Có bầu mấy tháng thì tiêm phòng? Những điều mẹ cần biết
Đối với vấn đề có bầu mấy tháng thì tiêm phòng, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào loại vaccine mà mẹ bầu cần tiêm. Cụ thể đối với từng trường hợp như sau:
Có bầu mấy tháng thì tiêm phòng cúm?
Trên thực tế, có nhiều loại virus cúm khác nhau và chúng luôn thay đổi. Đó là lý do mà việc chủng ngừa cúm thường được khuyến khích tiêm mỗi năm một lần. Đối với mẹ bầu, việc mẹ bị cúm trong thai kỳ có thể rất nguy hiểm. Nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai thậm chí có thể cao gấp 5 lần so với bình thường, đặc biệt là nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non. Hơn nữa, trẻ sinh non có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn sau khi chào đời và phải nằm viện lâu hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
Do đó, việc tiêm phòng cúm cho mẹ bầu là rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn mang thai trong mùa cúm. Thuốc chủng ngừa cúm là vaccine được làm từ virus bất hoạt nên việc tiêm phòng cúm trước, trong hoặc sau khi mang thai đều được khuyến khích. Cụ thể hơn, đối với câu hỏi “có bầu mấy tháng thì tiêm phòng cúm?”, câu trả lời là bạn có thể chủng ngừa cúm bất cứ lúc nào khi mang thai vì vaccine cúm đã được chứng minh là an toàn đối với mẹ bầu. Không những vậy, việc mẹ bầu tiêm phòng cúm trong thai kỳ cũng sẽ duy trì “hàng rào” bảo vệ trẻ sơ sinh sau khi chào đời và trong vòng 6 tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên, việc tiêm phòng có thể phải tuân theo các quy định từng cơ sở tiêm chủng và thông tin kê toa của nhà sản xuất vắc xin để mẹ bầu có thể nhận được mũi tiêm.
Có bầu mấy tháng thì tiêm phòng ho gà – bạch hầu – uốn ván (vaccine Tdap)?

Theo CDC Hoa Kỳ, mẹ bầu được khuyến khích tiêm một liều vaccine Tdap trong mỗi lần mang thai bất kể trước đó bạn đã tiêm Tdap hoặc tiêm vaccine Td (chủng ngừa uốn ván – bạch hầu) vào thời điểm nào. Nhìn chung, mẹ có thể tiêm vaccine Tdap vào bất cứ lúc nào trong thai kỳ nhưng tốt nhất là từ tuần 27 đến 36, tương đương thai nhi từ tháng thứ 7 trở đi (tam cá nguyệt thứ 3). Tuy nhiên, việc áp dụng tiêm chủng và chỉ định còn tùy thuộc tình hình bệnh tật cũng như lịch sử tiêm ngừa, quy định của đơn vị tiêm chủng và quốc gia.
Bởi vì những tháng đầu tiên sau sinh, em bé có nhiều nguy cơ mắc bệnh ho gà và dễ gặp nguy hiểm. Do vậy, việc mẹ chủng ngừa vào những tháng cuối thai kỳ sẽ giúp trẻ được bảo vệ một cách tốt nhất sau sinh và trong những tháng đầu đời. Nếu bạn không chủng ngừa Tdap khi mang thai, lời khuyên là bạn cần chủng ngừa càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh.
Một số vaccine bổ sung mẹ bầu nên cân nhắc
Các loại vaccine ngừa viêm gan A, viêm gan B, phế cầu khuẩn, COVID-19… được khuyến khích chủng ngừa nếu mẹ bầu có nguy cơ cao nhiễm bệnh hoặc mới tiêm được một mũi trước khi có thai. Tương tự như các mũi tiêm quan trọng khác, đây cũng là những vaccine vừa bảo vệ mẹ vừa bảo vệ bé khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ bác sĩ để được tư vấn và biết chính xác mình có cần tiêm các vaccine này không nhé!
Hy vọng bài viết của Hello Bacsi đã giúp mẹ có thêm thông tin hữu ích về tiêm phòng khi mang thai và có câu trả lời cho vấn đề có bầu mấy tháng thì tiêm phòng. Có thể nói, bên cạnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, khám thai… thì chủng ngừa cũng là hoạt động rất quan trọng mà mẹ bầu không nên bỏ qua. Việc tiêm phòng đầy đủ những vaccine cần thiết sẽ giúp mẹ bảo vệ bản thân và em bé tốt nhất trong thai kỳ và sau khi sinh.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!