backup og meta

Bà bầu nôn ra máu có phải là chuyện bình thường?

Bà bầu nôn ra máu có phải là chuyện bình thường?

Nôn ra máu khi mang thai là triệu chứng mà bạn có thể gặp bên cạnh các hiện tượng phổ biến khác như buồn nôn và táo bón. Bên cạnh đó, bà bầu nôn ra máu còn là dấu hiệu cho một vài vấn đề sức khỏe phụ nữ nên lưu tâm.

Nghén khi mang thai luôn trở thành vấn đề chung của hầu hết chị em, nhưng có những trường hợp bà bầu bị nghén đến nỗi nôn ra máu. Vậy việc nôn ra máu khi mang thai có nguy hiểm? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về vấn đề này nhé.

Tìm hiểu về chứng nôn ra máu khi mang thai

chứng nôn ra máu khi mang thai

Bà bầu thường nôn ra máu trong 3 tháng đầu thai kỳ. Máu mà các bà mẹ nôn ra thường có màu đen hoặc nâu đậm, trông giống như cà phê xay.

Bà bầu nôn ra máu là do một số bệnh hoặc do chảy máu đường tiêu hóa. Nếu có triệu chứng này, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Chảy máu đường tiêu hóa trên gồm chảy máu thực quản, chảy máu dạ dày hoặc chảy máu hành tá tràng cũng là nguyên nhân khiến bạn nôn ra máu.

Triệu chứng nôn ra máu khi mang thai thường thấy là:

  • Nôn ra máu thường là do chảy máu đường tiêu hóa trên
  • Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc đi cầu phân đen (melaena). Ngoài ra, bạn còn có thể đi cầu ra máu
  • Chảy máu đỏ tươi với số lượng lớn khi mạch máu bị vỡ
  • Các triệu chứng đi kèm với nôn ra máu là chóng mặt và đau bụng nhẹ
  • Khi nôn ra máu, huyết áp tâm thu giảm nhanh
  • Khi mang thai, nôn ra máu chủ yếu là do viêm loét thực quản. Việc nôn quá nhiều thường khiến cho các mạch máu ở thực quản bị tổn thương

Điểm mặt những nguyên nhân khiến bà bầu nôn ra máu

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng nôn ra máu khi mang thai, chẳng hạn như:

1. Chảy máu đường tiêu hóa

Nôn mửa sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, thực quản và ngực. Điều này gây ra tình trạng chảy máu đường tiêu hóa khiến bà bầu nôn ra máu.

2. Mất nước

Mất nước là nguyên nhân chủ yếu của triệu chứng nôn ra máu khi mang thai. Khi cơ thể hấp thụ không đủ nước, mẹ bầu luôn có cảm giác vô cùng khó chịu. Thiếu nước sẽ khiến bạn nôn ra máu và mật vàng.

3. Đói bụng

bà bầu đói bụng

Một điều nữa bạn nên biết là đa số các mẹ bầu thỉnh thoảng sẽ nôn ra máu khi đói bụng, do đó hãy cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh tình trạng này.

4. Chảy máu thực quản cũng khiến bà bầu nôn ra máu

Ói mửa quá nhiều khiến cho thực quản bị chảy máu, dẫn đến tình trạng bà bầu nôn ra máu.

5. Chế độ ăn không phù hợp

Nếu bạn có một chế độ ăn không phù hợp, cơ thể sẽ tự động phản ứng thông qua việc nôn ra máu. Mẹ bầu thường có cảm giác này ngay sau khi ăn hoặc vào buổi sáng sớm.

6. Huyết áp tăng

Khi mang thai, huyết áp tăng dẫn đến tình trạng nôn ra máu.

7. Nôn ra máu khi mang thai do ngộ độc thực phẩm

Ăn đồ cũ hoặc các thực phẩm chứa nhiều chất độc hại khi mang thai cũng dẫn đến tình trạng nôn ra máu. Do đó, mẹ bầu luôn cần thận trọng hơn về chế độ ăn của mình. Đối với trái cây và rau quả, phải rửa thật kỹ trước khi ăn. Tránh ăn các thực phẩm gây dị ứng có hại cho sức khỏe.

8. Tác dụng phụ của thuốc

Các thuốc trị cảm thông thường như ibuprofen, aspirin và naproxen thường có ảnh hưởng trực tiếp lên niêm mạc dạ dày, gây chảy máu dạ dày và viêm loét dạ dày. Ngoài ra, aspirin tác động lên các yếu tố đông máu, ức chế hoạt tính của tiểu cầu, làm giảm sự bền vững của mao mạch, kéo dài thời gian chảy máu.

9. Viêm dạ dày

bà bầu bị viêm dạ dày

Viêm dạ dày xảy ra khi dạ dày bị viêm hoặc bị sưng. Viêm dạ dày có thể xảy ra bất ngờ (viêm dạ dày cấp tính) hoặc kéo dài (viêm dạ dày mãn tính). Bệnh này thường khiến các bà bầu nôn ra máu do nhiễm một loại vi khuẩn có tên là Helicobacter Pylori (HP) gây ra.

10. Bà bầu nôn ra máu do Xơ gan

Xơ gan là hậu quả của việc uống rượu quá nhiều hoặc do rối loạn chuyển hóa. Bệnh này thường khiến huyết áp tăng, xuất huyết do giãn mao mạch. Ngoài ra, còn có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Triệu chứng chủ yếu là nôn ra máu đỏ tươi.

Ngoài những lý do trên, còn có một số nguyên nhân khác như:

  • Chảy máu thực quản do ho
  • Viêm loét dạ dày tá tràng
  • Viêm tụy.

Màu sắc của máu khi nôn

  • Nếu nguyên nhân là do chảy máu thực quản thì máu sẽ có màu đỏ tươi.
  • Máu có màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm khi có các vấn đề về dạ dày và tá tràng.
  • Đa phần nôn ra máu khi mang thai thường có màu giống như màu cà phê.

Triệu chứng đi kèm

Nếu bạn nôn ra máu khi mang thai, một vài tình trạng đi kèm có thể xuất hiện như:

  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Khó chịu ở bụng
  • Chảy máu dạ dày.

Ngoài ra, hãy đến bệnh viện ngay nếu có những triệu chứng sau:

  • Mắt mờ
  • Chóng mặt
  • Rối loạn nhịp tim
  • Ớn lạnh
  • Các vấn đề về hô hấp
  • Đãng trí
  • Ngất xỉu
  • Nôn ra máu sau khi bị thương
  • Đau bụng nghiêm trọng
  • Đổ mồ hôi lạnh.

Chẩn đoán khi bà bầu nôn ra máu

chẩn đoán bà bầu nôn ra máu

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tình trạng bà bầu nôn ra máu. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và màu sắc của máu. Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần phải cho họ biết về những tai nạn gần đây của mình.

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm xem có điều gì bất thường trong cơ thể bạn không, chẳng hạn như

  • Siêu âm
  • Chụp CT
  • X-quang
  • MRI
  • Nội soi dạ dày và ruột.

Biến chứng của nôn ra máu khi mang thai

1. Nghẹt thở

Đây là triệu chứng thường thấy sau khi nôn ra máu. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp khó khăn khi nuốt thức ăn.

2. Thiếu máu

Nôn ra máu sẽ khiến cơ thể thiếu máu và mất năng lượng, dẫn đến sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Để khôi phục lại lượng máu đã mất, bạn cần phải ăn các thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng.

Ngoài ra, nôn ra máu còn khiến bạn cảm thấy chán nản. Stress hoặc trầm cảm đều là những thứ có hại với cả bé và mẹ và thường dẫn đến những biến chứng khác như:

  • Thở nhanh
  • Da lạnh và nhợt nhạt
  • Chóng mặt khi đứng dậy
  • Đi tiểu ít.

Nếu bạn đang rơi vào trường hợp này, hãy đến bệnh viện ngay. Rối loạn hô hấp hoặc căng thẳng sẽ khiến huyết áp giảm, gây ra những tác động nguy hiểm cho tình trạng sức khỏe của bạn.

Điều trị nôn ra máu khi mang thai

Để điều trị nôn ra máu khi mang thai, bác sĩ sẽ giúp bạn bằng cách:

  • Truyền máu
  • Uống thuốc làm giảm lượng axit dạ dày
  • Thở oxy
  • Nội soi đường tiêu hóa trên và sử dụng laser để ngăn ngừa chảy máu
  • Tiêm tĩnh mạch
  • Nếu bạn bị xuất huyết hoặc viêm loét nặng thì bạn sẽ phải tiến hành phẫu thuật.

Phòng ngừa nôn ra máu khi mang thai

Một số biện pháp phòng ngừa hiện tượng bà bầu nôn ra máu:

  • Tránh đồ uống có cồn
  • Không hút thuốc lá
  • Không ăn những món ăn cay, nóng vì dễ gây kích kích hoặc gây trào ngược axit khi mang thai
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của các loại thuốc
  • Chăm sóc các vết thương cẩn thận sau khi phẫu thuật hoặc thương tích do tai nạn.

Những lời khuyên này sẽ giúp bạn không bị chảy máu đường tiêu hóa, dẫn đến nôn ra máu. Ngoài ra, bạn nên khám bác sĩ thường xuyên, uống nhiều nước, tạo thói quen ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng cơ thể và tập thể dục thường xuyên.

Giải pháp giúp cơ thể hồi phục

Bà bầu nôn ra máu có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ cần phải chú ý chăm sóc cơ thể cẩn thận. Mất máu sẽ làm cho cơ thể yếu đi và điều này không hề tốt cho sức khỏe của bé. Hơn nữa, nôn ra máu cũng khiến miệng bạn vô cùng khó chịu. Để giảm tình trạng này, hãy theo dõi những phương pháp dưới đây:

1. Truyền nước biển

Sau khi nôn, cơ thể sẽ bị mất nước trầm trọng. Mang thai là một giai đoạn mà cơ thể cần phải được cung cấp đầy đủ nước. Nếu cơ thể mất nước nghiêm trọng, bạn phải nhập viện. Với việc tiêm tĩnh mạch hoặc truyền nước biển, cơ thể sẽ được bổ sung nước và hồi phục nhanh chóng.

2. Nước trái cây

bà bầu uống nước ép trái cây

Biện pháp giúp bạn khôi phục sau khi mất nước đơn giản nhất là uống nước lọc hoặc nước trái cây thường xuyên.

3. Nôn ra máu khi mang thai cần có chế độ ăn cân đối

Quan trọng hơn, bạn cần phải có một chế độ ăn cân đối khi mang thai, bởi điều này sẽ giúp cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và khoáng chất quan trọng cho cơ thể. Ngoài ra, ăn uống đầy đủ giúp cơ thể bạn có đủ năng lượng.

4. Ăn nhẹ

Cảm giác buồn nôn thường xuất hiện vào lúc sáng sớm. Để giảm cảm giác này, bạn hãy ăn bánh mì nướng hoặc bánh quy vào buổi sáng. Những món ăn này vừa cung cấp năng lượng cho cơ thể vừa khiến bạn không thấy buồn nôn.

5. Cung cấp đủ nước cho cơ thể

Uống ít nhất 10–12 ly nước hoặc nước trái cây tươi để tránh tình trạng mất nước và giúp cơ thể hồi phục sau khi nôn.

6. Ăn ít

Đừng ăn quá nhiều một lần, thay vào đó hãy chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa cách nhau khoảng 2 giờ. Hãy nhớ không ăn nhiều trước khi đi ngủ nhé.

7. Bà bầu nôn ra máu không ăn những món dầu mỡ

Tránh xa những món ăn nhiều dầu mỡ vì những món ăn này thường dễ gây ra các cơn nôn mửa. Tốt hơn là nên ăn các món ăn đã được đun sôi và không quá cay.

8. Gừng

bà bầu nôn ra máu nên dùng gừng

Gừng giúp giảm cảm giác buồn nôn. Bạn có thể dùng gừng cùng với nước trái cây.

9. Yoga

Tập các bài tập yoga cho bà bầu nhẹ nhàng sẽ giúp bạn tránh được cảm giác buồn nôn.

10. Nghỉ ngơi

Hãy nhớ nghỉ ngơi đầy đủ. Đừng để cơ thể quá căng thẳng vì như vậy sẽ không tốt cho sự phát triển của bé.

Khi có triệu chứng nôn ra máu, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng thuốc, thay vào đó hãy sử dụng một số phương pháp thông thường để giảm bớt tình trạng này nhé.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vomiting Blood During Pregnancy – Causes , Symptoms & Treatments You Should Be Aware Of

http://www.momjunction.com/articles/vomiting-blood-during-pregnancy_00376043/

Ngày truy cập: 31/8/2017

Vomiting with blood during pregnancy?

https://www.babycenter.com/400_vomiting-with-blood-during-pregnancy_2645813_6.bc

Ngày truy cập: 31/8/2017

What Causes Vomiting Blood?

://www.healthline.com/symptom/vomiting-blood

Ngày truy cập: 31/8/2017

Phiên bản hiện tại

09/11/2020

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Minh Phú


Bài viết liên quan

Progesterone thấp có thể gây ra nhiều vấn đề trong thai kỳ!

Thiếu máu khi mang thai: Mẹ bầu thiếu máu có ảnh hưởng đến thai nhi?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 09/11/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo