backup og meta

Đa ối là gì? Đa ối trong thai kỳ có nguy hiểm không?

Giải đáp đa ối khi mang thai là gìNguyên nhân khiến mẹ bầu bị đa ốiDấu hiệu nhận biết tình trạng đa ốiChẩn đoán hiện tượng nước ối tăng bất thường như thế nào?Các phương pháp điều trị đa ốiFAQs – Những câu hỏi thường gặp liên quan đến chứng đa ốiKết luận

Đa ối (hay nước ối nhiều) là một trong những bất thường sản khoa thường xuất hiện vào giai đoạn nửa cuối thai kỳ. Mặc dù tỷ lệ thai phụ bị đa ối không cao nhưng nếu không được phát hiện và can thiệp sớm có thể đe dọa sự an toàn của thai nhi.

Đa ối là gì? Đa ối trong thai kỳ có nguy hiểm không?

Ở điều kiện bình thường, nước ối là dạng chất lỏng đặc biệt bảo vệ thai nhi khỏi những áp lực bên ngoài, là môi trường vô khuẩn cung cấp dinh dưỡng và hỗ trợ giữ thai nhi có thân nhiệt ổn định. Tuy nhiên nếu lượng nước ối gia tăng quá mức sẽ gây không ít vấn đề với sản phụ lẫn thai nhi. Vậy phải làm sao để đối phó với tình trạng này?

Giải đáp đa ối khi mang thai là gì

Đa ối là tình trạng nước ối tích tụ quá nhiều trong tử cung sản phụ. Khi đó, chỉ số ối (Aminonic fluid index – AFI) đo được nhờ phương pháp siêu âm sẽ lớn hơn 25cm. Tình trạng nước ối dư thừa có thể gặp ở 0,5 – 3% thai phụ và xuất hiện nhiều ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

Trong suốt thai kỳ, lượng nước ối sẽ tăng dần và đạt mức lớn nhất ở tuần thứ 37 sau đó giảm xuống còn 0,5 lít ở tuần 40. Sự cân bằng này đạt được nhờ quá trình nuốt nước ối của thai nhi và đưa ra ngoài dưới dạng nước tiểu. 

Khi lượng nước ối mất cân bằng, thể tích nước ối có thể tăng lên đến 2000ml, thậm chí có trường hợp nước ối đạt 3000ml. Tình huống này gọi là đa ối nặng nếu không can thiệp kịp sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Đa ối khi mang thai có nguy hiểm không?
Phần lớn các ca mắc chứng đa ối đều ở mức nhẹ chỉ cần điều trị theo dõi. Trường hợp nặng hơn thì sản phụ cần được giảm lượng nước ối thừa để tránh các hậu quả như:
  • Tăng nguy cơ thai chết lưu (với tỷ lệ 4/1000)
  • Dễ gây vỡ ối sớm hoặc sinh non
  • Thai ngôi mông hoặc ngôi ngang khi gần đến kỳ sinh
  • Sa dây rốn khi chuyển dạ (dây rốn có thể bị chèn ép hoặc đẩy ra trước em bé).
  • Quá nhiều nước ối còn dễ dẫn đến bong nhau thai (nhau tách ra trước khi bé chào đời) và điều này làm tăng nguy cơ xuất huyết sau sinh do tử cung bị chèn ép bởi khối nước ối lớn và không thể co lại như bình thường.
  • Nước ối tăng còn khiến cho mẹ sinh hoạt khó khăn do bị khó thở, đau lưng, đau bụng.

[embed-health-tool-due-date]

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đa ối

Khoảng 2/3 trường hợp nước ối tăng lên ở mức cao và không thể điều chỉnh không tìm ra nguyên nhân cụ thể. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ: hiện tượng nước ối tăng cao thường được phát hiện trong 10% sản phụ mắc bệnh tiểu đường. Lý do bởi việc kiểm soát đường huyết kém khiến thai nhi tiểu nhiều hơn bình thường làm nước ối tăng.
  • Mẹ bầu mắc chứng rối loạn trương lực cơ cũng có thể gặp tình trạng nước ối vượt ngưỡng bình thường.
  • Mẹ mang đa thai hoặc song thai dễ bị mất cân bằng trong trao đổi chất giữa các bào thai. Từ đó dẫn đến chứng đa ối (một bào thai ít nước ối và bào thai còn lại nhiều ối hơn)
  • Các dị tật thai bẩm sinh như hở hàm ếch, hẹp môn vị hoặc dị tật liên quan đến chức năng thận của thai nhi cũng là nguyên nhân gây tăng nước ối trong thai kỳ.
  • Các yếu tố khác như thiếu máu bào thai, nhiễm trùng thai, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và bé cũng góp phần dẫn đến hiện tượng nước ối tăng.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng đa ối

Các triệu chứng của đa ối khi mang thai thường không dễ nhận thấy mà chỉ có thể phát hiện khi khám thai. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất lúc này là:

  • Tử cung to, căng hơn bình thường và không tương xứng với tuổi thai
  • Phần dưới âm đạo bị căng phồng hoặc khó sờ cảm nhận các phần của thai nhi và nghe tim thai.

Trường hợp tăng nước ối cấp tính thường diễn ra trong vài giờ đồng hồ (xuất hiện nhiều ở tuần 16 – 20 của thai kỳ) với các biểu hiện như:

  • Bụng căng cứng, to nhanh
  • Tử cung bị phình to chèn ép lên cơ hoành gây cảm giác đau nhức khó chịu
  • Giãn tĩnh mạch, phù chân
  • Khó thở hoặc nặng hơn là suy hô hấp
  • Cổ tử cung mở, đầu ối và phần dưới của âm đạo bị căng phồng
  • Một số mẹ bầu còn gặp triệu chứng buồn nôn, đau tức vùng thượng vị.

Chẩn đoán hiện tượng nước ối tăng bất thường như thế nào?

đa ối là gì

Nếu nghi ngờ sản phụ mắc chứng đa ối, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một trong hai phương pháp định lượng nước ối không gây đau và không xâm lấn như sau:

  • Đo chỉ số nước ối (API): Bác sĩ đo lượng chất lỏng để đánh giá mức chất lỏng trong bốn góc phần tư của tử cung, trước khi cộng chúng lại với nhau và chia cho bốn. Nếu mức nước ối vượt ngưỡng bình thường từ 5 – 25cm chứng tỏ nước ối của thai phụ đang tăng cao bất thường
  • Phương pháp đo túi đơn sâu nhất (SDP) sẽ chọn và đo lường túi nước ối sâu nhất tử cung. Khi nước ối vượt quá 8cm so với chuẩn từ 2 – 8cm thì được chẩn đoán là có bất thường.

Các phương pháp điều trị đa ối

Sau khi chẩn đoán xác nhận bệnh, thai phụ có thể sẽ được bác sĩ chỉ định khám bổ sung hoặc siêu âm nhằm đánh giá tình trạng thai nhi. Phương án điều trị sẽ cân nhắc dựa trên giai đoạn mang thai, mức độ nghiêm trọng của biến chứng cũng như nguyên nhân gây bệnh. 

Ví dụ trong trường hợp tăng nước ối nghiêm trọng do đái tháo đường thai kỳ, sản phụ cần quản lý tốt lượng đường huyết thông qua việc kiểm soát chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Hoặc với những ca phát hiện nguy cơ sinh non thì thai phụ cần tiêm thuốc trưởng thành phổi nhằm hạn chế rủi ro này. 

Với những ca tăng nước ối cấp tính nguy hiểm tính mạng, bác sĩ sẽ tiến hành hút bớt nước ối.

FAQs – Những câu hỏi thường gặp liên quan đến chứng đa ối

1. Thai phụ bị đa ối ngưỡng có thể sinh thường được không? 

Theo các bác sĩ sản khoa thì việc sinh thường hay đẻ mổ trong tình huống này còn tùy thuộc phần lớn vào nguyên nhân gây bệnh cũng như thể trạng của từng thai phụ. 

Nếu tiên lượng có nhiều rủi ro trong ca sinh thì bác sĩ sẽ cân nhắc mổ lấy thai để tránh nguy cơ mẹ mất máu nặng và băng huyết sau sinh. Ngược lại nếu như tình trạng dư thừa nước ối được ổn định tốt trước ngày dự sinh thì mẹ sẽ có thể sinh thường.

2. Làm sao để phòng tránh nguy cơ đa ối trong thai kỳ? 

Bạn nên xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, uống nước vừa đủ, giảm muối trong khẩu phần ăn và tuyệt đối không nên làm việc quá sức nhất là trong giai đoạn cuối thai kỳ.

Kết luận

Vừa rồi là những thông tin liên quan đến chủ đề đa ối khi mang thai. Để đảm bảo an toàn cũng như phòng tránh các biến chứng thai kỳ, sản phụ nên chủ động khám thai định kỳ, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện dị tật có nguy cơ gây bệnh và phối hợp điều trị sớm với đội ngũ y bác sĩ khi phát hiện có bất thường ở mẹ hoặc thai nhi.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Polyhydramnios – Symptoms and causes

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/polyhydramnios/symptoms-causes/syc-20368493

Ngày truy cập 04.07.2025

Polyhydramnios: Causes, Symptoms, Complications

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17852-polyhydramnios

Ngày truy cập 04.07.2025

Polyhydramnios (too much amniotic fluid)

https://www.nhs.uk/conditions/polyhydramnios/

Ngày truy cập 04.07.2025

Polyhydramnios

https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/planning-baby/polyhydramnios

Ngày truy cập 04.07.2025

Polyhydramnios: Causes, Diagnosis and Therapy

https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3964358/#:~:text=The%20diagnosis%20is%20obtained%20by,cord%20prolapse%20and%20postpartum%20hemorrhage.

Ngày truy cập 04.07.2025

Polyhydramnios – Diagnosis and treatment

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/polyhydramnios/diagnosis-treatment/drc-20368494

Ngày truy cập 04.07.2025

Labor and Delivery

https://polyhydramnios.org/learn-more-about-polyhydramnios/labor-and-delivery-with-polyhydramnios/

Ngày truy cập 04.07.2025

Phiên bản hiện tại

07/07/2025

Tác giả: Minh Phú

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Nước ối có màu gì? Màu nước ối như thế nào là bất thường?

Bảng chỉ số nước ối tính theo mm chi tiết nhất: Lưu ý những bất thường cần chú ý ngay


Được đánh giá bởi: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi, Đa khoa, Hello Bacsi · Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 07/07/2025

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo