backup og meta

Các mũi tiêm phòng trước khi cưới bạn nên biết

Các mũi tiêm phòng trước khi cưới bạn nên biết

Bạn đã lên kế hoạch chụp hình, đặt bàn tiệc và chuẩn bị mọi thứ cho ngày trọng đại của mình? Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng nếu bạn có ý định sinh con sớm thì đừng quên tiêm phòng trước khi cưới nhé!

Việc chủng ngừa các mũi tiêm phòng trước khi cưới sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và là bước quan trọng để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh. Nhờ đó, bạn có thể bảo vệ an toàn cho bé khỏi những dị tật có thể xảy ra, các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ từ bố mẹ. Đây cũng là cách giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm qua đường máu và đường tình dục.

Giải đáp thắc mắc: Vì sao bạn nên tiêm phòng trước khi cưới?

tiêm phòng trước khi cưới

Trước khi cưới nên tiêm phòng gì, phụ nữ nên tiêm phòng gì trước khi kết hôn hay những vắc xin cần tiêm trước khi kết hôn… là những thắc mắc thường gặp của không ít các cặp đôi. Theo các chuyên gia, việc tiêm phòng trước khi cưới có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả hai vợ chồng, đồng thời để em bé sinh ra sau này được khỏe mạnh.

1. Đối với phụ nữ

Tại sao phụ nữ nên tiêm phòng trước khi kết hôn, phụ nữ trước khi cưới nên tiêm phòng gì? Theo các chuyên gia, phụ nữ sẽ truyền cho bé kháng thể qua nhau thai và sữa mẹ sau khi sinh. Vì thế, tiêm phòng trước khi cưới là cách tốt nhất giúp tăng cường miễn dịch cho bạn và con yêu.

Một số loại vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm ví dụ như sởi – quai bị – rubella hoặc thủy đậu cần được tiêm phòng ít nhất 1 tháng trước khi bạn muốn có thai. Để tiêm phòng các loại vắc xin này, bạn cần đảm bảo mình không có thai tại thời điểm tiêm và sau tiêm 1 tháng (tốt nhất là 3 tháng).

2. Đối với nam giới

Nam giới trước khi kết hôn cần tiêm phòng gì, tại sao? Tiêm phòng trước khi cưới cũng giúp nam giới ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh cho vợ tương lai, nhất là các bệnh phổ biến như bệnh uốn ván, bạch hầu và ho gà, bệnh viêm gan B, bệnh viêm gan A, cúm…. Khi bạn làm bố và bé sơ sinh còn quá nhỏ, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện thì việc các cặp đôi tiêm phòng trước khi cưới cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh cho con nhỏ.

Các mũi tiêm phòng trước khi cưới

tiêm phòng trước khi cưới

Trước khi kết hôn cần tiêm phòng gì? Bạn cần tìm hiểu một số mũi tiêm phòng phổ biến trước khi quyết định tiêm phòng trước khi cưới hay trước khi có em bé. Dưới đây là các loại vắc xin phổ biến mà bạn có thể cần phải chủng ngừa:

1. Vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella

Sởi, quai bị, rubella (bệnh sởi Đức) là ba bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao và có khả năng gây ra biến chứng nguy hiểm cho người mắc bệnh. Nếu không may bị nhiễm một trong ba bệnh này trong thai kỳ (đặc biệt là 3 tháng đầu) thì nguy cơ sảy thai, thai nhi dị tật, chậm phát triển hoặc sinh non rất cao.

Thời điểm tốt nhất để tiêm vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella (MMR) là trước khi có thai 3 tháng trở lên, tối thiểu là 1 tháng. Cơ thể bạn cần thời gian nhất định để có thể hình thành đáp ứng miễn dịch sau tiêm, giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả.

MMR là vắc xin 3 trong 1 giúp phòng ngừa cả 3 bệnh, tiêm 1 mũi là đủ để bảo vệ mẹ và bé trong suốt thai kỳ.

Vắc xin MMR 3 trong 1 ngừa sởi – quai bị – rubella có giá tham khảo tại Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam VNVC (công ty dịch vụ vắc xin lớn nhất Việt Nam) là 265.000 đồng.

2. Vắc xin ngừa thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây lan, biểu hiện bệnh là có thể gây sốt, khó chịu và nổi mẩn ngứa. Thủy đậu gây ảnh hưởng tới thai kỳ vì khi bị bệnh trong thời gian mang thai (đặc biệt là khi sắp sinh), người mẹ có thể lây bệnh cho con và khiến bé bị thủy đậu bẩm sinh. 2% trẻ sơ sinh sẽ bị dị tật bẩm sinh như dị dạng chân tay và bị liệt nếu mẹ nhiễm thủy đậu khi mang thai 2 tháng đầu.

Người đã mắc bệnh thủy đậu một lần thường có miễn dịch suốt đời, chỉ 1% có nguy cơ mắc lại bệnh lần hai. Nếu chưa bị mắc thủy đậu hoặc không biết chính xác đã mắc bệnh hay chưa, bạn nên tiêm phòng thủy đậu trước khi cưới hoặc trước khi mang thai.

Có 2 loại vắc xin ngừa thủy đậu là Varivax do Mỹ sản xuất giá 805.000 đồng và vắc xin Varicella do Hàn Quốc giá 700.000 đồng.

3. Vắc xin ngừa cúm mùa

Vắc xin phòng bệnh cúm mùa là một trong những vắc xin cần tiêm trước khi kết hôn. Bởi dịch cúm mùa thường xảy ra vào từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm. Trung tâm y tế dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo trước mùa cúm hàng năm, phụ nữ có kế hoạch mang thai nên tiêm vắc xin cúm để phòng ngừa cúm mùa.

Phụ nữ mang thai bị mắc cúm ở 4 tháng cuối thai kỳ có nguy cơ mắc các triệu chứng và biến chứng cúm như viêm phổi nghiêm trọng hơn. Cúm cũng khiến thai phụ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, sốt, đau đầu, đau cơ, viêm họng và ho.

Hiện có 3 loại vắc xin phòng cúm 0,5 ml cho người lớn là Influvac do Hà Lan sản xuất, GC Flu do Hàn Quốc sản xuất và Vaxigrip do Pháp sản xuất giá tiêm chủng giao động 240.000 – 335.000 đồng tùy loại.

4. Vắc xin ngừa viêm gan B

Trước khi cưới nên tiêm phòng gì? Lời khuyên là các cặp đôi đừng quên chủng ngừa bệnh viêm gan B.

Viêm gan B do virus Hepatitis B (HBV) gây ra. Nhiễm viêm gan B có thể gây bệnh gan mạn tính thậm chí gây xơ gan, ung thư gan. Nếu bị nhiễm viêm gan B trước hoặc trong thời kỳ mang thai, mẹ có thể truyền bệnh cho thai nhi trong bụng và khiến bé mắc viêm gan B bẩm sinh.

Bạn cũng có thể bị lây viêm gan B nếu vợ hoặc chồng bị bệnh. Do đó, nếu chưa tiêm vắc xin ngừa viêm gan B hoặc không chắc đã tiêm chưa thì trước khi cưới, cả hai vợ chồng nên đi xét nghiệm xem mình đã có kháng thể chống HBV chưa để được tư vấn chủng ngừa.

Nếu không may đã bị nhiễm viêm gan B thì bạn cần theo dõi và điều trị. Nếu chưa nhiễm HBV thì bạn cần tiêm phòng để ngừa bệnh.

Hiện có 2 loại vắc xin ngừa viêm gan B cho người lớn là Engerix B do Bỉ sản xuất có giá 235.000 đồng và Euvax B do Hàn Quốc sản xuất giá 160.000 đồng.

5. Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung

HPV 16 và 18 là hai chủng virus HPV nguy hiểm có thể gây ung thư cổ tử cung. Các chủng như HPV 6, 11… có thể gây bệnh mụn cóc sinh dục, u nhú, sùi mào gà ở bộ phận sinh dục.

Vắc xin ngừa ung thư cổ tư cung được khuyến cáo tiêm cho nữ giới ở độ tuổi từ 9 – 26, tốt nhất là khoảng 11 – 12 tuổi. Tuy nhiên, nếu qua 26 tuổi, bạn vẫn có thể tiêm phòng vì không phải ai cũng đã từng nhiễm virus. Bạn sẽ cần ít nhất 6 tháng để hoàn thành 3 mũi tiêm phòng HPV nên hãy chủ động xếp thời gian tiêm phòng trước khi cưới.

Hiện đã có 3 loại vắc xin phòng ngừa HPV được FDA phê duyệt là: Gardasil4, Gardasil 9 và Cervarix. Trong đó vắc xin Gardasil 9 có tác dụng ngừa 9 chủng HPV nguy hiểm là HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, và 58.

Vắc xin Gardasil do Mỹ sản xuất giá 1.415.000 đồng có tác dụng ngừa các chủng HPV nguy hiểm là HPV 6, 11, 16, 18. Vắc xin Cervarix do Bỉ sản xuất giá 950.000 đồng chỉ có tác dụng ngừa các chủng HPV 16, 18.

Các cơ sở chủng ngừa uy tín

Nếu quan tâm đến việc phòng trước khi cưới, bạn có thể đến các cơ sở sau đây để thực hiện việc chủng ngừa:

1. Tiêm phòng trước khi cưới ở Hà Nội

• Trung tâm Y tế dự phòng

70 Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, Ba Đình

• Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế

35 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy (Đối diện Viện 198)

Tiêm phòng trước khi cưới ở TP. Hồ Chí Minh

• Bệnh viện Đại học Y Dược

215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5

• Viện Pasteur

167 Pasteur, phường 8, quận 3

• Bệnh viện Từ Dũ

284 Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1

Ngoài các cơ sở chủng ngừa kể trên, bạn có thể đến hệ thống tiêm chủng VNVC tại khắp các tỉnh thành để được tư vấn và chủng ngừa.

Cách tiêm phòng trước khi cưới an toàn

tiêm phòng trước khi cưới

Những vắc xin cần tiêm trước khi kết hôn là những loại nào? Câu trả lời là để biết bản thân cần chủng ngừa loại vắc xin nào trước khi cưới, bạn cần được tư vấn tiêm chủng đầy đủ. Các mũi tiêm phòng trước khi cưới còn phụ thuộc vào các yếu tố:

  • Bạn đã tiêm những mũi tiêm phòng nào?
  • Kế hoạch có thai và sinh con của bạn như thế nào?
  • Bạn có từng mắc những bệnh truyền nhiễm nào trước đây chưa?

Khi đến tư vấn tiêm chủng, bạn hãy đem theo sổ tiêm chủng có ghi lại lịch sử tiêm chủng của bạn từ khi sinh ra cho tới nay (nếu có). Sổ tiêm chủng này sẽ giúp bác sĩ đánh giá bạn nên tiêm phòng những mũi nào và lịch trình tiêm ra sao.

Nếu không còn giữ sổ tiêm chủng cách đây quá lâu hoặc vô tình làm mất thì bạn có thể phải một số xét nghiệm để bác sĩ đánh giá xem đã tiêm phòng hay chưa. Thông thường, kết quả một số xét nghiệm máu có thể giúp xác định bạn đã tiêm phòng chưa hay mắc một bệnh truyền nhiễm nào đó trước kia chưa.

Trước khi chuẩn bị cho một đám cưới mang tính bước ngoặt trong cuộc đời, bạn hẳn sẽ có rất nhiều việc phải thu xếp. Nhưng dù có bận rộn với công đoạn chuẩn bị như thế nào đi chăng nữa, bạn cũng đừng quên bỏ qua thời gian tiêm phòng trước khi cưới. Đây là cách để bạn chủ động phòng ngừa bệnh và chuẩn bị cho em bé chào đời thật khỏe mạnh đấy! 

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vaccinating Women of Reproductive Age Recommendations and Guidelines
https://www.health.ny.gov/prevention/immunization/vaccinating_women_of_reproductive_age_guidelines.htm
Ngày truy cập: 29.03.2019

What Vaccines Do You Need Before and During Pregnancy?
https://www.parents.com/pregnancy/my-body/pregnancy-health/pregnancy-vaccines/
Ngày truy cập: 29.03.2019

Who Should Get the HPV Vaccination and Why
https://www.cancer.org/latest-news/who-should-get-the-hpv-vaccination-and-why.html
Ngày truy cập: 29.03.2019

Maternal Vaccines: Part of a Healthy Pregnancy
https://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/pregnant-women/index.html
Ngày truy cập: 29.3.2019

Phiên bản hiện tại

22/11/2023

Tác giả: Hồng Nhung

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ: Kiêng cữ như thế nào là khoa học?

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu: Những điều mẹ cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 22/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo