Chán ăn khi mang thai là một tình trạng không quá hiếm gặp, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Việc rơi vào tình trạng chán ăn có thể khiến các mẹ bầu ăn ít hơn bình thường, thậm chí không muốn ăn bất cứ thứ gì. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt dưỡng chất, mệt mỏi thường xuyên gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ bầu lẫn thai nhi.
Chúng ta thường nghĩ rằng phụ nữ mang thai thường thèm ăn và có thể ăn rất nhiều thứ. Thực tế là chứng chán ăn khi mang thai cũng phổ biến không kém so với tình trạng thèm ăn khi mang thai. Bài viết này của Hello Bacsi sẽ giúp bà bầu hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách khắc phục và lưu ý để đảm bảo dinh dưỡng thai kỳ nếu bị chứng chán ăn khi mang thai làm phiền.
Chán ăn khi mang thai có những triệu chứng nào?
Triệu chứng chán ăn khi mang thai có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng một số triệu chứng chung thường gặp bao gồm:
- Mất khẩu vị: Việc rơi vào tình trạng chán ăn khi mang thai có thể khiến các bà bầu cảm thấy thức ăn không ngon miệng hoặc không có hứng thú với bất kỳ món ăn nào, dù là các món ăn từng rất yêu thích.
- Tăng cảm giác khó chịu với mùi thức ăn: Phụ nữ mang thai có thể cảm thấy khó chịu và mất hứng thú với thức ăn ngay khi tiếp xúc với mùi thức ăn.
- Mệt mỏi: Chán ăn khi mang thai có thể gây ra cảm giác mệt mỏi và sự thiếu năng lượng do thiếu các dưỡng chất thiết yếu.
- Giảm cân ngoài ý muốn: Nếu bà bầu không ăn đủ thức ăn cần thiết, có thể dẫn đến giảm cân không mong muốn trong quá trình mang bầu.
Có thể bạn quan tâm
Chán ăn khi mang thai: Nguyên nhân do đâu?
Theo các chuyên gia sức khỏe, chán ăn khi mang thai có thể là do một số nguyên nhân khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn thai kỳ, bao gồm:
1. Bà bầu chán ăn 3 tháng đầu
Việc bà bầu chán ăn 3 tháng đầu của thai kỳ là một tình trạng phổ biến, theo các chuyên gia ước tính có khoảng gần 2/3 số phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng này. Chán ăn khi mang thai 3 tháng đầu thường bắt đầu từ tuần thứ 4 của thai kỳ và có thể kéo dài đến tuần thứ 12.
Có nhiều nguyên nhân gây chán ăn 3 tháng đầu thai kỳ, bao gồm:
- Thay đổi nội tiết tố: Trong thai kỳ, việc cơ thể gia tăng nồng độ một số loại hormone progesterone và estrogen có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, ốm nghén… Chán ăn cũng là một trong những triệu chứng do sự thay đổi nội tiết tố gây ra.
- Ốm nghén: Buồn nôn và nôn mửa khi ốm nghén, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của thai kỳ, có thể làm cho bà bầu mất khẩu vị và không muốn ăn.
- Sự tăng độ nhạy cảm với mùi: Trong quá trình mang thai, những thay đổi hormone có thể làm tăng độ nhạy cảm với mùi và gây ra cảm giác khó chịu khi tiếp xúc với mùi thức ăn, dù là món ăn từng rất yêu thích.
- Thay đổi vị giác và khứu giác: Trong thai kỳ, nhất là giai đoạn đầu mang thai, vị giác và khứu giác của các mẹ bầu thay đổi có thể khiến các chị em bầu bí cảm thấy không thích mùi vị của các loại thực phẩm. Điều này có thể dẫn đến chán ăn.
- Stress và áp lực tâm lý: Các tình trạng stress và áp lực tâm lý có thể ảnh hưởng đến khẩu vị và gây ra chán ăn khi mang thai.
2. Bà bầu chán ăn 3 tháng giữa
Theo các chuyên gia sức khỏe, có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây chán ăn khi mang thai 3 tháng giữa. Một số nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
- Ốm nghén: Hầu hết phụ nữ mang thai đều hết buồn nôn và nôn vào khoảng yừ tuần thứ 14 của thai kỳ. Thế nhưng ước tính có khoảng 15 – 20% phụ nữ mang thai bị buồn nôn và nôn trong tam cá nguyệt thứ 2, thậm chí là cả tam cá nguyệt thứ 3. Việc bị buồn nôn và nôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, kể cả ban đêm khiến không ít chị em bầu bí bị chán ăn.
- Kích thước tử cung tăng lên: Trong 3 tháng giữa, tử cung của bà bầu bắt đầu phát triển và mở rộng để chứa thai nhi phát triển. Sự tăng kích thước này có thể gây ra cảm giác đầy bụng và áp lực lên dạ dày, làm giảm khả năng tiếp nhận thức ăn.
- Táo bón khi mang thai: Việc nồng độ hormone progesterone tăng lên vô tình làm giãn các cơ trong đường tiêu hóa và làm chậm nhu động ruột. Vì thức ăn lưu lại trong đường tiêu hóa lâu hơn nên cơ thể bạn có thể hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn từ đó. Việc dùng viên uống bổ sung chất sắt khi mang thai cũng có thể là nguyên nhân góp phần khiến mẹ bầu bị táo bón.
- Ợ nóng khi mang thai: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc ợ nóng khi mang thai cũng có thể liên quan đến việc tăng nồng độ progesterone. Progesterone làm thư giãn các cơ ở phần trên dạ dày, khiến axit dạ dày trào ngược vào thực quản. Việc tử cung gia tăng kích thước cũng góp phần gây áp lực lên dạ dày, khiến chứng ợ nóng trở nên tồi tệ hơn.
- Stress và áp lực tâm lý: Các tình trạng sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn.
3. Bà bầu chán ăn 3 tháng cuối
Theo các chuyên gia sản khoa, hầu hết chị em bầu bí không bị buồn nôn và nôn trong tam cá nguyệt thứ ba. Do đó, không có hiện tượng chán ăn thực sự trong tam cá nguyệt thứ ba.
Tuy nhiên, việc bụng bầu ngày càng lớn sẽ khiến mẹ bầu khó thở, từ đó có thể gây trở ngại ít nhiều cho việc ăn uống. Phụ nữ mang thai cũng bị tiêu hóa chậm, ợ nóng khi mang thai và táo bón cũng góp phần cản trở sự thèm ăn của mẹ bầu. Ngoài ra, bà bầu chán ăn 3 tháng cuối còn có thể là do:
- Kích thước tử cung tăng lên: Từ tuần 28 trở đi, tử cung bắt đầu mở rộng nhiều hơn để đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi. Sự tăng kích thước này có thể tạo áp lực lên các cơ quan lân cận, bao gồm dạ dày và hệ tiêu hóa. Điều này có thể làm giảm dung tích dạ dày và gây ra cảm giác no nhanh hơn. Bà bầu có thể cảm thấy chán ăn sau mỗi bữa ăn nhỏ do áp lực này.
- Đau lưng và mệt mỏi: Trọng lượng của thai nhi và sự thay đổi về tư thế khi mang bầu có thể khiến mẹ bầu bị đau lưng và mệt mỏi. Những tình trạng này có thể góp phần làm giảm sự thèm ăn và gây ra cảm giác chán ăn.
Chán ăn khi mang thai có nguy hiểm không, làm thế nào để khắc phục?
1. Chán ăn khi mang thai có nguy hiểm không?
Chán ăn khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, bao gồm:
- Suy dinh dưỡng: Việc bị chứng chán ăn khi mang thai làm phiền có thể khiến mẹ bầu không nhận đủ lượng dưỡng chất cần thiết, gây ra thiếu hụt vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Tình trạng chán ăn kéo dài và không được cung cấp đủ dưỡng chất có thể gây suy dinh dưỡng ở bà bầu, làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến thai nhi: thai suy dinh dưỡng, nhẹ cân khi sinh.
- Sinh non và trọng lượng khi sinh thấp: Tình trạng chán ăn khi mang thai kéo dài có thể thai nhi bị suy dinh dưỡng, sinh non, cân nặng khi sinh thấp… gây ra các nguy cơ cho sức khỏe và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Kéo dài thời gian hồi phục sau sinh: Việc không nhận đủ chất dinh dưỡng khi mang thai có thể khiến mẹ sau sinh mất nhiều thời gian để phục hồi, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi, điều quan trọng là các mẹ bầu cần tìm cách vượt qua chứng chán ăn khi mang thai. Nếu triệu chứng chán ăn của mẹ bầu trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài, hãy đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và hỗ trợ hiệu quả.
2. Mẹo giúp khắc phục chứng chán ăn khi mang thai
Trong thai kỳ, bất kể nguyên nhân chán ăn là gì, điều quan trọng là bạn và bé cưng phải nhận đủ các dưỡng chất thiết yếu. Cần lưu ý là các mẹ bầu không nên quá lo lắng nếu chỉ chán ăn, ăn ít trong 1-2 tuần. Điều căn bản là bạn cần uống đủ nước, bổ sung đủ lượng vitamin dành cho mẹ mang thai và nhấm nháp một món gì đó thì bạn và bé vẫn ổn. Nếu bạn mệt mỏi đến mức không thể ăn được gì hoặc sụt cân nhanh chóng, hãy đi khám ngay.
Khi bị chứng chán ăn khi mang thai làm phiền, bạn hãy thực hiện theo các mẹo sau:
- Uống đủ nước: Hãy uống khoảng 8-10 ly nước mỗi ngày. Nước giúp duy trì lượng nước cơ thể, giảm nguy cơ táo bón và hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, cần lưu ý là mẹ bầu nên tách biệt việc ăn và uống để không làm cho dạ dày quá đầy.
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ để giúp trị táo bón: rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây.
- Duy trì hoạt động thể chất đều đặn để giúp giảm táo bón khi mang thai.
- Chia nhỏ khẩu phẩn ăn và ăn thường xuyên: Thay vì ăn ba bữa lớn, hãy ăn nhiều bữa nhỏ hơn, khoảng 5-6 bữa mỗi ngày.
- Ăn các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ với thực phẩm giàu protein: thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng, sữa… Uống sinh tố được làm từ các nguyên liệu giàu protein, tốt cho sức khỏe như sữa chua, trái cây tươi theo mùa. Ưu tiên ăn trái cây tươi ngon như táo, cam, kiwi, dứa, dâu tây, chuối...
- Để một số món ăn vặt tốt cho bà bầu chẳng hạn như bánh quy giòn gần giường và ăn một ít trước khi ra khỏi giường.
- Nếu chứng chán ăn là do triệu chứng buồn nôn làm phiền, hãy thử uống trà gừng.
- Nếu bạn bị ợ nóng, hãy:
- Tránh thức ăn cay, chua và đồ chiên rán
- Tránh nằm ít nhất 45 phút sau khi ăn.
- Tránh ăn từ 2 đến 3 giờ trước khi đi ngủ.
- Tạo môi trường ăn uống thoải mái: Việc này có thể giúp mẹ bầu tận hưởng bữa ăn và thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
Nhớ rằng mỗi phụ nữ mang thai có nhu cầu dinh dưỡng riêng và chứng chán ăn khi mang thai là khá phổ biến, do đó, các mẹ bầu không nên quá lo lắng. Hãy thực hiện các mẹo kể trên và duy trì trạng thái vui vẻ để có một thai kỳ khỏe mạnh. Néu tính trạng chán ăn khi mang thai kéo dài và có dấu hiệu nặng thêm, bạn hãy đi khám sớm để được hỗ trợ hiệu quả nhé!
[embed-health-tool-due-date]