backup og meta

Mách mẹ bầu cách phân biệt 3 loại cơn gò tử cung khác nhau

Mách mẹ bầu cách phân biệt 3 loại cơn gò tử cung khác nhau

Dù có nhiều dấu hiệu để mẹ bầu nhận biết quá trình chuyển dạ, nhưng một trong những triệu chứng tin cậy nhất là những cơn gò tử cung xuất hiện. Vậy cơn gò tử cung là gì?

Nếu đây là lần đầu bạn mang thai, khi gần đến ngày dự sinh, bạn sẽ có nhiều cảm xúc như mong chờ hay bồn chồn lo lắng. Đây là điều rất bình thường, bạn sẽ thắc mắc liệu khi nào bạn sẽ chuyển dạ sinh con thực sự và cơn gò chuyển dạ thật sẽ như thế nào.

Trên thực tế là có nhiều cơn gò tử cung và khác nhau về cường độ, thời gian mà bạn có thể bối rối không nhận biết được. Dưới đây là những cơn gò tử cung bạn có thể gặp phải:

3 cơn gò tử cung khi mang thai mà mẹ bầu cần  biết

1. Cơn gò Braxton-Hicks (cơn gò sinh lý)

Vào khoảng tháng thứ 4 của thai kỳ, bạn có thể nhận thấy những cơn gò tử cung bất chợt xuất hiện. Đây là cơn gò Braxton-Hicks hay còn gọi là cơn gò sinh lý, thường diễn ra không đều và không thường xuyên. Cơn gò sinh lý này là cách cơ thể hay tử cung bạn luyện tập dần cho ngày lâm bồn.

Đặc điểm của cơn gò sinh lý Braxton-Hicks: 

  • Thường không đau, kéo dài khoảng 30 giây, không lặp lại đều và không tăng cường độ
  • Cảm giác căng tức vùng bụng dưới
  • Cảm giác tập trung tại bụng
  • Có thể khiến bạn khó chịu.

Cơn gò Braxton-Hicks không tăng dần theo thời gian cũng như đau nhiều hơn, không làm thay đổi cổ tử cung của bạn. Mẹ bầu có thể nhận thấy những cơn gò trên xuất hiện khi mệt mỏi, mất nước hay đi đứng quá nhiều. Cơn gò sinh lý này thường sẽ biến mất khi bạn nghỉ ngơi hay thư giãn, thay đổi tư thế.

Bạn có thể thử các biện pháp sau để xem cơn gò có giảm hay biến mất không:

  • Uống nhiều nước
  • Thay đổi tư thế (như từ đứng thành ngồi) hoặc nằm 
  • Dừng việc bạn đang làm và nghỉ ngơi (nằm nghiêng bên trái).

Nếu đã thử những biện pháp trên mà những cơn gò vẫn không biến mất hay xảy ra thường xuyên hơn, bạn nên đi khám ngay vì có thể đây là dấu hiệu cảnh báo sinh non.

2. Cơn gò tử cung sinh non

cơn gò tử cung sinh non

Việc cơn gò tử cung khi mang thai xảy ra thường xuyên trước khi thai nhi đạt 37 tuần có thể là dấu hiệu của hiện tượng sinh non. Nếu bạn chưa tới ngày dự sinh và các cơn gò tử cung xuất hiện đều đặn mang tính chu kỳ, chẳng hạn như cơn gò diễn ra mỗi 10 đến 12 phút trong hơn 1 giờ, bạn có thể sắp sinh non.

Trong quá trình gò tử cung, cả bụng bạn sẽ cứng hơn khi bạn sờ vào. Ngoài ra, cùng với cảm giác căng chặt ở tử cung, bạn có thể cảm thấy:

  • Đau âm ỉ
  • Áp lực ở khung chậu
  • Áp lực ở bụng
  • Có cảm giác bị co thắt hay hay chuột rút.

Mẹ bầu nên đến đi khám ngay nếu xuất hiện những dấu hiệu trên, đặc biệt là nếu có kèm theo chảy máu âm đạo, tiêu chảy hay có nước chảy ra từ âm đạo (vỡ ối).

Mẹ bầu có nguy cơ sinh non nếu có một vài vấn đề sau:

  • Mắc các bệnh nhiễm trùng
  • Đã từng có tiền sử sinh non
  • Mang đa thai (thai đôi, thai ba…)
  • Thiếu cân hay béo phì trước khi mang thai
  • Không khám thai hay chăm sóc thai đúng cách
  • bất thường về tử cung, cổ tử cung hay nhau thai
  • Thường xuyên bị căng thẳng quá mức, không dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ.

Bạn cần phải lưu ý đến khoảng cách giữa những lần gò tử cung khi mang thai hay tần số gò cũng như những triệu chứng khác kèm theo để thông báo cho bác sĩ để có những biện pháp can thiệp kịp thời.

3. Cơn gò tử cung chuyển dạ

Nhiều mẹ bầu lần đầu sinh con thường thắc mắc cơn gò chuyển dạ là như thế nào? Theo các chuyên gia sản khoa, không giống như cơn gò Braxton-Hicks, khi cơn gò tử cung báo hiệu quá trình chuyển dạ sắp sinh thực sự xảy ra, chúng sẽ không giảm đi và biến mất dù bạn đã áp dụng những biện pháp đơn giản như uống nước hay nghỉ ngơi.

Vậy cơn gò chuyển dạ diễn ra như thế nào? Những cơn gò này sẽ ngày càng tăng lên về cường độ cũng như thời gian và khoảng cách giữa các cơn gò sẽ được rút ngắn. Tất cả những cơn gò tử cung chuyển dạ này có tác dụng giúp cổ tử cung mở rộng và chuẩn bị cho em bé chào đời.

Giai đoạn sớm trước chuyển dạ

Những cơn gò tử cung khi mang thai trong giai đoạn này vẫn còn nhẹ nhàng. Bạn sẽ cảm giác căng chặt tử cung hay đau bụng dưới, sờ thấy bụng gò cứng, kéo dài từ 30 – 90 giây. Những cơn gò này sẽ xuất hiện tăng dần đều về khoảng cách và cường độ. Ban đầu khoảng thời gian giữa các cơn gò có thể còn cách nhau khá xa, nhưng càng đến lúc chuyển dạ, mỗi cơn gò có thể xuất hiện sau 5 phút.

Trong giai đoạn sớm trước chuyển dạ, bạn cũng nên lưu ý đến những dấu hiệu giúp nhận biết chuyển dạ thực sự như: xuất hiện chất nhầy hồng từ âm đạo do cổ tử cung mở rộng dần. Thậm chí có thể vỡ ối, dịch ối có thể chảy thành tia rỉ rả hay thành dòng lớn ra khỏi âm đạo.

Chuyển dạ thực sự

Bạn có từng thắc mắc cơn gò như thế nào thì nhập viện chờ sinh không? Cơn gò chuyển dạ thật sẽ ngày càng đau nhiều hơn và thường xuyên hơn so với cơn gò trong giai đoạn sớm. Trong giai đoạn này, cổ tử cung sẽ mở rộng từ 4 đến 10cm, chuẩn bị để em bé được ra ngoài.

Bạn sẽ cảm thấy cơn gò tử cung này lan ra từ lưng đến phần trước bụng. Bạn còn có thể bị chuột rút ở chân và đau. Nếu nhận thấy mình thực sự chuyển dạ, bạn cần đến bệnh viện ngay, những cơn gò có thể kéo dài 45 – 60 giây, sau 3 – 5 phút.

Trong quá trình chuyển dạ, cổ tử cung mở rộng từ 7 – 10cm, cơn gò tử cung sẽ kéo dài từ 60 – 90 giây và khoảng cách giữa mỗi cơn gò là 30 giây hay 2 phút. Các cơn gò thậm chí có thể xuất hiện theo kiểu “sóng sau xô sóng trước” để có thể đẩy em bé ra ngoài. Tuy nhiên, cảm nhận về cơn gò tử cung ở các mẹ bầu sẽ khác nhau. Việc bị đau đầu và buồn nôn là triệu chứng thường gặp khi các cơn gò khi chuyển dạ diễn ra. Bạn cũng có thể cảm thấy:

  • Nôn ói
  • Ớn lạnh
  • Nóng ran
  • Đầy bụng, ợ hơi, xì hơi, thậm chí là muốn đi đại tiện.

Mách mẹ bầu các biện pháp giảm đau do cơn gò tử cung

Cơn gò tử cung sẽ diễn ra mạnh nhất lúc bạn chuyển dạ. Vì thế, bạn sẽ đau đớn nhiều và khó chịu. Có nhiều biện pháp giúp bạn đối phó với các cơn đau, có thể dùng thuốc hay không dùng thuốc.

Biện pháp không dùng thuốc

cơn gò tử cung khi mang thai

Nếu áp dụng các cách giảm đau không dùng thuốc, bạn có thể:

  • Massage
  • Ngồi thiền
  • Nghe nhạc
  • Tắm vòi sen hay ngâm bồn
  • Thực hiện các bài yoga cho bà bầu nhẹ nhàng
  • Đi bộ hoặc thay đổi vị trí làm việc thường xuyên
  • Đánh lạc hướng để tạm quên cơn đau như chơi game, xem phim.

Biện pháp dùng thuốc

Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc gây tê ngoài màng cứng. Việc này sẽ giúp bạn không cảm thấy đau đớn nữa cũng như không có cảm giác về sự co thắt cơ.

Những thuốc này đều hiệu quả, mỗi loại đều có những nguy cơ và tác dụng phụ riêng. Vì thế, bạn nên tìm hiểu trước khi quyết định sử dụng biện pháp nào nhé.

Khi nào bà bầu cần nhập viện?

Với các mẹ bầu, cơn gò như thế nào thì nhập viện? Thực tế là không ít mẹ bầu sẽ bối rối không biết đâu là dấu hiệu sắp sinh thực sự để nhập viện. Có thể hỏi ý kiến bác sĩ trước nếu bạn lo lắng và băn khoăn về tình trạng của mình. Hãy đi bệnh viện nếu cơn gò của bạn có các đặc điểm sau:

  • Xảy ra trước tuần 37 của thai kỳ
  • Khoảng cách giữa các cơn gò là 5 phút
  • Xảy ra thường xuyên, cho dù không gây đau
  • Tăng dần đều về thời gian, khoảng cách và cường độ
  • Không giảm khi bạn uống nước, nghỉ ngơi hay thay đổi vị trí
  • Kèm theo đau đớn nhiều, chảy máu, vỡ ối hay rỉ ối và những dấu hiệu lâm bồn khác.

Sẽ khá khó khăn khi đây là lần đầu bạn làm mẹ để xác định cơn gò nào là chuyển dạ thực sự. Khi nghi ngờ, tốt nhất là bạn nên đi khám để được chẩn đoán kịp thời. Bạn nên lưu ý về thời gian của các cơn gò tử cung và những dấu hiệu khác để thông báo cho bác sĩ khi khám nhé.

Khi đến lúc chuyển dạ và chuẩn bị chào đón em bé ra đời, bạn nên nhớ rằng những đau đớn bạn phải chịu đựng là điều thiêng liêng và chỉ xảy ra tạm thời. Đến khi em bé chào đời, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Mong rằng những chia sẻ vừa rồi đã giúp bạn hiểu hơn về cơn gò tử cung là gì để có thể đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh nhé!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Preterm labor http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preterm-labor/basics/symptoms/con-20035359 Ngày truy cập 24/05/2021

True versus false labor https://my.clevelandclinic.org/health/diseases_conditions/hic_Am_I_Pregnant/hic_Labor_and_Delivery/hic_True_Vs_False_Labor Ngày truy cập 24/05/2021

Dealing with pain during childbirth http://kidshealth.org/en/parents/childbirth-pain.html Ngày truy cập 24/05/2021

What Do Different Types of Labor Contractions Feel Like? https://www.healthline.com/health/pregnancy/types-of-contractions Ngày truy cập 24/05/2021

What Do Contractions Feel Like? https://www.parents.com/pregnancy/giving-birth/labor-and-delivery/what-do-labor-contractions-feel-like/ Ngày truy cập 24/05/2021

Phiên bản hiện tại

14/07/2023

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tạ Trung Kiên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Rặn nhiều khi chuyển dạ tăng nguy cơ rách tầng sinh môn đến 700%

3 lợi ích bất ngờ của âm nhạc với quá trình chuyển dạ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Tạ Trung Kiên

Thẩm mỹ · Bệnh viện An Sinh TPHCM


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 14/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo