backup og meta

Nhau bong non: Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa!

Nhau bong non: Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa!

Nhau bong non là một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của thai kỳ. Điều này có thể làm giảm hoặc cắt đứt nguồn cung cấp oxy, dưỡng chất cho em bé và khiến mẹ bầu bị xuất huyết âm đạo nghiêm trọng. 

Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về các dấu hiệu nhận biết nhau thai bị bong non, nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị để chăm sóc sức khỏe thai kỳ tốt hơn.

Nhau bong non là gì, những ai thường mắc phải? 

1. Nhau bong non là gì?

Nhau bong non là một biến chứng của thai kỳ xảy ra khi nhau thai chưa trưởng thành tách ra khỏi tử cung của mẹ bầu trước khi sinh. Trong thai kỳ, nhau thai là cơ quan tạm thời kết nối bào thai đang phát triển với tử cung của người mẹ. Bánh nhau gắn vào thành tử cung và có vai trò như một “đường dẫn cứu sinh” cung cấp dưỡng chất và oxy cho thai nhi thông qua dây rốn và loại bỏ chất thải từ máu của thai nhi ra ngoài.

Khi nhau bong non, nhau thai có thể bong hoàn toàn hoặc bong một phần và thường được phân thành 3 cấp độ (I, II, III từ nhẹ đến nặng). Mức độ III là tình trạng nặng nhất.

Một khi nhau thai bị tách ra khỏi thành tử cung thì không có phương pháp nào có thể “gắn” nhau trở lại. Nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến thai nhi thiếu oxy và chất dinh dưỡng, mẹ bầu bị chảy máu nặng. Nhau bong non là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị y tế.

2. Nhau bong non phổ biến như thế nào?

Bất kì phụ nữ nào cũng có nguy cơ mắc bệnh nhau bong non. Nhưng bệnh này thường phổ biến ở phụ nữ mang thai trên 35 tuổi hoặc dưới 20 tuổi. Các chuyên gia sản khoa ước tính khoảng 1/100 ca mang thai bị bong nhau thai. Tình trạng này thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba, nhưng tình trạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau 20 tuần của thai kỳ cho đến khi sinh.

3. Nhau bong non gây ra những biến chứng gì?

Việc bong nhau non đôi khi có thể đe dọa tính mạng cả mẹ bầu và thai nhi. Theo các chuyên gia sản khoa, tình trạng nhau bong non có thể gây ra các biến chứng như:

  • Đối với mẹ bầu:
    • Chảy máu nghiêm trọng dẫn đến mất máu nhiều
    • Sốc do mất máu
    • Gặp các vấn đề về đông máu
    • Cắt bỏ tử cung để cầm máu.
  • Đối với thai nhi:
    • Sinh non
    • Cân nặng khi sinh thấp
    • Vấn đề tăng trưởng.
    • Chấn thương não do thiếu oxy.
    • Thai chết lưu…

Nhau bong non có những dấu hiệu nào?

dấu hiệu nhau bong non

1. Dấu hiệu

Theo các chuyên gia sản khoa, khi xảy ra tình trạng nhau bong non, mỗi mẹ bầu sẽ có triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, triệu chứng phổ biến là chảy máu âm đạo kèm theo chuột rút trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể có các dấu hiệu khác bao gồm:

  • Đau bụng
  • Chảy máu âm đạo
  • Các cơn co thắt tử cung kéo dài và dữ dội hơn các cơn co thắt sinh lý hoặc co thắt chuyển dạ bình thường
  • Đau tử cung
  • Đau lưng
  • Cử động của thai nhi giảm

Triệu chứng chảy máu âm đạo có thể khác nhau và không phải là dấu hiệu cho thấy nhau thai đã tách ra nhiều hay ít. Trong một số trường hợp, mẹ bầu có thể không có dấu hiệu chảy máu vì máu bị giữ lại giữa nhau thai và thành tử cung. Cơn đau có thể từ chuột rút nhẹ đến co thắt mạnh và thường bắt đầu diễn ra khá đột ngột.

Những triệu chứng này có thể giống với các tình trạng mang thai khác. Do đó, nếu nhận thấy bất thường, mẹ bầu hãy đi khám và tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ.

2. Các thể nhau bong non 

Nhau bong non xảy ra phổ biến nhất vào 3 tháng cuối thai kỳ. Tùy vào mức độ nhau bị bong (một phần hay hoàn toàn) và các triệu chứng lâm sàng của mẹ bầu mà tình trạng này được chia thành 4 thể khác nhau. Cụ thể như sau:

a. Nhau bong non thể ẩn

Mẹ bầu không có biểu hiện bất thường, có ít hoặc không nhận thấy dấu hiệu chảy máu âm đạo. Máu bị giữ lại giữa nhau thai và thành tử cung. Tình trạng này có thể được phát hiện khi siêu âm hay khi sinh (có một khối máu nhỏ tụ ở bánh nhau khi lấy thai ra ngoài).

b. Nhau bong non thể nhẹ

Mẹ bầu không có hoặc có rất ít máu từ âm đạo, có thể kèm theo triệu chứng đau bụng, bụng cứng. Tuy nhiên, mẹ bầu không có biểu hiện bị choáng, đo tim thai nhi bình thường.

c. Nhau bong non thể trung bình

Nếu bị nhau bong non thể này, mẹ bầu có thể chảy máu âm đạo từ ít đến nhiều, biểu hiện hơi choáng nhẹ, tử cung căng cứng. Ngoài ra, nếu đo huyết áp sẽ thấy huyết áp tụt, mạch đập nhanh, tim thai thi không ổn định.

d. Nhau bong non thể nặng

Mẹ bầu có thể bị chảy máu âm đạo nhiều, dấu hiệu choáng rõ rệt, đau bụng liên tục, tử cung co cứng, suy thai.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu nhận thấy các dấu hiệu thai kỳ bất thường và nghi ngờ nhau bong non, bạn hãy đi khám ngay.

Nguyên nhân nhau bong non là gì?

nguyên nhân nhau bong non

1. Nguyên nhân 

Nguyên nhân chính gây nhau bong non chưa được xác định rõ, nhưng không phải do di truyền. Sang chấn khi mang thai cũng có thể gây ra nhau bong non:

  • Chấn thương trực tiếp ở vùng bụng – va chạm bụng bầu (do tai nạn giao thông, bị ngã xe, do tai nạn sinh hoạt, do bị đánh hoặc ngã khi lao động)
  • Nước ối cạn quá nhanh

2. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc nhau bong non?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhau bong non, bao gồm:

  • Tiền căn nhau bong non: Nếu bạn đã từng bị bong nhau thai, bệnh có nguy cơ tái phát cho lần mang thai tiếp tiếp.
  • Huyết áp cao mãn tính: Các vấn đề liên quan đến tăng huyết áp khi mang thai, bao gồm tiền sản giật, hội chứng HELLP hoặc sản giật.
  • Lạm dụng chất gây nghiện: Tình trạng nhau bong non có nguy cơ tiến triển trầm trọng hơn nếu bạn hút thuốc hoặc sử dụng cocaine khi mang thai.
  • Vỡ ối sớm: Trong thời gian mang thai, thai nhi được bao bọc và đệm bởi một màng chứa đầy dịch lỏng gọi là túi ối. Nguy cơ nhau bong non tăng nếu túi ối bị vỡ trước khi bắt đầu chuyển dạ.
  • Rối loạn trong quá trình đông máu: Bất cứ tình trạng làm suy yếu khả năng đông máu đều làm tăng nguy cơ nhau bong non.
  • Nhiễm trùng bên trong tử cung khi mang thai: Tình trạng nhiễm trùng tử cung khi mang thai (viêm màng ối) làm tăng nguy cơ nhau thai bị bong non.
  • Đa thai: Nếu bạn sinh đôi hay sinh ba, việc sinh bé đầu tiên có thể dẫn đến những thay đổi trong tử cung, gây bong nhau thai trước khi bé sau ra đời.
  • Tuổi của mẹ bầu: Việc nhau thai bị bong non phổ biến hơn ở phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là sau 40 tuổi.
  • Các vấn đề khác: U xơ tử cung, dây rốn ngắn…

Chẩn đoán và điều trị

chẩn đoán nhau bong non

1. Chẩn đoán

Nhau bong non được chẩn đoán thông qua khám và theo dõi các dấu hiệu của mẹ bầu và thai nhi. Bác sĩ sẽ tiến hành, hỏi mẹ bầu về:

  • Mức độ chảy máu đã xảy ra
  • Cảm thấy đau ở đâu và mức độ đau dữ dội như thế nào
  • Thời điểm các triệu chứng bắt đầu diễn ra

Tiếp theo là khám các triệu chứng:

  • Màu sắc của máu
  • Mật độ cổ tử cung
  • Cơn gò

Đồng thời bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi:

  • Huyết áp của mẹ bầu
  • Theo dõi nhịp tim và chuyển động của thai nhi
  • Theo dõi các cơn co thắt tử cung
  • Siêu âm để xác định vị trí chảy máu và kiểm tra thai nhi
  • Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu.

Tùy  thuộc vào các triệu chứng và kết quả khám, xét nghiệm mà bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu nhập viện hay nghỉ ngơi tại nhà. Do đó, hãy tuân thủ các lời khuyên của bác sĩ. 

Thông thường có 3 mức độ bong nhau thai mà bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán:

  • Độ 1: Lượng máu ra ít, tử cung co thắt nhẹ và mẹ bầu lẫn thai nhi không có dấu hiệu căng thẳng.
  • Độ 2: Chảy máu nhẹ đến trung bình, một số cơn co thắt tử cung và xét nghiệm Non-stress test cho thấy thai nhi có dấu hiệu căng thẳng.
  • Độ 3: Chảy máu từ vừa đến nặng hoặc chảy máu ẩn, tử cung co bóp không giãn, đau bụng, huyết áp thấp và thai chết lưu.

Nhau thai bong non được điều trị như thế nào?

Như trên đã đề cập, một khi nhau thai đã tách ra khỏi thành tử cung thì không thể nối lại hoặc sửa chữa được. Bác sĩ sản khoa sẽ đưa ra chỉ định điều trị dựa trên các yếu tố sau:

  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bong nhau non
  • Tuổi thai
  • Dấu hiệu thai nhi suy kiệt
  • Tình trạng sức khỏe của mẹ
  • Lượng máu mà mẹ bầu đã mất.

Nhìn chung, mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhau thai bong non và tuổi thai là hai yếu tố quan trọng nhất:

Nếu thai nhi không đủ tháng:

  • Nếu thai nhi còn non tháng và tình trạng nhau bong non ở mức độ nhẹ, mẹ bầu sẽ được theo dõi chặt chẽ cho đến khi thai được 34 tuần. Nếu nhịp tim của thai nhi bình thường và mẹ bầu không bị chảy máu, mẹ bầu có thể được cho về nhà để nghỉ ngơi và dùng thuốc để giúp phát triển phổi của thai nhi.
  • Nếu tình trạng nhau bong non nghiêm trọng và sức khỏe của mẹ bầu hoặc thai nhi gặp nguy hiểm, có thể cần phải sinh ngay.

Nếu thai gần đủ tháng:

  • Nếu thai kỳ đã bước sang tuần 34 hoặc hơn, nhau thai bị bong non ở mức độ nhẹ và nhịp tim của thai nhi ổn định, bạn có thể thực hiện sinh thường theo đường âm đạo.
  • Nếu tình trạng nhau bong non trở nên nghiêm trọng hoặc mẹ bầu/thai nhi gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào, bạn có thể được chỉ định sinh mổ khẩn cấp.

Có thể ngăn ngừa nguy cơ nhau thai bị bong non không?

phòng ngừa nhau bong non

Theo các chuyên gia sức khỏe, phụ nữ không thể ngăn chặn tình trạng nhau thai bong non, nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ này bằng cách:

  • Không hút thuốc, kể cả hút thuốc lá thụ động
  • Không sử dụng ma túy, chất gây nghiện
  • Nếu bị huyết áp cao, hãy trao đổi với bác sĩ để quản lý tình trạng hiệu quả
  • Nếu bị bệnh đái tháo đường cần quản lý lượng đường trong máu ở mức an toàn
  • Thực hiện an toàn lao động, an toàn giao thông như thắt dây an toàn khi ngồi trên xe
  • Nếu bị chấn thương bụng, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức
  • Khi có dấu hiệu chảy máu âm đạo, cần đi khám ngay để được chẩn đoán và chăm sóc đúng cách. 
  • Nếu bạn đã từng bị bong nhau thai và đang có kế hoạch mang thai lần nữa, hãy cho bác sĩ biết trước khi bạn mang thai để xem liệu có cách nào để giảm thiểu nguy cơ bị bong nhau trong lần mang thai tiếp hay không.

Hello Bacsi tin rằng với những thông tin được cung cấp trong bài, mẹ bầu đã hiểu rõ về tình trạng nhau bong non, có thể nhận diện được các dấu hiệu bất thường của thai kỳ để chăm sóc sức khỏe kịp thời. Nhau bong non là một biến chứng thai kỳ nghiêm trọng và hiếm gặp nhưng nếu được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể giúp đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự an toàn cho bé yêu.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Placental Abruption

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9435-placental-abruption Ngày truy cập 27/6/2023

Placental abruption

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/placental-abruption/symptoms-causes/syc-20376458 Ngày truy cập 27/6/2023

Placental abruption

https://www.tommys.org/pregnancy-information/pregnancy-complications/placenta-complications/placental-abruption Ngày truy cập 27/6/2023

Placental abruption

https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/pregnancy/placental-abruption Ngày truy cập 27/6/2023

Placenta Abruptio. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000901.htm. Ngày truy cập 28/01/2015

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về

Phiên bản hiện tại

24/07/2023

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Độ trưởng thành của nhau thai diễn ra sớm ảnh hưởng gì đến mẹ và bé?

Những vấn đề cần biết về tình trạng nhau thai bám mặt trước


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 24/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo