Ngò tây là loại rau gia vị mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, xuất hiện tương đối phổ biến trong nhiều món ăn từ Âu sang Á. Vậy bà bầu ăn rau ngò tây có được không hay có thai ăn rau ngò tây có sao không?
Khi mang thai, các mẹ bầu cần cẩn trọng trong việc ăn uống. Tất cả thực phẩm, thảo dược, gia vị mà bạn sử dụng mỗi ngày đều cần phải chú ý để tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn. Bạn có thói quen sử dụng ngò tây trong khi chế biến món ăn nhưng băn khoăn không biết có nên tiếp tục dùng loại rau gia vị này trong thai kỳ hay không. Nguyên do là bởi có ý kiến cho rằng một số loại dầu có trong rau mùi tây có nguy cơ gây ra các cơn co thắt sớm gây sảy thai, sinh non hoặc thậm chí gây tổn thương thận. Những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi chắc chắn sẽ giúp bạn có câu trả lời cho vấn đề này đấy.
Giải đáp thắc mắc: Bà bầu ăn rau ngò tây có an toàn không?
Ngò tây là gia vị phổ biến được sử dụng rộng rãi trong nhiều nền ẩm thực để tạo nên hương vị đặc trưng cho nhiều món ăn khác nhau.
Ngò tây còn có tên gọi khác là mùi tây, tên tiếng Anh là Parsley, tên khoa học: Petroselinum crispum Hoff, thuộc họ hoa tán (Apiaceae). Ngò tây được chia thành 3 loại chính:
- Ngò tây thường: có tên khoa học là Petroselinum crispum có lá dẹt thường trồng ở nơi có khí hậu ấm.
- Ngò tây lá xoăn: Petroselinum neapolitanum có lá xoăn, hương vị thơm và ngọt hơn, thường trồng ở nơi có khí hậu lạnh, khô, có tuyết (Ý, Pháp và một số nước Đông Âu).
- Ngò tây lấy củ: Petroselinum crispum tuberosum. Loại này chủ yếu được trồng để lấy củ.
Cây ngò tây có nguồn gốc bắt đầu từ khu vực Địa Trung Hải. Ngày nay, cây được trồng và sử dụng rộng rãi trên khắp các nơi trên thế giới. Các loại ngò tây lấy củ được trồng nhiều ở các nước châu Âu, Nga. Còn đối với các loài rau ngò tây lấy lá, người dân thường trồng ở nơi có khí hậu lạnh hơn như Bắc Mỹ, Canada… Ở nước ta, cây được di thực không rõ từ bao giờ, hiện ngò tây được bày bán khắp các chợ và siêu thị để phục vụ làm nước ép, gia vị hay trang trí món ăn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau ngò tây chứa nhiều vitamin, carotenoid, flavonoid, apiol, các terpenoid, coumarin, tocopherol, phenylpropanoid và một số chất béo chất khoáng khác.
Lá chứa hàm lượng cao vitamin (A, C và K), β- carotene, lutein, zeaxanthin, folate, choline, niacin, axit pantothenic.
Với hàm lượng các hoạt chất dồi dào như vậy, loại rau gia vị này đem đến rất nhiều lợi ích về sức khỏe khác nhau như: ngăn ngừa ung thư, giúp xương chắc khỏe, cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch… Nếu bạn chưa mang thai thì rau ngò tây khá an toàn và mang lại nhiều giá trị tích cực cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, ở trường hợp phụ nữ mang thai thì các chuyên gia cảnh báo mẹ bầu dùng ngò tây quá nhiều có thể gây ra tình trạng kích thích tử cung và các cơn co thắt tử cung làm gia tăng nguy cơ sinh non…. Do đó, câu trả lời cho thắc mắc bà bầu ăn rau ngò tây có an toàn không là “không’ nếu mẹ bầu sử dụng với số lượng nhiều nhé!
Bà bầu ăn ngò tây quá nhiều có thể phải đối mặt với những vấn đề gì?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc bà bầu ăn rau ngò tây thường không dẫn đến sảy thai nhưng lại có nguy cơ dẫn đến sinh non nếu ăn với số lượng lớn. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra lượng rau ngò tây mà mẹ bầu có thể tiêu thụ một cách an toàn khi đang mang thai. Do đó, lời khuyên là để chắc chắn không gặp phải bất kỳ tác dụng phụ hoặc rủi ro sức khỏe nào khi ăn rau ngò tây hay dùng các chiết suất từ ngò tây trong thời kỳ mang thai, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Dưới đây là một số tác dụng của ngò tây có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu lẫn thai nhi trong thai kỳ:
- Lá ngò tây có chứa dầu, là một dạng dầu dễ bay hơi. Với người không mang thai, dầu từ cây ngò tây không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào nhưng lại có thể gây ra những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn nếu dùng trong thai kỳ. Có ý kiến cho rằng trong một số trường hợp nghiêm trọng, dầu ngò tây cũng có thể làm hỏng thận và gây co giật.
- Ngò tây có chứa apiol và myristicin, là những chất kích thích tử cung, gây co bóp tử cung, dẫn đến chuyển dạ sớm và có thể gây ra các nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe của cả mẹ và em bé. Đặc biệt, myristicin có thể tác động trực tiếp đến thai nhi vì nó có thể đi qua nhau thai. Chất này không chỉ làm cho nhịp tim thai tăng lên mà còn có thể khiến người mẹ thấy chóng mặt và mất thăng bằng.
- Nếu có thói quen uống trà từ rau ngò tây hay trà hạt ngò tây, bạn nên từ bỏ thói quen này khi đang mang thai. Bởi điều này có khả năng làm tăng lượng apiol và myristicin mà bạn tiêu thụ thường xuyên, không hề an toàn cho thai kỳ như đã nêu ở trên.
- Việc tiêu thụ dầu ngò tây, với số lượng lớn, cũng có thể gây ra các vấn đề về huyết sắc tố trong máu thai nhi của bạn.
- Trong một số trường hợp, ăn rau ngò tây khi mang thai cũng có thể dẫn đến nguy cơ bị dị ứng, đặc biệt nếu bạn nhạy cảm với các loại cây gia vị hay củ quả như thì là, rau mùi, cà rốt, cần tây… Những người thường xuyên tiếp xúc với rau ngò tây sẽ bị dị ứng khi da trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời.
8. Ngoài ngò tây, bà bầu còn nên cẩn thận với những loại rau gia vị nào?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, ngoài ngò tây, bà bầu cũng nên tránh ăn một số loại rau thơm, gia vị sau. Nguyên do là chúng có thể gây ra một số biến chứng thai kỳ, khó sinh và thậm chí là đe dọa tới tính mạng của cả mẹ lẫn con:
- Rau răm: Theo kinh nghiệm dân gian, trong 3 tháng đầu, phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn rau răm loại rau này có chứa chất khiến tử cung co thắt, làm tăng nguy cơ dẫn đến sảy thai.
- Lá bạc hà: Loại rau gia vị này có mùi thơm khá đặc trưng nên nhiều người rất thích. Tuy nhiên, trong suốt thai kỳ, mẹ dùng ăn rau bạc hà (kể cả sử dụng tinh dầu bạc hà hay trà) đều có nguy cơ kích thích chảy máu kinh nguyệt, co bóp tử cung, làm tăng nguy cơ sảy thai. Lá bạc hà cũng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
- Húng quế: Loại rau gia vị này có chứa hàm lượng tinh dầu rất cao. Bình thường, húng quế vẫn được dùng như một loại thảo dược để điều trị một số bệnh như giải cảm, trị đau dạ dày, ăn uống khó tiêu, chữa đau răng và chống viêm. Tuy nhiên, húng quế được xếp vào nhóm thuốc hoạt huyết, điều hòa kinh nguyệt vì thế phụ nữ mang thai nên hạn chế sử dụng.
- Tỏi: Theo quan niệm của nhiều người, tỏi là một loại thảo dược có tác dụng kháng sinh tuyệt vời giúp con người phòng tránh nhiều bệnh tật. Thế nhưng, đối với bà bầu thì ngược lại. Việc ăn nhiều tỏi sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của mẹ bầu như ợ nóng, đau bụng, chảy máu khi mang thai…
Đến đây hẳn là bạn đã có câu trả lời rõ ràng cho thắc mắc bà bầu ăn rau ngò tây có an toàn không. Thực tế, rau ngò tây có thể là một loại rau gia vị ưa thích của bạn nhưng trong thời gian mang thai, bạn nên cân nhắc việc tiêu thụ loại rau này để tránh lợi bất cập hại nhé!
[embed-health-tool-due-date]