backup og meta

5 việc bố có thể giúp mẹ khi mang thai

5 việc bố có thể giúp mẹ khi mang thai

Bạn đời của bạn đang mang trong mình kết tinh tình yêu của cả hai. Cô ấy sẽ cần rất nhiều sự hỗ trợ từ bạn đấy! Vậy bố có thể giúp mẹ khi mang thai như thế nào?

Trong khi mang thai và sinh con là công việc của mẹ thì các bố cũng nên chia sẻ gánh nặng ấy. Nghiên cứu cho thấy, mẹ bầu sẽ cảm thấy tốt hơn khi có bố hỗ trợ tích cực. Dưới đây là 5 cách bạn có thể giúp vợ khi mang thai mà cô ấy sẽ thực sự nhận thấy và đánh giá cao.

1. Lắng nghe và trò chuyện

Mang thai và sinh con có thể rất khó khăn, đặc biệt đối với những người mới lần đầu làm mẹ. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn biết về những thay đổi nhỏ (và lớn) đang diễn ra với nàng, chẳng hạn như lo lắng về những chuyện trong tương lai, lo lắng chẳng biết mình sẽ thành người mẹ như thế nào, nỗi bực bội vì bàn chân sưng tấy.

Bạn có thể nghĩ rằng bất cứ điều gì đang xảy ra trong đầu của cô ấy là thái quá hoặc vô lý nhưng hãy giữ suy nghĩ đó cho chính mình thôi nhé. Các ông chồng đừng chỉ nói: “Ngừng lo lắng’ hoặc “Thư giãn đi’ mà hãy lắng nghe nàng, giúp vợ tìm thêm thông tin cần thiết, chở cô ấy khám thai định kỳ hoặc xin nghỉ một buổi chiều để đưa vợ đi chơi. Khi chia sẻ những lo lắng và những vấn đề của nhau thì mọi việc sẽ tốt hơn cho cả hai.

2. Chia sẻ việc nhà

Giờ đây, vợ bạn không chỉ trong trạng thái mệt mỏi mà cô ấy cũng dễ bị tổn thương về tình cảm. Vì vậy, các ông chồng có thể chủ động trong việc đề nghị giúp đỡ nàng trong công việc nhà, hoặc nếu không giúp thì cũng đừng bày việc thêm. Nếu tinh tế hơn, bạn hãy chuẩn bị túi chườm để cô ấy có thể giảm nhức mỏi, giải tỏa căng thẳng sau 1 ngày dài. Nếu kinh tế cho phép, bạn nên cân nhắc đến phương án tìm người giúp việc. Điều đó sẽ giúp giảm bớt khối lượng công việc phải làm hàng ngày của người mẹ lại rất nhiều.

Quan trọng nhất, đừng quên nàng cũng là phụ nữ nên luôn cần được yêu thương và nghe những lời khen ngợi. Trước khi đi làm, bạn hãy khen vợ thật xinh đẹp hoặc vỗ về nhẹ nhàng khi nàng mệt mỏi, xoa bóp vai và chân trước khi cô ấy ngủ sẽ giúp tinh thần người mẹ luôn vui vẻ.

3. Chuẩn bị đồ đạc

Chuẩn bị túi đồ cho nàng khi đi sinh là cần thiết, nhưng bạn cũng cần một túi xách cho mình. Hãy mang theo những gì cần thiết và ở cùng nàng trong thời gian chuyển dạ ở bệnh viện. Đừng đợi đến sát ngày mới bắt tay vào sắp xếp vì những điều bất ngờ có thể xảy đến mà không báo trước.

4. Chia sẻ niềm vui với mọi người

Thông thường, người bố sẽ chịu trách nhiệm thông báo tin vui “lớn nhất quả đất” cho mọi người. Hãy lập 1 danh sách mà những người thân thiết sẽ nhận được thông báo và cùng vợ chia sẻ niềm hạnh phúc ấy.

5. Tìm kiếm thông tin

Tất nhiên bạn biết khi mang thai, cơ thể phụ nữ sẽ có sự thay đổi nhưng bạn vẫn cảm thấy hơi bối rối không biết điều gì đang xảy ra với vợ. Vì vậy, nếu được, bạn hãy sắp xếp đi với vợ đến khám định kỳ hoặc tham dự các lớp học trước khi sinh. Ngoài ra, hãy tìm hiểu về sự phát triển của thai nhi trên mạng xã hội, tất nhiên bạn phải chọn những trang web cung cấp những thông đáng tin.

Bạn càng có nhiều thông tin thì sẽ càng cảm thấy thoải mái hơn về các vấn đề như quan hệ tình dục trong thời kỳ mang thai. Bạn cũng có thêm kiến thức khi chăm sóc sức khỏe của bạn đời và giúp đỡ cô ấy sau khi con chào đời.

Những việc làm trên thật ý nghĩa để thể hiện tình yêu của bạn với người bạn đời của mình. Chúc bạn có một gia đình nhỏ hạnh phúc tràn ngập tiếng cười.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How to Be a Good Husband to Your Pregnant Wife  http://www.livestrong.com/article/92353-good-husband-pregnant-wife/ 06.06.2017 Ngày truy cập 16/07/2017

5 Things Every Partner Should Do for a Mom-To-Be http://www.whattoexpect.com/pregnancy/for-dad/pregnancy-pointers-for-soon-to-be-dads.aspx Ngày truy cập 16/07/2017

Phiên bản hiện tại

27/08/2020

Tác giả: Mỹ Hằng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Bà bầu bị tiêu chảy: Mọi điều cần biết trong từng tam cá nguyệt

Đai địu em bé: Bé mấy tháng dùng địu được? Cách địu đúng và an toàn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Mỹ Hằng · Ngày cập nhật: 27/08/2020

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo