backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Mẹ bầu hít phải khói thuốc lá - Tìm hiểu tác hại và cách phòng tránh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 20/03/2023

    Mẹ bầu hít phải khói thuốc lá - Tìm hiểu tác hại và cách phòng tránh

    Trên thực tế, mẹ bầu hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động) từ chồng, người thân, bạn bè… là tình trạng rất phổ biến. Nếu mẹ đã biết đến những tác hại của việc hút thuốc lá khi mang thai thì cũng cần lưu ý thêm rằng việc hít khói thuốc thụ động cũng gây không ít rủi ro, bất lợi cho cả mẹ và em bé.

    Trong bài viết sau, mẹ có thể tìm hiểu chi tiết hơn về tác hại khi hút thuốc thụ động và một số giải pháp giúp mẹ bầu giảm nguy cơ hít phải khói thuốc lá.

    Tìm hiểu chung về tác hại của thuốc lá

    Thuốc lá và xì gà là sản phẩm được làm từ nguyên liệu chính là lá cây thuốc lá (tobacco). Trong đó, thuốc lá có chứa nicotine, một thành phần gây nghiện mạnh khi bạn hút thuốc. Tình trạng nghiện thuốc lá nặng có thể ảnh hưởng đến khả năng tự kiểm soát và khả năng cai thuốc của bạn.

    Về độc tính, khói thuốc lá chứa hơn 7000 hóa chất và trong số đó có ít nhất khoảng 250 hóa chất có hại cho người hút thuốc lẫn người hít khói thuốc bị động. Thêm vào đó, ít nhất 69 hóa chất trong số này có thể gây ung thư. Có thể nói, dù chỉ một chút khói thuốc lá cũng có thể gây hại khi bạn hít vào.

    Hút thuốc lá gây hại cho hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Trong đó, một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng do hút thuốc gây ra bao gồm:

  • Nghiện thuốc
  • Bệnh về răng nướu
  • Bệnh tim và bệnh phổi
  • Tiểu đường
  • Các bệnh về mắt
  • Đột quỵ
  • Ung thư các cơ quan như phổi, khoang miệng, họng, thực quản…
  • Mẹ bầu hít phải khói thuốc lá nguy hại như thế nào?

    mẹ bầu hít phải khói thuốc lá

    Hiện nay, nhiều mẹ bầu có thể đã biết đến tác hại của việc hút thuốc khi mang thai như tăng nguy cơ sinh non, thai dị tật bẩm sinh, sảy thai, thai chết lưu, trẻ sinh ra nhẹ cân… Tuy nhiên, đối với việc hít khói thuốc lá thụ động thì không phải mẹ nào cũng ý thức và hiểu đầy đủ về các tác hại có thể xảy ra.

    Trên thực tế, mặc dù hầu hết mẹ bầu thường không hút thuốc nhưng việc hít khói thuốc từ chồng, bạn bè, người thân luôn rất phổ biến, thậm chí là khó tránh khỏi. Thực chất, mẹ bầu hít phải khói thuốc thụ động cũng gây hại cho mẹ và thai nhi không kém gì so với hút thuốc lá trực tiếp. Về cơ bản, có hai kiểu hít phải khói thuốc lá là trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì không có mức độ an toàn khi mẹ bầu tiếp xúc với khói thuốc. Do đó, trường hợp nào cũng có thể nguy hại nên mẹ cần chú ý phòng ngừa.

    Mẹ bầu hít phải khói thuốc lá trực tiếp (secondhand smoke)

    Đây là trường hợp mẹ hít khói thuốc trực tiếp từ người đang hút thuốc lá, hút xì gà… Mặc dù không hút thuốc trực tiếp nhưng việc tiếp xúc khói thuốc lá thụ động như vậy cũng có thể khiến mẹ và bé gặp các vấn đề như sảy thai, nhau thai bất thường, sinh non hoặc sinh trẻ nhẹ cân.

    Việc mẹ bầu hít phải carbon monoxide trong khói thuốc có thể khiến em bé đang phát triển không nhận đủ oxy. Hơn nữa, nếu mẹ bầu hít phải khói thuốc lá thường xuyên, điều này không chỉ ảnh hưởng đến thai kỳ mà còn gây ra các vấn đề trong suốt quá trình lớn lên của trẻ. Chẳng hạn nguy cơ gặp phải các khiếm khuyết ảnh hưởng đến hành vi, học tập trong tương lai. Nếu trẻ sơ sinh phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, trẻ cũng có thể gặp phải các vấn đề như:

    • Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS): Trẻ tử vong đột ngột khi đang ngủ và không rõ nguyên nhân.
    • Hen suyễn: Một tình trạng ảnh hưởng đến đường hô hấp và có thể gây ra các vấn đề hô hấp khác nhau.
    • Viêm phế quản: Tình trạng viêm, kích ứng trong các ống phế quản (ống dẫn khí mang không khí đến và đi từ phổi). Viêm phế quản có thể gây ho và khó thở.
    • Nhiễm trùng tai (viêm tai giữa): Tình trạng mà khu vực phía sau màng nhĩ bị nhiễm trùng dẫn đến tích tụ mủ bên trong tai, gây áp lực lên màng nhĩ nên có thể rất đau, nguy cơ thủng màng nhĩ.
    • Viêm phổi: Tình trạng phổi bị nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến chức năng của phổi.

    Mẹ hít phải khói thuốc lá bám trên đồ vật (thirdhand smoke)

    mẹ bầu hít phải khói thuốc lá

    Khói thuốc lá có thể bám rất lâu trên đồ vật và khó để loại bỏ. Do đó, nếu trong gia đình có người hút thuốc thì mẹ bầu vẫn có thể ngửi được mùi thuốc lá trên những món đồ như quần áo, thảm, tường, đồ nội thất… Trên thực tế, so với trường hợp mẹ bầu hít phải khói thuốc lá từ một người đang hút thuốc thì việc hít khói thuốc bám trên đồ vật thường ít được chú ý hơn.

    Tuy nhiên, thực chất là hít khói thuốc như thế nào cũng tiềm ẩn mối nguy hại cho thai kỳ của bạn. Trong đó, khói thuốc bám trên đồ vật vẫn có thể chứa hơn 250 hóa chất có hại cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một nghiên cứu cũng cho thấy rằng dư lượng khói thuốc bám trên đồ vật khi mẹ bầu hít vào có tác động bất lợi đến sự phát triển về phổi của em bé trước khi sinh. Điều này có thể gây ra các vấn đề hô hấp về sau cho trẻ. Hiện nay, các tác hại của việc hít khói thuốc bám trên đồ vật vẫn đang được nghiên cứu thêm.

    Làm sao để tránh tình trạng mẹ bầu hít phải khói thuốc lá?

    Có thể nói, khói thuốc lá rất nguy hại cho mẹ bầu, thai nhi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì vậy, điều quan trọng là bạn nên cố gắng giảm thiểu lượng khói thuốc lá trong nhà càng nhiều càng tốt. Trong đó, một số lời khuyên sau đây có thể hữu ích:

    • Nếu bạn đang cố gắng thụ thai hoặc đang mang thai, tốt nhất là nên ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá.
    • Nếu chồng bạn hút thuốc, hãy đảm bảo rằng họ hút thuốc ngoài trời. Mẹo giúp mẹ bầu không hít khói thuốc bám trên đồ vật đó là hãy yêu cầu “đối tác” của mình mặc thêm áo khoác khi hút thuốc và bỏ áo khoác bên ngoài trước khi vào nhà.
    • Nếu nhà có khách đến chơi và muốn hút thuốc, bạn cũng hãy yêu cầu họ hút thuốc bên ngoài, nơi thoáng khí.
    • Bạn nên cố gắng tránh xa những người hút thuốc lá và không đến những nơi công cộng có nhiều người hút thuốc.
    • Tránh tiếp xúc gần với những người vừa hút thuốc xong.
    • Đối với mẹ sau sinh, cả bạn và đối tác cần đảm bảo luôn rửa tay trước khi chạm vào em bé để tránh nguy cơ trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc thụ động và gặp các vấn đề về sức khỏe.

    Trên thực tế, mẹ bầu hít phải khói thuốc lá thường là điều không thể tránh khỏi. Do đó, mẹ cần đảm bảo khám thai định kỳ đầy đủ, đặc biệt là khi gia đình có người hút thuốc lá, để được kiểm tra sức khỏe thường xuyên và theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 20/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo