Mẹ bầu đi tàu được không? Theo các chuyên gia, bà bầu đi tàu hỏa thường khá an toàn. Tuy nhiên, để có được một chuyến đi trọn vẹn, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng và lưu ý một số điểm quan trọng.
Mang thai là giai đoạn mà bạn sẽ trải qua rất nhiều sự thay đổi, cả về thể chất, tâm lý lẫn các hoạt động trong cuộc sống. Đi du lịch trong thai kỳ là một vấn đề nhận được khá nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn là người yêu thích đi du lịch, đặc biệt là đi bằng tàu hỏa, vậy những chia sẻ sau của Hello Bacsi chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn đấy.
Bà bầu đi tàu hỏa có an toàn không?
Với những phụ nữ có thai kỳ bình thường, khỏe mạnh và không có bất kỳ biến chứng nào thì việc đi du lịch bằng tàu hỏa khá là an toàn. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải các biến chứng thai kỳ như huyết áp cao, lượng đường cao hoặc bất kỳ biến chứng nào khác, hãy đến gặp bác sĩ và hỏi ý kiến về việc đi tàu hỏa. Tùy thuộc vào sức khỏe của bạn mà bác sĩ có thể đồng ý hoặc không.
Ốm nghén là vấn đề thường gặp ở hầu hết phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu. Nếu bạn đang bị ốm nghén, tốt nhất bạn nên hoãn chuyến đi lại và chờ đến khi bạn qua 3 tháng đầu bởi mùi trên tàu hỏa có thể kích thích cơn buồn nôn, khiến bạn cảm thấy khó chịu.
Bà bầu có thể mua vé đi tàu hỏa như thế nào?
Nếu có nhu cầu di chuyển bằng tàu hỏa, bạn có thể đặt mua vé online và thanh toán trực tuyến qua thẻ ngân hàng. Khi đặt, bạn sẽ được chủ động chọn ngày giờ đi tàu, số toa, số ghế hoặc giường, loại ghế hoặc giường rất thuận tiện cho việc đi lại.
Hiện Đường sắt Việt Nam không có quy định riêng cho phụ nữ mang thai nhưng theo quy định chung, bà bầu sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông. Vì vậy, bạn đừng ngần ngại cầm sổ khám thai đến quầy bán vé hoặc gặp nhân viên đường sắt để được tư vấn và hỗ trợ nhé.
Ưu và nhược điểm của việc bà bầu đi tàu hỏa
Nhìn chung, đi tàu hỏa khá là an toàn cho bà bầu. Dưới đây là một số ưu và nhược điểm của việc di chuyển bằng tàu hỏa mà bạn nên biết:
Ưu điểm:
- Tàu hỏa di chuyển khá ổn định, ít xóc nảy, do đó bạn có thể tha hồ tận hưởng cảnh đẹp bên ngoài.
- Đi tàu hỏa thường thoải mái hơn so với đi xe buýt, xe hơi hoặc máy bay bởi bạn sẽ có nhiều không gian để di chuyển hơn. Bạn có thể ngồi hoặc nằm nếu cảm thấy mệt mỏi.
- Bạn có thể tận hưởng những giây phút yên bình với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Ngoài ra, bạn cũng có thể tranh thủ xem phim, đọc sách hoặc nghe nhạc khi tàu đang di chuyển.
- Với bà bầu, nếu được, bạn nên chọn loại vé hạng sang với giường mềm thoải mái và những bữa ăn ngon để có một chuyến du lịch tốt nhất.
- Việc di chuyển bằng tàu hỏa sẽ nhanh và ít ô nhiễm hơn so với đi bằng đường bộ.
Nhược điểm:
- Nếu tàu đông người hoặc không có nhiều tiện nghi thì việc di chuyển sẽ khá là bất tiện.
- Nếu bạn chọn loại ghế không thoải mái như ghế ngồi cứng hoặc giường nằm trên với không gian hẹp thì bạn sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi.
- Việc di chuyển lên và xuống tàu có thể khó khăn nếu bụng bạn đã bắt đầu to ra.
Bí quyết giúp bà bầu di chuyển bằng tàu hỏa an toàn và thoải mái
- Đặt vé “hạng ưu” và chọn một vị trí ngồi thoải mái.
- Nhiều tàu có cung cấp gối và chăn nhưng tốt hơn bạn vẫn nên tự mang theo các vật dụng này để cảm thấy thoải mái nhất và tránh nguy cơ lây nhiễm cách bệnh ngoài da…
- Nếu bạn phải di chuyển trong đêm, hãy chọn khoang giường nằm, còn nếu bạn di chuyển trong ngày, bạn cũng có thể cân nhắc đến điều này. Khi mua vé, bạn nên chọn mua vé giường nằm tầng 1 để tránh phải leo trèo.
- Không ngồi gần phòng tắm hoặc cửa ra vào.
- Cố gắng ngồi thoải mái, để chân duỗi thẳng.
- Đi bộ mỗi giờ để tránh tình trạng chuột rút và giúp máu lưu thông tốt hơn. Điều này cũng có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ đông máu.
- Khi ngủ, hãy nằm ở tư thế thoải mái nhất và gác chân lên cao.
- Mặc quần áo thoải mái khi di chuyển bằng tàu hỏa.
- Hãy đề nghị nhân viên bán vé cho bạn được chọn vị trí ghế đối diện với hướng tàu đang di chuyển để tránh cảm thấy khó chịu.
- Mang khăn giấy để lau sơ bồn cầu trước khi sử dụng, điều này sẽ giúp giảm nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Mang theo nước rửa tay khô để có thể rửa tay khi cần thiết.
Những lưu ý khi di chuyển bằng tàu hỏa
- Mẹ bầu nêu đi tàu hỏa cùng người thân, bạn bè.
- Nếu bạn muốn đi một mình, hãy chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết và sắp xếp thật gọn gàng. Bạn nên cho đồ vào một chiếc vali kéo để dễ dàng di chuyển.
- Đến sớm hơn giờ khởi hành khoảng 30 phút để có thời gian thư giãn. Bạn cũng có thể linh động thời gian để không phải chờ đợi quá lâu hoặc phải di chuyển một cách vội vàng.
- Nếu bạn phải đi bộ một khoảng đường quá dài, hãy nhờ ai đó mang hành lý hộ.
- Ngoài các loại thuốc đang dùng, hãy mang theo các loại thuốc trị cảm, đau đầu, tiêu chảy hoặc thuốc điều trị nhiễm trùng.
- Luôn luôn sạc điện thoại trước khi đi. Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo một cục sạc dự phòng để phòng trường hợp điện thoại hết pin đột ngột.
- Mang theo hồ sơ sức khỏe. Bạn nên lưu số điện thoại của bác sĩ để nếu có trường hợp khẩn cấp, người đi cùng hoặc hành khách có thể gọi và hỏi ý kiến.
- Từ chối đồ ăn và thức uống của người lạ.
- Không nên đi các chuyến tàu dài quá 3 ngày.
Những điều cần lưu ý về vệ sinh an toàn thực phẩm trên tàu hỏa
- Mang theo thức ăn và nước uống khi di chuyển bằng tàu hỏa, đặc biệt là trong ba tháng đầu của thai kỳ.
- Mang theo đồ ăn nhẹ để khi đói, bạn có thể ăn ngay mà không cần phải mua thức ăn trên tàu.
- Nếu thời gian di chuyển ngắn, bạn có thể chuẩn bị sẵn thức ăn cho suốt cả chuyến đi, tuy nhiên, nếu đó là một chuyến đi dài, bạn có thể phải dùng các thức ăn được bán trên tàu. Nếu vậy, hãy chọn những món ăn nóng, được nấu chín.
- Tránh ăn salad hoặc các thực phẩm chưa được nấu chín vì chúng có thể chứa loại vi khuẩn, gây ảnh hưởng không tốt cho bạn và bé.
- Uống nhiều nước để giữ ẩm cho cơ thể. Tránh uống cà phê, trà và nước ngọt có ga.
- Nếu bạn mua thực phẩm đóng hộp để đem theo ăn dọc đường, hãy kiểm tra hạn sử dụng nhé.
Đi tàu hỏa trong thai kỳ thường khá an toàn và không gặp nhiều rắc rối miễn là bạn chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải một vài biến chứng thai kỳ, tốt hơn hết, bạn nên đến gặp bác sĩ để hỏi ý kiến nhé.
Có thể bạn quan tâm
Ngân Phạm/ HELLO BACSI
[embed-health-tool-due-date]