backup og meta

Hỏi đáp bác sĩ: Túi ối méo và bị ra máu có phải là dấu hiệu sắp sảy thai?

Hỏi đáp bác sĩ: Túi ối méo và bị ra máu có phải là dấu hiệu sắp sảy thai?

Bạn đọc hỏi


Chào bác sĩ
Em 27 tuổi, mang thai lần đầu được 6 tuần 5 ngày, siêu âm thai được bác sĩ cho biết đã có phôi thai và tim thai nhưng túi ối bị méo cần theo dõi thêm. Hiện em bị ra ít huyết nâu đen và có cảm giác đau bụng râm ran nên rất hoang mang. 
Bác sĩ cho em hỏi túi ối méo bị ra máu có phải là dấu hiệu sắp sảy thai? Túi ối méo có phải là một dấu hiệu xấu? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp để em có thể giữ thai và thai phát triển khỏe mạnh ạ. Em cảm ơn bác sĩ! (Hồng Thu, thị trấn tân Biên, Tây Ninh)

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn Hồng Thu, 

Với câu hỏi “Túi ối méo bị ra máu có phải là dấu hiệu sắp sảy thai? Phương pháp dưỡng thai giúp giữ thai, thai phát triển khỏe mạnh?’ của bạn Hồng Thu, bác sĩ Nguyễn Thị Nhung, bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa, hiện đang là chuyên gia tham vấn y khoa cho các chuyên mục Sức khỏe phụ nữ, Mang thai của website Hello Bacsi, sẽ giải đáp như sau:

1. Túi ối méo và bị ra máu là dấu hiệu cảnh báo điều gì? 

Túi ối  hay màng ối là một túi hình thành từ màng ối và màng đệm, chứa nước ối và bao bọc lấy thai nhi và các phần phụ thai.

Nước ối là chất lỏng màu trong suốt xuất hiện từ ngày thứ 12 kể từ sau khi thụ thai. Chất lỏng này vừa đóng vai trò là lớp đệm cho thai nhi phát triển, vừa hỗ trợ quá trình trao đổi chất dinh dưỡng, nước và các sản phẩm sinh hóa giữa mẹ và thai được thuận lợi.

 Một túi ối bình thường sẽ có hình dáng căng tròn hoặc dạng bầu dục bao bọc lấy thai nhi và tổ chức phần phụ. Khi trên siêu âm, túi ối mất đi độ căng, méo mó và có dịch ở dưới màng đệm được coi là túi ối méo, là một dấu hiệu cảnh báo thai bất thường.

Túi ối méo trên siêu âm kèm theo hiện tượng ra máu âm đạo là những dấu hiệu cảnh báo sảy thai mà mẹ bầu cần chú ý. 

Sảy thai là hiện tượng kết thúc thai nghén trước khi thai có thể sống được và thường xảy ra trong 3 tháng đầu mang thai. 

Dọa sảy thai là giai đoạn đầu của sảy thai, cần phát hiện sớm để theo dõi và điều trị kịp thời.

2. Túi ối méo và bị ra máu: Cần tái khám khi nào? 

túi ối méo và bị ra máu

Khi siêu âm có hình ảnh túi ối méo và đang ra máu âm đạo, đã được thăm khám và điều trị, mẹ bầu nên tái khám lại sau 1 tuần. Tuy nhiên, nếu xuất hiện triệu chứng mới như đau bụng, ra máu nhiều hơn thì nên khám lại ngay hoặc nếu bạn quá lo lắng có thể tái khám sớm hơn.

Túi ối méo và bị ra máu, mẹ bầu có thể cần làm những xét nghiệm nào? Khi tái khám, mẹ bầu có thể được yêu cầu làm một số các xét nghiệm như:

  • hCG: một loại hormone được sản xuất bởi nhau thai. Chỉ số hCG thấp, giảm hoặc không tăng là dấu hiệu của sảy thai, thai ngừng phát triển.
  • Siêu âm thai: Đánh giá lại tình trạng túi ối, tình trạng phôi và tim thai.
  • Các xét nghiệm khác: Ngoài ra, tùy vào tình trạng ra máu, sức khỏe của mẹ bầu bác sĩ có thể đề nghị thêm các xét nghiệm khác như: tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, đông máu cơ bản…

3. Túi ối méo và bị ra máu: Mẹ bầu cần chăm sóc thai kỳ thế nào để giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh?

Nếu được chẩn đoán túi ối méo và bị ra máu, ngoài dùng thuốc theo  hướng dẫn của bác sĩ, mẹ bầu cần: 

  • Nằm nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, lao động mạnh: Nghỉ ngơi không có nghĩa là nằm tuyệt đối trên giường, mẹ vẫn cần sinh hoạt vận động một cách nhẹ nhàng. 
  • Ăn nhẹ, đầy đủ dinh dưỡng, chế độ ăn cần tránh gây táo bón: Mẹ bầu vẫn cần ăn uống đủ bữa, đa dạng thức ăn và đảm bảo đủ dinh dưỡng. Nên ăn các loại hoa quả, rau xanh để bổ sung vitamin và vi chất có lợi. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần tránh các loại thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ khó tiêu. Mẹ bầu nhớ uống đủ nước hằng ngày.
  •  Bổ sung viên sắt, axit folic: Sắt và acid folic rất quan trọng trong quá trình tạo máu và sự phát triển hình thành cơ quan bộ phận của thai. Đặc biệt acid folic giúp đóng ống thần kinh, giúp ngăn ngừa các dị tật về hệ thống thần kinh của bé. Mẹ nên bổ sung 30-60mg sắt và 400 – 800 mcg acid folic mỗi ngày.
  • Không quan hệ tình dục: Khi đang có tình trạng dọa sảy thai (cụ thể ở đây là túi ối méo và bị ra máu) mẹ bầu không nên quan hệ tình dục vì có thể kích thích khiến tình trạng dọa sảy thai xấu đi. 
  • Tránh căng thẳng, mệt mỏi, stress kéo dài: Việc căng thẳng, mệt mỏi, lo âu kéo dài cũng có thể khiến tình trạng dọa sảy thai nặng lên.  
  • Ngủ đủ giấc, không thức khuya: Mẹ bầu cần có đủ sức khỏe để thai phát triển tốt. 
  • Tránh rượu bia, thuốc lá, chất kích thích và đồ uống có cồn: Chúng không những gây hại đến sức khỏe của mẹ còn ảnh hưởng đến sức khỏe của thai. Chúng còn có thể gây tăng co, bất lợi cho tình trạng dọa sảy thai hiện tại.  
  • Không xoa vê núm vú vì có thể kích thích cơn co tử cung gây dọa sảy thai. 
  • Tránh va chạm mạnh vào bụng bầu cũng như không xoa bóp bụng bầu quá nhiều. 
  • Khám thai định kỳ và không được tự ý dùng thuốc không có chỉ định của bác sĩ. Rất nhiều loại thuốc có thể gây dị tật, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai hoặc có thể gây cơn co tử cung làm nặng lên tình trạng dọa sảy thai.

Trên đây là một số lời khuyên của bác sĩ với tình trạng túi ối méo và bị ra máu của mẹ bầu. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh. 

Bạn có thể xem thêm các bài viết: 

5 dấu hiệu thai phát triển tốt và 10 dấu hiệu thai yếu bạn cần biết

Xoa bóp bụng bầu có an toàn không? 

Trân trọng!

Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

SẨY THAI VÀ DOẠ SẨY THAI – PHÁC ĐỒ BỘ Y TẾ

https://thuvieny.com/say-thai-va-doa-say-thai-phac-do-bo-y-te/ Ngày truy cập 18/9/2022

Miscarriage

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9688-miscarriage Ngày truy cập 18/9/2022

Miscarriage

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pregnancy-loss-miscarriage/symptoms-causes/syc-20354298#:~:text=Miscarriage%20is%20the%20spontaneous%20loss,even%20know%20about%20a%20pregnancy. Ngày truy cập 18/9/2022

Miscarriage

https://www.nhs.uk/conditions/miscarriage/ Ngày truy cập 18/9/2022

What is a Miscarriage?

https://www.plannedparenthood.org/learn/pregnancy/miscarriage Ngày truy cập 18/9/2022

Phiên bản hiện tại

20/09/2022

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bị va chạm vào bụng bầu có sao không? Hiểu đúng để bảo vệ mẹ và bé

Dấu hiệu dọa sảy thai thường diễn ra khi nào? Bác sĩ khuyên cách giữ thai kỳ trọn vẹn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung

Sản - Phụ khoa · Phòng khám phụ sản Cảm Xúc


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 20/09/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo