backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Hiểu rõ nguyên nhân bong võng mạc để biết cách phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 09/03/2022

    Hiểu rõ nguyên nhân bong võng mạc để biết cách phòng ngừa

    Bong võng mạc là một vấn đề nghiêm trọng về mắt xảy ra khi võng mạc bị kéo ra khỏi vị trí bình thường. Có 3 trường hợp võng mạc bị bong và nguyên nhân bong võng mạc sẽ tùy thuộc vào từng loại bệnh cụ thể.

    Bong võng mạc thường xảy ra một cách tự phát, hoặc đột ngột. Nếu để càng lâu không điều trị, nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn là rất cao. Hiểu được nguyên nhân bị bong võng mạc sẽ giúp việc điều trị được kịp thời và hiệu quả hơn, bảo vệ thị lực. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể nhé!

    Nguyên nhân bong võng mạc là gì?

    Có nhiều nguyên nhân bong võng mạc, nhưng phổ biến nhất là do lão hóa hoặc chấn thương mắt. Nguyên nhân cụ thể sẽ tùy thuộc vào loại bong võng mạc mà bạn mắc phải.

    1. Nguyên nhân bong võng mạc có vết rách

    nguyên nhân bong võng mạc có vết rách

    Đây là loại bong võng mạc phổ biến nhất. Nó có thể xảy ra nếu bạn bị rách hoặc thủng võng mạc, khiến chất lỏng đi qua và đọng lại phía sau võng mạc. Sau đó, chất lỏng tích tụ nhiều gây áp lực đủ để tách võng mạc ra khỏi đáy mắt. Những vùng võng mạc bị bong ra sẽ bị mất đi nguồn cung cấp máu và ngừng hoạt động, khiến thị lực bị suy giảm.

    Nguyên nhân bong võng mạc có vết rách do lão hóa là phổ biến nhất. Khi chúng ta già đi, lớp dịch kính (lớp chất lỏng phía trước võng mạc) trong mắt bắt đầu co lại hoặc lỏng hơn. Sau đó, chúng có thể tách rời khỏi võng mạc gây nên tình trạng bong dịch kính sau. Ở quá trình này, dịch kính gây co kéo võng mạc, gây rách võng mạc. 

    Dịch lỏng có thể đi qua vết rách vào phía sau võng mạc và khiến võng mạc bị bong ra.

    Một số nguyên nhân bị bong võng mạc có vết rách khác là do chấn thương mắt, tiền sử phẫu thuật mắt, sự thoái hóa võng mạc dạng lưới hoặc cận thị.

    2. Nguyên nhân bong võng mạc co kéo

    Bong võng mạc co kéo xảy ra nếu mô sẹo phát triển trên bề mặt võng mạc và kéo võng mạc ra khỏi mặt sau của mắt.

    Nguyên nhân bong võng mạc co kéo thường thấy là bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu tăng cao kéo dài làm hỏng các mạch máu trong võng mạc và có thể gây ra mô sẹo trên võng mạc. Khi các vết sẹo đủ lớn, chúng có thể kéo võng mạc ra khỏi đáy mắt.

    Các nguyên nhân khác của bong võng mạc co kéo bao gồm nhiễm trùng và sưng mắt hay một số bệnh về mắt khác.

    3. Nguyên nhân bong thanh dịch

    Bong thanh dịch xảy ra khi chất lỏng tích tụ phía sau võng mạc, nhưng không có bất kỳ vết rách hoặc thủng nào trên võng mạc. Nếu có đủ chất lỏng tích tụ ở phía sau võng mạc, nó có thể đẩy võng mạc ra khỏi đáy mắt và khiến võng mạc bị bong ra.

    Nguyên nhân chính của sự tích tụ chất lỏng này là do mạch máu bị rò rỉ hoặc sưng ở phía sau mắt.

    Một số tình trạng sau đây có thể khiến mạch máu bị rò rỉ hoặc sưng mắt:

    • Chấn thương mắt
    • Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác
    • Khối u trong mắt như bệnh u hắc mạch, các bệnh ung thư di căn hắc mạc
    • Các bệnh gây viêm bên trong mắt, chẳng hạn như viêm màng bồ đào nghiêm trọng
    • Các chứng rối loạn mắt hiếm gặp khác.

    Các yếu tố nguy cơ

    nguyên nhân bong võng mạc và các yếu tố nguy cơ

    Bất kỳ ai cũng có thể bị bong võng mạc, nhưng một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu:

    • Trên 50 tuổi
    • Từng bị bong võng mạc một bên mắt còn lại
    • Tiền sử gia đình đã bị bong võng mạc trước đây
    • Bị hoặc từng bị chấn thương mắt nghiêm trọng
    • Đã phẫu thuật mắt, chẳng hạn như phẫu thuật để điều trị bệnh đục thủy tinh thể.

    Phòng ngừa

    Vì bong võng mạc thường do lão hóa nên không có cách nào để ngăn ngừa. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ bong võng mạc do chấn thương mắt bằng cách đeo kính bảo hộ hoặc các biện pháp bảo vệ mắt khác khi chơi thể thao hoặc thực hiện các hoạt động mạo hiểm khác.

    Ngoài ra, hãy chăm sóc mắt hàng ngày và khám mắt định kỳ ít nhất mỗi năm một lần, đặc biệt là nếu bạn bị cận thị hoặc mắc bệnh tiểu đường. Thăm khám thường xuyên sẽ giúp bác sĩ phát hiện kịp thời những vết rách nhỏ ở võng mạc, trước khi võng mạc bị bong ra và ảnh hưởng đến thị lực.

    nguyên nhân bong võng mạc và cách phòng ngừa

    Cuối cùng, nếu mắc bệnh tiểu đường, bạn nên kiểm soát tốt đường huyết của mình bằng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, nếu gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến thăm khám với bác sĩ ngay lập tức. Điều trị kịp thời có thể giúp bạn ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 09/03/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo