Tâm lý căng thẳng và những nỗi lo khi mang thai
Bên cạnh sự thay đổi về hormone hoặc vấn đề thể chất, mẹ bầu cũng có nhiều mối lo ngại khác ảnh hưởng đến cảm xúc khi mang thai. Thực tế là dù cho cảm thấy hạnh phúc, phấn khích khi có con, mẹ bầu vẫn không tránh khỏi nhiều nỗi lo thường trực khác, các vấn đề phổ biến gây áp lực, căng thẳng thường bao gồm:
- Vấn đề tài chính khi sinh con, nuôi con
- Sự thay đổi công việc trước và sau khi sinh con
- Lo lắng về các biến chứng khi mang thai, chăm sóc thai kỳ như thế nào để không xảy ra sự cố, đặc biệt là các mẹ từng sảy thai hoặc phải nhờ đến phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Trong một số trường hợp, phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc bị bắt ép sinh con khi chưa sẵn sàng cũng sẽ cảm thấy căng thẳng, áp lực và dễ nóng giận. Kết quả tiêu cực hơn là người mẹ có thể không gắn kết được với em bé và cần được điều trị trước khi sinh.
Tức giận khi mang thai 3 tháng đầu: Mẹ nên làm gì để cân bằng cảm xúc?
Việc thay đổi tâm trạng hoặc cảm thấy dễ nóng giận khi mang thai 3 tháng đầu là một phần của thai kỳ. Mặc dù không thể tránh khỏi những cảm xúc này nhưng không có nghĩa là bạn không thể kiểm soát. Sau đây là một vài lời khuyên hữu ích giúp mẹ vượt qua sự tiêu cực và chăm sóc thai kỳ đúng cách:
Ngủ đủ giấc và duy trì lối sống lành mạnh

Chăm sóc thể chất, đặc biệt là đảm bảo chất lượng giấc ngủ, là yếu tố giúp bạn cân bằng những cảm xúc phiền muộn cũng như lấy lại sự tập trung, khả năng kiểm soát vấn đề. Ngoài giấc ngủ, mẹ bầu cũng nên chú ý ăn uống lành mạnh. Mẹ nên ăn nhiều bữa nhỏ, tránh đồ ăn dầu mỡ, nhiều gia vị; tránh nước ngọt, tránh thức uống có chất kích thích như rượu bia, cà phê sẽ rất hữu ích đối với sức khỏe thể chất lẫn cảm xúc của mẹ khi mang thai.
Mẹ bầu tập thể dục nhẹ nhàng cũng là điều được khuyến khích. Vì vậy, chị em hãy cố gắng vận động mỗi ngày nhưng cần tránh các bài tập nặng, đòi hỏi nhiều sức lực.
Áp dụng các kỹ thuật giúp bạn thư giãn
Việc cân bằng cảm xúc khi mang thai tuy không dễ dàng nhưng không phải là không thể. Bạn có thể chọn cách thực hành chánh niệm hoặc tham gia các lớp yoga. Việc này đã được chứng minh là có lợi cho thai kỳ trong việc giúp giảm căng thẳng và lo lắng.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xoa dịu cảm xúc bằng những sở thích của bản thân, đơn giản như massage, nghe nhạc, đọc sách, đi xem phim, đi dạo, viết ra những điều bạn suy nghĩ… Điều này đồng nghĩa rằng bạn không bỏ qua những cảm xúc tiêu cực nhưng đang cố gắng kiểm soát theo cách phù hợp nhất.
Kết nối và chia sẻ cảm xúc
Sự im lặng và “đóng gói” cảm xúc có thể khiến tâm trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn. Thay vì như vậy, mẹ bầu nên chia sẻ những nỗi lo, cảm xúc của mình với bạn đời, người thân hoặc người bạn đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, việc kết nối với những mẹ bầu khác cũng rất hữu ích. Bạn có thể tìm kiếm cộng đồng này bằng cách tham gia các lớp tiền sản hoặc lớp yoga dành cho bà bầu. Qua việc kết nối, các mẹ sẽ không cảm thấy đơn độc nữa, thay vào đó là được chia sẻ cảm xúc và được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt hơn.
Lo lắng, tức giận khi mang thai 3 tháng đầu là một phần bình thường của thai kỳ. Tuy nhiên, bạn không nên xem nhẹ các cảm xúc tiêu cực bởi đôi khi, đó có thể là dấu hiệu trầm cảm khi mang thai. Nếu mẹ bầu thường xuyên nóng giận, khó kiểm soát cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, giảm tập trung, giảm trí nhớ đáng kể và không cảm thấy gắn kết với em bé thì nên sớm đi khám để được tư vấn, điều trị.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!