Siêu âm thai tuần 22 là việc mà mọi mẹ bầu cần làm để theo dõi sự phát triển của con, tầm soát các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra cho cả mẹ và bé.
Khi mang thai đến tuần 22, có nghĩa là bạn sắp tiến tới tháng thứ 6 của thai kỳ. Thiên thần nhỏ phát triển tương đối hoàn thiện và bắt đầu di chuyển khá nhiều trong cơ thể để báo hiệu cho mẹ bầu biết sự tồn tại của mình. Do đó, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định bạn siêu âm khi thai 22 tuần để đánh giá sức khỏe của thai nhi.
Vì sao mẹ bầu cần khám thai, siêu âm 22 tuần?
Việc đi khám thai và siêu âm thai 22 tuần là một cột mốc khám thai và tầm soát trước sinh quan trọng mà mẹ bầu cần thực hiện. Nguyên do là bởi ở tuần thứ 22 của thai kỳ, thai nhi đã phát triển tương đối và trông gần giống trẻ sơ sinh. Ngoài ra, tay của bé có thể di chuyển độc lập và tay này có thể chạm vào tay kia, bắt chéo tay hay thậm chí có thể nắm lấy dây rốn.
Do đó, khi khám thai và thực hiện các xét nghiệm liên quan trong thời điểm này, các chuyên gia sức khỏe sẽ dễ dàng phát hiện bất thường và đưa ra xử trí kịp thời. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm lượng nước ối đã tăng cao, thích hợp để kiểm tra các dị tật ở thai nhi như hở hàm ếch, dị tật bẩm sinh ở tim, dị tật não, dị tật xương khớp…
Vào thời điểm này, mẹ bầu cũng sẽ được kiểm tra tim, phổi, huyết áp, đo chiều cao tử cung, kích thước vòng bụng và xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, xét nghiệm máu cùng một số xét nghiệm khác theo chỉ định. Ngoài ra, việc siêu âm thai 22 tuần cũng có thể cho bác sĩ biết những bất thường về nước ối, bánh nhau… để có thể đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời.
Siêu âm thai 22 tuần giúp đánh giá những gì?
Bạn đang thắc mắc siêu âm thai 22 tuần biết được những gì? Trong quá trình siêu âm, bác sĩ sẽ tiến hành các kiểm tra như:
1. Đối với thai nhi:
- Số lượng thai nhi: Nếu đây là lần đầu tiên mẹ bầu thực hiện siêu âm thai.
- Đo các chỉ số phát triển của thai nhi: Vòng đầu (Head cirumference – HC), đường kính lưỡng đỉnh (Biparietal diameter – BPD), vòng bụng (Abdomimal cirumference – AC), chiều dài xương đùi (Femur length – FL), cân nặng thai nhi ước tính (Estimated Fetal Weight – EFW)…
- Khuyết tật liên quan đến nhiễm sắc thể: Xem xét các dấu hiệu nguy cơ liên quan đến rối loạn số lượng nhiễm sắc thể.
- Kiểm tra các cơ quan, hệ thống cơ quan và cấu trúc của thai nhi, bao gồm não, hộp sọ, tim, mặt, xương, tay và chân.
- Khuôn mặt thai nhi: Kiểm tra dị tật sứt môi, hở hàm ếch, có đầy đủ hai tai hay không, khoảng cách 2 mắt, kích thước 2 nhãn cầu. Khuôn mặt của thai nhi ghi nhận được khi siêu âm thai 22 tuần có thể giống hoặc không giống với khi sinh.
- Kiểm tra tay chân thai nhi: Kiểm tra tứ chi về độ dài và số lượng xem có gì bất thường, có đầy đủ hay thiếu ngón chân ngón tay nào không; tay chân có cử động không, bàn tay có nắm, bàn chân có vuông góc cẳng chân không.
- Não, hộp sọ: Kết quả siêu âm não giai đoạn này sẽ giúp đánh giá được tình trạng phát triển não của thai nhi. Các bất thường ở đầu và não (nếu có) có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Do đó, tùy theo tường trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có những tư vấn và chỉ định thích hợp.
- Tim: Khuyết tật tim là một trong những nguyên nhân gây ra các dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của thai nhi. Khi tiến hành siêu âm thai 22 tuần, các bác sĩ sẽ kiểm tra tim nhằm giúp phát hiện sớm các khuyết tật (nếu có), từ đó đề ra phương hướng hỗ trợ/điều trị cụ thể.
- Thận, bàng quang: Bác sĩ siêu âm sẽ kiểm tra hai bộ phận này để rà soát xem có sự tắc nghẽn hay có khuyết tật nào có thể xảy ra hay không.
- Hệ tiêu hóa: Ở tuổi thai này, việc siêu âm khảo sát hệ tiêu hóa là bắt buộc, nhằm đảm bảo hệ thống tiêu hóa của thai nhi không bị tắc hay chèn ép, dị tật liên quan đến đường tiêu hóa thường gây hệ quả đa ối trung bình hoặc nặng và liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể.
2. Đối với mẹ bầu
Khi siêu âm thai 22 tuần, các bác sĩ sẽ tiến hành các kiểm tra để đánh giá các vấn đề như:
- Vị trí và kích thước bánh nhau: Quá trình siêu âm sẽ tiến hành kiểm tra xem nhau thai có kích thước bình thường và ở đúng vị trí hay không, xem xét kỹ việc mẹ bầu có bị nhau cài răng lược, nhau tiền đạo hay không. Vị trí cắm của dây rốn vào bánh nhau.
- Đo lượng nước ối: Đo lượng nước ối và đánh giá xem mẹ bầu có bị thiểu ối hay đa ối không.
- Đo chiều dài cổ tử cung: Việc này giúp tiên lượng nguy cơ sinh non.
- Kiểm tra những khối u của tử cung hoặc phần phụ của mẹ.
Lưu ý cho các mẹ bầu
Sự phát triển của thai nhi trong tuần 22
1. Phát triển hệ thần kinh
Bề mặt não bé bắt đầu phát triển các nếp nhăn và tiếp tục cho đến tuần thứ 34, đến khi bề mặt não có đủ số lượng tế bào não cần thiết. Các chất béo xây dựng bên dưới lớp da cũng rất quan trọng cho sự phát triển của hệ thần kinh ở giai đoạn này.
2. Phát triển cơ quan cảm giác
Tuần thứ 22 có thể được coi là bước ngoặt trong sự phát triển các giác quan của em bé, ví dụ như xúc giác, thị giác, thính giác và vị giác cũng phát triển đáng kể. Các dây thần kinh cũng kết nối nhiều hơn cùng với sự phát triển của não bộ góp phần tạo ra nhiều cảm giác hơn.
Mắt của bé cũng tiếp tục phát triển và con có khả năng nhận biết được ánh sáng và bóng tối rất tốt thông qua mí mắt. Tuy nhiên, màu sắc trong mắt con vẫn chưa xuất hiện.
3. Phát triển cơ quan nội tạng
Gan của thai nhi ở tuần 22 bắt đầu sản sinh ra các enzyme cần thiết để phá vỡ bilirubin, một trong những phụ phẩm chính của các tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Nồng độ bilirubin ở thai nhi sẽ cao hơn do các hồng cầu thường có tuổi thọ ngắn hơn. Bilirubin đến được nhau thai sẽ đi vào dòng máu của người mẹ để gan đào thải ra ngoài. Một cơ quan quan trọng khác cũng phát triển trong giai đoạn này là tuyến tụy, cơ quan cần thiết cho quá trình sản xuất hormone.
4. Ngoại hình
Trong thời gian này, lông mi và lông mày sẽ từ từ hình thành. Ngoài ra, tóc vẫn tiếp tục mọc trên đầu của bé. Tuy nhiên, các sắc tố vẫn chưa hình thành ở giai đoạn này, vì vậy lông mày cũng như tóc sẽ có màu trắng. Mắt, mũi, má và môi bắt đầu được phân biệt rõ ràng ở tuần 22. Làn da trong suốt trước đây bây giờ sẽ trở nên xám mờ do lớp mỡ phát triển. Lớp sáp màu trắng bao phủ cơ thể bé vẫn sẽ tiếp tục được hình thành để bảo vệ da.
5. Con yêu đã lớn đến mức độ nào?
Kích thước của thai nhi 22 tuần tuổi tương ứng với một cái bắp cải tím với độ dài khoảng 27,8 cm từ đầu tới gót chân và nặng gần 0,412 – 0,548kg (412-548g).
Hi vọng rằng qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp trong bài, các mẹ bầu đã hiểu tại sao cần thực hiện siêu âm thai tuần 22, từ đó có biện pháp chăm sóc thai kỳ tốt nhất. Hãy thường xuyên truy cập chuyên mục Mang thai của Hello Bacsi để cập nhật nhiều thông tin hữu ích mẹ bầu nhé!
[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]