Kích thước buồng trứng có thể thay đổi nhiều lần trong suốt cuộc của đời của người phụ nữ. Thế nhưng, liệu sự thay đổi về kích thước này có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai?
Kích thước buồng trứng có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai không là băn khoăn phổ biến của rất nhiều chị em phụ nữ. Nếu bạn cũng là một trong số đó, những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi chắc chắn có thể giúp ích rất nhiều cho bạn đấy.
Buồng trứng là cơ quan chính chịu trách nhiệm về sản xuất trứng, thụ tinh và sinh sản trong cơ thể người phụ nữ. Buồng trứng tạo ra trứng, trứng khi được thụ tinh với tinh trùng sẽ dẫn đến mang thai. Ngoài ra, buồng trứng cũng chịu trách nhiệm sản xuất hormone sinh sản nữ là estrogen và progesterone.
Kích thước buồng trứng có ảnh hưởng đến việc mang thai không?
Câu trả lời là có, kích thước buồng trứng bình thường có liên quan đến khả năng thụ thai của người phụ nữ. Nếu kích thước buồng trứng nhỏ hơn bình thường có nghĩa là bạn sẽ khó thụ thai hơn bởi lượng trứng dự trữ thấp hơn mức trung bình.
Tuy nhiên, kích thước buồng trứng lớn cũng không đồng nghĩa với việc sẽ dự trữ trứng nhiều hơn. Bởi buồng trứng có thể tăng kích thước do các rối loạn hoặc sự xuất hiện của khối u. Trong những trường hợp này, bạn sẽ không rụng trứng bình thường và do đó sẽ khó thụ thai. Ở những phụ nữ bị đa nang buồng trứng, độ dài đường kính của buồng trứng có thể lên đến hơn 15cm. Lúc này, bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn, làm các xét nghiệm kiểm tra buồng trứng nhằm đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc thụ thai.
Bạn có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm như siêu âm và xét nghiệm máu để xác định kích thước và đánh giá chức năng hoạt động của buồng trứng. Thông qua phương pháp siêu âm, các bác sĩ có thể biết được số lượng nang trứng cũng như khả năng dự trữ trứng của bạn là bình thường hay thấp.
Các yếu tố làm thay đổi kích thước buồng trứng
Kích thước buồng trứng của người phụ nữ có thể thay đổi nhiều lần trong đời vì những lý do khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
1. Tuổi tác
Kích thước buồng trứng có thể thay đổi theo độ tuổi. Trước khi dậy thì và sau khi mãn kinh, buồng trứng sẽ có kích thước nhỏ nhất, khoảng dưới 20mm. Trong độ tuổi sinh sản, kích thước trung bình của buồng trứng là chiều dài 3cm, chiều cao 2,5cm và chiều rộng 1,5cm. Buồng trứng cũng có thể trở nên to hơn trong thời gian rụng trứng và hành kinh.
2. Rối loạn buồng trứng
Tình trạng rối loạn buồng trứng và ung thư có thể làm gia tăng kích thước của buồng trứng. Ngoài ra, việc mắc một trong các bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), u nang trứng và u nang hoàng thể cũng có thể làm cho buồng trứng to ra, dẫn đến đau và chảy máu bên trong. Những rối loạn này làm cho phụ nữ gặp rắc rối với việc thụ thai.
3. Điều trị vô sinh
Phụ nữ được chẩn đoán vô sinh thường phải sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản để mang thai. Khi thực hiện các phương pháp này, bạn có thể được tiêm hormone để kích thích buồng trứng, làm cho trứng chín và rụng, sau đó được giải phóng để thụ tinh. Những phương pháp điều trị này có thể làm cho buồng trứng trở nên to hơn trong thời gian rụng trứng và trở lại kích thước bình thường sau khi giai đoạn rụng trứng kết thúc.
4. Mang thai
Kích thước của buồng trứng tăng lên trong thai kỳ bởi trong giai đoạn này buồng trứng sẽ phải sản xuất nhiều hormone estrogen và progesterone. Tuy nhiên, bạn nên đi khám phụ khoa để được kiểm tra và đảm bảo rằng không bị u nang hoặc u xơ.
Có thể bạn quan tâm: Phụ nữ bị buồng trứng đa nang có thai được không?
Làm thế nào để tăng cường sức khỏe buồng trứng?
Có rất nhiều cách để tăng cường sức khỏe buồng trứng mà bạn có thể thực hiện. Tuy nhiên, đơn giản nhất là bạn nên duy trì một lối sống lành mạnh với một chế độ ăn bổ dưỡng, tập thể dục thường xuyên, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và tránh rơi vào căng thẳng. Bạn cần:
- Kiểm soát cân nặng: Tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân ở phụ nữ đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng trứng. Do đó, hãy cố gắng duy trì cân nặng của bản thân ở mức ổn định nếu có ý định thụ thai nhé.
- Tập thể dục thường xuyên: Bạn có thể tăng cường sức khỏe của buồng trứng bằng cách tập thể dục thường xuyên. Bạn không cần tập quá nhiều, bạn có thể tập yoga 1 giờ mỗi ngày hoặc 30 phút chạy bộ mỗi ngày, với thời lượng 5 lần/tuần là đã có một sức khỏe tốt.
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng là điều khó có thể tránh khỏi trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tránh được điều này bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ, đọc sách, tập thiền, yoga hoặc thực hiện một hoạt động mình thích để thư giãn. Bạn không nên dùng điện thoại tối thiểu một giờ trước khi đi ngủ để tránh thiết bị này làm phiền đến giấc ngủ.
- Chế độ ăn giàu dinh dưỡng: Trong thời gian cố gắng thụ thai, bạn không cần phải ăn kiêng hay cắt giảm bất cứ thứ gì. Điều quan trọng là bạn cần kiểm soát được những gì mình nạp vào cơ thể mỗi ngày. Hãy duy trì một chế độ ăn cân bằng với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như protein, carbohydrate tốt, chất béo tốt, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng các loại thuốc bổ sung nếu cơ thể bị thiếu.
- Tránh hút thuốc và uống rượu: Thuốc lá và rượu có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm đối với sức khỏe sinh sản. Vì vậy, nếu có ý định thụ thai và đang sử dụng hai thứ gây hại này, bạn hãy từ bỏ chúng ngay hôm nay nhé.
Kích thước buồng trứng có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của người phụ nữ. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố này vẫn còn có rất nhiều nguyên do tiềm ẩn khác. Nếu gặp rắc rối với chuyện thụ thai, bạn hãy đi khám để biết chính xác mình đang gặp phải vấn đề gì và tìm cách để cải thiện sức khỏe phù hợp nhất.
Ngân Phạm / HELLO BACSI
[embed-health-tool-ovulation]