backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Nhìn hình dáng bụng bầu qua từng tháng: Đoán giới tính có chuẩn xác?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Mai Hồ · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

    Nhìn hình dáng bụng bầu qua từng tháng: Đoán giới tính có chuẩn xác?

    Mỗi bà bầu sẽ có những đặc điểm bụng bầu khác nhau và điều này không ảnh hưởng đến thai kỳ. Tuy nhiên, nhiều người đồn đoán là nhìn dáng bụng bầu có thể đoán mang thai con trai hay gái hoặc sức khỏe của bé. Vậy thực hư việc nhìn hình dáng bụng bầu đoán giới tính thai nhi, tình trạng sức khỏe của bé yêu… có cơ sở khoa học nào không, có chính xác không? 

    Trong thời gian mang thai, bạn có thể nghe nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến kích thước hình dáng bụng bầu. Tuy nhiên, những điều đó thường là không có căn cứ khoa học nên thường thiếu chuẩn xác. Bạn cần nắm rõ một vài thông tin liên quan đến kích thước, hình ảnh bụng bầu qua các tuần, các tháng để biết điều gì là thực sự tốt cho sức khỏe của bạn và bé.

    Hình ảnh bụng bầu qua từng tháng: Khi nào bụng lộ rõ?

    hình ảnh bụng bầu 3 tháng

    Nhiều mẹ bầu thường thắc mắc hình ảnh bụng bầu 2 tháng hay bụng bầu 3 tháng trông như thế nào hay bầu 3 tháng bụng to chưa?

    Thực tế, mỗi phụ nữ mang thai sẽ lộ rõ bụng ở những thời điểm khác nhau. Thông thường, bụng bầu lộ rõ khi bạn đã bước sang tam cá nguyệt thứ 2. Tuy nhiên, cũng có nhiều mẹ bầu lộ rõ ngay bụng bầu trong giai đoạn cuối tam cá nguyệt thứ nhất.

    Theo các chuyên gia sản khoa, trước lúc mang thai, độ săn chắc của cơ bụng sẽ quyết định hình dáng bụng bầu. Cơ bụng càng săn, bạn càng giữ được bụng phẳng lâu hơn. Nếu bạn đã mang thai và sinh con thì cơ bụng dễ bị chảy xệ và bụng bầu sẽ lộ rõ nhanh hơn. Hình dáng bụng bầu sẽ thay đổi theo từng tháng mang thai cụ thể như sau:

  • Tháng thứ 1: Thực tế bụng bầu 1 tháng thường không có nhiều thay đổi so với khi không mang thai, bởi kích thước của bé yêu lúc này chỉ khoảng 0,6cm.
  • Tháng thứ 2: Bạn tò mò muốn biết về hình ảnh bụng bầu 2 tháng? Câu trả lời là cũng như bụng bầu 1 tháng, bầu 2 tháng cũng chưa lộ rõ bụng. Lúc này, kích thước của bé khoảng 2,54cm.
  • Tháng thứ 3: Bụng bầu 3 tháng có thể to hơn một chút ở phần dưới, kích thước thai nhi lúc này khoảng 10cm. Thực tế là hình ảnh bụng bầu 3 tháng con gái hay hình ảnh bụng bầu 3 tháng con trai chẳng có gì khác biệt.
  • Tháng thứ 4: Hình ảnh bụng bầu 4 tháng có thể bắt đầu to lên trông thấy, kích thước của bé lúc này khoảng 15, 24cm.
  • Tháng thứ 5: Bụng bầu 5 tháng bắt đầu lộ rõ và có thể thấy rõ hình dạng. Bụng có thể cao, có thể thấp hoặc có thể nhô về phía trước. Kích thước thai nhi khoảng 25,4cm. Do đó, có nhiều lời đồn cho rằng hình ảnh bụng bầu 5 tháng con trai sẽ khác với bầu con gái. Tuy nhiên chưa có căn cứ để chứng minh điều này.
  • Tháng thứ 6: Bụng bầu 6 tháng sẽ to lên gấp đôi, kích thước của bé khoảng 30cm.
  • Tháng thứ 7: Sự phát triển của bé bắt đầu chậm lại nên kích thước bụng bầu 7 tháng có thể tăng nhẹ hoặc không tăng. Kích thước thai nhi lúc này khoảng 35,5cm.
  • Tháng thứ 8: Kích thước bụng bầu có thể không tăng lên nhưng có thể trông to hơn một chút. Kích thước thai nhi khoảng 45,7cm.
  • Tháng thứ 9: Bụng bầu 9 tháng trông to hơn, kích thước của bé có thể đạt từ 45 – 73cm.
  • Hình dáng và kích thước bụng bầu có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố

    bụng bầu 1

    Thực tế, hình dáng và kích thước bụng bầu có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố sau:

    • Số lần mang thai: Nếu đây là lần mang thai đầu, bụng có thể bị sồ về phía trước do cơ bụng vẫn chưa quen với việc bị kéo giãn. Ngoài ra, bụng bầu con so cũng sẽ nhỏ hơn, thon gọn hơn so với bụng bầu con rạ.
    • Thể tích nước ối: Lượng nước ối sẽ không ngừng thay đổi trong suốt thai kỳ và nó có thể quyết định bụng bầu to hay nhỏ. Trung bình, lượng nước ối ở tam cá nguyệt thứ 2 sẽ nhiều hơn còn lượng nước ối trong tam cá nguyệt thứ ba sẽ ít hơn.
    • Tư thế của bé: Từ tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi sẽ bắt đầu chuyển động, thai đổi vị trí và điều này có thể khiến hình dáng bụng thay đổi. Ở giai đoạn cuối thai kỳ, khi phần đầu của bé di chuyển xuống khung chậu, bụng mẹ sẽ nhô nhiều hơn về phía trước.
    • Chiều cao của mẹ: Mẹ càng cao thì sẽ càng có không gian cho thai nhi phát triển, do đó, bé càng lớn thì bụng sẽ to và nhô cao hơn chứ không nhô ra nhiều về phía trước. Còn nếu mẹ thấp thì bụng sẽ có xu hướng nhô ra phía trước (bụng nhọn) thay vì nhô cao.

    Các kiểu bụng bầu phổ biến

    Hình dáng bụng bầu của bạn có thể thuộc một trong số những trường hợp sau:

    • Bụng nhỏ: Nếu bạn đi khám thai và bác sĩ nói mọi thứ đều bình thường thì bạn không cần quá lo. Đôi lúc nguyên nhân bụng bầu nhỏ có thể là do thiểu ối hoặc ít nước ối.
    • Bụng bầu to: Đây không phải là vấn đề đáng lo ngại. Lý do có thể là do vị trí của thai nhi hoặc có thể là do hiện tượng đa ối – lượng nước ối quá nhiều.
    • Bụng cao: Bụng bầu cao cho thấy bạn có cơ bụng săn chắc và khỏe.
    • Bụng bầu thấp: Tình trạng này thường xảy ra ở những bà mẹ mang thai lần thứ 2 hoặc thứ 3 do cơ bắp vùng bụng đã bị kéo giãn hơn. Ngoài ra, ở giai đoạn cuối thai kỳ, bụng thấp (sa bụng bầu) có thể là dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh. Bụng thấp có thể gây khó chịu, áp lực lên vùng lưng dưới và đau vùng chậu nhưng không phải là dấu hiệu đáng lo.
    • Bụng phình ra hai bên: Với bụng bầu này, nguyên nhân có thể là do thai nhi nằm ở vị trí ngôi ngang. Tuy nhiên, nếu bé không quay đầu xuống vào giai đoạn cuối thai kỳ thì đây thật sự là một vấn đề vì có thể mẹ bầu phải sinh mổ. Đôi lúc, bụng bầu phình to về 2 bênh cũng có thể là do mẹ bầu bị thừa cân.

    Nhìn bụng bầu đoán trai hay gái liệu có đúng?

    bụng bầu

    Một số người cho rằng nhìn bụng bầu có thể đoán sinh con trai hay gái. Theo kinh nghiệm dân gian, dấu hiệu sinh con trai là bụng bầu có xu hướng thấp và trồi về trước. Nếu mang thai bé gái, bụng bầu có xu hướng cao lên và mở rộng sang hai bên hông. Tuy nhiên, những lời đồn đại này vẫn chưa có bằng chứng khoa học chứng minh là đúng.

    Thực tế, hình dáng và kích thước bụng không ảnh hưởng và liên quan đến giới tính thai nhi. Hình dáng bụng có sự khác biệt là do cơ bụng và chiều cao, cân nặng của người mẹ. Nếu trước khi mang thai, bạn có thân hình mảnh khảnh, cơ bụng săn chắc thì bụng thường nhô cao lên vì cơ bụng săn chắc sẽ giúp bạn dễ nâng đỡ trọng lượng bé.

    Một số người cảm thấy tự hào khi bụng lớn vì nghĩ rằng bé phát triển khỏe mạnh, trong khi một số khác lại cảm thấy ái ngại và lo lắng vì sợ em bé quá to, sinh con sẽ rất khó. Có người bụng nhỏ thì cảm thấy vui vẻ vì vẫn giữ được thân hình mảnh khảnh. Trong khi đó, không ít mẹ bầu lại cảm thấy lo lắng vì nghĩ rằng bé yêu trong bụng không phát triển tốt.

    Tuy nhiên, sự thật là với những bác sĩ giàu kinh nghiệm, họ vẫn chưa thể khẳng định điều gì về sức khỏe của thai nhi khi chỉ quan sát hình ảnh bụng bầu qua từng tháng. Do đó, bạn đừng quá để tâm đến vấn đề này nhé.

    Hãy cứ vui vẻ, lạc quan, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thăm khám thai định kỳ dưới hướng dẫn của bác sĩ để bé yêu phát triển bình thường, khỏe mạnh.

    Bụng to lên quá nhanh có phải là điều đáng lo?

    Đối với nhiều chị em, việc tăng cân nhanh trong thai kỳ là điều khó chấp nhận được. Nếu trước đây, bạn thường ý thức giữ gìn vóc dáng và chỉ số cơ thể ở mức lý tưởng thì việc tăng cân cùng với bụng to ra đột ngột có thể khiến bạn lo lắng.

    Tuy nhiên, bạn không nên quá căng thẳng về vấn đề này, miễn là bạn ăn uống hợp lý, khoa học, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế đồ ngọt và thực phẩm nhiều chất béo là bé yêu sẽ tăng trưởng đúng tuổi thai, kích thước bụng cũng sẽ được kiểm soát tốt.

    Kích thước và hình dáng bụng ở mỗi phụ nữ mang thai là khác nhau. Do đó, bạn không cần quá lo lắng nếu bụng bạn có nhỏ hơn so với người khác. Mỗi lần đi khám thai, bác sĩ cũng sẽ đưa ra những chẩn đoán và đánh giá về kích thước, hình ảnh bụng bầu cũng như hình ảnh thai nhi để đảm bảo không có điều gì bất thường xảy ra.

    Nếu kết quả chẩn đoán và quan sát thấy bụng bạn chưa phát triển đúng như dự kiến (quá nhỏ), bác sĩ sản khoa có thể đề nghị làm siêu âm để chắc chắn rằng thai nhi phát triển bình thường.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Tác giả: Mai Hồ · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo