backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Mẹ bầu có nên lo lắng khi tỷ lệ bạch cầu lympho giảm trong thai kỳ?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 14/01/2020

    Mẹ bầu có nên lo lắng khi tỷ lệ bạch cầu lympho giảm trong thai kỳ?

    Bạch cầu lympho là một tế bào đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của con người. Tuy nhiên, tình trạng tỷ lệ bạch cầu lympho giảm trong quá trình mang thai lại là một điều hết sức bình thường.

    Tại sao tỷ lệ bạch cầu lympho lại giảm trong thai kỳ và việc giảm sút này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ bầu và em bé hay không? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết này nhé!

    Bạch cầu lympho là gì?

    Bạch cầu lympho là một tế bào đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng đề kháng. Bạch cầu lympho, cùng với các loại bạch cầu khác, tạo nên hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân bên ngoài. Lympho bào tạo ra kháng thể giúp chúng ta chống lại các loại vi khuẩn, virus, nấm và các tế bào có thể tăng sinh tạo thành khối u.

    Tế bào lympho được tạo ra từ tủy xương của cơ thể. Đối với thai nhi còn trong bụng mẹ, bạch cầu lympho được hình thành dưới dạng tế bào gan chưa biệt hóa. Lympho bào giúp phát triển hệ thống miễn dịch cũng như nhận diện được sự có mặt của các “yếu tố lạ” có thể đe dọa đến sức khỏe con người.

    Có hai loại bạch cầu lympho chính là B và T.

    Bạch cầu lympho B bảo vệ cơ thể thông qua cơ chế đáp ứng miễn dịch dịch thể nhờ kháng thể, góp phần trong việc chống lại vi khuẩn và một số loại virus. Trong khi đó, các loại lympho T tham gia đáp ứng miễn dịch thông qua trung gian tế bào, tác dụng đa dạng trên các loại nấm, vi khuẩn, virus và một số các tế bào ung thư. Những tế bào này kiểm soát các phản ứng miễn dịch của cơ thể, kích hoạt hoặc bất hoạt các phản ứng này khi cần thiết.

    Tỷ lệ bạch cầu lympho bình thường trong máu?

    Tỷ lệ bạch cầu lympho là một trong những yếu tố quan trọng giúp phát hiện ra những bất thường trong cơ thể, đặc biệt là nhiễm trùng hoặc nhiễm virus. Tỷ lệ bạch cầu lympho ở phụ nữ mang thai thường sẽ thay đổi so với người bình thường và thay đổi tùy thuộc giai đoạn của thai kỳ.

    • Tỷ lệ bạch cầu lympho của người trưởng thành bình thường nằm trong khoảng 0,7 – 4,6 tỷ tế bào/1 lít máu.
    • Trong tam cá nguyệt đầu tiên, tỷ lệ bạch cầu lympho trong máu mẹ bầu có sự thay đổi, giới hạn dưới tăng lên 1,1 – 3,6 tỷ tế bào/1 lít máu.
    • Trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ, tỷ lệ này là 0,9 – 3,9 tỷ tế bào/1 lít máu.
    • Trong tam cá nguyệt cuối cùng, tỷ lệ này duy trì trong giới hạn 1 – 3,6 tỷ tế bào/1 lít máu.

    Những nguyên nhân khiến tỷ lệ bạch cầu lympho giảm trong thai kỳ?

    Tình trạng tỷ lệ bạch cầu lympho giảm trong thai kỳ là một việc hết sức bình thường. Khi bắt đầu thụ thai và trong giai đoạn phôi chờ di chuyển vào tử cung, cơ thể bắt buộc phải thay đổi một vài cơ chế để đảm bảo các quá trình này được diễn ra thuận lợi.

    Đối với cơ thể con người, phôi thai là một “thành viên mới”, hệ thống miễn dịch có thể tác động lên phôi thai và làm hại chúng. Vì vậy, cơ thể cần tự điều chỉnh để ngăn chặn phản ứng của hệ thống miễn dịch.

    Một trong những cơ chế điều hòa của cơ thể chính là giảm số lượng tế bào lympho, từ đó khiến tỷ lệ bạch cầu lympho giảm. Cũng nhờ đó, phôi có thể “làm tổ” và phát triển thành thai nhi một cách thành công và dễ dàng hơn.

    Tuy nhiên, trong giai đoạn này, cơ thể người mẹ vẫn cần được bảo vệ ở mức độ tối đa, vì vậy một số tế bào khác như bạch cầu trung tính được kích hoạt, tạm thời đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cơ thể người mẹ khỏi những tác nhân bên ngoài.

    Tỷ lệ bạch cầu lympho trong cơ thể có xu hướng duy trì ổn định trong giới hạn kể trên. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ này giảm thấp hơn giới hạn quy định, đây có thể là dấu hiệu của một số tình trạng nguy hiểm như:

    • Bất đồng nhóm máu Rh, hiện tượng này xảy ra khi yếu tố Rh trong máu của mẹ và bé có sự bất đồng, từ đó có thể khiến tỷ lệ bạch cầu lympho giảm bất thường.
    • Các mô của bé không tương thích với mẹ, tình trạng này có thể gây nên một số phản ứng dị ứng.
    • Xuất hiện nhiễm trùng, đôi khi xuất hiện một số tình trạng gây nguy hiểm đến mẹ và bé như nhiễm HIV.
    • Một số bệnh lý mạn tính ở mẹ như viêm dạ dày, viêm bàng quang…
    • Tình trạng thiếu hụt một số khoáng chất và vitamin cũng khiến cơ thể suy yếu.
    • Béo phì hoặc sử dụng ma túy và rượu liên tục.

    Tỷ lệ bạch cầu lympho giảm trong quá trình mang thai có gây biến chứng gì hay không?

    Tỷ lệ bạch cầu lympho giảm 1

    Cơ thể con người có cơ chế tự cân bằng để thích nghi với những thay đổi bên trong hoặc bên ngoài, từ đó giữ cho các chức năng trong cơ thể hoạt động bình thường và ổn định. Khi tỷ lệ bạch cầu lympho giảm xuống, cơ thể tăng sinh các tế bào khác như bạch cầu trung tính để thay thế, từ đó giúp bảo vệ sức khỏe của người mẹ. Tuy nhiên, cơ chế này không phải lúc nào cũng có hiệu quả. Sau đây là những biến chứng có thể xảy ra khi tỷ lệ bạch cầu lympho giảm ở phụ nữ mang thai:

    • Việc giảm số lượng các tế bào bạch cầu lympho có thể làm suy yếu cơ thể của mẹ bầu vốn còn đang phải chống lại một số thay đổi bên trong.
    • Tỷ lệ bạch cầu lympho giảm sút có thể khiến cơ thể trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi các tác nhân bên ngoài hơn, như biến động nhiệt độ, thay đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm không khí hoặc những vấn đề khác.
    • Dù cơ thể đã tăng cường sản xuất các loại tế bào khác để thay thế cho lympho bào, tuy nhiên trong một vài trường hợp, các vi khuẩn vẫn có thể đi vào cơ thể và gây ra một số bệnh nhiễm trùng.

    Bạn có thể làm gì để ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra?

    Chúng ta không thể làm gì để tác động vào quá trình sụt giảm tỷ lệ bạch cầu lympho vì đây là một quá trình tự nhiên và cực kỳ cần thiết cho sự phát triển của em bé trong bụng.

    Tuy nhiên, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra đầy đủ và phát hiện sớm các bệnh trong cơ thể, từ đó tìm ra hướng điều trị triệt để trước khi lên kế hoạch mang thai. Sự hiện diện của bất kỳ một bệnh nào cũng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của người mẹ cũng như ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.

    Các thực phẩm bổ sung hoặc thuốc có thể được sử dụng để tăng cường đề kháng của mẹ. Việc đảm bảo sức khỏe của người mẹ có ý nghĩa quyết định trong việc duy trì sức khỏe và sự phát triển của em bé trong bụng. Các bà mẹ cần điều chỉnh lối sống và tránh tiếp xúc với các nguồn có thể gây nhiễm khuẩn cao.

    Một số mẹo nhỏ giúp mẹ tăng cường hệ miễn dịch khi mang thai

    Để tăng cường khả năng miễn dịch khi mang thai, bạn có thể tuân theo một số những mẹo nhỏ sau đây:

    • Bạn không nên lo lắng quá nhiều vì tỷ lệ bạch cầu lympho giảm trong quá trình mang thai vì tình trạng căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
    • Nên tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh gồm nhiều ngũ cốc, rau, trái cây và thịt nạc. Các loại thực phẩm này có thể giúp mẹ bầu trở nên khỏe mạnh hơn và cũng an toàn cho em bé.
    • Cùng với đó, bạn có thể uống bổ sung thêm một số loại thực phẩm và thuốc khác để giúp tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, mẹ bầu cần tham khảo qua ý kiến bác sĩ và các chuyên gia trước khi muốn sử dụng bất kỳ một loại thuốc hay thực phẩm hỗ trợ nào.

    Giai đoạn mang thai có thể gây ra rất nhiều thay đổi trong cơ thể bạn. Cơ thể cần điều chỉnh lại lượng bạch cầu lympho nhằm tạo điều kiện cho trứng có thể làm tổ và phát triển một cách an toàn. Tuy nhiên, cùng với sự giảm số lượng các bạch cầu lympho trong máu, cơ thể cũng có cơ chế sản sinh ra các loại tế bào khác giúp chống lại nhiều tác nhân gây hại bên ngoài. Bằng nhiều cơ chế khác nhau, cơ thể tự điều chỉnh để đảm bảo sức khỏe cho cả bạn và bé.

    Phương Quỳnh / HELLO BACSI 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 14/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo