Trà kombucha là một loại thức uống lên men từ trà đen và đường, có vị chua ngọt tự nhiên, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Thức uống này có nhiều tên gọi khác nhau như trà dưỡng sinh kombucha, thủy sâm hoặc trà “bất tử’.
Kombucha được tạo ra bằng cách kết hợp đường, nước trà, nấm men cùng với vi khuẩn. Tuy bảng thành phần nghe qua hơi đáng sợ nhưng thực chất, loại trà này rất tốt cho sức khỏe do chứa nhiều lợi khuẩn và chất chống oxy hóa. Vậy liệu bà bầu có được dùng loại thức uống này? Cách chế biến trà kombucha như thế nào? Nếu bạn đang có thắc mắc tương tự thì hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Bà bầu uống trà kombucha có được không?
Trong thành phần của trà kombucha có chứa một lượng nhỏ cồn nên phụ nữ mang thai uống loại thức uống này có vẻ khá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu có thói quen uống trà dưỡng sinh kombucha thường xuyên trước khi mang thai, bạn vẫn có thể tiếp tục uống nhưng chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ.
Ngược lại, trong trường hợp mẹ bầu chưa bao giờ dùng thử loại thức uống này trước đó thì không nên dùng. Nếu muốn sử dụng loại trà này để nhận được nhiều lợi ích, bạn nên đợi đến khi sinh xong và không còn cho con bú.
Tác dụng của trà “bất tử’ kombucha đối với mẹ bầu
Nếu biết cách sử dụng, trà kombucha sẽ đem đến khá nhiều tác dụng tốt cho phụ nữ mang thai, chẳng hạn như:
1. Thúc đẩy tiêu hóa và chữa loét dạ dày
Không chỉ chứa các chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do, trà kombucha còn chứa hàm lượng cao các probiotic và enzyme có lợi. Do đó, khi được hấp thụ vào cơ thể, loại trà này có thể thúc đẩy việc tạo ra một lớp bảo vệ để chống lại các dạng loét dạ dày khác nhau.
Ngoài ra, loại thức uống này cũng sẽ hỗ trợ mẹ bầu cải thiện tình trạng táo bón khi mang thai và giúp quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn.
2. Hỗ trợ hệ thần kinh
Trong trà kombucha chứa nhiều axit ascobic, axit amin và vitamin B, có khả năng hỗ trợ cho hệ thần kinh. Thế nên, mẹ bầu sử dụng loại trà này có thể ngăn ngừa được những tình trạng như: đau đầu, đau nửa đầu, động kinh hoặc trầm cảm.
3. Ngăn ngừa sỏi thận
Các thành phần trong trà sẽ hỗ trợ thận của mẹ bầu ngăn ngừa khả năng hình thành sỏi và vôi hóa.
4. Cải thiện hệ miễn dịch
Với hàm lượng vitamin C cao, trà dưỡng sinh kombucha có khả năng tăng cường chức năng của hệ miễn dịch. Các chất chống oxy hóa trong trà sẽ giúp hệ miễn dịch của mẹ bầu và thai nhi chống lại những bệnh viêm nhiễm hoặc tình trạng tế bào bị tổn thương.
5. Tăng cường năng lượng
Việc uống trà kombucha trong khi mang thai giúp lượng huyết sắc tố và mức độ oxy của mẹ bầu được cải thiện do thành phần chất sắt có mặt ở thức uống này. Mặt khác, mẹ bầu cũng sẽ hạn chế được nguy cơ thiếu máu trong thời gian mang thai nếu số lượng huyết sắc tố đạt mức ổn định.
6. Bổ sung chất chống oxy hóa
Thành phần của các chống oxy hóa trong trà nấm lên men thậm chí còn tốt hơn khi so sánh với một số thực phẩm chứa vitamin C và E khác. Do vậy, việc thưởng thức trà kombucha sẽ giúp cơ thể mẹ bầu có thể ngăn ngừa bất kỳ loại bệnh nào do tình trạng mất cân bằng oxy hóa gây ra.
7. Ngăn ngừa tăng huyết áp
Việc mang thai khiến mẹ bầu dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn tăng huyết áp hoặc chóng mặt do cơ thể có sự thay đổi về nội tiết tố. Tuy nhiên, chỉ cần uống một chút trà kombucha là bạn đã có thể phần nào hạn chế được nguy cơ của những tình trạng trên rồi đấy.
8. Thanh lọc cơ thể
Axit glucuronic trong nấm men kombucha hoạt động giống như một chất khử độc vì có khả năng chuyển đổi tất cả các chất độc trong người thành các hợp chất hòa tan, từ đó đào thải khỏi cơ thể dễ dàng hơn.
Tác hại của trà kombucha đối với mẹ bầu
Dẫu cho có nhiều công dụng tuyệt vời kể trên thì món uống này vẫn tiềm ẩn những tác hại khôn lường với phụ nữ mang thai nếu dùng quá nhiều, chẳng hạn như:
1. Chứa cồn
Mức độ cồn trong trà kombucha đôi lúc lên đến 0,5%, tùy thuộc vào cách thức lên men. Trà dưỡng sinh tự làm từ nấm lên men có thể có nồng độ cồn cao hơn.
Mặc dù hàm lượng cồn trong trà khá thấp nhưng việc uống quá nhiều vẫn có nguy cơ gây nguy hiểm cho em bé trong bụng.
2. Chứa caffeine
Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ mất nhiều thời gian hơn để xử lý caffeine. Thêm vào đó, chất này có thể đi vào nhau thai và máu của em bé, gây nên nhiều tác động xấu chẳng hạn như làm tăng nhịp tim…
3. Chưa tiệt trùng
Thanh trùng là biện pháp cần thực hiện nhằm tiêu diệt vi khuẩn có hại. Việc chế biến trà nấm kombucha đôi lúc chưa đảm bảo vệ sinh nên có thể chứa các mầm bệnh, chẳng hạn listeria, gia tăng nguy cơ khiến mẹ bầu sẩy thai.
4. Thải độc quá mức
Mặc dù đặc tính thanh lọc của trà kombucha khá nhẹ nhàng và gần giống với cơ chế đào thải của cơ thể nhưng để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên tránh sử dụng thức uống này trong những tháng đầu của thai kỳ.
Mẹ bầu uống trà kombucha sao cho an toàn?
Để có thể thưởng thức món uống này nhưng không gây hại cho em bé, mẹ bầu có thể thực hiện theo những gợi ý sau:
- Chỉ nên uống tối đa khoảng 100ml cho mỗi lần dùng trà
- Nếu đây là đầu bạn thử loại thức uống này, chỉ nên uống một lượng nhỏ để tránh phản ứng dị ứng
- Pha loãng trà kombucha cùng nước và thêm một chút đá không những tăng thêm phần ngon miệng mà còn giúp hạn chế lại tác động của caffeine và cồn.
Cách pha trà kombucha ngon miệng cho mẹ bầu
Nguyên liệu
- 1 lít nước sạch
- 1 con giống nấm men SCOBY (Symbiotic Colony of Bacteria and Yeast) hoặc giấm trắng chưng cất (không chọn giấm táo hay giấm gạo)
- 1 cốc trà kombucha thành phẩm
- 2 gói trà túi lọc hoặc 1 nắm trà lá
- 100g đường
- Hũ thủy tinh hoặc bình sứ rộng miệng
- Dụng cụ lọc
- Vải mùng hoặc vải cotton mỏng, dây thun
Bạn có thể mua nấm men SCOBY, trà kombucha thành phẩm trên các trang bán hàng hoặc xin từ người quen.
Cách thực hiện:
- Đun sôi nước, cho đường vào ấm, khuấy đến khi đường tan hết
- Bỏ trà túi lọc hoặc trà nguyên lá vào. Nếu dùng trà lá, bạn nên rửa sạch trà, vò nhẹ trước khi cho vào bình.
- Sau khi ngâm trà trong nước khoảng 10–15 phút, bạn vớt trà ra. Vì để càng lâu, vị trà sẽ càng đậm
- Đợi cho ấm trà nguội hoàn toàn, bạn dùng dụng cụ lọc để lọc sạch bã trà trước khi cho vào bình
- Cho con giống SCOBY cùng ly trà kombucha thành phẩm vào bình. Nếu không có on giống SCOBY, bạn cho chút giấm trắng vào hỗn hợp
- Bọc miệng bình lại bằng 1 chiếc khăn vải, sau đó dùng dây thun để cố định
- Đặt bình hỗn hợp ở nơi thoáng mát, không có ánh mặt trời trong 7–30 ngày. Sau thời gian này, bạn nên thử xem vị của trà đã đạt chưa. Nếu vị trà đã đạt, bạn nên rót trà ra chai thủy tinh nhỏ và cất trong tủ lạnh để dùng dần.
Lưu ý:
- Trong quá trình chế biến trà, bạn không nên dùng muỗng kim loại để khuấy trà
- Quá trình lên men kombucha càng lâu, nước trà sẽ càng ít ngọt và có vị chua.
- Bạn có thể dùng chung trà với đá hoặc nước ép trái cây tùy theo khẩu vị.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp mẹ bầu khám phá được lợi ích của trà kombucha. Tuy nhiên, nếu vẫn còn lo lắng tác dụng phụ mà nó có thể đem đến, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước nhé.
Phương Uyên/HELLO BACSI
[embed-health-tool-due-date]