Việc trải qua cảm giác đau đớn của lần sinh mổ đầu tiên thường khiến nhiều mẹ bầu lo lắng không biết sinh mổ lần 2 có đau không, có đau hơn lần đầu không hay làm thế nào để bớt đau đớn?
Để trả lời câu hỏi này và có thêm những hướng dẫn hữu ích giúp vết mổ nhanh phục hồi, mời bạn cùng tham khảo những thông tin đã được Hello Bacsi chọn lọc qua bài viết sau nhé.
Sinh mổ lần 2 có đau không?
Về lý thuyết, quy trình ca sinh mổ lần 2 không khác so với khi sinh mổ lần đầu. Với thai kỳ và sức khỏe của mẹ ổn định và có chỉ định buộc phải sinh mổ chủ động thì các bác sĩ sẽ tiến hành mổ bắt con vào tuần thứ 39 khi bé đã phát triển hoàn thiện, cứng cáp, hoặc sớm hơn nếu thực tế yêu cầu. Nếu không có chỉ định gì đặc biệt thì vẫn theo dõi như thai kỳ bình thường.
Để hiểu sinh mổ lần 2 có đau không, chị em cần biết rằng việc sinh mổ chủ động sẽ được tiến hành trước khi mẹ bầu bước vào giai đoạn chuyển dạ. Ngoại trừ một số ít trường hợp đòi hỏi gây mê, mẹ bầu sẽ được gây tê tủy sống để mất hoàn toàn cảm giác và bất động nửa thân dưới trong suốt quá trình cho đến khi ca mổ hoàn tất.
Sau khi sinh, sản phụ được yêu cầu ở lại bệnh viện từ 3 – 5 ngày để theo dõi và tiếp tục sử dụng các loại thuốc giảm đau dạng tiêm, truyền tĩnh mạch hoặc uống hay nhét hậu môn. Điều này nhằm đảm bảo mẹ không phải chịu đựng cảm giác đau do vết mổ còn mới. Tùy vào tình trạng mỗi người, chị em có thể được kê thêm thuốc giảm đau sau khi đã xuất viện để đảm bảo việc sinh hoạt và chăm sóc con không bị gián đoạn.
Thông thường, vết mổ bắt đầu khô ráo và dễ chịu sau một vài ngày tập đi lại và gần như hồi phục hẳn sau 6 tuần được chăm sóc tốt.
Vậy thực chất sinh mổ lần 2 có đau không, có đau hơn lần đầu không? Đáp án là tùy thuộc vào thể trạng, tốc độ lành vết mổ và sự nhạy cảm của mẹ đối với cảm giác đau, có thể tăng lên do căng thẳng hoặc lo lắng. Tuy nhiên, chỉ cần chăm sóc vết mổ đúng cách và sử dụng thuốc giảm đau với liều lượng hợp lý, vết mổ sẽ không gây cho mẹ nhiều khó chịu ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và chăm sóc bé.
Tương tự, sinh mổ lần 2 có đau hơn lần 1 không có cùng câu trả lời như trên. Vì vậy mà chị em không cần phải lo lắng một cách vô căn cứ vì lời đồn nhé.
Lo lắng sinh mổ lần 2 có đau không, mẹ bầu nên chuẩn bị những gì?
Để đảm bảo vết sẹo do lần mổ đầu đã lành lặn hoàn toàn, mẹ nên đợi ít nhất 18 – 24 tháng mới bắt đầu mang thai trở lại, tốt hơn vẫn là trên 24 tháng. Điều này giúp phòng tránh các vấn đề thai kỳ nguy hiểm cho mẹ và thai nhi như bục vết mổ cũ, thai bám vào sẹo mổ, nhau bong non, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược…
Chuẩn bị thể lực tốt từ đầu thai kỳ
Bằng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp cho mẹ bầu. Kết hợp các bài thể dục an toàn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ giúp chị em giảm đau lưng, mệt mỏi, hỗ trợ phòng tránh tiểu đường thai kỳ, chống căng thẳng và giảm cân sau sinh dễ dàng hơn.
Làm gì để vết mổ nhanh hồi phục sau khi sinh
- Để tử cung co hồi tốt và vết mổ nhanh chóng phục hồi, chị em nên cố gắng xoay trở, ngồi dậy trên giường trong 24 giờ đầu sau sinh. Bạn nên đi lại nhẹ nhàng trong ngày thứ hai với sự giúp đỡ của người thân. Ngày thứ tư, mẹ có thể vận động bình thường trở lại trong chừng mực an toàn.
- Đến khoảng tuần 8 – 12 chị em có thể yên tâm trở lại với các bài tập thể dục phù hợp nếu vết mổ tiến triển thuận lợi. Tuy nhiên, mẹ sau sinh nên tránh mang vác vật nặng hoặc các hoạt động thể dục thể thao đòi hỏi nhiều sức lực.
- Sau khi mổ mẹ nên uống nhiều nước để cơ thể bài tiết thuốc tê, tránh táo bón sau sinh mổ và có nhiều sữa cho con bú. Có thể bắt đầu ăn thức ăn loãng, mềm và ít dầu mỡ sau khoảng 6 giờ sau ca mổ, khi 2 chân đã cử động được. Đến ngày thứ 3 ăn tăng dần và trở về ăn uống như bình thường sau một tuần.
- Mẹ cần theo dõi sự hồi phục của bản thân và tái khám theo đúng lịch hẹn, thường là cuối tuần thứ 6 sau khi sinh hoặc ngay khi cảm thấy có những dấu hiệu bất ổn về sức khỏe hoặc tâm lý.
- Chỉ nên quan hệ trở lại sau khi đã đi khám phụ khoa và được bác sĩ xác nhận là an toàn, với những tư thế ít tác động lên vết mổ và không được quên các biện pháp phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn.
Mong rằng câu trả lời cho thắc mắc “sinh mổ lần 2 có đau không” trên đây đã giúp các chị em an tâm và có thêm những gợi ý thiết thực để chuẩn bị cho lần lâm bồn tiếp theo này.
[embed-health-tool-due-date]