Việc chuẩn bị mang thai lần 2 một cách kỹ càng không chỉ giúp người mẹ có được sức khỏe tốt nhất mà bé yêu cũng có cơ hội phát triển một cách toàn diện.
Lập kế hoạch để chuẩn bị mang thai lần 2 nghe qua có vẻ dễ dàng vì bạn đã từng nuôi dạy một đứa trẻ trước đó. Tuy nhiên, các rắc rối vẫn có thể phát sinh, chẳng hạn như gánh nặng tài chính, giờ sinh hoạt thay đổi đột ngột… Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giúp bạn chỉ ra những vấn đề này và phương hướng cải thiện.
5 yếu tố cần cân nhắc khi chuẩn bị mang thai lần 2
Một số yếu tố bạn có thể cân nhắc khi đang có ý định chuẩn bị mang thai lần 2, bao gồm:
1. Sức khỏe
Mang thai đồng nghĩa với việc sẽ có những thay đổi lớn trong cơ thể và điều đó chỉ có thể xảy ra nếu sức khỏe của bạn bình thường. Ngay cả khi lần mang thai đầu tiên diễn ra cách đây không lâu thì chỉ cần bác sĩ xác nhận tình trạng sức khỏe của bạn ổn định, bạn vẫn sẽ có thể mang thai lần 2. Nếu sinh con đầu lòng bằng biện pháp sinh mổ thì có thể bạn sẽ phải lặp lại quá trình này nếu khoảng cách giữa hai lần mang thai dưới 2 năm.
2. Tuổi tác
Tuổi tác là một yếu tố đóng vai trò quan trọng, đặc biệt nếu bạn muốn mang thai sau tuổi 35. Lý do để giải thích cho việc này nằm ở vấn đề chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ ở độ tuổi này, chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu có sự thay đổi do khả năng sản xuất trứng giảm dần, chất lượng trứng cũng đồng thời suy giảm. Những điều này làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc thai nhi có các khiếm khuyết di truyền.
Ngoài ra, tuổi tác của người bố cũng là điều đáng để cân nhắc. Các nghiên cứu ở nam giới cho thấy chất lượng tinh trùng sẽ giảm đi rõ rệt khi họ bước sang tuổi 35. Thêm vào đó, nếu bạn đang hy vọng sinh con trai, hãy lưu tâm đến vấn đề này bởi những người bố lớn tuổi có khả năng sinh con gái cao hơn do có nhiều tinh trùng mang nhiễm sắc thể X.
3. Tài chính
Có thêm con dĩ nhiên sẽ đồng nghĩa với việc khoản ngân sách dành cho chi tiêu của cả gia đình sẽ phình ra. Số tiền mà bạn cần chi thêm không chỉ bao gồm các chi phí liên quan đến mang thai và sinh nở mà sẽ đi kèm với một danh sách chi tiêu cho các nhu cầu ngày càng tăng. Bạn và chồng đang có việc làm ổn định? Điều kiện kinh tế của vợ chồng bạn đủ lo cho một gia đình 4 người? Bạn có kế hoạch cho bé du học trong tương lai? Ai sẽ là người trông coi bé lúc bé chưa thể đi nhà trẻ để vợ chồng bạn yên tâm đi làm?… Những điều này cần được suy nghĩ kỹ và có hướng giải quyết thật cụ thể trước khi quyết định mang thai lần 2.
4. Khoảng cách tuổi giữa các con
Trong khi lên kế hoạch chuẩn bị mang thai lần 2, bạn hãy suy nghĩ đến bé đầu lòng. Sẽ tốt hơn nếu khoảng cách tuổi tác giữa các con không quá lớn, trẻ có thể ở cùng nhóm tuổi và dễ hòa hợp với nhau hơn.
5. Sự giúp đỡ
Khi mang thai lần thứ hai, sự giúp đỡ từ phía người thân có thể rất quan trọng vì bạn phải chăm sóc cả hai bé cùng một lúc, khiến mọi sinh hoạt thường nhật trước đây dường như trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, có thêm bàn tay hỗ trợ cũng sẽ tạo điều kiện để bạn dành ra một chút ít thời gian cho bản thân, góp phần đẩy lùi trầm cảm sau sinh.
Chuẩn bị mang thai lần 2 một cách tốt nhất
Dưới đây là một số lời khuyên cho kế hoạch mang thai lần tiếp theo:
1. Kiểm tra sức khỏe
Khi bạn và chồng quyết định rằng đã đến lúc sinh em bé thứ hai thì đừng quên xét nghiệm máu nhé. Cả hai vợ chồng nên thực hiện một số siêu âm và xét nghiệm máu để kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai.
Ngoài ra, hình thức này cũng nhằm mục đích kiểm tra tế bào máu của bạn. Hầu hết phụ nữ bị thiếu máu khi mang thai do có thể cần một lượng lớn máu để duy trì sức khỏe của mẹ và con. Với biện pháp xét nghiệm máu, bạn có thể thảo luận với bác sĩ để tìm ra kế hoạch tốt cải thiện hàm lượng sắt và tránh các biến chứng như thiếu máu ở trẻ sơ sinh.
2. Lưu ý đến chu kỳ kinh nguyệt
Ngay cả khi không sử dụng biện pháp tránh thai thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ mang thai lần 2 một cách dễ dàng. Sau khi sinh con đầu lòng, chu kỳ kinh nguyệt thất thường có thể xảy ra. Do vậy, hãy dùng que thử rụng trứng để xác định thời điểm rụng trứng, ghi chú lại những ngày rụng trứng để tìm ra thời gian tối ưu cho việc thụ thai. Ngoài ra, tìm hiểu cách tính ngày rụng trứng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc này đấy.
Có thể bạn quan tâm
3. Tập thể thao
Lấy lại vóc dáng sau lần mang thai đầu tiên là một thách thức không hề dễ dàng nhưng vẫn có thể đạt được. Hầu hết những phụ nữ có thói quen vận động sẽ quay lại với việc luyện tập sau khi được bác sĩ cho phép. Nếu đang chuẩn bị mang thai lần 2, bạn cần phải hoạt động thể thao ngay bây giờ. Tình trạng tăng cân có thể ức chế khả năng sinh sản và đôi khi gây ra tình trạng mất cân bằng nội tiết tố, gây khó khăn cho việc theo dõi ngày rụng trứng.
4. Tìm hiểu về vô sinh ở nam giới
Thụ thai không phải là việc của chỉ riêng phụ nữ mà cần đến cả 2 người. Những thói quen như hút thuốc và rượu làm giảm đáng kể số lượng tinh trùng ở nam giới. Ngoài ra, béo phì cũng góp phần gây ra tình trạng vô sinh. Do vậy, đây là lý do không thể hoàn hảo hơn để bạn và chồng cùng vận động mỗi ngày để có sức khỏe tốt nhất.
5. Ăn uống lành mạnh
Những gì bạn hấp thụ cũng góp phần vào quá trình chuẩn bị mang thai lần 2. Nên ưu tiên chọn lựa trái cây và rau trong mùa, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra việc thay thế protein từ thịt bằng protein thực vật, như đậu nành và đậu Hà Lan, giúp tăng khả năng sinh sản. Thêm vào đó, cơ thể bạn sẽ cần khá nhiều chất dinh dưỡng dự trữ để tránh việc mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi trong quá trình mang thai.
6. Tìm ra thời điểm tốt nhất để có thai
Nếu bạn đang bước vào độ tuổi 30 và lo lắng rằng khả năng sinh sản có thể bị ảnh hưởng thì hãy chuẩn bị mang thai lần 2 càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng chờ đợi khoảng ba năm trước khi sinh bé thứ hai nhằm chờ đợi bé đầu đủ lớn để có thể đem đến điều kiện tốt nhất cho các con.
Có thể bạn quan tâm
7. Tìm giải pháp thay thế
Trong trường hợp đã cố gắng thụ thai một cách tự nhiên trong hơn một năm nhưng vẫn chưa có tin vui, hãy tìm đến các chuyên gia sinh sản. Vô sinh sau khi có con đầu lòng cũng có nguy cơ xảy ra do tuổi tác tăng lên, các vấn đề sức khỏe và thay đổi lối sống…
[embed-health-tool-due-date]