Chuột rút, sưng khớp và giãn tĩnh mạch là những vấn đề thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai khiến nhiều chị em cảm thấy khó chịu, không thoải mái.
Khi bị chuột rút, sưng khớp và giãn tĩnh mạch, mẹ bầu thường không thể sinh hoạt một cách bình thường. Do đó, hãy tìm hiểu về nguyên nhân gây ra cũng như các phương pháp giúp giảm đau để cải thiện các tình trạng này nhé.
Chuột rút
Chuột rút là một cơn đau buốt và co cứng các cơ, xảy ra chủ yếu ở bắp chân, bàn chân và thường vào ban đêm.
Hiện chưa rõ chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Tuy nhiên, có một số lý do thường được nhắc đến là do trọng lượng lớn khi mang thai tác động đến các khối cơ và mạch máu, rối loạn chuyển hóa, ít vận động hoặc vận động quá nhiều, thiếu vitamin.
Thường xuyên tập các bài tập nhẹ nhàng dành cho bà bầu, đặc biệt là vận động mắt cá chân và chân sẽ giúp cải thiện lưu thông máu và ngăn ngừa chuột rút. Hãy thử các bài tập sau:
- Dùng lực uốn cong và kéo giãn bàn chân theo chiều lên xuống khoảng 30 lần.
- Xoay bàn chân theo chiều từ trái sang phải và ngược lại, mỗi chiều 8 lần. Lặp lại với chân kia.
- Để xoa dịu cơn chuột rút, bạn cũng có thể kéo các ngón chân về phía mắt cá chân hoặc chà xát mạnh lên phần cơ.
Việc bổ sung magiê có thể giúp ích cho tình trạng bị chuột rút. Do đó, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liều lượng dùng nhé.
Sưng mắt cá, chân và tay
Mắt cá, chân và tay thường hơi bị sưng khi mang thai bởi cơ thể mẹ bầu chứa nhiều chất lỏng hơn bình thường. Vào cuối ngày, nếu thời tiết nóng hoặc nếu bạn đứng quá lâu, lượng chất lỏng dư thừa thường có xu hướng tập trung ở phần thấp của cơ thể. Tuy điều này không gây hại cho bạn và bé nhưng có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi, khó chịu và lúc đi giày sẽ thấy chật hơn bình thường.
Các bước sau đây sẽ giúp bạn tránh được hiện tượng sưng bàn chân và mắt cá chân:
- Hạn chế đứng quá lâu.
- Mang giày rộng thoải mái – tránh buộc dây giày quá chặt khiến bàn chân bị sưng.
- Khi nằm nghỉ, cố gắng đặt phần chân cao hơn tim – ví dụ dùng gối kê cao chân khi ngủ.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là khi trời nóng.
Bạn nên đến bác sĩ ngay nếu mặt, bàn chân và bàn tay sưng lên đột ngột hoặc sưng nặng hơn bình thường. Đây có thể là dấu hiệu của một biến chứng sản khoa nghiêm trọng là tiền sản giật. Nếu được chẩn đoán tiền sản giật, bạn cần được theo dõi chặt chẽ vì tình trạng này có thể nguy hiểm đối với cả mẹ và con.
Giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch là hiện tượng tĩnh mạch mở rộng và sưng, trong đó tĩnh mạch chân bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bạn cũng có thể bị giãn tĩnh mạch ở âm hộ (cửa âm đạo). Tình trạng này sẽ được cải thiện sau sinh. Nếu bị giãn tĩnh mạch, bạn nên:
- Tránh đứng quá lâu.
- Tránh ngồi vắt chéo chân.
- Hạn chế mang vác vật nặng do có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch.
- Ngồi đặt chân càng cao càng tốt để giảm bớt khó chịu.
- Sử dụng quần tất hỗ trợ để nâng đỡ phần cơ chân. Bạn có thể mua ở các hiệu thuốc nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Khi ngủ, nên đặt chân cao hơn các phần khác của cơ thể, ví dụ đặt gối dưới mắt cá chân.
- Thường xuyên tập các bài tập cho chân và các bài tập dành cho phụ nữ trước khi sinh như đi bộ, bơi lội để giúp tăng cường tuần hoàn máu.
Các bài tập chân dưới đây sẽ hạn chế hiện tượng này:
- Dùng lực uốn cong và kéo giãn bàn chân lên xuống 30 lần.
- Xoay bàn chân theo chiều từ trái sang phải và ngược lại, mỗi chiều 8 lần. Lặp lại với chân kia.
Hãy duy trì một lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi hợp lý là chìa khóa giúp làm dịu các triệu chứng khó chịu nêu trên.
[embed-health-tool-due-date]