Mang thai là một giai đoạn hết sức quan trọng trong cuộc đời mỗi phụ nữ. Trong quá trình này, mẹ bầu thường rất nhạy cảm và lo lắng khi được bác sĩ chẩn đoán ra một tình trạng bất thường nào đó, đặc biệt là với các hiện tượng hiếm gặp như hồ huyết bánh nhau.
Hồ huyết bánh nhau là tình trạng như thế nào? Liệu nó có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ bầu và em bé hay không? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Tình trạng mẹ bầu bị hồ huyết bánh nhau là gì?
Hồ huyết bánh nhau (placenta lake) là thuật ngữ để chỉ tình trạng trên bề mặt nhau thai hoặc đôi khi bên trong nhau thai có các điểm tụ máu. Phương pháp siêu âm có thể được sử dụng để xác định vị trí của những điểm tụ máu này.
Hồ huyết nhau thai trên kết quả siêu âm là một khối màu đen ở vị trí giữa nhau thai và tử cung, phía trên em bé. Tình trạng hồ huyết bánh nhau thường được phát hiện trong tam cá nguyệt thứ ba hoặc trước đó nhờ phương pháp siêu âm.
Nguyên nhân gây nên tình trạng hồ huyết bánh nhau ở mẹ bầu
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân dẫn đến tình trạng mẹ bầu bị hồ huyết bánh nhau. Các chuyên gia nhận thấy rằng phụ nữ mang thai có nhau thai dày thường dễ bị hồ huyết bánh nhau hơn. Vì nguyên nhân gây bệnh vẫn được chưa tìm ra nên chúng ta chưa thể làm được gì để ngăn ngừa tình trạng này.
Hồ huyết bánh nhau là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng nguy hiểm cho mẹ bầu?
Tình trạng hồ huyết bánh nhau thường không dẫn đến bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, bạn vẫn nên thận trọng nếu bác sĩ cho biết mình đang mắc tình trạng này. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết mình nên làm gì để đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con.
Nếu phát hiện tình trạng xảy ra ở tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ, các bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi. Nguyên do là tình trạng này có thể dẫn đến việc thai nhi phát triển nhỏ hơn bình thường.
Tuy nhiên, nếu tình trạng hồ huyết nhau thai phát triển to bất thường hoặc chiếm hơn 10% thể tích nhau thai thì có thể dẫn đến nguy cơ mắc tình trạng nhau cài răng lược (placenta accrete). Khi đó, các bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành siêu âm bổ sung, đặc biệt là ở những bệnh nhân có hồ huyết nhiều và lớn.
Nếu mẹ bầu từng phẫu thuật tử cung hoặc vị trí của hồ huyết nhau thai quá gần cổ tử cung thì bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các phương pháp kiểm tra y khoa khác để chuẩn đoán chuyên sâu. Phương pháp siêu âm có thể xác định được sự có mặt của các hồ huyết bánh nhau này.
Những hiểu lầm thường gặp
Bản thân tình trạng hồ huyết nhau thai không gây ra nhiều vấn đề. Nhưng liệu tình trạng này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng nào đe dọa đến sức khỏe của mẹ và bé hay không?
1. Thai nhi có dễ bị bóc tách?
Đây là một biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của người mẹ hoặc em bé hay thậm chí là cả hai. Việc nhau thai bị bóc tách thường xảy do tình trạng thiếu máu ở mẹ hoặc do mang đa thai. Hồ huyết nhau thai không có liên quan đến tình trạng này.
2. Mẹ bầu bị huyết áp cao hoặc tiền sản giật?
Tiền sản giật là một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến thai kỳ, nhưng không phải do hồ huyết bánh nhau gây ra. Trên thực tế, béo phì, tổn thương ở nhau thai hoặc do cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả là những nguyên nhân có thể dẫn đến tiền sản giật.
Tình trạng cao huyết áp khi mang thai có thể được hình thành do mẹ bầu thừa cân hoặc căng thẳng quá độ khi mang thai. Hồ huyết bánh nhau cũng không phải là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
3. Mẹ bầu có thể bị xuất huyết khi sinh?
Nhiều người thường cho rằng, việc bị hồ huyết bánh nhau khi mang thai có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết khi sinh. Điều này không đúng vì hầu hết các mẹ bầu không gặp bất kỳ rủi ro nào trong quá trình mang thai và các bé đều sinh ra khỏe mạnh.
4. Hồ huyết bánh nhau là nguyên nhân gây sinh non?
Nhiều người cho rằng hồ huyết bánh nhau có thể dẫn đến sinh non. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp sẽ không dẫn đến biến chứng nguy hiểm trên. Nguyên nhân chủ yếu khiến mẹ sinh non thường là do huyết áp cao hoặc đái tháo đường thai kỳ.
Hồ huyết bánh nhau là một thuật ngữ y khoa khá lạ lẫm và thường làm các mẹ bầu cảm thấy lo lắng nếu mắc phải. Tuy nhiên, tình trạng trên thường không ảnh hưởng trực tiếp đến em bé cũng như thai kỳ của bạn. Thế nhưng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi được chẩn đoán mắc phải nhằm có phương hướng dưỡng thai hợp lý.
[embed-health-tool-due-date]