Siêu âm thai 6 tuần là thủ thuật cần thiết nhằm xác định chính xác bạn có đang mang thai hay không và những bất thường nếu có.
Thông thường, phải đến tuần thứ 6 của thai kỳ, mẹ bầu mới có thể phát hiện ra rằng bản thân đang mang thai. Phôi thai lúc này có kích thước rất nhỏ, vào khoảng 0.6 cm và chỉ bằng một hạt đậu.
Tuy thế nhưng bắt đầu từ tuần mang thai thứ 6, các mẹ bầu đã có thể nhìn thấy được hình ảnh đầu tiên của phôi thai trong bụng thông qua sóng siêu âm.
Vậy lần siêu âm thai đầu tiên sẽ có gì đặc biệt, mẹ bầu cần chuẩn bị gì khi siêu âm thai 6 tuần tuổi? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm về siêu âm thai ở tuần thứ 6 của thai kỳ qua bài viết này nhé!
1. Lý do cần siêu âm thai ở tuần thứ 6
Siêu âm thai 6 tuần tuổi rất quan trọng trong việc theo dõi sự phát triển của bào thai. Các bác sĩ cần thực hiện siêu âm thai 6 tuần tuổi để:
- Khẳng định lại sự hiện diện của bào thai: Siêu âm là phương pháp đơn giản để khẳng định lại kết quả thử thai tại nhà bằng que thử. Nếu nhận thấy phôi thai, bác sĩ có thể khẳng định chắc chắn rằng bạn đã có thai.
- Xác định vị trí của phôi thai: Thông qua siêu âm thai, bác sĩ có thể xác định vị trí chính xác của phôi thai, để từ đó loại trừ nguy cơ mang thai ngoài tử cung, một tình trạng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ nếu không được phát hiện kịp thời.
- Xác định số lượng phôi thai: Bằng phương pháp siêu âm, bác sĩ có thể xác định được số lượng phôi thai trong cơ thể mẹ bầu, từ đó xem xét liệu bạn có mang đa thai hay không.
- Tìm kiếm túi noãn hoàng: Túi noãn hoàng là một cấu trúc được hình thành từ phôi, có vai trò cung cấp chất dinh dưỡng cho phôi thai phát triển ở những tuần đầu tiên của thai kỳ. Trong 2 tháng đầu, túi noãn hoàng còn có nhiệm vụ tạo máu và tạo mạch. Túi noãn hoàng thường gắn chặt với phôi. Vì vậy, nếu siêu âm không thấy túi hoặc kích thước túi to hơn bình thường thì khả năng thai có thể ngừng phát triển.
- Xác định thời gian thụ thai: Nhiều phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều khiến bác sĩ khó ước tính thời gian thụ thai, từ đó khó có thể xác định được ngày dự sinh cụ thể. Việc siêu âm trong 3 tháng đầu của thai kỳ giúp xác định ngày thụ thai được dễ dàng hơn. Nhìn chung, việc siêu âm được thực hiện càng sớm thì khả năng ước tính thời gian thụ thai càng chính xác.
- Theo dõi nguy cơ sảy thai của thai phụ: Siêu âm có thể giúp bác sĩ phát hiện ra những bất thường ở thai kỳ trong giai đoạn sớm, ví dụ như túi thai nhỏ hoặc không đều, sự bóc tách túi thai… để từ đó bác sĩ cho thêm thuốc dưỡng thai.
- Theo dõi kết quả điều trị hiếm muộn/thụ tinh trong ống nghiệm trước khi thụ thai thành công.
- Phát hiện lý do tiềm ẩn đằng sau những cơn đau bất thường nếu có.
- Kiểm tra các cơ quan vùng chậu của người mẹ, ví dụ: u xơ cơ tử cung, u nang buồng trứng…
- Cung cấp hình ảnh cụ thể hơn về sự tăng trưởng của em bé.
2. Siêu âm thai 6 tuần tuổi thường diễn ra như thế nào?
Các mẹ bầu chắc chắn rất háo hức chờ đón buổi siêu âm này. Ở giai đoạn đầu của thai kỳ, thai còn khá nhỏ và nằm sâu trong tử cung của mẹ nên khó có thể quan sát được bằng siêu âm bụng thông thường.
Thay vào đó, các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp siêu âm theo đường âm đạo. Một đầu dò sẽ được đưa vào âm đạo. Đầu dò này sẽ phát ra sóng siêu âm và sau đó thu nhận lại hình ảnh trên màn hình bên ngoài. Hình thức siêu âm qua ngả âm đạo có thể cung cấp hình ảnh thai nhi rõ nét hơn trong giai đoạn này.
3. Cần chuẩn bị gì khi siêu âm thai lần đầu?
Thông thường, phương pháp siêu âm không đòi hỏi bạn phải chuẩn bị quá nhiều. Tuy nhiên, nếu siêu âm đường bụng, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn uống nhiều nước trước khi tiến hành. Điều này giúp việc quan sát hình ảnh của thai được rõ ràng hơn.
Bạn nên uống từ 4-5 ly nước trước khi siêu âm khoảng 1 giờ. Còn nếu siêu âm đường âm đạo, bạn sẽ được yêu cầu đi tiểu sạch để làm trống bàng quang trước khi siêu âm.
4. Buổi siêu âm thường kéo dài trong bao lâu?
Quá trình siêu âm không mất nhiều thời gian. Toàn bộ quá trình thường kết thúc trong khoảng vài phút, rất ít khi kéo dài quá nửa giờ.
5. Siêu âm tim thai ở tuần thứ 6 của thai kỳ
Trong quá trình siêu âm, ngoài hình ảnh của thai, bạn cũng có thể theo dõi được nhịp tim của thai nhi trên màn hình. Thông thường, khi bước vào tuần thứ 6 của thai kỳ, thai nhi đã hình thành tim thai và bác sĩ có thể theo dõi nhịp tim của bé thông qua siêu âm. Vào tuần thứ 6, nhịp tim trung bình của thai nhi dao động 110 đến 180 nhịp mỗi phút.
Tuy nhiên, mỗi thai nhi có một sự phát triển khác nhau. Vì vậy đôi khi nhịp tim của một vài bé còn yếu và khó có thể xác định bằng siêu âm. Các bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi thêm nhịp tim ở những tuần sau của thai kỳ. Mẹ bầu cũng đừng quá lo lắng nếu vẫn chưa thấy nhịp tim của con ở tuần thứ 6.
Bạn có thể quan tâm: 7 câu hỏi thường gặp về thai 6 tuần chưa có tim thai
6. Siêu âm thai 6 tuần tuổi: Những điều bạn cần nhớ
Ở tuần thứ 6 của thai kỳ, em bé chỉ nằm yên trong bụng bạn nhưng đôi khi có thể chuyển động nhẹ. Nếu kết quả siêu âm cho thấy tình trạng bé ổn định, bạn đã tạm có thể yên tâm.
Tuy nhiên, đây là giai đoạn dễ xảy ra tình trạng sảy thai, vì vậy các mẹ bầu vẫn cần phải hết sức cẩn thận. Hãy thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân, nếu bạn thấy những dấu hiệu bất thường xảy ra trong thai kỳ, hãy đến gặp bác sĩ sản khoa ngay.
Mang thai là một quá trình hết sức thiêng liêng và lần đầu tiên được nhìn thấy hình ảnh của con qua siêu âm có lẽ sẽ là kỷ niệm khó quên đối với nhiều mẹ bầu.
Tuần thứ 6 của thai kỳ là thời gian sớm nhất để thực hiện siêu âm thai. Siêu âm thai 6 tuần tuổi không chỉ giúp các bác sĩ quan sát tình trạng của bé mà còn giúp theo dõi tình trạng của mẹ.
Hello Bacsi hy vọng rằng bài viết này đã mang lại nhiều thông tin có ích cho các mẹ bầu về siêu âm thai 6 tuần tuổi và những thông tin xoay quanh buổi siêu âm này.
[embed-health-tool-due-date]