backup og meta

7 dấu hiệu tiền sản giật mẹ bầu cần nhớ để bảo vệ thai kỳ

Tiền sản giật nguy hiểm như thế nào trong thai kỳ? Đâu là dấu hiệu tiền sản giật mẹ cần cảnh giác để can thiệp kịp thời?

7 dấu hiệu tiền sản giật mẹ bầu cần nhớ để bảo vệ thai kỳ

Tiền sản giật là một trong những biến chứng thai kỳ mẹ không nên chủ quan. Vì sao tiền sản giật nguy hiểm? Đâu là các dấu hiệu tiền sản giật mà mẹ bầu cần sớm nhận biết để được thăm khám, điều trị kịp thời? Mẹ bầu hãy theo dõi chi tiết hơn trong bài viết sau của Hello Bacsi để trang bị kiến thức giúp phòng tránh rủi ro liên quan đến tiền sản giật nhé.

Tiền sản giật là gì, có nguy hiểm không?

Tiền sản giật (preeclampsia) là một bệnh lý sản khoa nghiêm trọng thường xảy ra vào nửa sau thai kỳ, từ khoảng tuần 20 trở đi hoặc sau khi sinh. Tình trạng tiền sản giật ở mẹ bầu thường liên quan huyết áp cao và nồng độ protein cao trong nước tiểu (protein niệu). 

Tiền sản giật là một biến chứng sản khoa nguy hiểm vì có thể gây tổn thương đối với một số cơ quan như tim mạch, thận, gan… Đồng thời, cả mẹ và bé đều có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng do tiền sản giật, chẳng hạn như co giật, vấn đề đông máu, phù phổi, đột quỵ, sinh non… thậm chí là tử vong. Vì vậy, mẹ bầu cần chú ý cảnh giác với các dấu hiệu tiền sản giật có thể nhận biết được, đặc biệt là đảm bảo khám thai định kỳ để được bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời.

[embed-health-tool-due-date]

Dấu hiệu tiền sản giật điển hình mà các mẹ bầu cần nhớ

Nhiều mẹ bầu bị tiền sản giật nhưng không có triệu chứng điển hình cho đến khi đi khám. Ngược lại, nếu có những triệu chứng sau đây, ngoài huyết áp cao và protein niệu, thì mẹ cần cảnh giác nguy cơ tiền sản giật:

1. Tăng cân bất thường

dấu hiệu tiền sản giật là tăng cân bất thường

Tăng cân ở mẹ bầu là bình thường vì thai nhi sẽ ngày càng phát triển theo thời gian. Tuy nhiên, nếu tốc độ tăng cân không ổn định mà có sự đột biến, chẳng hạn như mẹ bầu tăng 1.5 – 2 kg/tuần hoặc tăng đến 5 kg/tháng thì đó là dấu hiệu bất thường cảnh báo tiền sản giật. 

Tiền sản giật thường dẫn đến rối loạn chức năng của mạch máu và thận, khiến dịch “rò rỉ” ra khỏi thành mạch và tích tụ trong mô thay vì đi qua thận để bài tiết ra khỏi cơ thể. Điều này khiến cơ thể mẹ giữ nước quá mức dẫn đến tăng cân nhanh chóng.

2. Mặt hoặc tay chân bị sưng phù

Sưng phù cơ thể khi mang thai có thể là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị sưng phù đột ngột ở mặt, quanh mắt hoặc tay, kèm theo tăng cân nhanh thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tiền sản giật. Triệu chứng này là kết quả của việc cơ thể giữ nước quá mức do rối loạn chức năng mạch máu và thận.

3. Khó thở

Nếu mẹ bầu đột nhiên khó thở, mạch đập nhanh, kèm theo biểu hiện lú lẫn, cảm giác lo lắng tăng cao thì có thể là biểu hiện của tiền sản giật. Khó thở thường là do tình trạng huyết áp cao gây ra hoặc hiếm gặp hơn có thể là do tích tụ dịch trong phổi. Vì vậy, mẹ nên nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

4. Mất thị lực, tầm nhìn thay đổi 

Nếu mẹ bầu có những thay đổi về thị lực như nhìn mờ, hay bị hoa mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy hoặc thấy có đốm sáng… đặc biệt là xảy ra tình trạng này từ tuần 20 trở đi thì nên lưu ý. Những thay đổi về thị lực có thể là dấu hiệu tiền sản giật nguy hiểm.

5. Buồn nôn, nôn mửa đột ngột

dấu hiệu tiền sản giật: buồn nôn, nôn mửa đột ngột

Buồn nôn, nôn mửa do ốm nghén thường chỉ xảy ra trong những tháng đầu thai kỳ. Do đó, nếu mẹ đã bước sang giai đoạn nửa sau của thai kỳ nhưng đột ngột cảm thấy buồn nôn, nôn mửa thì đó có thể là một trong triệu chứng của tiền sản giật.

6. Đau đầu dai dẳng

Triệu chứng đau đầu là vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nếu mẹ bị đau đầu dữ dội hoặc âm ỉ, cảm giác nhói giống chứng đau nửa đầu, đặc biệt là kéo dài, không thuyên giảm sau khi dùng thuốc thì tình trạng này có thể liên quan đến tiền sản giật.

7. Đau bụng trên

Tình trạng đau bụng trên có thể là dấu hiệu tiền sản giật nhưng dễ bị nhầm lẫn với chứng ợ nóng, khó tiêu, do em bé đạp… Tuy nhiên, một số trường hợp đau bụng trên, đặc biệt là đau bụng ở vùng góc trên bên phải thì mẹ cần lưu ý sớm đi thăm khám để được hỗ trợ, giảm rủi ro sức khỏe do tiền sản giật gây ra.

Tiền sản giật được kiểm tra và chẩn đoán như thế nào?

Tiền sản giật thường được chẩn đoán trong những lần mẹ đi khám thai định kỳ. Ở mỗi lần khám thai, mẹ bầu thường được kiểm tra cân nặng, huyết áp… Tuy nhiên, nếu nghi ngờ mẹ có nguy cơ tiền sản giật, chẳng hạn như do phát hiện huyết áp cao, bác sĩ thường đề xuất cho mẹ thực hiện thêm một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng gan, thận
  • Phân tích nước tiểu thông qua mẫu nước tiểu 24 giờ của mẹ bầu để kiểm tra tình trạng protein niệu
  • Siêu âm theo dõi thai nhi chặt chẽ hơn, đây là cách giúp bác sĩ đánh giá kích thước thai nhi và thể tích nước ối.

Tình trạng tiền sản giật ở phụ nữ mang thai có thể diễn ra ở cấp độ nhẹ hoặc nặng. Nếu kết quả kiểm tra bao gồm huyết áp cao và lượng protein cao trong nước tiểu, mẹ bầu thường được chẩn đoán tiền sản giật nhẹ. Trong trường hợp mẹ bầu vừa có biểu hiện của tiền sản giật nhẹ vừa có thêm các dấu hiệu sau đây thì có nghĩa nguy cơ tiền sản giật đang ở mức nghiêm trọng hơn:

  • Mẹ có dấu hiệu của suy gan, suy thận thông qua kết quả xét nghiệm máu
  • Số lượng tiểu cầu thấp
  • Có dịch trong phổi
  • Đau đầu, chóng mặt
  • Suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ. 

Dấu hiệu tiền sản giật và các thắc mắc thường gặp 

1. Nên thực hiện xét nghiệm tiền sản giật ở tuần bao nhiêu? 

Nên thực hiện xét nghiệm tiền sản giật ở tuần bao nhiêu? 

Tiền sản giật là một biến chứng sản khoa nguy hiểm nên nhiều mẹ quan tâm rằng để phòng ngừa rủi ro thì nên xét nghiệm tiền sản giật ở tuần bao nhiêu? Xét nghiệm tiền sản giật khi nào là tốt nhất? Theo khuyến cáo, mẹ bầu nên thực hiện xét nghiệm tiền sản giật trong khoảng tuần 11 đến tuần 13 của thai kỳ. 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi đánh giá kết hợp các yếu tố như huyết áp trung bình, chỉ số xung của động mạch tử cung (PI), yếu tố tăng trưởng bánh nhau (PlGF) kết hợp với tiền sử bệnh của mẹ trong giai đoạn này có thể giúp xác định hiệu quả nhóm thai phụ có nguy cơ cao bị tiền sản giật. Việc nhận diện nguy cơ từ sớm sẽ giúp bác sĩ có sự can thiệp kịp thời, ngăn ngừa rủi ro cho mẹ và bé.

2. Dấu hiệu tiền sản giật 3 tháng cuối là những dấu hiệu nào?

Tiền sản giật là biến chứng sản khoa xảy ra vào khoảng sau tuần 20 của thai kỳ. Vậy nên, mẹ cần lưu ý đến dấu hiệu tiền sản giật 3 tháng cuối bao gồm:

  • Huyết áp cao
  • Protein niệu được hiểu là có đạm trong nước tiểu
  • Tăng cân, phù nề bất thường do cơ thể giữ nước
  • Đau đầu không giảm khi dùng thuốc
  • Hoa mắt, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng
  • Buồn nôn, nôn mửa đột ngột
  • Đau vùng thượng vị hoặc hạ sườn bên phải
  • Khó thở, hụt hơi
  • Tiểu ít hoặc không có nước tiểu.

3. Có thể hạn chế những biến chứng của tiền sản giật được không? Bằng cách nào?

Mặc dù tiền sản giật là một biến chứng nguy hiểm nhưng các mẹ bầu vẫn có thể chủ động phòng ngừa và giảm thiểu các biến chứng tiền sản giật bằng cách:

Giai đoạn trước khi mang thai, chị em phụ nữ nên:

  • Cố gắng giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì
  • Nếu bị huyết áp cao hoặc tiểu đường, các chị em nên tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ về việc kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu. 

Giai đoạn mang thai, các chị em bầu bí nên: 

  • Khám thai định kỳ để được bác sĩ theo dõi sát sao
  • Ăn uống lành mạnh, hạn chế muối và cắt giảm lượng caffeine tiêu thụ 
  • Vận động thể chất nhẹ nhàng, thường xuyên
  • Nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo ngủ đủ giấc
  • Sử dụng aspirin liều thấp vào đầu thai kỳ nếu bác sĩ chỉ định

4. Mẹ bầu bị tiền sản giật có đẻ thường được không?

Câu trả lời cho thắc mắc mẹ bầu bị tiền sản giật có đẻ thường được không sẽ tùy thuộc vào tình trạng của mẹ và bé. Nếu tuổi thai đủ ít nhất 36 tuần, huyết áp được kiểm soát tốt, không có dấu hiệu suy thai hay bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào thì mẹ bầu bị tiền sản giật vẫn có thể sinh thường, đặc biệt là khi cổ tử cung đang mở tốt.

Điều quan trọng là mẹ bầu cần được thăm khám, kiểm tra đầy đủ trước khi vượt cạn bao gồm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, nước tiểu, Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, đo monitoring, siêu âm thai, tim thai… Điều này giúp bác sĩ xác định mẹ và bé có đủ điều kiện an toàn để sinh thường không. Nếu tiền sản giật ở mức độ nặng và dẫn đến các biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ sinh mổ để hạn chế rủi ro.

Nhìn chung, tiền sản giật là tình trạng diễn tiến “âm thầm” nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, mẹ bầu nên lưu ý đến các dấu hiệu tiền sản giật để chủ động hơn khi thăm khám. Nếu tiền sản giật được phát hiện sớm, mẹ bầu sẽ được bác sĩ theo dõi sát sao, can thiệp kịp thời, giúp hành trình mang thai và sinh con an toàn, thuận lợi hơn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Preeclampsia – Signs and symptoms

https://www.preeclampsia.org/signs-and-symptoms Ngày truy cập 09/07/2025

Preeclampsia 

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preeclampsia/symptoms-causes/syc-20355745 Ngày truy cập 09/07/2025

Preeclampsia 

https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/pregnancy/preeclampsia Ngày truy cập 09/07/2025

WHAT IS PREECLAMPSIA

https://www.preeclampsia.org/what-is-preeclampsia Ngày truy cập 09/07/2025

Preeclampsia

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17952-preeclampsia Ngày truy cập 09/07/2025

Phiên bản hiện tại

10/07/2025

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Tiết lộ 12 giải pháp phòng ngừa tiền sản giật hiệu quả cho mẹ bầu

Tiền sản giật trong thai kỳ: Mẹ cần biết gì về biến chứng nguy hiểm này?


Được đánh giá bởi: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi, Đa khoa, Hello Bacsi · Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 10/07/2025

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo