Mực là món hải sản khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp tỏ ra e ngại không biết liệu bà bầu có nên ăn mực không và ăn như thế nào để không gây hại đến sức khỏe và bé yêu.
Ngay từ lúc phát hiện ra con yêu đang lớn lên từng ngày trong bụng, bạn đã phải bắt đầu chú ý hơn đến các vấn đề xung quanh chẳng hạn như ăn gì khi mang thai, nên đi đứng như thế nào, tư thế ngủ ra làm sao… Thậm chí, vì bé cưng mà nhiều mẹ bầu đành phải bỏ qua những món ăn yêu thích, nhất là các món hải sản như mực. Nếu đang chưa rõ việc liệu bà bầu ăn mực được không hay tiêu thụ món ăn này thế nào để không ảnh hưởng đến thai kỳ, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Giải đáp thắc mắc bà bầu có nên ăn mực hay không
Mực là một loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao và là nguồn cung cấp axít béo omega-3, protein và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác. Đa số các loại hải sản đều chứa một lượng thủy ngân nhất định và mực cũng không ngoài lệ. Điều này khiến nhiều chị em lo lắng bà bầu ăn mực được không?
So với một số loại hải sản như cá ngừ, cá kiếm và cá thu có chứa hàm lượng thủy ngân cao, mực ống được xem là một trong những loại hải sản an toàn có thể ăn trong thời gian mang thai vì hàm lượng thủy ngân thấp và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý là không nên ăn quá 150g mực ống mỗi tuần nhé.
Có thể bạn quan tâm: Bà bầu ăn cá được không? Cần lưu ý những loại cá bà bầu không nên ăn
Khám phá những giá trị dinh dưỡng của mực ống
Thực tế, bà bầu vẫn nên thêm món ăn này vào thực đơn bởi thành phần dinh dưỡng có trong 100g mực ống bao gồm:
- Đồng (1,8mg): Giúp sản xuất hemoglobin, giữ cho mạch máu, xương và hệ thần kinh phát triển khỏe mạnh.
- Selen (44mcg): Điều chỉnh hormone tuyến giáp, ngăn ngừa mất cân bằng oxy hóa.
- Protein (15g): Hỗ trợ xây dựng các mô trong cơ thể bé, tăng cường hệ miễn dịch.
- Phốt pho (213mg): Giúp răng và xương của bé chắc khỏe, giúp hình thành vật liệu di truyền, enzyme và màng tế bào, giải phóng năng lượng trong quá trình trao đổi chất.
- Vitamin B2 (0,389mg): Có lợi cho quá trình trao đổi chất.
- Vitamin B12 (1,05mcg): Giúp hình thành tế bào hồng cầu, vật liệu di truyền và hệ thần kinh trung ương, điều chỉnh quá trình trao đổi chất béo và protein.
- Kẽm (1.48mg): Đóng vai trò sản xuất enzyme và insulin trong cơ thể thai nhi.
- Vitamin C (3,6mg): Phát triển hệ miễn dịch.
- Sắt (0,86 mg): Hình thành tế bào hồng cầu, làm tăng nồng độ hemoglobin và tăng lượng máu chảy qua tử cung.
Mách mẹ bầu cách ăn mực ống an toàn khi mang thai
Vậy là bạn đã rõ bà bầu ăn mực được không. Dưới đây là một số hướng dẫn mẹ bầu nên tham khảo để đảm bảo an toàn khi ăn mực ống:
- Tuyệt đối không được ăn mực sống do nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.
- Không ăn mực chiên/rán: Quá trình chiên/rán có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng của món ăn và cung cấp cho cơ thể một số chất béo bão hòa không tốt, dễ làm bạn tăng cân.
- Mẹ bầu nên chế biến món mực bằng cách hấp hoặc xào để giữ lại toàn bộ chất dinh dưỡng và giúp bạn tiêu hóa dễ dàng hơn.
- Có thể chế biến món mực với rau, củ và một số nguyên liệu khác để giúp món ăn thơm ngon hơn.
- Rửa sạch mực, bỏ da và nấu chín kỹ.
- Kiểm tra hạn sử dụng, độ tươi của sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi mua.
Nếu có tiền sử dị ứng với mực, bạn hãy tránh xa chúng trong thời gian mang thai và cho con bú. Bà bầu ăn khoảng 150g mực mỗi tuần được xem là an toàn và có lợi cho sự phát triển của thai nhi.
[embed-health-tool-due-date]