Không với chỉ phụ nữ, yếu tố tuổi tác cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phái mạnh. Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng đàn ông sau 35 tuổi gặp khó khăn hơn trong việc có con.
Các vấn đề về khả năng sinh sản hay sức khỏe sinh sản thường được phụ nữ quan tâm nhiều hơn. Họ thường đến gặp bác sĩ để xem xét về khả năng thụ thai khi mong muốn có con hay gặp vấn đề trong việc thụ thai. Thực tế rất dễ nhận thấy là có khá ít người để ý đến sức khỏe sinh sản nam giới.
Theo quy luật tự nhiên, đàn ông cũng phải đối mặt với các vấn đề về suy giảm khả năng sinh sản, đặc biệt khi tuổi tác ngày một cao hơn. Mặc dù cơ thể không có cách nào chống lại “dòng chảy thời gian” nhưng bạn có thể thực hiện một số biện pháp để hạn chế tác động của quá trình lão hóa lên cơ thể.
Nam giới nên sinh con ở độ tuổi nào?
Đã có nhiều nghiên cứu về khả năng sinh sản ở nam giới và cho ra nhiều kết quả khác nhau. Sự thật thì độ tuổi tốt nhất để có con ở đàn ông cũng được quyết định bởi nhiều yếu tố khác nhau. Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nam giới chính là nồng độ testosterone. Sau tuổi 30, nồng độ testosterone ở đàn ông sẽ giảm 1% mỗi năm.
Vì vậy, độ tuổi sinh sản của nam giới tốt nhất thường là từ 22 – 25 tuổi. Đây là giai đoạn mà tinh trùng khỏe mạnh và dễ có khả năng thụ tinh nhất . Tuy nhiên, đa số đàn ông đều chưa muốn có con ở độ tuổi này do họ vẫn còn khá trẻ, cuộc sống và công việc chưa ổn định. Các chuyên gia sức khỏe và sinh sản thường đưa ra lời khuyến khích bạn nên có con trước tuổi 30. Sau độ tuổi này, sức khỏe sinh sản nam giới sẽ bắt đầu giảm dần qua các năm.
Tuổi tác ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe sinh sản nam giới?
Sau 30 tuổi, nồng độ testosterone ở đàn ông bắt đầu suy giảm. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng tinh trùng. Những nghiên cứu cũng quan sát thấy rằng sau tuổi 35, số lượng tinh trùng ở nam giới bắt đầu giảm đáng kể.
Ngoài số lượng, khả năng vận động của tinh trùng cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Khả năng này phản ánh sự di chuyển của tinh trùng trong tử cung, đến ống dẫn trứng để có cơ hội tiếp cận và thụ tinh với trứng. Khả năng vận động của tinh trùng tốt nhất khi đàn ông ở tuổi 25 và sau đó bắt đầu giảm dần. Đến độ tuổi 55, khả năng vận động của tinh trùng ở mức thấp nhất, có thể giảm đến 50%.
Thêm vào đó, tuổi tác có thể ảnh hưởng đến hình thái của tinh trùng, tức là tinh trùng có sự thay đổi về kích thước cũng như hình dạng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng số lượng tinh trùng bình thường sẽ giảm từ 2 – 9% mỗi năm và giảm 4 – 18% trong vòng 20 năm. Việc giảm số lượng tinh trùng có hình thái bình thường dẫn đến việc giảm khả năng sinh sản ở nam giới, bởi vì tinh trùng có hình thái bất thường ít có khả năng thụ tinh với trứng.
Tinh trùng của nam giới sau tuổi 35 được thụ thai có thể chứa đột biến gien mặc dù tình trạng này hiếm khi xảy ra. Những đột biến này có thể dẫn đến một số tình trạng nguy hiểm như sẩy thai, thai chết lưu hoặc tăng nguy cơ trẻ bị dị tật bẩm sinh. Một số thói quen từ lối sống không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu bia, mặc đồ lót quá chật hay mất ngủ… cũng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nam giới.
Mời bạn tham khảo thêm bài viết Thiếu ngủ có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới để tìm hiểu lý do vì sao mất ngủ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phái mạnh.
Có thể bạn quan tâm: Triệu chứng vô sinh ở nam dễ nhận biết – Khi nào bạn nên đi khám?
Những sự thật về tuổi tác và sức khỏe sinh sản nam giới
Nếu bạn còn nhiều hoài nghi về mối liên hệ giữa tuổi tác và sức khỏe sinh sản ở nam giới, dưới đây một vài sự thật mà có lẽ bạn nên biết:
- Lão hóa là điều không thể tránh khỏi và khi tuổi tác ngày một lớn, đàn ông có thể gặp khó khăn khi muốn có con. Nhiều cặp vợ chồng mong muốn có con nhưng gặp khó khăn trong chuyện thụ thai khi người đàn ông đã trên 35 tuổi, vì lúc này chất lượng tinh trùng đã giảm đi đáng kể.
- Nếu trứng được thụ tinh với tinh trùng của người đàn ông trên 45 tuổi, nguy cơ sẩy thai xảy ra cao hơn so với việc trứng được thụ tinh với tinh trùng của nam giới ít tuổi hơn, bất kể độ tuổi của người phụ nữ khi mang thai.
- Nguy cơ trẻ sinh ra bị tự kỷ, có vấn đề về sức khỏe tâm thần hay khả năng học tập kém cũng cao hơn khi đàn ông có con lúc ngoài 45 tuổi.
- Ở tuổi 25, thời gian trung bình để thụ thai là 4 – 5 tháng. Tuy nhiên, sau tuổi 40, quãng thời gian này có thể kéo dài đến 2 năm hoặc hơn.
- Nhiều người nghĩ rằng thụ tinh trong ống nghiệm là một lựa chọn tốt để có con khi họ đã lớn tuổi. Tuy nhiên, đối với những cặp vợ chồng thực hiện phương pháp này, cơ hội thành công thấp hơn 5 lần nếu người đàn ông lúc đó trên 45 tuổi.
Làm thế nào để cải thiện sức khỏe sinh sản nam giới?
Vai trò của nam giới trong quá trình sinh sản thường không được chú ý nhiều. Tuy nhiên, khi có ý định xây dựng gia đình và mong muốn có con, cả đàn ông và phụ nữ đều phải quan tâm đến sức khỏe của mình. Thời gian có thể tác động và làm suy yếu các hệ thống trong cơ thể nhưng việc thay đổi lối sống có thể mang lại những tác động tích cực lên khả năng sinh sản.
1. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên
Tình trạng béo phì có thể góp phần gây vô sinh ở nam giới. Vì vậy, một chế độ ăn uống lành mạnh cùng với việc vận động thường xuyên có thể giúp bạn cải thiện một số vấn đề về sức khỏe sinh sản liên quan đến béo phì. Ngoài ra, việc giảm cân cũng có thể làm tăng số lượng tinh trùng.
Có thể bạn quan tâm: 10 cách tăng chất lượng tinh trùng để dễ thụ thai
2. Thay đổi các thói quen xấu
Một số thói quen xấu như uống nhiều rượu bia, hút thuốc hoặc sử dụng nhiều loại thuốc, thường xuyên rơi vào căng thẳng có thể ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng của nam giới. Nếu bạn đang có các thói quen này, hãy thay đổi theo chiều hướng tích cực để đảm bảo duy trì sức khỏe sinh sản của bản thân khi lớn tuổi.
Không chỉ thói quen xấu, môi trường xung quanh cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Do đó, hãy tham khảo bài viết Môi trường làm việc ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nam giới ra sao để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
3. Đến gặp các chuyên gia
Nếu bạn cảm thấy lo lắng về vấn đề này, hãy đến bệnh viện có khoa sản hay nam khoa. Bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên tốt nhất để nâng cao sức khỏe sinh sản.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại lối sống hiện tại xem liệu các thói quen hàng ngày có ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản hay không, đặc biệt là việc hút thuốc hay uống rượu bia quá mức. Nếu bạn hoặc bạn đời bị vô sinh hoặc nghi ngờ về khả năng sinh sản, cả hai nên tìm đến bệnh viện chuyên lĩnh vực này. Các bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện một số xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân, nếu cần thiết họ sẽ kết hợp với các chuyên gia khác để giúp bạn chăm sóc sức khỏe tinh thần lẫn thể chất ở mức tốt nhất.
Nếu bạn muốn có con, hãy nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ về những dự định mà bạn sẽ lựa chọn, có thể là nhận con nuôi hoặc thực hiện những phương pháp thụ tinh thay thế khác.
Mời bạn tham khảo bài viết Thụ tinh trong ống nghiệm và những điều bạn cần biết để có thêm những thông tin quan trọng về vấn đề này.
Vô sinh ở nam giới là một trong những nguyên nhân gây nên trầm cảm. Trường hợp gia đình bạn xảy ra mâu thuẫn liên quan đến khả năng sinh sản, hãy thử nói chuyện thật chân tình với bạn đời của mình hoặc tìm đến một nhà trị liệu. Bạn cũng có thể tâm sự với bạn bè, gia đình về câu chuyện khó khăn này. Cách tốt nhất để thoát khỏi cảm giác trầm cảm chính là giãi bày cùng những người mình tin tưởng, để từ đó tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề của bạn.
Giống với nữ giới, sức khỏe sinh sản nam giới cũng giảm dần theo độ tuổi. Càng lớn tuổi, chất lượng tinh trùng cũng như khả năng di chuyển của chúng đều giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện một số phương pháp nhằm cải thiện sức khỏe sinh sản của bản thân.
Hãy nhớ rằng, lối sống cũng có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản của phái mạnh. Vì vậy, nếu bạn có những thói quen kém lành mạnh, hãy nhanh chóng từ bỏ chúng ngay. Khi cảm thấy cần, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia để được tư vấn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản của mình.
Phương Quỳnh/HELLO BACSI
[embed-health-tool-ovulation]