Nhiều dấu hiệu mang thai lần 2 có thể giống với mang thai lần đầu. Điều này giúp mẹ có thể nhận ra sự xuất hiện của bé yêu sớm hơn để chăm sóc thai kỳ tốt hơn. Tuy nhiên, thai nghén và sinh nở lần 2 vẫn có những điểm khác biệt so với trước đó mà có thể mẹ chưa biết.
Vậy dấu hiệu mang thai lần 2 là gì? Có thai lần 2 khác lần 1 như thế nào? Cùng khám phá câu trả lời cho vấn đề này và tham khảo những lời khuyên chăm sóc sức khỏe hữu ích từ Hello Bacsi dành cho mẹ bầu bí lần 2 nhé!
Dấu hiệu mang thai lần 2 – Những triệu chứng nào giống với có thai lần đầu?
Nhiều dấu hiệu mang thai lần 2 có thể giống với khi mang thai lần đầu. Trên thực tế, nhiều mẹ bầu lần 2 thường nhận thấy các dấu hiệu này sớm hơn so với lần đầu do cơ thể đã biết cách phản ứng với những thay đổi thể chất đó. Các triệu chứng chung và phổ biến giữa hai lần mang thai thường bao gồm:
- Bạn có thể ốm nghén khi mang thai lần 2 dù không ốm nghén khi mang thai lần đầu. Nếu bạn từng ốm nghén thì khả năng bị lại vào lần sau là khá cao.
- Đi tiểu thường xuyên. Bởi vì lượng máu cơ thể tăng lên khi mang thai khiến thận của mẹ làm việc nhiều hơn.
- Khi mang thai, vị giác của mẹ thường thay đổi nên có thể dẫn đến cảm giác thèm ăn hoặc chán ăn.
- Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ đầu mang thai khiến hệ tiêu hóa của mẹ hoạt động chậm lại dẫn đến táo bón hoặc đầy hơi.
- Việc tăng nồng độ hormone và sản xuất máu có thể khiến màng nhầy trong mũi của mẹ bầu bị sưng, khô và dễ chảy máu. Điều này có thể kéo theo tình trạng nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
- Tâm trạng thay đổi khi mang thai. Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ thường khiến mẹ bầu dễ xúc động và trải qua những cảm xúc thất thường.
Có thai lần 2 khác lần 1 như thế nào?
Bên cạnh việc tò mò về những dấu hiệu mang thai lần 2, nhiều chị em cũng thắc mắc rằng có thai lần 2 khác lần 1 như thế nào? Sau đây là những khác biệt thường gặp giữa hai lần mang thai mà mẹ cần lưu ý:
Sự thay đổi của ngực
Sự thay đổi của ngực có phải là dấu hiệu mang thai lần 2? Ở lần mang thai thứ 2, cảm giác ngực căng, sưng và nặng nề không còn rõ rệt như khi bạn mang thai lần đầu nữa. Nguyên nhân có thể là do mẹ đã từng trải qua quá trình cho con bú trước đó nên bầu ngực không thay đổi quá nhiều ở lần mang thai sau.
Bụng to nhanh hơn và thấp hơn
Nhiều mẹ bầu cảm thấy bụng to nhanh hơn khi mang thai lần 2. Điều này có thể là do cơ bụng của mẹ đã bị căng giãn ở lần mang thai trước đó. Đồng thời, khi có bầu lần 2, cơ tử cung không còn săn chắc nữa nên không thể nâng đỡ thai nhi tốt như lần đầu. Điều này có thể khiến bụng mẹ trở nên thấp hơn.
Mẹ cảm nhận được chuyển động của thai nhi sớm hơn
Trong lần mang thai thứ 2, mẹ có thể cảm thấy những cú đá và chuyển động của em bé trong bụng sớm hơn. Điều này đơn giản là vì bạn đã có kinh nghiệm mang thai một lần. Lúc này, mẹ đã biết mình mong đợi điều gì và thai nhi đang cảm thấy như thế nào. Từ đó giúp mẹ dễ dàng nhận ra những chuyển động của con.
Đau khớp và đau lưng
Relaxin là một trong những hormone được sản xuất bởi buồng trứng và nhau thai. Hormone này có thể làm giãn các dây chằng trong xương chậu, nới lỏng khớp, làm mềm và mở rộng cổ tử cung trước khi chuyển dạ. Tuy nhiên, đối với mẹ mang thai lần 2, hormone relaxin có thể được tiết ra sớm hơn và gây ra những cơn đau lưng, đau khớp cho mẹ dù chưa đến ngày sinh.
Mẹ có nhiều cơn gò chuyển dạ giả hơn
Các cơn gò chuyển dạ giả (Braxton Hicks) thường xuất hiện vào cuối tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Những cơn gò này xảy ra không thường xuyên, không thể đoán trước và không theo bất kỳ nhịp điệu nào. Cơn gò chuyển dạ giả xuất hiện nhằm mục đích giúp tử cung của mẹ chuẩn bị và rèn luyện khả năng chịu đựng trước khi sinh nở. Đối với mẹ mang thai lần 2, các cơn gò Braxton Hicks xuất hiện sớm hơn và có thể nhiều hơn.
Mẹ mang thai lần 2 thường cảm thấy mệt mỏi hơn
Việc vừa chăm sóc sức khỏe thai kỳ vừa phải chăm sóc con nhỏ có thể khiến nhiều mẹ bị “quá tải” và cảm thấy mệt mỏi hơn so với mang thai lần đầu. Hơn nữa, giáo dục trẻ nhỏ về những vấn đề liên quan đến việc sắp có em bé cũng tốn khá nhiều thời gian của mẹ. Do đó, nếu cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi thì mẹ hãy nhờ đến sự hỗ trợ của bạn đời hoặc người thân để giảm bớt gánh nặng nhé!
Thời gian chuyển dạ và sinh nở ngắn hơn
Thời gian chuyển dạ và sinh nở của mẹ sinh con lần 2 thường ngắn hơn so với lần đầu. Nếu thời gian chuyển dạ trung bình của mẹ sinh con lần đầu là 8 giờ thì đối với lần 2 chỉ còn khoảng 5 giờ. Giai đoạn rặn đẻ và sinh nở của mẹ sinh con lần đầu thường kéo dài khoảng 3 giờ nhưng với mẹ sinh lần 2 có thể dưới 2 giờ.
Bí quyết chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho mẹ mang thai lần 2
Như đã đề cập, mặc dù các dấu hiệu mang thai lần 2 thường không quá khác biệt so với lần đầu nhưng trên thực tế, mẹ bầu thường sẽ cảm thấy có nhiều áp lực và mệt mỏi hơn. Vì vậy, để tránh các vấn đề ngoài ý muốn, điều quan trọng là bạn cần chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt. Đây là điều kiện tiên quyết để bạn có thể chăm sóc tốt con cái và gia đình. Sau đây là một số lời khuyên chăm sóc sức khỏe hữu ích cho mẹ mang thai lần 2:
- Dành thời gian để nghỉ ngơi hợp lý. Mẹ có thể chọn cách ngủ một giấc ngắn vào buổi trưa hoặc nên đi ngủ vào buổi tối sớm hơn so với khi không mang thai để tránh tình trạng quá mệt, thậm chí là kiệt sức.
- Uống nhiều nước, ăn đủ chất và tránh những thói quen có hại cho sức khỏe như thức khuya, uống rượu bia, hút thuốc…
- Các biến chứng như tiền sản giật, sinh non, tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp… đều có thể xảy ra ở lần mang thai thứ 2 dù trước đó mẹ từng có tiền sử hay không. Do đó, mẹ bầu cần đi khám thai đúng lịch, đầy đủ để được bác sĩ theo dõi và can thiệp kịp thời khi cần thiết.
- Việc mẹ bầu tập thể dục hoặc vận động hợp lý sẽ luôn có lợi cho sức khỏe thai kỳ. Trong đó, mẹ có thể dành thời gian trong ngày đi bộ, tập yoga, thiền… để giúp giảm căng thẳng hiệu quả.
- Dành thời gian cho những sở thích hoặc nhu cầu cá nhân để cải thiện tâm trạng. Bạn có thể nhờ bạn đời hoặc người thân trông con hộ để có thể dành một ngày làm những điều bạn yêu thích như đi dạo công viên, đi bơi, đọc sách ở quán cà phê yêu thích, đi thăm một người bạn…
- Mua sắm trực tuyến có thể hữu ích với những mẹ bầu, mẹ bỉm bận rộn. Vì vậy, mẹ có thể tận dụng những nền tảng mua sắm phổ biến hiện nay để mua những sản phẩm dành cần thiết mà không phải dành thời gian, công sức đến tận nơi.
Nhìn chung, các dấu hiệu mang thai lần 2 tuy có điểm tương đồng với mang thai lần đầu nhưng trong suốt thai kỳ và khi sinh nở vẫn có những thay đổi nhất định. Do đó, dù đã có kinh nghiệm bầu bí nhưng mẹ không nên quá chủ quan. Thực chất, các biến chứng thai sản vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên cách tốt nhất là mẹ cần đảm bảo khám thai đầy đủ nhé!
[embed-health-tool-due-date]