backup og meta

Tiêm phòng trước khi mang thai: Bạn cần chủng ngừa những bệnh nào?

Tiêm phòng trước khi mang thai: Bạn cần chủng ngừa những bệnh nào?

Tiêm phòng trước và trong khi mang thai là hoạt động quan trọng giúp bảo vệ mẹ và bé khỏi những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, trong khi một số vaccine như vaccine chủng ngừa cúm hoặc vaccine Tdap chủng ngừa uốn ván – bạch hầu – ho gà vẫn có thể được tiêm khi mang thai thì có một số vaccine quan trọng khác bắt buộc phải tiêm phòng trước khi mang thai để hạn chế rủi ro cho thai nhi.

Vậy trước khi mang thai cần tiêm phòng gì? Bạn có thể tìm hiểu ngay qua bài viết sau của Hello Bacsi để “bỏ túi” những thông tin quan trọng về tiêm phòng ở giai đoạn chuẩn bị tiền sản nhé!

Tiêm phòng trước khi mang thai – Bạn cần chủng ngừa những bệnh nào?

Nếu bạn đang có kế hoạch mang thai sinh con thì việc đi khám tiền sản là điều cần thiết. Tại buổi khám này, bạn nên hỏi bác sĩ cụ thể hơn về việc tiêm phòng trước khi mang thai và sau tiêm bao lâu thì có thể cố gắng thụ thai.

Nếu bạn có hồ sơ hoặc sổ chủng ngừa cá nhân thì cũng nên chia sẻ một bản sao với bác sĩ. Ngược lại, nếu không có thì bác sĩ thường đề nghị bạn làm xét nghiệm máu để xác định bạn cần chủng ngừa những bệnh nào. Thông thường, phụ nữ trước khi mang thai có thể cần được tiêm một số loại vaccine quan trọng sau đây:

1. Vaccine MMR chủng ngừa sởi, quai bị và rubella

tiêm phòng trước khi mang thai

Có thể bạn đã tiêm vaccine MMR khi còn nhỏ nhưng vẫn cần tiêm nhắc lại một liều khác khi lớn hơn. Trong trường hợp không rõ đã tiêm hay chưa, bạn cần được xét nghiệm máu khi khám tiền sản. Điều này nhằm giúp bác sĩ xác định bạn có miễn dịch với bệnh sởi, quai bị và rubella hay không để tư vấn các mũi tiêm phù hợp.

Bởi vì bệnh sởi, quai bị hay nhiễm rubella ở mẹ bầu đều có thể gây rủi ro lớn cho thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Do đó, việc tiêm MMR trước khi mang thai là rất quan trọng để bảo vệ thai nhi tốt nhất. Bên cạnh đó, lưu ý rằng bạn nên đợi ít nhất 3 tháng sau khi chủng ngừa MMR trước khi cố gắng thụ thai.

2. Tiêm phòng trước khi mang thai – Bạn cần chủng ngừa thủy đậu

Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan, có thể gây ngứa da, phát ban và sốt. Nếu bạn mắc bệnh thủy đậu khi mang thai có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh cho em bé. Vì vậy, nếu đang có kế hoạch mang thai nhưng trước đó bạn chưa mắc thủy đậu thì cần thông báo cho bác sĩ để được chủng ngừa bệnh đầy đủ. Lưu ý rằng bạn cần chờ ít nhất 3 tháng sau tiêm trước khi cố gắng thụ thai.

3. Vaccine chủng ngừa HPV

HPV (Human papillomavirus) là nhóm gồm hơn 200 loại virus liên quan. Trong đó, hơn 40 loại virus lây lan qua quan hệ tình dục trực tiếp không an toàn. HPV có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục và một số loại ung thư như ung thư cổ tử cung, hậu môn, hầu họng… Bạn không thể chủng ngừa HPV khi mang thai. Hơn nữa, HPV cũng cần được chủng ngừa càng sớm càng tốt đối với người trong độ tuổi sinh sản. Vì vậy, nếu muốn sinh con nhưng chưa tiêm phòng HPV thì bạn nên tiêm sớm trước khi quan hệ tình dục hay mang thai nhé!

4. Tiêm phòng trước khi mang thai – Một số loại vaccine bổ sung có thể cân nhắc

tiêm phòng trước khi mang thai

Bên cạnh những vaccine chủng ngừa quan trọng kể trên, bác sĩ có thể dựa trên các vấn đề sức khỏe, lối sống hoặc kế hoạch du lịch của bạn để đề xuất thêm vaccine chủng ngừa một số bệnh như viêm gan A, viêm gan B, phế cầu khuẩn, viêm màng não, COVID-19… Trong đó, vắc xin ngừa viêm gan B rất quan trọng vì nhiễm viêm gan B ở trẻ sơ sinh gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe sau này, mẹ có đủ kháng thể ngừa virus viêm gan B là cách hữu hiệu để phòng viêm gan B chu sinh.

Mặt khác, như đã đề cập thì các vaccine quan trọng với mẹ bầu như vaccine chủng ngừa cúm và vaccine Tdap và chủng ngừa uốn ván – bạch hầu – ho gà đều có thể tiêm trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, đối với chủng ngừa cúm thì việc thực hiện trước khi mang thai vẫn được khuyến khích để bảo vệ mẹ và bé tốt nhất khỏi các biến chứng thai kỳ do cúm.

Vì sao một số loại vaccine buộc phải tiêm phòng trước khi mang thai?

Hầu hết những vaccine cần thiết và quan trọng kể trên đều là vaccine sống giảm độc lực. Đây là loại vaccine được sản xuất từ chính virus hoặc vi khuẩn gây bệnh nhưng đã được làm giảm độc lực (làm yếu đi). Đối với mẹ bầu, vaccine sống giảm độc lực khi tiêm vào cơ thể mẹ vẫn tiềm ẩn nguy cơ có thể khiến thai nhi nhiễm virus gây bệnh và gặp rủi ro. Đây là lý do giải thích vì sao bạn không nên tiêm vaccine sống trong thai kỳ và buộc phải tiêm phòng trước khi mang thai để chủng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng cho thấy tiêm vaccine sống giảm độc lực trong thai kỳ gây ra dị tật bẩm sinh. 

Đối với một trường hợp khác là bạn vừa tiêm vaccine ngừa sởi, quai bị, rubella… nhưng lại mang thai ngay lập tức khi chưa chờ đủ khoảng cách thì cần thông báo sớm cho bác sĩ. Nếu chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ vì chỉ định sản khoa từ bác sĩ thì bạn đừng quá lo lắng  vì đến nay chưa ghi nhận bằng chứng đầy đủ thai sinh ra bị dị tật do tiêm ngừa. Tuy nhiên, bạn nên khám thai đầy đủ và thường xuyên để được bác sĩ theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi để có hướng xử lý phù hợp.

Cuối cùng, đối với việc tiêm phòng trước khi mang thai, điều quan trọng là bạn cần tìm đến những trung tâm y tế, bệnh viện sản khoa, đa khoa lớn, uy tín để được tư vấn một cách tốt nhất và đảm bảo việc chủng ngừa diễn ra an toàn. Hy vọng bài viết trên của Hello Bacsi đã giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về tiêm phòng và chuẩn bị tiền sản nhé!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

VACCINATIONS AND PREGNANCY

https://www.marchofdimes.org/pregnancy/vaccinations-and-pregnancy.aspx Truy cập ngày 08/09/2022

Vaccinations and pregnancy

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/vaccinations-and-pregnancy Truy cập ngày 08/09/2022

Vaccines for women: Before conception, during pregnancy, and after a birth

https://www.health.harvard.edu/blog/vaccines-for-women-before-conception-during-pregnancy-and-after-a-birth-2020011018649 Truy cập ngày 08/09/2022

Vaccinations in pregnancy

https://www.nhs.uk/pregnancy/keeping-well/vaccinations/ Truy cập ngày 08/09/2022

Pre-pregnancy Vaccination

https://www.healthhub.sg/live-healthy/908/pregnancy-pre-pregnancy-vaccination Truy cập ngày 08/09/2022

Phiên bản hiện tại

22/03/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Tim thai: Dấu hiệu sức khỏe bé yêu mẹ cần đặc biệt lưu ý

Tiêm phòng khi mang thai, liều thuốc nhỏ hiệu quả lớn!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo