backup og meta

Tức giận khi mang thai 3 tháng đầu: Mẹ nên làm gì để cân bằng cảm xúc?

Tức giận khi mang thai 3 tháng đầu: Mẹ nên làm gì để cân bằng cảm xúc?

Bên cạnh cảm giác phấn khích, hạnh phúc khi mới mang thai, nhiều mẹ không tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như lo lắng hoặc dễ tức giận khi mang thai 3 tháng đầu. Tâm trạng thất thường trong thai kỳ là điều bình thường và phổ biến. Điều này thường do tác động từ sự thay đổi nội tiết tố và nhiều yếu tố khác.

Bạn quan tâm vấn đề vì sao mẹ bầu dễ nóng giận, đặc biệt là khi mới mang thai và làm thế nào để kiểm soát tốt cảm xúc trong thai kỳ… nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng? Nếu vậy, bạn có thể tìm hiểu thông tin hữu ích được tổng hợp qua bài viết sau của Hello Bacsi!

Vì sao mẹ dễ cảm thấy tức giận khi mang thai 3 tháng đầu?

Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai được cho là ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc của mẹ bầu. Không chỉ có nội tiết tố, các tình trạng sức khỏe cũng như những nỗi lo thường nhật khác cũng có thể khiến mẹ bầu căng thẳng, dễ nóng giận. Nếu quan tâm đến nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ tức giận khi mang thai 3 tháng đầu, sau đây là những lý giải chi tiết bạn có thể tìm hiểu thêm:

Sự thay đổi nội tiết tố (hormone) khi mới mang thai

Việc tăng nồng độ hormone estrogen và progesterone trong máu là điều cần thiết để có một thai kỳ bình thường, khỏe mạnh. Tuy nhiên, sự thay đổi đáng kể các hormone trong tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu) có thể gây ra một số “tác dụng phụ”.

Trong đó, ngoài sự mệt mỏi và khó chịu, thay đổi nội tiết tố cũng có thể gây ảnh hưởng đến tâm trạng của mẹ bầu. Chị em có thể cảm thấy dễ buồn bã, dễ cáu kỉnh, tức giận khi mang thai 3 tháng đầu, thậm chí là rất dễ khóc. Hiện tượng này là phổ biến và bình thường. Một khi cơ thể mẹ đã thích nghi với nồng độ hormone tăng cao, các vấn đề kể trên có thể biến mất. Ngoại trừ một số trường hợp, phụ nữ vẫn có thể trải qua điều này trong suốt thai kỳ.

Dễ tức giận khi mang thai 3 tháng đầu do sự khó chịu về thể chất

tức giận khi mang thai 3 tháng đầu

Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ thường là lúc mẹ bị ốm nghén nghiêm trọng nhất. Cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa thường không nghiêm trọng nhưng có thể gây khó chịu, mệt mỏi. Đối với mẹ bầu đi làm hoặc khi đến nơi công cộng, những cơn ốm nghén bất chợt cũng sẽ gây lo lắng và căng thẳng.

Theo lẽ tự nhiên, khi cảm thấy không khỏe thì khả năng bình tĩnh và tự chủ của một người cũng sẽ thấp hơn. Vì vậy có thể nói, sự mệt mỏi và khó chịu về thể chất khi mang thai cũng là nguyên nhân khiến mẹ lo lắng và dễ nóng giận, đặc biệt là trong 3 tháng đầu.

Tâm lý căng thẳng và những nỗi lo khi mang thai

Bên cạnh sự thay đổi về hormone hoặc vấn đề thể chất, mẹ bầu cũng có nhiều mối lo ngại khác ảnh hưởng đến cảm xúc khi mang thai. Thực tế là dù cho cảm thấy hạnh phúc, phấn khích khi có con, mẹ bầu vẫn không tránh khỏi nhiều nỗi lo thường trực khác, các vấn đề phổ biến gây áp lực, căng thẳng thường bao gồm:

  • Vấn đề tài chính khi sinh con, nuôi con
  • Sự thay đổi công việc trước và sau khi sinh con
  • Lo lắng về các biến chứng khi mang thai, chăm sóc thai kỳ như thế nào để không xảy ra sự cố, đặc biệt là các mẹ từng sảy thai hoặc phải nhờ đến phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Trong một số trường hợp, phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc bị bắt ép sinh con khi chưa sẵn sàng cũng sẽ cảm thấy căng thẳng, áp lực và dễ nóng giận. Kết quả tiêu cực hơn là người mẹ có thể không gắn kết được với em bé và cần được điều trị trước khi sinh.

Tức giận khi mang thai 3 tháng đầu: Mẹ nên làm gì để cân bằng cảm xúc?

Việc thay đổi tâm trạng hoặc cảm thấy dễ nóng giận khi mang thai 3 tháng đầu là một phần của thai kỳ. Mặc dù không thể tránh khỏi những cảm xúc này nhưng không có nghĩa là bạn không thể kiểm soát. Sau đây là một vài lời khuyên hữu ích giúp mẹ vượt qua sự tiêu cực và chăm sóc thai kỳ đúng cách: 

Ngủ đủ giấc và duy trì lối sống lành mạnh

tức giận khi mang thai 3 tháng đầu

Chăm sóc thể chất, đặc biệt là đảm bảo chất lượng giấc ngủ, là yếu tố giúp bạn cân bằng những cảm xúc phiền muộn cũng như lấy lại sự tập trung, khả năng kiểm soát vấn đề. Ngoài giấc ngủ, mẹ bầu cũng nên chú ý ăn uống lành mạnh. Mẹ nên ăn nhiều bữa nhỏ, tránh đồ ăn dầu mỡ, nhiều gia vị; tránh nước ngọt, tránh thức uống có chất kích thích như rượu bia, cà phê sẽ rất hữu ích đối với sức khỏe thể chất lẫn cảm xúc của mẹ khi mang thai.

Mẹ bầu tập thể dục nhẹ nhàng cũng là điều được khuyến khích. Vì vậy, chị em hãy cố gắng vận động mỗi ngày nhưng cần tránh các bài tập nặng, đòi hỏi nhiều sức lực.

Áp dụng các kỹ thuật giúp bạn thư giãn

Việc cân bằng cảm xúc khi mang thai tuy không dễ dàng nhưng không phải là không thể. Bạn có thể chọn cách thực hành chánh niệm hoặc tham gia các lớp yoga. Việc này đã được chứng minh là có lợi cho thai kỳ trong việc giúp giảm căng thẳng và lo lắng.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xoa dịu cảm xúc bằng những sở thích của bản thân, đơn giản như massage, nghe nhạc, đọc sách, đi xem phim, đi dạo, viết ra những điều bạn suy nghĩ… Điều này đồng nghĩa rằng bạn không bỏ qua những cảm xúc tiêu cực nhưng đang cố gắng kiểm soát theo cách phù hợp nhất.

Kết nối và chia sẻ cảm xúc

Sự im lặng và “đóng gói” cảm xúc có thể khiến tâm trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn. Thay vì như vậy, mẹ bầu nên chia sẻ những nỗi lo, cảm xúc của mình với bạn đời, người thân hoặc người bạn đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, việc kết nối với những mẹ bầu khác cũng rất hữu ích. Bạn có thể tìm kiếm cộng đồng này bằng cách tham gia các lớp tiền sản hoặc lớp yoga dành cho bà bầu. Qua việc kết nối, các mẹ sẽ không cảm thấy đơn độc nữa, thay vào đó là được chia sẻ cảm xúc và được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt hơn.

Lo lắng, tức giận khi mang thai 3 tháng đầu là một phần bình thường của thai kỳ. Tuy nhiên, bạn không nên xem nhẹ các cảm xúc tiêu cực bởi đôi khi, đó có thể là dấu hiệu trầm cảm khi mang thai. Nếu mẹ bầu thường xuyên nóng giận, khó kiểm soát cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, giảm tập trung, giảm trí nhớ đáng kể và không cảm thấy gắn kết với em bé thì nên sớm đi khám để được tư vấn, điều trị.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Emotions during pregnancy

https://www.nct.org.uk/pregnancy/how-you-might-be-feeling/emotions-during-pregnancy Truy cập ngày 27/12/2022

Mood Swings During Pregnancy

https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-health-wellness/mood-swings-during-pregnancy/ Truy cập ngày 27/12/2022

Pregnancy stages and changes

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/pregnancy-stages-and-changes Truy cập ngày 27/12/2022

Prenatal anger effects on the fetus and neonate

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12521495/ Truy cập ngày 27/12/2022

Why You Have Mood Swings During Pregnancy and How to Cope

https://www.verywellfamily.com/mood-swings-during-pregnancy-4159590#:~:text=Some%20women%20experience%20irritability%20and,frustration%20and%20anger%20during%20pregnancy. Truy cập ngày 27/12/2022

Phiên bản hiện tại

29/12/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Tư thế nằm ngủ khi mang thai 3 tháng đầu như thế nào là tốt cho thai kỳ?

Giải đáp: Quan hệ khi mang thai 3 tháng đầu có gây sảy thai, cần lưu ý gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 29/12/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo