backup og meta

Còn ống động mạch

Còn ống động mạch

 

Tìm hiểu chung

Còn ống động mạch là gì?

Còn ống động mạch là tình trạng xuất hiện thêm một mạch máu ở trẻ em trước và ngay sau khi được sinh.

Ở những trẻ bình thường, còn ống động mạch sẽ co lại và tự đóng trong vài ngày sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu ống động mạch mở lâu có thể khiến máu chảy thêm vào phổi. Các vấn đề này thường xuất hiện nếu trẻ có còn ống động mạch lớn. Đối với còn ống động mạch nhỏ, nó sẽ tự đóng khi trẻ lên 1 tuổi.

Tình trạng còn ống động mạch thường xuất hiện ở trẻ sinh non, đặc biệt là trẻ có bệnh phổi. Đối với những trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành đóng ống động mạch.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng còn ống động mạch là gì?

Các triệu chứng còn ống động mạch thay đổi theo kích thước của ống động mạch và liệu trẻ có sinh đủ tháng hay không.

Còn ống động mạch nhỏ thường không gây ra bất cứ dấu hiệu nào, do đó bác sĩ thường không phát hiện tình trạng này cho đến khi trẻ trưởng thành.

Còn ống động mạch lớn có thể gây các dấu hiệu suy tim ngay sau khi trẻ sinh ra.

Ngoài ra, tình trạng này có thể khiến trẻ:

  • Trẻ không muốn bú, dẫn đến chậm phát triển
  • Đổ mồ hôi khi đang khóc hoặc bú
  • Thường xuyên thở nhanh hoặc khó thở
  • Dễ mệt mỏi
  • Nhịp tim nhanh

Khi nào bạn nên cho trẻ đến gặp bác sĩ?

Bạn nên cho trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu:

  • Trẻ dễ mệt mỏi khi đang ăn hoặc chơi
  • Trẻ không lên cân
  • Trẻ bỗng khó thở khi đang ăn hoặc khóc
  • Trẻ luôn thở nhanh hoặc thở nông

Nguyên nhân

Nguyên nhân còn ống động mạch là gì?

Các chuyên gia vẫn chưa rõ nguyên nhân gây còn ống động mạch. Họ cho rằng yếu tố di truyền có thể đóng vai trò trong việc gây ra tình trạng này.

Khi trẻ còn ở trong bụng mẹ, ống động mạch giúp lưu thông máu và vận chuyển oxy từ mẹ sang bé.

Sau khi sinh, ống động mạch sẽ tự đóng trong 2-3 ngày. Ở trẻ sinh non, quá trình này có thể mất thời gian lâu hơn. Nếu ống động mạch vẫn mở, trẻ sẽ mắc tình trạng còn ống động mạch.Việc ống động mạch mở bất thường sẽ khiến quá nhiều máu chảy đến phổi và tim của trẻ. Nếu không được điều trị, trẻ có thể bị tăng huyết áp phổi và tim có thể phì đại, suy yếu.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc còn ống động mạch?

Một số yếu tố có thể khiến trẻ tăng nguy cơ còn ống động mạch như:

  • Sinh non
  • Bệnh sử gia đình hoặc các tình trạng sức khỏe về di truyền
  • Mẹ nhiễm Rubella trong lúc mang thai
  • Nữ giới: các bé gái thường có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với bé nam

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết.

Những kỹ thuật y tế nào chẩn đoán còn ống động mạch?

Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ còn ống động mạch, họ sẽ dùng ống nghe để kiểm tra tiếng thổi của tim. Sau đó, họ có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm sau:

  • Chụp X-quang ngực
  • Điện tâm đồ EKG để kiểm tra nhịp tim và giúp bác sĩ phát hiện tình trạng tim phì đại
  • Siêu âm tim
  • Xét nghiệm máu

Những phương pháp nào giúp điều trị còn ống động mạch?

Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, phương pháp điều trị còn ống động mạch sẽ khác nhau, chẳng hạn như:

  • Theo dõi. Ở trẻ sinh non, ống động mạch thường tự đóng dù thời gian lâu hơn bình thường. Bác sĩ sẽ thường xuyên kiểm tra tim của bé để chắc chắn ống động mạch đóng chính xác. Đối với trẻ sinh đủ tháng hoặc người còn ống động mạch nhỏ, bác sĩ cũng chỉ theo dõi bệnh mà không cần điều trị.
  • Thuốc. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng viêm không steroid, như ibuprofen hoặc indomethacin để đóng ống động mạch ở trẻ sinh non. Các thuốc này sẽ chặn các chất giống như hormone trong cơ thể làm ống động mạch mở. Tuy nhiên, đối với trẻ sinh đủ tháng, trẻ nhỏ hoặc người lớn mắc bệnh này, các thuốc kháng viêm không steroid không có hiệu quả.
  • Phẫu thuật đóng ống động mạch. Nếu thuốc không có hiệu quả hoặc tình trạng của trẻ nghiêm trọng hay có biến biến, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật đóng ống động mạch. Sau phẫu thuật, trẻ cần phải ở lại bệnh viện vài ngày để nhân viên y tế theo dõi. Phẫu thuật này cũng có thể được thực hiện ở người lớn mắc các tình trạng sức khỏe do còn ống động mạch gây ra. Một số rủi ro bạn có thể mắc phải khi làm phẫu thuật như khàn giọng do tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược, chảy máu, nhiễm trùng hoặc liệt cơ hoành.
  • Đặt Catheter. Thực tế, thủ thuật này không phù hợp cho trẻ sinh non. Tuy nhiên, nếu trẻ không có các tình trạng sức khỏe liên quan đến còn ống động mạch, bác sĩ sẽ chờ trẻ đủ lớn để đặt Catheter nhằm chỉnh sửa ống động mạch. Thủ thuật này có thể thực hiện cho trẻ sinh đủ tháng, người lớn và trẻ nhỏ. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ chèn một ống mỏng (catheter) vào mạch máu ở háng và luồn đến tim đóng ống động mạch. Các biến chứng từ thủ thuật này bao gồm chảy máu hoặc nhiễm trùng. Bạn hoặc trẻ có thể cần dùng kháng sinh trong 6 tháng đầu sau khi làm thủ thuật đặt ống catheter nếu động mạch vẫn còn tổn thương hoặc từng bị viêm ở tim.

Còn ống động mạch có nguy hiểm không?

Ống động mạch nhỏ thường không gây bất cứ biến chứng nào. Tuy nhiên, đối với các ống động mạch lớn và không được điều trị, trẻ có thể mắc các biến chứng sau:

  • Tăng huyết áp trong phổi. Máu lưu thông quá nhiều qua động mạch chính có thể làm tăng huyết áp phổi, gây tổn thương phổi vĩnh viễn. Còn ống động mạch có thể dẫn đến hội chứng Eisenmenger – một loại tăng huyết áp không hồi phục.
  • Suy tim. Còn ống động mạch có thể làm tim phì đại và suy yếu chức năng, dẫn đến suy tim – một tình trạng mãn tính làm tim không thể bơm máu hiệu quả.
  • Nhiễm trùng tim (viêm nội tâm mạc). Những trẻ còn ống động mạch sẽ có nguy cơ cao hơn mắc viêm nội tâm mạc so với những trẻ khỏe mạnh.

Phòng ngừa còn ống động mạch

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa còn ống động mạch?

Không có cách cụ thể giúp bạn phòng ngừa trẻ còn ống động mạch sau khi sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần có lối sống và chế độ ăn uống trong thai kỳ, chẳng hạn như:

  • Bỏ hút thuốc lá (nếu có), giảm căng thẳng bằng cách thiền, yoga, đọc sách…
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung thêm vitamin, đặc biệt là axit folic
  • Thường xuyên tập thể dục. Bạn hãy tham khảo bác sĩ để biết những hoạt động nào bạn có thể thực hiện khi mang thai.
  • Tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai
  • Nếu bị tiểu đường, bạn cần phải kiểm soát mức đường huyết trong mức cho phép.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Patent ductus arteriosus (PDA). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/patent-ductus-arteriosus/diagnosis-treatment/drc-20376150. Ngày truy cập 08/11/2019

Patent ductus arteriosus (PDA). https://www.heart.org/en/health-topics/congenital-heart-defects/about-congenital-heart-defects/patent-ductus-arteriosus-pda. Ngày truy cập 08/11/2019

Patent ductus arteriosus (PDA). https://kidshealth.org/en/parents/patent-ductus-arteriosus.html. Ngày truy cập 08/11/2019

 

Phiên bản hiện tại

24/02/2020

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Thai quá ngày: Nguyên nhân, giải pháp và những điều mẹ bầu cần biết

Tim thai: Dấu hiệu sức khỏe bé yêu mẹ cần đặc biệt lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 24/02/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo