ sở đưa ra chẩn đoán chính xác. Quá trình này diễn ra không gây đau rát cho bệnh nhân và bạn có thể được nhỏ thuốc nhỏ mắt có chứa chất nhuộm màu vàng xanh gọi là fluorescein. Chất này có tác dụng nhuộm tạm thời các vùng bị tổn thương trên giác mạc, giúp bác sĩ quan sát được cả các vùng nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy.

Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm nhằm chẩn đoán phân biệt viêm giác mạc chấm nông với các bệnh lý khác như viêm bờ mi do tụ cầu, viêm giác mạc do tụ cầu, viêm kết mạc do phế cầu…

Những phương pháp điều trị viêm giác mạc chấm nông

Phương pháp điều trị viêm giác mạc chấm nông tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bao gồm:

  • Viêm giác mạc chấm nông do nhiễm vi khuẩn có thể được điều trị bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh dạng nhỏ mắt cho trường hợp nhẹ, không quá nguy hiểm. Nếu tình trạng chuyển biến nghiêm trọng, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticosteroid, cyclosporine hoặc tacrolimus,… Ngoài ra, nhằm hạn chế rủi ro gặp tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần đảm bảo tuân theo chỉ định của bác sĩ khi áp dụng phương pháp này.
  • Viêm giác mạc chấm nông do một số loại virus thường không cần điều trị và sẽ hồi phục trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên, đối với tình trạng viêm do virus herpes, thuốc nhỏ mắt trị viêm giác mạc có tính kháng virus là lựa chọn điều trị hàng đầu. Đôi khi bác sĩ cũng có thể kết hợp thêm với thuốc kháng virus dạng uống. 
  • Nếu nguyên nhân là do đeo kính áp tròng thời gian dài, người bệnh thường được chỉ định sử dụng thuốc nhỏ mắt, đồng thời tránh dùng kính áp tròng cho đến khi tình trạng mắt được cải thiện.
  • Khi nguyên nhân là do khô mắt, nước nhỏ mắt nhân tạo thường được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân để cải thiện triệu chứng hiệu quả. Nước mắt nhân tạo là loại thuốc nhỏ mắt được bào chế với các chất mô phỏng giống nước mắt thật giúp mắt thêm ẩm. 
  • Viêm giác mạc đốm do tiếp xúc với tia cực tím cần được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh và thuốc giãn đồng tử để giảm đau trong thời gian ngắn. 
  • Nếu nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định một loại thuốc thay thế khác và cho bệnh nhân ngừng thuốc hiện tại.

Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đa số người bệnh đều có thể hồi phục thị lực hoàn toàn.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh viêm giác mạc chấm nông?

đeo kính phòng ngừa viêm giác mạc chấm nông

Để phòng bệnh viêm giác mạc chấm nông cần chú ý những thói quen sinh hoạt hàng ngày:

  • Sử dụng các biện pháp bảo hộ mắt khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi,…
  • Sử dụng kính mát khi di chuyển ngoài đường để tránh bụi và dị vật bay vào mắt
  • Dùng kính bảo vệ mắt trong trường hợp bị hở mi
  • Điều trị dứt điểm các bệnh về mắt và bệnh toàn thân có nguy cơ gây viêm giác mạc
  • Không dùng tay dụi mắt, không tự sử dụng các vật dụng để lấy dị vật ở mắt
  • Khi sử dụng kính áp tròng cần vệ sinh trước và sau khi đeo kính
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh đau mắt đỏ
  • Cung cấp đủ vitamin A cho mắt và thường xuyên chớp mắt để tránh khô mắt
  • Ăn uống đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng của cơ thể

Bệnh viêm giác mạc chấm nông thường không khó điều trị. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng về thị lực. Hãy đảm bảo bạn đã đi khám mắt định kỳ hàng năm để xác định tình trạng sức khỏe mắt cũng như đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy bất kỳ vấn đề về thị lực nào.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Thygeson‘s superficial punctate keratopathy: A review and case series. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8012948/. Ngày truy cập 15/07/2021.

Thygeson’s superficial punctate keratitis. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2452403419300081. Ngày truy cập 15/07/2021.

Thygeson Superficial Punctate Keratitis. https://eyewiki.aao.org/Thygeson_Superficial_Punctate_Keratitis. Ngày truy cập 15/07/2021.

Thygeson’s Superficial Punctate Keratitis. https://webeye.ophth.uiowa.edu/eyeforum/cases/223-thygesons-SPK.htm. Ngày truy cập 15/07/2021.

Keratitis. https://preventblindness.org/keratitis/. Ngày truy cập 15/07/2021.

Phiên bản hiện tại

17/07/2021

Tác giả: Thư Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

Nhức 1 bên mắt là bị gì? Điểm danh những nguyên nhân thường gặp

Làm sao để bảo vệ mắt? 10 cách bảo vệ mắt đơn giản, hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thư Phạm · Ngày cập nhật: 17/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo