backup og meta

Thai ngôi ngang: Mẹ nên làm gì để thai nhi xoay về ngôi thuận?

Thai ngôi ngang: Mẹ nên làm gì để thai nhi xoay về ngôi thuận?

Nếu ngôi thai đầu (đầu bé hướng về âm hộ, mông hướng về ngực mẹ) là ngôi thai thuận lợi nhất cho việc sinh nở thì thai ngôi ngang gây ra đến nhiều lo lắng và khiến mẹ có nguy cơ cao phải sinh mổ. 

Ca sinh nở có thuận lợi và dễ dàng hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào vị trí của thai nhi. Từ tuần thứ 28 đến tuần thứ 35 của thai kỳ, đa phần thai nhi sẽ bắt đầu xoay đầu và chúc đầu xuống phía dưới xương chậu để chuẩn bị cho quá trình chào đời.

Thế nhưng, không phải lúc nào “kịch bản thai kỳ” cũng “màu hồng” như thế, sẽ có những trường hợp bé chỉ quay đầu có nửa vòng rồi nằm chắn ngang trong tử cung khiến việc sinh con qua ngả âm đạo của mẹ hết sức khó khăn. Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới để hiểu hơn về thai ngôi ngang, cách nhận biết cũng như cách khắc phục cụ thể.

Thai ngôi ngang là gì?

Thai ngôi ngang (ngôi thai ngang) còn được gọi là ngôi vai hay ngôi xiên. Đây là tình trạng bé không nằm theo trục dọc mà lại nằm ngang trong bụng mẹ. Cũng có trường hợp bé nằm xiên, đầu ở phía hố chậu và mông ở phía hạ sườn.

Cụ thể, ở ngôi thai ngang, đầu của bé có thể nằm ở bên trái bụng mẹ và phần chân có thể nằm bên phải hoặc ngược lại. Lưng, mạng sườn, bụng… có thể nằm đối diện với kênh sinh, làm chắn cổ tử cung hoặc một bên vai có thể hướng vào kênh sinh.

  • Ngôi vai trái: Vai trái của bé đối diện với kênh sinh. Tư thế này có thể dẫn đến tình trạng sa dây rốn, khiến bé không được cung cấp đủ canxi và máu, có nguy cơ dẫn đến tử vong.
  • Ngôi vai phải: Vai phải của bé đối diện với kênh sinh. Tư thế này cần được thay đổi, nếu không, bạn sẽ được chỉ định sinh mổ.
  • Ngôi ngang: Bé nằm ngang trong bụng mẹ, không có bên vai nào hướng về kênh sinh. Tư thế này khiến mẹ không thể sinh thường do không có cách nào để bé đi vào kênh sinh.

Thai ngôi ngang: Nguyên nhân do đâu?

nguyên nhân thai ngôi ngang ngôi vai

Thai ngôi ngang được xem là ngôi thai bất thường, có thể nguy hiểm cho cả mẹ và con. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do:

  • Cấu trúc khung xương chậu của mẹ bất thường
  • Bạn mang đa thai nên buồng tử cung không có đủ không gian để thai nhi di chuyển về ngôi thai thuận.
  • Bạn bị đa ối hay thiểu ối.
  • Tử cung có hình dạng bất thường hoặc có sự phát triển bất thường như u xơ tử cung. Thông thường, tử cung có hình dạng giống một quả lê lộn ngược. Việc tử cung có hình dạng khác có thể khiến em bé không thể di chuyển vào ngôi thai thuận.
  • Nhau thai tiền đạo.

Trên thực tế, em bé nằm ngang trong bụng mẹ là khá hiếm gặp, theo ước tính thì cứ 500 bé thì chỉ có 1 bé nằm ngang trong những tuần cuối của thai kỳ. Ngoài ra, trong số các trường hợp thai nhi nằm sai tư thế thì chỉ có khoảng 20% là thai ngôi ngang.

Tuy nhiên, nếu xét ở thời điểm tuần thứ 32 thì cứ 50 bé sẽ có 1 bé nằm ngang. Điều có nghĩa là nếu bạn được chẩn đoán bé nằm ngang ở thời điểm ngày dự sinh chưa cận kề thì đừng quá lo bởi bé vẫn đang trong quá trình quay đầu để sẵn sàng cho quá trình chào đời.

Thai ngôi ngang có nguy hiểm không?

thai ngôi ngang

Khi được chẩn đoán thai ngôi ngang, đa phần mẹ sẽ băn khoăn không biết thai ngôi ngang phải làm sao, ngôi thai ngang có nguy hiểm không hay thai nằm ngang có nguy hiểm không. Theo các chuyên gia, thai ngôi ngang có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Do thai nhi nằm ngang, chắn ngay cổ tử cung nên bé không thể lọt qua kênh sinh. Điều này khiến mẹ gặp khó khăn trong sinh nở, đôi khi không thể sinh thường. Nếu sinh thường với ngôi thai này, phần vai của bé có thể đi vào xương chậu trước phần đầu, điều này có thể khiến bé bị thương hoặc thậm chí tử vong trước khi chào đời do bị ngạt thở.

Ngoài ra, do áp lực tử cung không đều, tình trạng thai ngôi ngang rất dễ khiến màng thai rách sớm hoặc sa dây rốn, dẫn đến suy thai, thai lưu hoặc vỡ tử cung. Chính vì vậy, nếu được chẩn đoán thai ngôi ngang, trong giai đoạn cuối thai kỳ, mẹ cần được theo dõi cẩn thận và có thể được chỉ định sinh mổ khi thai đủ tháng để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Làm thế nào để nhận biết thai ngôi ngang?

Để xác định chính xác bé có đang nằm ngang hay không, tốt nhất, bạn nên đi khám. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định vị trí của bé bằng cách sờ lên bụng hoặc chỉ định siêu âm để xác định chắc chắn. Thông thường, chỉ khi bước sang tam cá nguyệt thứ 3, bác sĩ mới chú ý kiểm tra vị trí của bé trong mỗi lần khám.

Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận biết bé có đang ở vị trí nằm ngang không thông qua một số mẹo nhỏ như:

  • Sờ bụng: Nếu sờ thấy hai khối cứng (đầu và mông bé) ở cả 2 bên bụng trái và bụng phải thì nhiều khả năng em bé đang nằm ngang.
  • Cú đạp của thai nhi: Nếu bạn thấy bé đạp ở 2 bên bụng trái hoặc bụng phải thì cũng có thể nghi ngờ thai ngôi ngang.

Ngoài ra, nếu tử cung rộng và bè ngang bất thường thì cũng có thể dấu hiệu cảnh báo ngôi thai ngang.

Làm thế nào để xoay ngôi thai tự nhiên?

cách xoay ngôi thai tại nhà

Thai ngôi ngang có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé. Do đó, khi được chẩn đoán thai ngôi ngang, nhiều mẹ sẽ băn khoăn không biết thai ngôi ngang phải làm sao để bé xoay về ngôi thuận và bình an chào đời. Dưới đây là một số mẹo xoay ngôi thai ngang để hỗ trợ bé xoay đầu mà bạn có thể thử. Tuy nhiên, trước khi thử, đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn:

  • Quỳ bằng tứ chi theo tư thế em bé tập bò, sau đó rướn người lên xuống trong vài phút. Bạn có thể thực hiện điều này một vài lần mỗi ngày để giúp em bé dễ dàng xoay đầu xuống.
  • Thực hiện các tư thế yoga đảo ngược nhẹ như tư thế chó con mở rộng để hỗ trợ bé xoay đầu đúng vị trí. Ở tư thế này, bạn sẽ bắt đầu với tư thế bò, sau đó, di chuyển cánh tay về phía trước cho đến khi đầu nằm trên sàn, lúc này phần thân mông sẽ hướng lên trên. Hít thở đều trong quá trình thực hiện và giữ tư thế khoảng vài giây.
  • Đi bộ ít nhất 20 phút mỗi ngày. Việc có hoạt động thể chất tích cực tạo ra chuyển động trong khung xương chậu của mẹ bầu, kích thích thai nhi quay đầu xuống dưới.
  • Massage lưng cũng là cách hỗ trợ bé quay đầu xuống hiệu quả mà bạn có thể thử.

Nếu đã thử hết tất cả các biện pháp mà thai nhi vẫn không quay đầu đúng vị trí thuận lợi để sẵn sàng cho việc chào đời, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho bạn và bé. Nếu rơi vào tình huống này, bạn cũng đừng quá lo bởi phương pháp sinh mổ sẽ giúp bé được an toàn hơn.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

External Cephalic Version (Version) for Breech Position https://www.uofmhealth.org/health-library/hw180146 Ngày truy cập: 4/6/2021 

What happens if your baby is breech? https://www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/what-happens/if-your-baby-is-breech/ Ngày truy cập: 4/6/2021 

If Your Baby Is Breech https://www.acog.org/womens-health/faqs/if-your-baby-is-breech Ngày truy cập: 4/6/2021 

Transverse Lie Position: Diagnosis & Treatment https://parenting.firstcry.com/articles/transverse-lie-a-baby-position-in-the-womb/ Ngày truy cập: 4/6/2021 

Can You Turn a Transverse Baby? https://www.healthline.com/health/pregnancy/transverse-baby Ngày truy cập: 4/6/2021 

Transverse Baby Position in Pregnancy https://www.verywellfamily.com/transverse-lie-fetal-position-2758446 Ngày truy cập: 4/6/2021 

Phiên bản hiện tại

02/02/2024

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Thai ngôi mông, ngôi vai là như thế nào? Có sinh thường được không?

Đưa bé vào ngôi thai thuận trước sinh giúp mẹ sinh con dễ dàng


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 02/02/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo