Sữa bầu là một nguồn cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho thai kỳ. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng “hạp” với sữa bầu nên có thể gặp các vấn đề không mong muốn. Trong đó, tình trạng uống sữa bầu bị tiêu chảy có thể xảy ra với bất kỳ mẹ nào và khiến chị em không tránh khỏi lo lắng.
Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giải đáp một số nguyên nhân khiến mẹ bị tiêu chảy khi uống sữa bầu và gợi ý giải pháp xử lý thích hợp.
Vì sao mẹ uống sữa bầu bị tiêu chảy?
Có không ít mẹ bầu băn khoăn về việc uống sữa bầu bị tiêu chảy hay uống sữa bầu bị sôi bụng đi ngoài là do đâu? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong quá trình mang thai, việc bổ sung sữa bầu là một phần trong chế độ ăn uống để đảm bảo thai nhi phát triển tối ưu và mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số mẹ lại bị tiêu chảy sau khi uống sữa bầu và đây cũng là vấn đề gây nhiều hoang mang, lo lắng, đặc biệt là khi mẹ không rõ nguyên nhân. Vậy thì vì sao tình trạng này lại xảy ra? Những thông tin lý giải sau đây có thể là điều mẹ quan tâm.
1. Uống sữa bầu bị tiêu chảy do mẹ không dung nạp lactose
Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến mẹ bị tiêu chảy sau khi uống sữa bầu chính là chứng không dung nạp lactose, một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Điều này là do cơ thể không sản xuất đủ hoặc thậm chí là không sản xuất enzyme lactase để phân tách đường sữa thành chất có thể sử dụng được.
Các triệu chứng đặc trưng của chứng không dung nạp lactose ngoài tiêu chảy còn bao gồm đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, buồn nôn và chuột rút. Các triệu chứng này thường xuất hiện sau khoảng 2 giờ từ khi cơ thể bạn dung nạp sản phẩm có đường sữa. Tuy nhiên, thời gian phát triển các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người tùy thuộc vào độ tuổi, độ nhạy cảm và tốc độ tiêu hóa đường sữa.
2. Mẹ bị tiêu chảy do uống quá nhiều sữa bầu
Uống sữa bầu bị sôi bụng đi ngoài là do đâu? Một nguyên nhân khác là rất có thể bạn đã uống quá nhiều sữa bầu.
Sữa bầu là sản phẩm giàu dinh dưỡng nhưng nếu mẹ uống quá nhiều so với lượng khuyến nghị có thể gây ra một số vấn đề ngoài ý muốn, chẳng hạn như sôi bụng, đi phân lỏng. Bởi vì khi uống quá nhiều sữa trong một thời gian ngắn, điều này sẽ vô tình làm gia tăng lượng đường lactose cho cơ thể. Trong khi đó, dạ dày không tiết đủ men lactase để tiêu hóa. Điều này khiến cho cơ thể không phân hủy lactose kịp thời và dẫn đến đau bụng, tiêu chảy.
Bên cạnh đó, một số mẹ không có thói quen uống sữa trong một thời gian dài trước khi mang thai sẽ khiến cơ thể không quen với việc tiết ra men lactase để phá vỡ đường lactose. Do đó, khi bắt đầu uống sữa bầu trong thai kỳ, mẹ cũng không tránh khỏi tình trạng bị tiêu chảy.
Có thể bạn quan tâm
3. Các nguyên nhân khác liên quan đến tình trạng tiêu chảy do uống sữa bầu
Tại sao uống sữa bầu bị tiêu chảy? Tình trạng này có phổ biến không? Việc mẹ bầu bị tiêu chảy khi uống sữa bầu là tình trạng tương đối phổ biến. Ngoài những nguyên nhân đáng quan tâm kể trên, việc phụ nữ mang thai uống sữa bầu bị tiêu chảy còn có thể do:
- Uống sữa sai thời điểm: Đối với một số mẹ, có những thời điểm sẽ không thích hợp với việc uống sữa, chẳng hạn như ngay sau khi dùng bữa/ ăn trái cây, lúc bụng đói, trước khi vận động… Vì vậy, nếu mẹ uống sữa bầu vào lúc “cấm kỵ” thì có thể bị đau bụng, tiêu chảy.
- Pha sữa sai cách: Đôi khi, việc pha sữa không theo đúng hàm lượng sữa bột hoặc nhiệt độ nước được nhà sản xuất khuyến nghị có thể dẫn đến “thành phẩm” sai như sữa quá nguội, sữa quá đặc hoặc quá loãng. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của mẹ bầu.
- Dụng cụ pha sữa không đảm bảo vệ sinh: Các đồ dùng để pha sữa bầu như muỗng, ly, ấm nước… rất dễ nhiễm khuẩn nếu bạn vệ sinh kém. Điều này cũng góp phần gây ra các vấn đề tiêu hóa, điển hình như tiêu chảy.
- Sữa bầu kém chất lượng: Sữa bầu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc sữa hết hạn có thể gây hại cho sức khỏe của mẹ khi uống. Mẹ không chỉ bị tiêu chảy mà còn có thể ngộ độc thực phẩm.
Mẹ uống sữa bầu bị tiêu chảy – Lời khuyên và lưu ý không nên bỏ qua
Uống sữa bầu bị tiêu chảy phải làm sao, có nguy hiểm không? Phụ nữ mang thai uống sữa bầu bị đau bụng, tiêu chảy có thể tự khỏi sau khi đi tiêu thường không đáng lo ngại. Trong trường hợp này, bạn nên chú ý bổ sung nhiều nước, nghỉ ngơi và ăn uống thanh đạm. Song song đó, để ngăn ngừa tiêu chảy khi uống sữa, mẹ cần lưu ý những điều sau đây:
1. Trường hợp mẹ bầu mắc chứng không dung nạp lactose
Trong trường hợp này, điều quan trọng là mẹ nên loại bỏ sữa bầu chứa lactose. Mặc dù sữa bầu là sản phẩm dinh dưỡng nhưng không bắt buộc phải thêm vào chế độ ăn uống trong thai kỳ. Nếu mẹ không dung nạp đường sữa, mẹ hoàn toàn có thể chọn giải pháp khác để bổ sung lượng canxi và vitamin D cần thiết, chẳng hạn như:
- Bổ sung thực phẩm giàu canxi nhưng không phải từ sữa, bao gồm cá hồi, cá mòi, đậu phụ, rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, hạnh nhân, đậu Pinto, nước cam…
- Tắm nắng vào buổi sáng (trước 9 giờ) nhưng cần chú ý không tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp trong thời gian dài
- Mẹ có thể chọn sữa bầu không chứa lactose có bán sẵn tại cửa hàng. Loại sữa này vẫn cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho thai kỳ của mẹ và đảm bảo không có đường sữa.
- Trong trường hợp không thể bổ sung đủ canxi và vitamin D từ thực phẩm, mẹ có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ về việc dùng viên uống bổ sung.
2. Đối với trường hợp mẹ uống sữa bầu bị tiêu chảy do nguyên nhân khác
Đối với mẹ không gặp vấn đề về dung nạp lactose, để phòng ngừa tiêu chảy do uống sữa bầu, mẹ cần lưu ý thêm rằng:
- Mẹ nên mua sữa bầu của những thương hiệu uy tín, tại những cửa hàng, siêu thị uy tín để tránh mua nhầm sữa giả, sữa nhái, sữa kém chất lượng.
- Pha sữa theo đúng hướng dẫn từ nhà sản xuất để có ly sữa đảm bảo dinh dưỡng, không bị quá đặc, quá loãng… gây ảnh hưởng hệ tiêu hóa.
- Mẹ nên uống sữa bầu với lượng vừa đủ, thường khoảng 2 ly mỗi ngày và nên uống cách bữa ăn khoảng 2 tiếng.
- Nếu bột sữa bị vón cục, ẩm mốc, có mùi hôi thì mẹ không nên dùng nữa để tránh rủi ro.
- Ghi chép nhật ký ăn uống để biết thêm những thực phẩm nào có thể khiến bạn đau bụng, tiêu chảy nhằm phòng tránh hiệu quả.
- Để nâng cao sức khỏe đường ruột và tránh tiêu chảy, táo bón, mẹ có thể chọn cách bổ sung men vi sinh và nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ nếu cần thiết.
Tên thực tế, việc uống sữa bầu bị tiêu chảy thường không đáng lo ngại. Nếu mắc chứng không dung nạp lactose hoặc đơn giản là chị em không thích mùi vị sữa bầu thì vẫn có thể chọn cách không uống. Trong một số trường hợp, mẹ không thể xử lý tình trạng tiêu chảy tại nhà, tiêu chảy không rõ nguyên nhân, tiêu chảy kèm sốt, đi tiêu ra máu… thì cần đi khám ngay nhé!
[embed-health-tool-due-date]