backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bà bầu bị zona thần kinh có ảnh hưởng đến thai nhi? Cách điều trị là gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 08/09/2023

    Bà bầu bị zona thần kinh có ảnh hưởng đến thai nhi? Cách điều trị là gì?

    Bệnh zona thần kinh hoặc còn được biết đến là bị giời leo thường xảy ra chủ yếu ở những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, thực chất là bất cứ ai từng bị thủy đậu đều có thể mắc bệnh zona thần kinh, bao gồm cả phụ nữ mang thai. Điều này có thể gây lo lắng liệu bà bầu bị zona thần kinh có ảnh hưởng đến thai kỳ và em bé không?

    Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin giúp bạn được làm rõ vấn đề này cũng như tìm kiếm giải pháp điều trị kịp thời.

    Nguyên nhân gây ra bệnh zona thần kinh

    Zona thần kinh (giời leo) là bệnh do nhiễm virus varicella – zoster, cũng chính là virus gây ra bệnh thủy đậu. Nói cách khác, zona thần kinh là tình trạng xảy ra ở những người từng mắc thủy đậu. Sau đợt phát bệnh đầu tiên, virus tiếp tục tồn tại trong các tế bào thần kinh dù các tổn thương trên da đã lành. Vào một thời điểm nào đó, virus có thể tái hoạt động và gây ra bệnh zona.

    Điều này cũng có nghĩa rằng nếu bạn chưa bao giờ bị thủy đậu thì bạn không thể mắc bệnh zona. Bản thân bệnh zona không lây nhưng virus varicella – zoster vẫn có thể lây lan và gây ra bệnh thủy đậu cho người không có miễn dịch với virus gây bệnh. Nguyên nhân là bởi cả hai bệnh này đều do cùng một loại virus gây ra.

    Bà bầu bị zona thần kinh – Triệu chứng nhận biết là gì?

    bà bầu bị zona thần kinh

    Bà bầu bị zona thần kinh có sao không hay bà bầu bị zona có những triệu chứng gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, phát ban đỏ là triệu chứng đặc trưng của bệnh zona và thường xuất hiện ở một vùng da nhỏ trên cơ thể như trên ngực, lưng hoặc vùng mặt. Mẹ có thể cảm thấy tê đau, ngứa ran, bỏng rát, nhạy cảm, khó chịu đối với vùng da bị phát ban ở một bên cơ thể. Các nốt ban này thường trở thành mụn nước đóng vảy trong khoảng 7 đến 10 ngày và lành lại trong khoảng 2 đến 4 tuần.

    Các triệu chứng khác của bệnh zona thần kinh bao gồm sốt, nhức đầu, ớn lạnh, mệt mỏi. Khoảng 1/10 người mắc zona có thể bị đau dây thần kinh kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm sau khi phát ban biến mất. Trong một số trường hợp, bệnh zona có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như vấn đề về mắt.

    Bà bầu bị zona thần kinh có lây không? Bệnh có ảnh hưởng đến thai kỳ và em bé không?

    Bà bầu bị zona thần kinh có sao không hay có bầu bị zona có sao không? Câu trả lời là mẹ bầu bị zona thần kinh có thể phải “đối mặt” với các triệu chứng khó chịu. Hơn nữa, vì zona và thủy đậu là do cùng một loại virus gây ra nên nhiều mẹ không tránh khỏi lo lắng zona có lây không? Bệnh có ảnh hưởng đến thai kỳ và em bé không? Sau đây là một số thông tin giải đáp bạn có thể quan tâm.

    Bà bầu bị zona thần kinh có lây không?

    Thực chất, mẹ không thể truyền bệnh zona thần kinh cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, bạn có thể lây truyền virus varicella – zoster và virus này vẫn gây ra bệnh thủy đậu cho những người không có miễn dịch với bệnh. Đối tượng này bao gồm những người chưa được chủng ngừa hoặc chưa từng mắc thủy đậu trước đó. Như vậy, điều này cũng đồng nghĩa rằng bà bầu bị zona thần kinh vẫn có thể lây bệnh thủy đậu cho người khác.

    Đối với mẹ bầu và thai nhi, thủy đậu có thể gây ra nhiều rủi ro và thậm chí là đe dọa tính mạng. Vì vậy, nếu bạn có triệu chứng của bệnh zona, cách tốt nhất là bạn nên tránh tiếp xúc với các mẹ bầu khác và những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh như trẻ em, người già, người có miễn dịch suy yếu… vì đây là những đối tượng dễ nhiễm bệnh.

    Bà bầu bị zona thần kinh có ảnh hưởng đến thai kỳ và em bé không?

    bà bầu bị zona thần kinh

    Vậy bà bầu bị zona thần kinh có ảnh hưởng đến thai nhi không, có nguy hiểm không? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây! 

    Đối với những mẹ bầu mắc bệnh zona thần kinh, chắc hẳn các vấn đề được quan tâm hàng đầu là bệnh zona có gây sảy thai không, có gây dị tật bẩm sinh không hay bệnh có khiến mẹ bầu sinh non hoặc sinh trẻ nhẹ cân không?

    Trên thực tế, bệnh zona gần như không có nguy cơ gây ra bất kỳ biến chứng nào trong thai kỳ. Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy mối liên hệ giữa zona thần kinh với nguy cơ sảy thai, dị tật bẩm sinh hoặc sinh non. Tuy nhiên, các triệu chứng của zona như sốt có thể khiến mẹ bầu mất nước, mệt mỏi; bội nhiễm từ các tổn thương da nếu không biết cách chăm sóc đúng cũng gián tiếp gây ảnh hưởng đến thai kỳ.

    Chẩn đoán và điều trị zona thần kinh khi mang thai như thế nào?

    Mặc dù bà bầu bị zona thần kinh thường không gây biến chứng trong thai kỳ. Tuy nhiên, các triệu chứng không được điều trị có thể gây khó chịu, đau đớn, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của mẹ bầu. Do đó, nếu nghi ngờ mắc zona, cách tốt nhất là mẹ nên sớm đi khám để được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng, hiệu quả.

    Phương pháp chẩn đoán zona thần kinh

    Thực tế là không khó để bác sĩ chẩn đoán một ca mắc bệnh zona thần kinh. Nếu mẹ bầu cung cấp những thông tin như từng bị thủy đậu, kèm theo đó là xuất hiện các triệu chứng điển hình như phát ban gây đau ở một bên cơ thể hoặc trên mặt thì bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh thông qua thăm khám lâm sàng.

    Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chọn cách thu thập mẫu mô da hoặc chất dịch từ mụn nước. Sau đó gửi đến phòng xét nghiệm để xác định xem có sự hiện diện của virus varicella – zoster hay không.

    Phương pháp điều trị zona thần kinh khi mang thai

    bà bầu bị zona thần kinh

    Bà bầu bị zona bôi thuốc gì hay bầu bị giời leo bôi thuốc gì? Câu trả lời là bệnh zona thần kinh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus. Đối với bà bầu bị zona thần kinh, bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc kháng virus an toàn để dùng trong thời kỳ mang thai như acyclovir, valacyclovir hoặc famciclovir.

    Mặc dù bản thân bệnh zona không gây hại cho mẹ và thai nhi, nhưng một số triệu chứng của bệnh khi kéo dài hoặc chuyển biến nghiêm trọng vẫn có thể gây ra rủi ro. Do đó, mẹ sẽ cần được điều trị bằng thuốc kháng virus để rút ngắn thời gian mắc bệnh và giảm bớt các triệu chứng.

    Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau hạ sốt, chẳng hạn như dùng thêm acetaminophen vì thuốc này được coi là an toàn để sử dụng trong thai kỳ hoặc các thuốc kháng histamin theo kê toa của bác sĩ để giảm triệu chứng ngứa, kích thích, khó chịu..

    Mẹ có thể phòng ngừa zona thần kinh khi mang thai hay không?

    Về cơ bản, không có cách phòng ngừa zona thần kinh vì nếu bạn từng mắc thủy đậu, bạn sẽ không xác định được khi nào virus varicella – zoster tái hoạt động trở lại. Tuy nhiên, bác sĩ có thể khuyên bạn tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai hoặc có thể tiêm ngừa vắc xin zona trước mang thai, nhưng loại vắc xin này vẫn chưa phổ biến. Bên cạnh đó, nếu bạn đang có dự định mang thai hoặc đang mang thai thì cần lưu ý thêm:

    • Bạn cần thông báo cho bác sĩ nếu không chắc mình có miễn dịch với thủy đậu hay không. Bác sĩ có thể đề xuất làm xét nghiệm máu để xác định kết quả. Nếu chưa được miễn dịch, bạn sẽ cần tiêm vaccine ngừa thủy đậu ít nhất 1 tháng trước khi thụ thai. Thực tế ở Việt Nam thì một số trung tâm tiêm chủng vẫn khuyên khoảng cách này tốt nhất là 3 tháng.
    • Nếu bạn đã mang thai nhưng chưa tiêm vắc xin phòng thủy đậu thì hãy đợi đến khi bạn sinh con xong rồi mới tiêm bổ sung. Trong thời gian chờ đợi, mẹ bầu cần tránh tiếp xúc với người bị thủy đậu hoặc mắc bệnh zona.
    • Trường hợp bạn vô tình tiếp xúc với người bị thủy đậu hoặc zona trong khi chưa được miễn dịch, hãy thông báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ và điều trị nếu cần thiết.

    Nhìn chung, bà bầu bị zona thần kinh cần sớm đi khám để được điều trị bằng thuốc kháng virus. Việc điều trị kịp thời sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn. Đồng thời, bạn cũng nên tránh tiếp xúc với các mẹ bầu khác hoặc những người có miễn dịch yếu để tránh lây truyền virus gây bệnh thủy đậu.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Văn Thuận

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 08/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo