backup og meta

Nhiễm trùng ối: Nhận biết sớm để tránh biến chứng cho mẹ và bé​

Nhiễm trùng ối: Nhận biết sớm để tránh biến chứng cho mẹ và bé​

Tình trạng nhiễm trùng ối có thể khiến mẹ và bé gặp một số biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị sớm. Bạn cần bảo vệ bản thân và bé khỏi chứng viêm nhiễm này bằng cách theo dõi sức khỏe để đi khám và điều trị ngay nếu có triệu chứng bất thường.

Nhiễm trùng ối là tình trạng viêm màng đệm, màng ối, nhau thai hay nước ối có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới mẹ và bé. Tuy nhiên, bạn có thể phòng ngừa chứng nhiễm trùng này nếu khám thai đúng lịch trình, đi kiểm tra sớm nếu có dấu hiệu bất thường và giữ vệ sinh vùng kín đúng cách. Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Hello Bacsi! 

Nhiễm trùng ối là gì?

Nhiễm trùng ối hay còn gọi là viêm màng ối là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến phụ nữ đang mang thai. Nước ối là lớp chất lỏng trong tử cung có nhiệm vụ bảo vệ thai nhi khỏi sự tấn công của vi khuẩn, sự tác động vật lý trước các va chạm từ bên ngoài cũng như cung cấp dưỡng chất cho bé. Tình trạng nhiễm trùng ối xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập bất kỳ mô hoặc màng nào xung quanh em bé như:

  • Màng đệm
  • Màng ối
  • Nhau thai
  • Nước ối

Một số yếu tố khiến bạn có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng ối là:

  • Vỡ nước ối trước khi chuyển dạ rất lâu
  • Thời gian chuyển dạ dài
  • Thường xuyên khám âm đạo khi chuyển dạ nhưng không đảm bảo được yếu tố vô trùng 
  • Mang thai lần đầu
  • Mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hoặc các nhiễm trùng âm đạo khác
  • Sử dụng rượu hoặc thuốc lá
  • Thực hiện thủ thuật theo dõi thai nhi qua đường âm đạo
  • Gây tê ngoài màng cứng khi chuyển dạ
  • Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B

Chứng nhiễm trùng ối có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và bé nếu không điều trị. Trong trường hợp này, bạn cần được điều trị kháng sinh và có thể phải sinh sớm hơn dự kiến. 

Nguyên nhân gây nhiễm trùng ối

Nhiễm trùng ối do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây ra. Vi khuẩn gây nhiễm trùng ối có thể là các loại vi khuẩn thường xuất hiện ở đường tiết niệu hay đường tiêu hóa hoặc vi khuẩn từ bên ngoài môi trường. Nhìn chung, các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng ối thường thấy là:‌

  • E. coli
  • Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS)
  • ‌Ureaplasma
  • ‌Mycoplasma hominis

Tình trạng nhiễm trùng có thể bắt đầu ở âm đạo hoặc hậu môn rồi lan dần vào trong tử cung. Tuy nhiên, một số tình trạng nhiễm trùng cũng có thể bắt đầu từ tử cung nếu tại tử cung có vết thương tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Triệu chứng nhiễm trùng ối

triệu chứng nhiễm trùng ối: sốt

Đôi khi chứng nhiễm trùng ối không có bất kỳ triệu chứng nào và bác sĩ chỉ có thể nghi ngờ bạn mắc tình trạng này nếu bạn bị vỡ nước ối sớm hay còn gọi là vỡ ối trước khi chuyển dạ. Tuy nhiên, một số trường hợp mẹ bầu cũng có thể gặp các triệu chứng như:

  • Sốt
  • Đau bụng và đau ở vùng tử cung (vùng xương chậu)
  • Tăng nhịp tim đột ngột
  • Nhịp tim của bé quá nhanh. Bạn không thể tự cảm nhận được nhịp tim của bé khi mang thai nhưng có thể nhờ bác sĩ kiểm tra nếu bạn thấy mình có dấu hiệu khác thường.
  • Dịch âm đạo có mùi bất thường hoặc mùi khó chịu
  • Dịch âm đạo có màu xanh lá cây hoặc màu vàng
  • Ngứa hoặc đau quanh vùng âm đạo
  • Đau khi đi tiểu 
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu. Chứng nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến nhiễm trùng ối nếu bạn không điều trị sớm.

Khi nào cần đi khám?

Nhìn chung, bạn cần đến bệnh viện ngay nếu bị vỡ ối cũng như gặp các dấu hiệu như sốt, đau bụng hoặc đau vùng chậu và dịch âm đạo có mùi khó chịu.

Biến chứng của tình trạng nhiễm trùng ối

Nếu không sớm chữa trị đúng cách, chứng nhiễm trùng ối có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Biến chứng đối với mẹ

Trường hợp nhiễm trùng ối nghiêm trọng hoặc không được điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng cho mẹ như:

Biến chứng đối với bé

Khi mẹ bị nhiễm trùng ối, thai nhi có nguy cơ rất cao bị nhiễm trùng, có thể gặp một số biến chứng nhiễm trùng sơ sinh sớm như:

  • Nhiễm trùng máu
  • Viêm màng não (viêm não và tủy sống)
  • Viêm phổi (nhiễm trùng phổi). 

Nhiễm trùng ối được chẩn đoán và điều trị như thế nào? 

điều trị nhiễm trùng ối

Chẩn đoán

Bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho bạn trong thai kỳ có thể chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng ối bằng cách khám thể chất và thăm hỏi các triệu chứng cũng như tiền sử sức khỏe. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể:

  • Chỉ định xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng hoặc số lượng bạch cầu
  • Chỉ định cấy dịch âm đạo để tìm vi khuẩn trong dịch âm đạo
  • Lấy mẫu nước ối để xét nghiệm vi khuẩn trong nước ối
  • Thực hiện siêu âm để kiểm tra sức khỏe của thai nhi. 

Cách điều trị nhiễm trùng ối

Nếu bạn được chẩn đoán bị viêm màng ối, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để giúp điều trị tình trạng nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh thường sẽ là dạng tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch.

Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể  cân nhắc chấm dứt thai kỳ sớm hơn dự kiến để ngăn ngừa một số vấn đề khác cho bạn và bé. Nếu trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng, bé cũng sẽ được dùng thuốc kháng sinh.

Cách ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng ối

Tình trạng nhiễm trùng ối tuy nguy hiểm và khá khó phòng ngừa nhưng bạn vẫn có cách chủ động bảo vệ bản thân và em bé. Một số cách ngừa nguy cơ nhiễm trùng ối bạn có thể tham khảo là:

  • Không hút thuốc, uống rượu hoặc dùng các chất kích thích khác
  • Đi khám ngay nếu thấy dịch âm đạo thay đổi ay có triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Khám thai đúng lịch, tuân thủ các tư vấn chăm sóc thai kỳ và xét nghiệm định kỳ, tầm soát GBS
  • Vào bệnh viện khám ngay khi có ối vỡ để được điều trị sớm là cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng ối
  • Vệ sinh vùng kín đúng cách, không thụt rửa âm đạo, sử dụng các biện pháp tình dục an toàn.
  • Đi khám nếu bạn nghĩ mình có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. 

Nhiễm trùng ối là một tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng trong thai kỳ. Vậy nên, bạn cần biết cách nhận biết các triệu chứng nguy hiểm từ sớm và báo cho bác sĩ kịp thời. Được vậy, bác sĩ có thể nhanh chóng chẩn đoán, kê thuốc kháng sinh và lên kế hoạch sinh sớm để bảo vệ cả mẹ và bé.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chorioamnionitis

https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=chorioamnionitis-90-P02441 Ngày truy cập 04/9/2023

Chorioamnionitis

https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/c/chorioamnionitis.html Ngày truy cập 04/9/2023 

Chorioamnionitis

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12309-chorioamnionitis Ngày truy cập 04/9/2023 

Intrauterine infection (chorioamnionitis)

https://www.tommys.org/pregnancy-information/pregnancy-complications/intrauterine-infection-chorioamnionitis Ngày truy cập 04/9/2023 

What Is Chorioamnionitis?

https://www.webmd.com/baby/what-is-chorioamnionitis Ngày truy cập 04/9/2023 

Phiên bản hiện tại

26/09/2023

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

[Giải đáp thắc mắc]: Vỡ nước ối bao lâu thì sinh, có cần nhập viện ngay?

Nước ối có màu gì? Màu nước ối như thế nào là bất thường?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 26/09/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo