Mang thai là giai đoạn cơ thể mẹ bầu trải qua nhiều thay đổi. Đặc biệt, sự dao động của nội tiết tố trong thai kỳ khiến sức đề kháng của mẹ bầu suy yếu hơn. Điều này mở ra cơ hội cho các tình trạng nhiễm trùng và viêm gây nên vấn đề sưng hạch bạch huyết khi mang thai.
Hạch bạch huyết hay còn gọi là hạch lympho là một phần của hệ bạch huyết. Về hình thái, hạch bạch huyết trông giống hạt đậu, hình bầu dục nằm rải rác khắp cơ thể và được nối với nhau bởi hệ mạch. Hạch bạch huyết được xem là thành phần quan trọng nhất của hệ thống miễn dịch ở người. Bởi lẽ, chúng chứa các tế bào miễn dịch đảm nhiệm vai trò lọc hoặc bẫy các thành phần “lạ” xâm nhập vào cơ thể.
Bên cạnh đó, hạch cũng có ý nghĩa trong việc giúp chẩn đoán một số bệnh, từ viêm họng nhẹ cho đến ung thư. Tình trạng sưng hạch bạch huyết là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang gặp vấn đề. Theo đó, tình trạng này hoàn toàn có thể xảy ra trong thai kỳ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu cần nắm rõ những thông tin cần thiết sau đây.
Sưng hạch bạch huyết khi mang thai và cách nhận biết
Như đã đề cập, sự thay đổi về cả nội tiết lẫn thể chất trong thời gian bầu bí khiến bạn dễ gặp phải các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Khi đó, hạch bạch huyết sẽ phát huy vai trò là rào chắn bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, hạch bạch huyết có thể bị sưng hoặc viêm tùy vào mức độ nghiêm trọng.
Về cơ bản, hạch lympho thường tập trung chủ yếu ở cổ, sau tai, dưới cằm, nách, bẹn… nên khi hạch bị sưng, bạn có thể quan sát dễ dàng chúng tại những vị trí này. Biểu hiện sưng hạch cũng ngầm báo hiệu rằng cơ thể bạn đang phản ứng lại với những phần tử ngoại lai. Nổi hạch bạch huyết là tình trạng khá phổ biến nhưng nếu mẹ bầu nhận thấy vấn đề này kéo dài hơn một hoặc hai tuần thì nên đến bệnh viện để được thăm khám nhằm có hướng giải quyết kịp thời.
“Điểm mặt’ những nguyên nhân gây sưng hạch bạch huyết khi mang thai
Hạch bị sưng khi chạm vào có thể cảm thấy đau, khó chịu, một số trường hợp còn có triệu chứng sốt, sụt cân. Tuy nhiên, đây là một dấu hiệu tốt cho thấy hệ miễn dịch của bạn vẫn đang hoạt động tốt.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến chứng sưng hạch bạch huyết. Các nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng (bệnh sởi, cảm lạnh do virus…), nhiễm khuẩn (viêm họng, bệnh lao…), nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng hoặc đơn giản chỉ là do dị ứng với một loại thuốc bất kỳ.
Ở bà bầu hoặc mẹ sau sinh, tình trạng này đôi khi bắt nguồn từ quá trình sản xuất sữa khiến hạch nổi ở vùng dưới cánh tay hoặc xuất hiện ở cổ do viêm đường hô hấp trên trong thai kỳ. Nhiều bà mẹ tương lai cũng bị nổi hạch sau khi tiêu thụ các loại thực phẩm chưa chế biến kỹ.
Biểu hiện của chứng sưng hạch bạch huyết khi mang thai
Việc tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus gây bệnh có thể dẫn đến tình trạng sưng hạch bạch huyết. Bên cạnh việc nổi các khối u với kích thước khác nhau thì có các triệu chứng phổ biến khác đi kèm bao gồm sổ mũi, sốt, đau họng, ra mồ hôi về đêm, mệt mỏi chán ăn, ho dai dẳng… Những biểu hiện này thường là dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu đang mắc một loại bệnh nào đó hoặc tình trạng nhiễm trùng gây ra sưng hạch. Đôi khi bạn cũng có thể mắc một số dấu hiệu khác không được liệt kê ở trên.
Có thể bạn quan tâm: Nổi mề đay khi mang thai: Mẹ bầu nên chữa như thế nào mới hiệu quả?
Chẩn đoán tình trạng sưng hạch bạch huyết khi mang thai
Kích thước của hạch bạch huyết khi nổi lên có thể to, nhỏ khác nhau. Một số cử động thông thường hoặc vô ý chạm vào nốt hạch sẽ khiến bạn cảm thấy đau, nhức. Nếu gặp phải tình trạng sưng hạch bạch huyết khi mang thai, rất có thể bạn sẽ bị đau khi nhai một vài loại thực phẩm hoặc thậm chí khi xoay cổ theo một hướng nhất định.
Nổi hạch ở vùng kín khi mang thai, nổi hạch ở nách khi mang thai hoặc bất kỳ vị trí nào cũng sẽ khiến mẹ lo lắng. Cách tốt nhất là bạn nên đến bệnh viện kiểm tra nếu nghi ngờ mình đang gặp phải vấn đề này. Một khi được xác nhận mẹ bầu bị sưng hạch bạch huyết, bác sĩ sẽ tiến hành một vài chẩn đoán khác để xác định nguyên nhân. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh án của bạn trước đó, đồng thời thực hiện thêm một số bài kiểm tra thể chất.
Khi chưa chắc chắn về một nguyên nhân bất kỳ, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu để tầm soát các nguy cơ. Ngoài những bước kiểm tra trên, bạn cũng có thể được chụp cộng hưởng từ (MRI) nhằm mục đích xác định nguồn lây nhiễm hoặc phát hiện các khối u tiềm ẩn trong thai kỳ.
Hướng điều trị sưng hạch bạch huyết trong thai kỳ
Một số trường hợp nổi, sưng hạch do cảm lạnh thì tình trạng này sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Riêng nếu nguyên nhân bắt nguồn từ các bệnh nhiễm khuẩn, lúc này bạn có thể cần sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị. Ở thai phụ gặp vấn đề nghiêm trọng hơn như ung thư, thì phẫu thuật hoặc hóa trị, xạ trị sẽ được cân nhắc tùy vào tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi.
Để giảm đau do hạch bạch huyết, bạn có thể dùng một miếng gạc thấm nước ấm đặt lên vùng da bị ảnh hưởng. Lưu ý tuyệt đối không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Bởi lẽ, trong thai kỳ, mẹ bầu nên hạn chế sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Biện pháp phòng ngừa nổi hạch bạch huyết cho mẹ bầu
Để ngăn vấn đề sưng hạch bạch huyết xảy ra trong thai kỳ, bạn nên thực hành các thói quen tốt cho sức khỏe. Mẹ bầu nên tránh tiếp xúc với những đối tượng mắc các bệnh ở đường hô hấp. Hơn nữa, cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo bão hòa. Gợi ý là bạn có thể tận dụng lợi ích đến từ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả tươi trong thực đơn của mình để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nếu nhận thấy tình trạng sưng hạch bạch huyết khi mang thai có liên quan đến sốt, sụt cân hoặc ra mồ hôi nhiều về đêm, bạn cần có sự can thiệp y tế ngay lập tức. Trường hợp nổi hạch có liên quan đến cảm lạnh hoặc cảm cúm nhưng kéo dài hơn một tuần, bạn vẫn nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Hy vọng rằng những thông tin hữu ích trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng sưng hạch bạch huyết khi mang thai. “Cẩn tắc vô ưu”, mỗi khi đi khám thai định kỳ hay đột xuất, mẹ bầu đừng quên thông báo mọi triệu chứng bất thường cho bác sĩ để được tư vấn, xử lý các vấn đề sức khỏe kịp thời nhé!
Minh Phú/HELLO BACSI
[embed-health-tool-due-date]