Gần 75% phụ nữ trưởng thành bị nhiễm nấm âm đạo một lần trong đời và đa phần sẽ gặp phải khi mang thai do những thay đổi về cơ địa. Mẹ bị nấm âm đạo khi mang thai sẽ thấy khí hư tiết ra nhiều, màu trắng đục, có thể xuất hiện nốt đỏ, sưng tấy.
Nấm âm đạo là tình trạng axit và nấm men trong âm đạo bị mất cân bằng, khiến nấm men có hại phát triển quá nhiều. Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nấm âm đạo có thể là do nồng độ estrogen tăng lên trong thai kỳ, sử dụng thuốc tránh thai hay liệu pháp estrogen. Ngoài ra, bà bầu bị nấm khi mang thai còn có thể là do vùng kín có độ ẩm quá cao, khiến vùng kín trở thành môi trường lý tưởng để vi khuẩn và nấm phát triển.
Triệu chứng khi mẹ bầu bị nấm vùng kín
Trong thai kỳ, khí hư ra nhiều là điều bình thường. Tuy nhiên, bạn có nhiều khả năng bị nấm âm đạo khi mang thai nếu:
- Khí hư có màu trắng đục, ra nhiều nhưng không hôi
- Xuất hiện các vết sần đỏ, sưng tấy
- Bà bầu có cảm giác đau như kim châm và nóng xung quanh vùng âm đạo
- Đau rát khi quan hệ tình dục
Bị nấm khi mang thai có nguy hiểm không?
Ngoài việc gây khó chịu và bất tiện thì bị nấm âm đạo khi mang thai không gây nguy hiểm. Nếu mẹ bị nấm khi mang thai 3 tháng cuối hoặc trong thời gian sắp sinh thì bé có thể bị tưa miệng và có thể lây sang đầu ti mẹ khi bú. Tình trạng này có thể điều trị bằng các loại thuốc kháng nấm nhẹ cho bé hoặc các kem chống nấm cho mẹ.
Đôi lúc, nhiễm nấm âm đạo có thể là nguyên nhân ban đầu gây ra các bệnh nguy hiểm khác như các bệnh lây lan qua đường tình dục, bệnh nhiễm khuẩn âm đạo. Nếu bạn có các dấu hiệu khác như khí hư có màu vàng, xanh hoặc xám, có mùi nặng hay đau rát, nóng xung quanh vùng kín, tốt nhất là bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị.
Có thể bạn quan tâm: Mẹ bầu bị viêm âm đạo có ảnh hưởng đến thai nhi?
Điều trị nấm âm đạo khi mang thai như thế nào?
Kem kháng nấm và thuốc đặt âm đạo là phương pháp điều trị nấm âm đạo an toàn ở tam cá nguyệt thứ ba. Các loại thuốc kháng nấm đường uống như fluconazole cũng được sử dụng nhưng không được khuyến cáo dùng ở tam cá nguyệt thứ nhất bởi có thể gây ra nhiều tác hại cho thai nhi. Bạn có thể sử dụng fluconazole ở tam cá nguyệt thứ hai, thứ ba hoặc trong thời gian cho con bú.
Các biện pháp điều trị trên chỉ mang tính tạm thời. Các dấu hiệu bệnh có nguy cơ quay trở lại sau một thời gian ngừng điều trị. Một số mẹ cũng băn khoăn mẹ bị nấm có nên sinh thường không. Câu trả lời sẽ tùy thuộc vài tình trạng nhiễm nấm của mẹ và chỉ định của bác sĩ. Nếu bị nấm nhẹ, bác sĩ có thể đặt thuốc để làn sạch đường sinh và mẹ có thể sinh thường. Còn với trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ để tránh lây nhiễm sang các bộ phận mắt, mũi, miệng… của thai nhi.
Phòng tránh nhiễm nấm âm đạo khi mang thai như thế nào?
Để hạn chế nguy cơ bị nấm âm đạo, quan trọng nhất là bạn phải giữ cho vùng kín khô thoáng và sạch sẽ. Ngoài ra, bạn cũng chú ý:
- Mặc đồ lót làm bằng chất liệu cotton có kích thước phù hợp, không quá chật
- Không mặc đồ lót khi ngủ và nên mặc các bộ đồ ngủ kiểu pijama để vùng kín được khô thoáng
- Tắm bằng vòi sen thay vì tắm bồn
- Sử dụng các sản phẩm dung dịch phụ nữ nhẹ nhàng và không có mùi
- Không thụt rửa âm đạo hay sử dụng thuốc xịt âm đạo và chất khử mùi
- Vệ sinh vùng kín thật kỹ, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh (bạn nên lau khô từ trước ra sau)
- Sau khi tắm hoặc đi bơi, hãy lau khô cơ thể đặc biệt là vùng kín trước khi mặc quần áo
- Hạn chế lượng đường và sản phẩm ngũ cốc tinh chế trong khẩu phần ăn xuống mức thấp nhất.
Có nhiều thông tin không chính thống cho rằng việc sử dụng sữa chua, thực phẩm giàu men vi sinh chứa nhiều lactobacillus hay các biện pháp tự nhiên khác như tỏi, tinh dầu trà mang lại hiệu quả trong việc điều trị và phòng tránh nhiễm nấm âm đạo. Song trên thực tế, hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào làm sáng tỏ nhận định trên.
[embed-health-tool-due-date]