backup og meta

Hỏi đáp Bác sĩ: Bị tắc ống dẫn trứng có mang thai được không?

Hỏi đáp Bác sĩ: Bị tắc ống dẫn trứng có mang thai được không?

Bạn đọc hỏi


Chào bác sĩ, 
Mình 30 tuổi, từng mang thai ngoài tử cung và được mổ bóc tách túi thai và không may khiến mình bị tắc ống dẫn trứng bên phải. 6 tháng trước, mình đã phẫu thuật nội soi để thông tình trạng tắc nghẽn nhưng đến này vẫn chưa thụ thai. 
Bác sĩ cho mình hỏi là từng bị tắc ống dẫn trứng có mang thai được không? Bao lâu thì sẽ có tin vui? Mình phải làm gì để gia tăng sự thụ thai tự nhiên? (Hà Phan, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) 

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn Hà Phan,

Với câu hỏi tắc ống dẫn trứng có mang thai được không, bác sĩ Nguyễn Thị Nhung, bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa và là chuyên gia tham vấn y khoa cho các chuyên mục Sức khỏe phụ nữ, Mang thai của website Hello Bacsi, sẽ giải đáp như sau:

Trước khi trả lời câu hỏi “từng bị tắc ống dẫn trứng có mang thai được không, mất bao lâu thì sẽ có tin vui, phải làm gì để gia tăng sự thụ thai tự nhiên?”, bác sĩ xin đề cập đôi nét tắc ống dẫn trứng:

Ống dẫn trứng, tắc ống dẫn trứng là gì? 

Ống dẫn trứng là cơ quan sinh dục trong của phụ nữ, là hai đường ống thông hẹp, dài giữa buồng trứng và tử cung của phụ nữ. Bao gồm 4 đoạn: đoạn kẽ, đoạn eo, đoạn bóng, đoạn loa vòi. Ống dẫn trứng là nơi tinh trùng, trứng di chuyển và gặp nhau. Sự thụ tinh diễn ra tại đây, sau đó hợp tử sẽ di chuyển trong ống này vào buồng tử cung rồi mới làm tổ. Nếu không có hiện tượng thụ tinh, trứng cũng sẽ theo ống dẫn trứng đi xuống tử cung. 

Vì một nguyên nhân nào đó, như sẹo, dính, viêm, ứ dịch… làm con đường này bị tắc nghẽn, mất đi sự lưu thông gây bệnh lý tắc ống dẫn trứng, dẫn đến việc tinh trùng, trứng, trứng đã thụ tinh không thể di chuyển, làm cản trở quá trình mang thai. Tắc ống dẫn trứng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra vô sinh hiếm muộn hiện nay. 

Phụ thuộc vào việc tắc một phần hay hoàn toàn, một bên hay cả hai bên mà sẽ có ảnh hưởng với mức độ khác nhau. 

Các nguyên nhân thường gặp gây ra tắc ống dẫn trứng

tắc ống dẫn trứng có mang thai được không

Tắc ống dẫn trứng là do các tổn thương sẹo, dính, viêm, ứ dịch… mà nguyên nhân của các tổn thương này thường do: 

  • Bệnh viêm vùng chậu (PID): Bệnh này có thể gây ra sẹo hoặc ứ dịch.
  • Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung trên ống dẫn trứng gây tắc nghẽn hoặc khối lạc nội mạc tử cung ở các cơ quan lâm cận cũng có thể gây ra viêm, kết dính làm tắc ống dẫn trứng.
  • Một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs): Chlamydia và bệnh lậu có thể gây tổn thương, hình thành sẹo và dẫn đến bệnh viêm vùng chậu.
  • Có tiền sử mang thai ngoài tử cung: Việc chửa ngoài tử cung ở ống dẫn trứng có thể gây sẹo cho ống dẫn trứng.
  • U xơ: Những khối u này có thể làm tắc ống dẫn trứng, đặc biệt là nơi chúng bám vào tử cung.
  • Đã từng phẫu thuật vùng bụng: Phẫu thuật trong quá khứ, đặc biệt là đối với ống dẫn trứng, có thể dẫn đến dính vùng chậu làm tắc ống dẫn trứng.

Trường hợp của bạn, tắc ống dẫn trứng bên phải do có tiền sử chửa ngoài tử cung. 

Điều trị tắc ống dẫn trứng

Tùy vào vị trí tắc và mức độ tắc mà bác sĩ quyết định chỉ định phẫu thuật thông tắc hay không. 

 Nếu ống dẫn trứng của bạn bị tắc, mức độ dính, sẹo ít, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi để loại bỏ tắc nghẽn và mở ống dẫn trứng.

Nếu ống dẫn trứng của bạn bị tắc nhiều do nhiều sẹo và dính nhiều thì phẫu thuật sẽ kém hiệu quả và có thể không được chỉ định nữa. Mà thay vào đó, bạn sẽ được tư vấn thực hiện biện pháp hỗ trợ sinh sản như IVF. 

Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ, vị trí tắc mà sẽ có phương pháp phẫu thuật phù hợp:

  • Phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng trong trường hợp ứ dịch nặng hoặc đã điều trị thông tắc không hiệu quả. Việc này giúp nâng cao tỉ lệ thành công của biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm cũng như giảm nguy cơ chửa ngoài tử cung. 
  • Phẫu thuật nội soi gỡ dính, nong ống dẫn trứng. 
  • Phẫu thuật cắt và nối thông ống dẫn trứng: Trong ca phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cắt bỏ đoạn ống dẫn trứng bị thắt, bị tắc. Sau đó nối 2 đầu còn lại với nhau. 

Tắc ống dẫn trứng có mang thai được không? 

tắc ống dẫn trứng có mang thai được không

Tắc ống dẫn trứng là một nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở nữ giới. Như đã nói ở trên, tinh trùng và trứng gặp nhau trong ống dẫn trứng để thụ tinh. Sau đó, hợp tử sẽ di chuyển xuống buồng tử cung làm tổ. 

Tắc ống dẫn trứng có mang thai được không? Trường hợp một ống bị tắc, có thể giảm khả năng thụ thai, nhưng hoàn toàn vẫn có thể có thai tự nhiên nếu bên còn lại thông và buồng trứng hoạt động tốt. Trứng và tinh trùng vẫn có thể thụ tinh ở vòi còn lại và di chuyển về tử cung mà không bị ảnh hưởng. Thuốc hỗ trợ sinh sản có thể dùng trong trường hợp này để tăng cơ hội rụng trứng. 

Tắc ống dẫn trứng có mang thai được không? Trường hợp nếu cả hai ống đều bị tắc hoàn toàn, mà không được điều trị thì việc mang thai tự nhiên hầu như là không thể. Nếu ống dẫn trứng bị tắc một phần, bạn có khả năng mang thai. Tuy nhiên, sẽ có nguy cơ thai ngoài tử cung cao hơn bình thường. 

Điều này là do trứng đã thụ tinh khó di chuyển qua chỗ tắc đến tử cung. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định làm thụ tinh ống nghiệm ( IVF), tùy thuộc vào việc có thể điều trị thông tắc ống dẫn trứng hay không. 

Cơ hội mang thai tự nhiên sau khi phẫu thuật điều trị tắc ống dẫn trứng như thế nào?

Có thể mang thai tự nhiên hay không sau khi điều trị tắc ống dẫn trứng? Câu trả lời là có! Cơ hội mang thai sẽ phụ thuộc vào: tuổi tác, chiều dài của ống dẫn trứng, số lượng sẹo ở ống dẫn trứng và mức độ tắc, vị trí tắc. 

Khả năng thụ thai thành công cao hơn khi khối tắc gần tử cung. Ngoài ra, những phụ nữ có ống dẫn trứng dài ít nhất 7,5 cm sau khi phẫu thuật ống dẫn trứng có cơ hội thụ thai cao hơn những phụ nữ có ống dẫn trứng ngắn hơn. Tỷ lệ thành công thấp hơn nếu tắc nghẽn ở cuối ống dẫn trứng gần buồng trứng.

Cơ hội mang thai sau khi phẫu thuật ống dẫn trứng bị tổn thương do nhiễm trùng hoặc chửa ngoài tử cung là rất nhỏ. Phụ thuộc vào mức độ tắc và phần nào của ống được cắt bỏ khi phẫu thuật. 

Tuổi trên 35 cũng là yếu tố làm giảm khả năng thụ thai tự nhiên, cần cân nhắc sử dụng biện pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). 

Tìm hiểu thêm Buồng trứng nằm ở đâu? Bật mí mọi thông tin thú vị về buồng trứng

Sau mổ thông tắc 6 tháng, chưa thụ thai tự nhiên thì phải làm gì? Làm gì để tăng khả năng thụ thai tự nhiên?

tắc ống dẫn trứng có mang thai được không

Trở lại với trường hợp của bạn Hà Phan, 30 tuổi, có tiền sử mổ chửa ngoài tử cung dẫn đến tắc một phần ống dẫn trứng bên phải, đã phẫu thuật mở thông 6 tháng nhưng chưa có thai tự nhiên. 

Bạn cần đi thăm khám và đánh giá lại mức độ thông tắc của 2 vòi trứng xem phẫu thuật có đạt hiệu quả không, bên ống dẫn trứng còn lại thông tốt hay không? Buồng trứng còn hoạt động tốt hay không? Đồng thời dựa trên mức độ thông của 2 ống dẫn trứng mà bác sĩ sẽ quyết định dùng phương pháp hỗ trợ sinh sản cho mình không và phương pháp nào, có thể sử dụng bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) nếu ống dẫn trứng thông tốt hay thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nếu vẫn tắc nhiều hoặc IUI thất bại. 

Làm gì để gia tăng khả năng thụ thai tự nhiên? 

Bạn có thể lưu ý một số điều sau để tăng khả năng thụ thai tự nhiên: 

  • Theo dõi ngày rụng trứng và quan hệ tình dục trong thời gian cửa sổ thụ thai
  • Quan hệ tình dục thường xuyên hơn.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, không dùng chất kích thích, thuốc lá, rượu bia. 
  • Nghỉ ngơi điều độ, hợp lý, tránh thức khuya, căng thẳng, lo âu. 
  • Thể dục thể thao nhẹ nhàng đều đặn nhưng tránh các bài tập với cường độ cao. 
  • Bổ sung thêm vitamin và các khoáng chất thiết yếu. 

Bạn có thể xem thêm các bài viết: 

Khó thụ thai dù quan hệ đúng ngày rụng trứng: 14 sai lầm gây bất ngờ

Liệu có thể thông ống dẫn trứng theo cách tự nhiên không?

Trân trọng!

Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tubal Factor Infertility (Fallopian Tube Obstruction)

https://www.columbiadoctors.org/treatments-conditions/tubal-factor-infertility-fallopian-tube-obstruction Ngày truy cập 16/6/2022

UBAL FACTOR INFERTILITY

https://uscfertility.org/causes-infertility/tubal-factor-infertility/ Ngày truy cập 16/6/2022

Fertility Problems: Should I Have a Tubal Procedure or In Vitro Fertilization?

https://www.peacehealth.org/medical-topics/id/tn8454  Ngày truy cập 16/6/2022

Infertility Caused by Damaged or Blocked Fallopian Tubes

https://lomalindafertility.com/infertility/women/blocked-fallopian-tubes/ Ngày truy cập 16/6/2022

Hydrosalpinx (Fallopian Tube Blockage): What to Expect

https://www.healthline.com/health/womens-health/hydrosalpinx Ngày truy cập 16/6/2022

Phiên bản hiện tại

19/06/2022

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung

Cập nhật bởi: [email protected]


Bài viết liên quan

Thai quá ngày: Nguyên nhân, giải pháp và những điều mẹ bầu cần biết

Tim thai: Dấu hiệu sức khỏe bé yêu mẹ cần đặc biệt lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung

Sản - Phụ khoa · Phòng khám phụ sản Cảm Xúc


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 19/06/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo