backup og meta

Trứng trống

Trứng trống

Tìm hiểu về trứng trống

Trứng trống là gì?

Trứng trống (trứng rỗng hoặc trứng không có phôi thai) xảy ra khi trứng được thụ tinh cấy vào tử cung nhưng không phát triển thành phôi. Đây là một nguyên nhân hàng đầu gây suy thai sớm hoặc sẩy thai. Thông thường, tình trạng trứng trống xảy ra sớm đến mức bạn thậm chí không biết mình đang mang thai.

Trứng trống thường là nguyên nhân gây sẩy thai trong ba tháng đầu.

Khi phụ nữ mang thai, trứng được thụ tinh sẽ bám vào thành tử cung. Vào khoảng năm đến sáu tuần của thai kỳ, trứng này sẽ có phôi thai. Vào khoảng thời gian này, túi thai – nơi thai nhi phát triển – sẽ rộng khoảng 18mm. Tuy nhiên, đối với người có trứng trống, túi thai hình thành và phát triển, nhưng phôi thai không phát triển. Đó là lý do tại sao trứng trống còn được gọi là hư thai.

Triệu chứng trứng trống

Những dấu hiệu và triệu chứng trứng trống là gì?

Với tình trạng trứng trống, bạn có thể có các dấu hiệu mang thai. Ví dụ như kết quả thử thai dương tính hoặc không có kinh nguyệt.

Sau đó, bạn có thể có dấu hiệu sẩy thai, chẳng hạn như:

  • Co thắt bụng
  • Đốm âm đạo hoặc chảy máu âm đạo
  • Kinh nguyệt nặng hơn bình thường

Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, bạn có thể bị sẩy thai. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp chảy máu trong 3 tháng đầu thai kỳ đều liên quan đến sẩy thai. Vì vậy, tốt nhất bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Nguyên nhân gây trứng trống

Nguyên nhân nào gây trứng trống?

Sẩy thai từ một trứng trống thường do các vấn đề về nhiễm sắc thể, cấu trúc mang gen. Điều này có thể là từ một tinh trùng hoặc trứng kém chất lượng. Nó cũng có thể xảy ra do sự phân chia tế bào bất thường. Dù là vì lý do nào, cơ thể sẽ dừng thai kỳ vì nhận ra sự bất thường này.

Rất tiếc,hiện tại,tình trạng trứng trống không thể phòng ngừa được.

Chẩn đoán và điều trị trứng trống

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán trứng trống?

Nhiều người có trứng trống thường nghĩ thai kỳ của mình bình thường vì mức hCG tăng lên. Nhau thai sản xuất hormone hCG sau khi trứng thụ tinh. Ở người bị trứng trống, hormone này có thể vẫn tăng lên vì nhau thai có thể phát triển trong thời gian ngắn, ngay cả khi trứng vẫn không có phôi.

Vì lý do này, bác sĩ thường yêu cầu siêu âm để chẩn đoán trứng có phôi thai hay không. Tình trạng trứng trống thường xảy ra trong khoảng tuần thứ 8 đến tuần thứ 13 thai kỳ.

Những phương pháp nào giúp điều trị trứng trống?

Nếu bác sĩ phát hiện tình trạng trứng trống trong lúc khám thai, họ sẽ thảo luận về các lựa chọn điều trị với bạn, bao gồm:

  • Chờ đợi các triệu chứng sẩy thai xảy ra tự nhiên
  • Dùng thuốc, chẳng hạn như misoprostol (Cytotec), để dừng thai kỳ. Bạn lưu ý không được tự ý dùng thuốc này.
  • Phẫu thuật nong và nạo tử cung để loại bỏ các mô nhau thai khỏi tử cung

Thời gian mang thai, tiền sử bệnh và trạng thái cảm xúc của bạn sẽ được xem xét khi bạn và bác sĩ quyết định lựa chọn điều trị. Bạn sẽ muốn thảo luận về các tác dụng phụ và các rủi ro liên quan đến bất kỳ loại thuốc hoặc quy trình phẫu thuật nào với bác sĩ. Do đó, hãy đặt bất cứ câu hỏi nào bạn thắc mắc, đừng ngại ngần.

Sau khi dừng thai kỳ, bác sĩ có thể khuyên bạn nên đợi ít nhất 1-3 chu kỳ kinh nguyệt trước khi cố gắng thụ thai trở lại.

Biến chứng của trứng trống

Bạn có thể mắc những biến chứng nào trong các lần mang thai tiếp theo?

Sau khi ngừng thai kỳ, bạn cần một khoảng thời gian để hồi phục sức khỏe và tinh thần. Hầu hết phụ nữ từng bị trứng trống đều có thể tiếp tục mang thai.

Bạn và bác sĩ sẽ thảo luận về việc bạn nên đợi bao lâu trước khi cố gắng thụ thai lần nữa, thường là khoảng 3 chu kỳ kinh nguyệt. Trong thời gian này, bạn nên tập trung vào thói quen lối sống lành mạnh cho cơ thể và sức khỏe tinh thần, chẳng hạn như:

  • Ăn uống tốt
  • Kiểm soát căng thẳng
  • Tập thể dục
  • Sử dụng thực phẩm chức năng có chứa folate

Bạn vẫn có nguy cơ mắc trứng trống cho dù đã từng mắc tình trạng này. Một số yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này, bao gồm di truyền, chất lượng trứng và chất lượng tinh trùng. Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm như:

  • Kiểm tra gen di truyền tiền cấy phôi (PGS), phân tích di truyền phôi có thể được thực hiện trước khi cấy vào tử cung
  • Phân tích tinh dịch, được sử dụng để xác định chất lượng tinh trùng
  • Các xét nghiệm hormone kích thích nang trứng (FSH) hoặc xét nghiệm AMH có thể được thực hiện để giúp cải thiện chất lượng trứng

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Blighted Ovum. https://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/blighted-ovum/. Ngày truy cập 13/05/2019

Blighted Ovum. https://www.webmd.com/baby/blighted-ovum#1. Ngày truy cập 13/05/2019

Blighted Ovum. https://www.babycenter.com/0_early-pregnancy-failure-blighted-ovum_1355753.bc. Ngày truy cập 13/05/2019

Phiên bản hiện tại

14/05/2019

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Chỉ số para là gì? Cách đọc và ý nghĩa trong sản khoa

Bổ sung sắt cho mẹ bầu và sau sinh như thế nào cho hiệu quả, an toàn?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 14/05/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo