Việc chủng ngừa uốn ván cho phụ nữ mang thai là cách an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh ở cả mẹ và bé. Tuy nhiên, nhiều người lại lo lắng về nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho bà bầu có thể gây ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu về các tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho bà bầu cũng như cách để hạn chế các tác dụng không mong muốn này. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Vì sao bà bầu cần tiêm phòng uốn ván khi mang thai?
Trước khi tìm hiểu về các tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho bà bầu, chúng ta cần hiểu rõ vì sao phụ nữ mang thai cần tiêm phòng uốn ván trong thai kỳ.
Uốn ván là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở mẹ bầu và trẻ sơ sinh, xảy ra do sự giải phóng hai loại độc tố từ trực khuẩn kỵ khí gram dương Clostridium tetani. Loại vi khuẩn này tồn tại trong đất, chất bẩn, phân và có thể xâm nhập qua da thông qua vết cắt hoặc vết xước, từ đó dẫn đến nhiễm trùng.
Uốn ván có thể gây ra những biến chứng cực kỳ nghiêm trọng, chẳng hạn như khó thở, suy hô hấp, viêm phổi, tăng hoặc hạ huyết áp, nhồi máu cơ tim… Đặc biệt, độc tố của trực khuẩn Clostridium tetani có nguy cơ dẫn đến tử vong ở phụ nữ mang thai trong thai kỳ và quá trình sinh nở. Nhiều ca sinh tại nhà hay ở những cơ sở y tế không đủ chất lượng, sử dụng thiết bị thô sơ, kém vệ sinh để cắt rốn em bé hoặc do quần áo của trẻ chưa được khử trùng còn khiến bé bị nhiễm vi khuẩn uốn ván và tăng nguy cơ tử vong.
Việc tiêm phòng uốn ván trong thai kỳ được xem là biện pháp an toàn và hiệu quả giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở cả người mẹ lẫn trẻ sơ sinh. Khi được tiêm phòng đầy đủ, cơ thể người mẹ sẽ sản xuất ra các kháng thể để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ nhiễm vi khuẩn uốn ván trong suốt thai kỳ và khi sinh nở. Bên cạnh đó, một phần kháng thể còn được truyền từ mẹ sang thai nhi, từ đó giúp giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn uốn ván ở trẻ.
Theo Thông tư 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, việc tiêm chủng vaccine uốn ván cho phụ nữ có thai được thực hiện theo lịch như sau:
- Với người chưa tiêm, không biết rõ lịch sử tiêm hoặc tiêm chưa đủ 3 mũi vaccine có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:
- Lần 1: Tiêm sớm ngay khi mang thai lần đầu
- Lần 2: Ít nhất 1 tháng sau lần tiêm đầu tiên
- Lần 3: Ít nhất 6 tháng sau lần tiêm thứ 2 hoặc ở lần mang thai tiếp theo
- Lần 4: Ít nhất 1 năm sau lần tiêm thứ 3 hoặc ở lần mang thai tiếp theo
- Lần 5: Ít nhất 1 năm sau lần tiêm thứ 4 hoặc ở lần mang thai tiếp theo.
- Với người tiêm đủ 3 mũi vaccine có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:
- Lần 1: Tiêm sớm ngay khi mang thai lần đầu
- Lần 2: Ít nhất 1 tháng sau lần đầu
- Lần 3: Ít nhất 1 năm sau lần tiêm thứ 2.
- Với người đã tiêm đủ 3 mũi vaccine chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 1 liều nhắc lại:
- Lần 1: Tiêm sớm ngay khi mang thai lần đầu
- Lần 2: Ít nhất 1 năm sau lần đầu.
Có thể bạn quan tâm
Tìm hiểu về các tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho mẹ bầu
Các tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho bà bầu sẽ khác nhau tùy mỗi người. Đa số các tác dụng không mong muốn này là do phản ứng của cơ thể khi xây dựng khả năng miễn dịch nhằm chống lại vi khuẩn.
1. Đối với mẹ bầu
Dưới đây là một số tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho bà bầu mà phụ nữ mang thai có thể gặp phải:
Tác dụng phụ nhẹ thường gặp
Mẹ bầu có thể gặp phải các tác dụng phụ nhẹ dưới đây sau khi tiêm ngừa uốn ván:
- Đau, đỏ hoặc sưng ở chỗ tiêm: Đây là một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất khi tiêm vaccine ngừa uốn ván. Tình trạng này thường không nguy hiểm và sẽ giảm dần trong vài ngày.
- Sốt: Cơ thể mẹ bầu sẽ phản ứng và tạo ra kháng thể sau khi tiêm vaccine. Điều này đôi khi khiến mẹ bầu bị sốt nhẹ trong khoảng 1 ngày. Nếu sốt cao hoặc sốt dai dẳng thì mẹ bầu nên đi khám và trao đổi với bác sĩ.
- Nhức đầu, đau nhức cơ thể hoặc mệt mỏi: Khi hệ miễn dịch phải “làm việc tích cực” để xây dựng khả năng miễn dịch với vi khuẩn uốn ván, mẹ bầu có thể bị đau đầu, đau nhức khắp cơ thể, mệt mỏi hoặc cực kỳ buồn ngủ. Đây là những tác dụng phụ tương đối phổ biến và sẽ biến mất sau vài ngày.
- Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy: Một trong những tác dụng phụ nhẹ thường gặp khác sau khi tiêm uốn ván cho mẹ bầu là buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.
Ngoài các tác dụng phụ nhẹ như trên, mẹ bầu cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ có mức độ nghiêm trọng hơn. Khi gặp các triệu chứng sau, bạn nên liên hệ với bác sĩ để có cách kiểm soát hiệu quả:
- Đau hoặc cứng khớp
- Sốt trên 39 độ C
- Sưng các tuyến hạch ở cổ, nách hoặc bẹn (sưng hạch bạch huyết)
- Tê hoặc ngứa ran ở tay và chân.
Triệu chứng nguy hiểm hiếm gặp
Theo các chuyên gia sức khỏe, tác dụng phụ nguy hiểm sau khi tiêm uốn ván rất hiếm gặp. Tuy nhiên, khi xảy ra, chúng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đôi khi có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến tử vong. Nếu gặp phải bất kỳ vấn đề nào sau đây sau khi tiêm vaccine uốn ván, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức:
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng: Trong một số ít trường hợp, vaccine uốn ván có thể gây phản ứng dị ứng với các biểu hiện như phát ban, khó thở, sưng mặt hoặc cổ họng, tim đập loạn nhịp, chóng mặt… Phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) thường xuất hiện vài phút hoặc vài giờ sau khi tiêm chủng.
- Đau, sưng, đỏ dữ dội hoặc chảy máu tại chỗ tiêm: Như đã đề cập, triệu chứng sưng đau tại vị trí tiêm là một trong những tác dụng phụ phổ biến mà mẹ bầu có thể gặp phải sau tiêm vaccine uốn ván. Tuy nhiên, nếu chỗ tiêm bị chảy máu hoặc sưng đau, tấy đỏ nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện các hoạt động thường ngày thì mẹ bầu nên đi khám ngay.
- Chấn thương vai sau khi tiêm vaccine: Tình trạng này có thể xảy ra nếu việc tiêm vaccine được thực hiện không đúng cách khiến bạn bị thương ở vai. Khi gặp tình trạng này, bạn sẽ bị cứng khớp, ảnh hưởng đến phạm vi chuyển động và gây đau. Tuy nhiên, tác dụng phụ này cực kỳ hiếm gặp.
- Viêm dây thần kinh cánh tay (hội chứng Parsonage-Turner): Đây là một tác dụng phụ hiếm gặp có thể xảy ra do tiêm phòng uốn ván. Tình trạng này đôi khi gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến cơ thể như tê, đau hoặc yếu vai và phải mất vài tháng hoặc nhiều năm để phục hồi.
2. Đối với thai nhi
Tiêm vaccine uốn ván giúp tạo kháng thể cho mẹ bầu để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho bé trong quá trình chuyển dạ sinh nở hoặc nhiễm trùng khi cắt dây rốn. Nhìn chung, việc tiêm vaccine uốn ván cho bà bầu không gây tác dụng phụ đối với thai nhi.
Mẹo giúp giảm tác dụng phụ sau tiêm
Để giảm một số tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho bà bầu, bạn có thể thực hiện các mẹo sau:
- Để giảm tình trạng sưng đau tại vị trí tiêm, mẹ bầu có thể tiến hành chườm lạnh trong vòng 15 phút. Bạn nên để đá trong khăn hoặc túi chườm, hạn chế đặt đá lạnh trực tiếp lên vết tiêm để tránh gây tổn thương da. Hãy đảm bảo bạn giữ vị trí tiêm được sạch sẽ, khô ráo và ít bị chà xát.
- Nếu bị sốt, bạn nên uống thêm nước. Nước sẽ giúp điều hòa thân nhiệt và bù đắp lượng nước mất đi do sốt, từ đó giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.
- Khi gặp các tác dụng phụ như đau hoặc sốt sau khi tiêm uốn ván, mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc giảm đau an toàn trong thai kỳ.
- Tránh các hoạt động gắng sức hoặc tập thể dục trong khoảng 1 – 2 ngày sau tiêm chủng để cơ thể được nghỉ ngơi và thư giãn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến khích bạn nên vận động nhẹ cánh tay nơi tiêm vaccine để giúp giảm tình trạng đau và sưng tấy.
Ngoài ra, sau khi tiêm vaccine uốn ván, các mẹ bầu vẫn nên tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của mình trong vài ngày. Nếu nhận thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào, hãy nhanh chóng thông báo với bác sĩ sản khoa của mình để được xử lý kịp thời nếu cần.
Nhìn chung, việc chủng ngừa vaccine uốn ván tương đối an toàn và có thể được sử dụng cho phụ nữ có thai. Tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho bà bầu thường không quá nghiêm trọng và thường biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp mẹ bầu bị dị ứng hoặc gặp các phản ứng bất lợi nguy hiểm sau khi tiêm uốn ván. Vì vậy, bạn cần theo dõi sức khỏe của bản thân thật sát sao sau khi tiêm phòng và thông báo với bác sĩ ngay khi gặp phải vấn đề bất thường nhé.
[embed-health-tool-due-date]