backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Rụng trứng muộn là gì? 4 nguyên nhân gây rụng trứng muộn bạn không nên bỏ qua

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 24/07/2023

    Rụng trứng muộn là gì? 4 nguyên nhân gây rụng trứng muộn bạn không nên bỏ qua

    Tình trạng rụng trứng muộn không chỉ ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai, mà còn có liên quan đến một số nguyên nhân sức khỏe tiềm ẩn. 

    Trứng rụng là một phần của chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, không phải ai cũng giống nhau, trong một chu kỳ kinh nguyệt, có người sẽ rụng trứng sớm, có người rụng trứng muộn, thậm chí có người không rụng trứng, dẫn đến khả năng thụ thai cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng rụng trứng muộn và nguyên gây ra tình trạng này nhé! 

    Rụng trứng muộn là gì? 

    Mỗi người sẽ có chu kỳ kinh nguyệt khác nhau và các chu kỳ cũng có thể diễn ra không đều đặn, nhưng một chu kỳ sẽ dao động trong khoảng từ 21 – 35 ngày. Quá trình rụng trứng thường diễn ra ở giữa chu kỳ, vào trước ngày bắt đầu kỳ kinh khoảng từ 10 – 16 ngày, ví dụ như:

    • Độ dài chu kỳ kinh của bạn là 28 ngày thì buồng trứng có thể giải phóng trứng vào ngày 14 của chu kỳ. 
    • Độ dài chu kỳ kinh của bạn là 35 ngày thì trứng có thể rụng vào ngày 19 hoặc 20 của chu kỳ.

    Vậy, rụng trứng muộn là hiện tượng xảy ra khi ngày rụng trứng rất gần ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt, cụ thể là ngày 21 hoặc trễ hơn. Khi đó, bạn không chỉ khó xác định thời điểm quan hệ tình dục để gia tăng cơ hội mang thai, mà trứng rụng muộn cũng có thể không đạt chất lượng tốt, kéo theo khả năng thụ thai cũng bị giảm sút.  

    4 nguyên nhân gây rụng trứng muộn thường gặp 

    Theo các chuyên gia sức khỏe, tình trạng rụng trứng muộn có thể bắt nguồn từ 1 trong 4 nguyên nhân sau:

    1. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

    rụng trứng muộn

    Việc mắc hội chứng buồng trứng đa nang có nguy cơ làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone androgen trong cơ thể, dẫn đến trứng không được giải phóng, mà phát triển thành các nang rất nhỏ trong buồng trứng. Chính vì vậy, người bệnh có thể không rụng trứng trong một số chu kỳ hoặc ngừng rụng trứng hoàn toàn.

    2. Tăng nồng độ prolactin trong máu

    Prolactin là hormon kích thích cơ thể tiết sữa khi cho con bú. Tuy nhiên, ở trường hợp rụng trứng muộn, dù bạn đang không cho con bú, nhưng tuyến yên vẫn sản xuất quá nhiều prolactin máu, khiến nồng độ estrogen giảm đi và làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt. 

    Tình trạng tăng prolactin máu có thể do một số loại thuốc gây ra, nhất là các loại thuốc điều trị u lành tính trên não. Ngoài việc mất kinh, người bệnh còn có thể bị khô âm đạo và tiết dịch ở vú, ngay cả khi không cho bú.

    3. Suy giáp

    Suy giáp là tình trạng tuyến giáp suy yếu và không sản xuất đủ lượng nội tiết tố tuyến giáp để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Khi nồng độ hormone tuyến giáp bị giảm, chu kỳ kinh nguyệt có thể bị gián đoạn, buồng trứng ngừng giải phóng trứng hoặc rụng trứng muộn. 

    4. Căng thẳng cực độ

    Một số tình huống trong cuộc sống có thể khiến phụ nữ bị căng thẳng cực độ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều này cũng được xem là yếu tố khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn và trứng rụng muộn hơn bình thường. Sau đây là một số ví dụ về nguyên nhân gây căng thẳng: 

    • Bạo lực gia đình 
    • Bệnh tình dục ở giai đoạn cuối hoặc bị mãn tính
    • Bệnh lý nguy hiểm, đe dọa tính mạng 
    • PTSD – Rối loạn sau chấn thương… 

    Bị rụng trứng muộn: Khi nào cần gặp bác sĩ? 

    rụng trứng muộn: khi nào cần đi khám

    Việc tiến hành điều trị tình trạng rụng trứng muộn càng sớm thì kết quả sẽ càng tốt và cơ hội mang thai sẽ càng gia tăng. Tuy nhiên, rất khó để xác định tình trạng của bạn là rụng trứng muộn hay một bệnh lý nào đó, thông qua các kiểm tra tại nhà như dùng que thử rụng trứng hay dùng công cụ tính ngày rụng trứng. Vậy nên, bất cứ khi nào xuất hiện những dấu hiệu dưới đây, bạn cũng cần đến bác sĩ để kiểm tra và tư vấn chuyên môn, gồm:  

    • Chu kỳ kinh nguyệt của bạn ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 40 ngày.
    • Xuất hiện nhiều thay đổi đột ngột trong chu kỳ kinh nguyệt.
    • Chu kỳ bị gián đoạn mà không rõ lý do.
    • Ra máu kinh nặng hơn bình thường (cường kinh).
    • Đau bụng kinh dữ dội hoặc không có kinh nhưng bụng vẫn quặn đau.
    • Thay đổi đột ngột xảy ra với chu kỳ kinh nguyệt.
    • Các triệu chứng PCOS, suy giáp hoặc tăng prolactin máu phát triển.
    • Không thụ thai thành công trong vòng 12 tháng sau khi cố gắng đối với những người dưới 35 tuổi hoặc trong vòng 6 tháng đối với những người trên 35 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh cũng như quan hệ thường xuyên.

    Làm thế nào để rụng trứng muộn không ảnh hưởng đến cơ hội mang thai?

    rụng trứng muộn: dùng thuốc điều trị

    Sử dụng thuốc

    • Nếu tình trạng rụng trứng muộn của bạn có liên quan đến bệnh lý buồng trứng đa nang, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kích thích rụng trứng là clomiphene citrate hoặc letrozole. Bên cạnh đó, việc dùng thuốc metformin cũng thường được chỉ định, giúp kích thích giải phóng insulin từ các tế bào beta tuyến tụy và thúc đẩy thụ thai. 
    • Với bệnh lý tăng prolactin máu, bác sĩ sẽ chỉ định vài loại thuốc giảm sản xuất prolactin của cơ thể, đồng thời, thu nhỏ kích thước khối u trong não.
    • Với người bị bệnh lý suy giáp khiến rụng trứng muộn, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc có tác dụng kiểm soát lượng hormone tuyến giáp. Bên cạnh điều trị bệnh lý, các loại thuốc này cũng mang đến công dụng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, kích thích trứng rụng đều hơn, giúp tính toán thời gian quan hệ tình dục để thụ thai dễ dàng hơn. 

    Thay đổi lối sống

    Ngoài việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, việc thay đổi lối sống lành mạnh cũng có thể xem như một biện pháp hỗ trợ cải thiện quá trình rụng trứng nhằm gia tăng cơ hội mang thai. Để thay đổi lối sống theo hướng tích cực hơn, bạn nên: 

    • Tập thể dục thường xuyên, với cường độ vừa phải. Lưu ý không vận động quá mạnh hoặc liên tục vận động cường độ cao, vì có thể gây tác dụng ngược. 
    • Thay đổi chế độ ăn uống để ổn định cân nặng như ăn nhiều rau, trái cây và uống đủ nước, vì béo phì cũng là nguyên nhân khiến lượng hormon trong cơ thể bị mất cân bằng và kinh nguyệt dễ bị rối loạn.
    • Không hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên, vì các chất trong thuốc lá là tác nhân khiến chất lượng trứng giảm sút. 
    • Giảm tải khối lượng công việc và giảm căng thẳng với nhiều hoạt động như ngồi thiền, đi du lịch, đọc sách, nghe nhạc hoặc chơi với thú cưng. 

    Mặc dù, rụng trứng muộn là một trong những lý hàng đầu khiến bạn khó có thai, nhưng chỉ cần tìm ra gốc rễ của vấn đề và áp dụng các phương pháp điều trị sớm, thì khả năng mang thai cũng rất cao. Vậy nên, nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, bạn nhớ đến bác sĩ thăm khám và tư vấn sớm nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 24/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo