Các độc giả của Hello Bacsi thân mến, nhân dịp tháng 4 là Tháng nâng cao nhận thức về sinh mổ nên mới đây trên fanpage Hello Bacsi đã có buổi livestream về chủ đề Kinh nghiệm sinh mổ: Mẹ phục hồi nhanh, bé miễn dịch tốt hơn cùng Thạc sĩ – Bác sĩ sản phụ khoa Huỳnh Kim Dung – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phương Châu (Cần Thơ) cùng Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Bùi Bình – Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Hello Bacsi hy vọng qua chương trình này sẽ giúp các mẹ chuẩn bị sinh mổ hoặc vừa sinh mổ xong có thêm những thông tin hữu ích về việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ và tăng cường hệ miễn dịch cho bé một cách tốt nhất có thể.
Thông tin từ chuyên gia: Mẹ phục hồi nhanh, bé miễn dịch tốt hơn
1. Chăm sóc sau sinh mổ đúng cách để nhanh hồi phục
Theo ThS-BS Huỳnh Kim Dung, sau ca mổ, để có thể phục hồi nhanh, các mẹ sinh mổ sẽ cần được chăm sóc đúng cách. Do đó, các mẹ mới sinh cần lưu ý đặc biệt về việc chăm sóc vết thương, chế độ dinh dưỡng và tập luyện sau sinh:
* Chăm sóc vết thương
Sinh mổ là một ca phẫu thuật lớn và phức tạp, do đó sau sinh, mẹ cần quan tâm chăm sóc vết mổ đúng bằng cách:
- Mẹ sinh mổ chưa đi được thì có thể lau mình tại giường. Đến ngày thứ 3, khi đã có thể đứng lên và đi, mẹ có thể tắm, gội đầu nước ấm. Thực chất, bề mặt da nhiều vi khuẩn nên việc tắm, gội sạch sẽ không giúp mẹ không bị nhiễm trùng vết mổ mà còn giúp cơ thể sạch sẽ, tinh thần thoải mái, tâm trí thư giãn.
- Mẹ sinh mổ cần được thay băng sát trùng 2 lần vào ngày thứ 3 sau mổ và ngày xuất viện. Trường hợp có vấn đề về vết mổ, băng bị ướt mới cần thay mỗi ngày. Nếu mẹ sinh mổ được dùng keo sinh học thì không cần băng lại nên không cần thay băng.
- Tốc độ hồi phục vết thương mỗi người mỗi khác. Với các mẹ sinh mổ mà có thể đứng dậy sớm, tập đi tốt, chế độ dinh dưỡng tốt sẽ phục hồi nhanh.
- Khi xuất viện về nhà sau 2 ngày, mẹ có thể tháo băng luôn, bạn sẽ thấy vết thương đã liền. Lúc này để đảm bảo yếu tố vệ sinh cơ thể, bạn có thể tắm rửa kỳ cọ như bình thường. Lưu ý là các mẹ mới sinh đừng vì lý do nào đó mà sợ đụng nước hoặc nghe lời người xưa nên kiêng đánh răng, kiêng tắm sau sinh. Bản thân mình trong quá trình thăm khám hậu sản đã từng gặp trường hợp nhiễm trùng vết mổ do mẹ sau sinh về nhà không tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ.
Tìm hiểu thêm Hỏi đáp bác sĩ: Vết mổ sau sinh bao lâu thì tắm được? Có nên tắm rửa sau sinh mổ?
* Dinh dưỡng sau sinh mổ:
Sau sinh mổ để tránh tăng cân, táo bón sau sinh, mẹ cần:
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ bằng cách bổ sung rau xanh, trái cây vào thực đơn
- Uống nhiều nước
- Chế độ ăn uống cần đảm bảo cân bằng giữa các nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo tốt, vitamin và khoáng chất
- Ngủ đủ giấc.
Với các mẹ mới sinh có cơ địa mập hoặc tăng cân quá nhiều khi mang thai thì cần lưu ý không nên ăn quá nhiều, cần cân đối đa dạng các loại thực phẩm. Với các mẹ không cho con bú, muốn nhanh lấy lại vóc dáng và tránh béo phì thì cần phải giảm khẩu phần ăn.
Mẹ sau sinh ít thì cần tăng cường uống nước, sữa ít béo, ăn thêm các loại hạt tốt cho bà bầu, đậu, tránh ăn nhiều chất béo đồ ngọt. Ngoài ra, mẹ đừng quên âu yếm bé thường xuyên, cho bé mút vú mẹ để kích thích cơ thể tiết sữa. Sau sinh, mẹ vẫn tiếp tục uống viên bổ sung sắt, canxi trong khoảng 3 tháng.
* Tập luyện sau sinh mổ đúng cách giúp mẹ phục hồi nhanh:
Để có thể phục hồi nhanh sau ca mổ, mẹ mới sinh nên:
- Sau ca mổ, hãy cố gắng cử động tay chân tại giường
- Sau ca mổ 12 – 24 giờ, hãy:
- Cố gắng thử ngồi dậy, đặt chân xuống giường, nếu bạn không thấy chóng mặt hay đau thì từ từ đứng lên. Nếu cảm thấy đi được thì hãy thử đi vài bước.
- Lưu ý là khi đứng dậy bước đi, bạn có thể thấy chóng mặt vì đang ở tư thế nằm chuyển sang tư thế đứng, đồng thời sản dịch có thể chảy ào ra. Trong trường hợp này, bạn hãy bình tĩnh, thay băng vệ sinh và theo dõi thêm. Nếu máu vẫn chảy cần báo nhân viên bác sĩ. Khi nằm trong phòng hồi sức hay bất cứ lúc nào thấy đau, mẹ cũng nên báo cho bác sĩ biết để được cho thêm thuốc giảm đau. Điều này giúp mẹ vận động tốt, nhanh hồi phục và có thể cho bé bú mẹ được.
Lợi ích của việc vận động sớm sau sinh là giúp tuần hoàn tốt, phổi sạch sẽ, hồi phục vết thương tốt, kích thích tiết niệu – nhu động ruột hoạt động hiệu quả từ đó giúp giảm đầy hơi, chướng bụng… Ngoài ra, đi bộ sau sinh còn giúp phòng ngừa đông máu gây thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi…
Sau khi về nhà, mẹ sau sinh vẫn nên duy trì việc tập luyện không nằm 1 chỗ để tránh ứ sản dịch, nhưng cần không mang vác nặng, không kích thích vùng bụng – vết mổ. Trong 3 tháng đầu sau mổ, mẹ không tập các bài tập nặng với bất kỳ lý do gì. Mẹ có thể đi bộ nhẹ nhàng hay tập các bài tập Kegel, yoga sau sinh, yoga cho mẹ và bé.
Mẹ nên tập vào buổi sáng hay trưa vì nếu tập xong đói bụng và ăn thì nguy cơ tăng cân cũng không cao.
Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin chi tiết mà ThS-BS Huỳnh Kim Dung chia sẻ ở trên, các mẹ sau sinh và gia đình đã có thể biết cách chăm sóc mẹ mới sinh tốt nhất.
Tìm hiểu thêm 5 bài tập thể dục sau sinh mổ giúp mẹ giảm cân, eo thon dáng gọn
2. Các lưu ý về phương pháp mổ lấy thai
Tiếp theo buổi livestream là chia sẻ của TS-BS Nguyễn Bùi Bình về các lưu ý xoay quanh phương pháp mổ lấy thai, các đặc điểm của bé sinh mổ và cách chăm sóc bé sau sinh mổ khi ở bệnh viện và ở nhà.
Vì sao một số mẹ bầu phải mổ đẻ lấy thai?
Ở nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ mổ lấy thai và tỷ lệ trẻ sinh mổ tăng lên nhanh trong vòng 20 năm trở lại đây. Vì vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là việc chăm sóc mẹ sinh mổ và trẻ sinh mổ như thế nào để mẹ an toàn, con khỏe mạnh.
Có 5 nhóm nguyên nhân chính của việc phải mổ lấy thai:
- Do bệnh lý cấp hoặc mạn tính của mẹ như: bệnh tim, tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, mẹ cao tuổi…
- Do đường sinh dục của người mẹ, chẳng hạn như: vết mổ đẻ cũ, cổ tử cung không xóa mở trong quá trình chuyển dạ, khung chậu bất thường…
- Do thai như thai quá to, suy thai, ngôi thai bất thường, đa thai
- Do phần phụ của thai như nhau tiền đạo, nhau quấn cổ, thiểu ối…
- Lý do xã hội do gia đình chọn ngày giờ để mổ đẻ.
Tuy vậy, chỉ định mổ lấy thai của bác sĩ sản khoa chỉ thường xảy ra là khi quá trình chuyển dạ không an toàn cho mẹ và thai gồm 2 nhóm lớn là mổ lấy thai chủ động được tiến hành khi chưa chuyển dạ hoặc bắt đầu chuyển dạ và mổ lấy thai trong quá trình chuyển dạ. Những chỉ định này có những chỉ định tuyệt đối của việc mổ lấy thai và những chỉ định tương đối.
* Đặc điểm của trẻ sinh mổ khác gì so với trẻ sinh thường và những bất lợi mà trẻ sinh mổ gặp phải là gì?
Thứ nhất, đối với những trẻ ra đời bằng phương pháp sinh thường, khi đi qua đường sinh nhờ sự co thắt của đường sinh sản của mẹ sẽ giúp dịch trong phổi của bé được đẩy ra và khi cất tiếng khóc đầu đời phổi của bé sẽ nở tối đa. Trong khi đó ở trẻ sinh mổ, trẻ không được trải qua quá trình này nên nhiều bé còn đọng dịch trong phổi, đây là nguyên nhân khiến bé thở khò khè, khó thở, có thể dẫn tới suy hô hấp hoặc mắc các bệnh về hô hấp sau này.
Thứ hai là trẻ sinh thường khi qua đường dưới của mẹ sẽ lấy được vi khuẩn có lợi trong âm đạo của người mẹ. Những lợi ích của hệ vi khuẩn có lợi này đã được chứng minh là:
- Giúp phát triển hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ. Trẻ sinh thường chỉ mất 10 ngày để hệ miễn dịch hoạt động tốt trong khi trẻ sinh mổ để hoàn thiện hệ miễn dịch cần đến 6 tháng.
- Giúp hỗ trợ phát triển hệ tiêu hóa của trẻ, tăng dung nạp và tiêu hóa sữa, giảm nôn trớ, đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu, giảm tình trạng đau bụng co thắt.
- Giúp tạo vitamin K phòng chảy máu cho trẻ trong tháng đầu sau sinh.
- Phòng viêm ruột hoại tử.
- Ngăn ngừa nhiễm khuẩn huyết muộn và nhiễm nấm.
- Giảm tình trạng dị ứng, hen suyễn, chàm sữa.
* Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh mổ như thế nào?
Chăm sóc trẻ sinh mổ tại bệnh viện
- Thực hiện da kề da ngay sau khi sinh: Bé sinh mổ không được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi trong đường âm đạo như khi sinh thường. Thế nhưng, hệ vi sinh đường ruột của bé vẫn có thể được kích hoạt để tăng khả năng miễn dịch khi da kề da với mẹ ngay sau khi chào đời.
- Bú mẹ càng sớm càng tốt vì lúc này sữa non có chứa nhiều dinh dưỡng nhất, đặc biệt là HMO, vi khuẩn có lợi và chứa nhiều chất đề kháng nhất cung cấp các chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và tăng cường miễn dịch cho trẻ. Việc trẻ càng được tiếp xúc với những kháng thể này sớm, hệ miễn dịch của trẻ càng được củng cố sớm.
- Giữ ấm và theo dõi nhiệt độ cho bé trong suốt quá trình nằm viện
- Vệ sinh mắt và rốn
- Theo dõi nhịp thở, tiếng thở (rên, rít, khò khè…) để phát hiện sớm dấu hiệu suy hô hấp do bệnh lý chậm tiêu dịch phổi
- Theo dõi màu sắc da, môi, đầu chi
- Theo dõi dấu hiệu vàng da
- Theo dõi tư thế và cử động của trẻ
- Theo dõi các vấn đề sức khỏe khác: cân nặng, phân và nước tiểu…
Chăm sóc trẻ sinh mổ tại nhà
- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ tối đa
- Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày, chăm sóc da và rốn theo hướng dẫn trước đó của nhân viên y tế, cắt ngắn móng tay cho bé, vệ sinh mũi, mắt và tai. Vệ sinh hậu môn, tầng sinh môn và cơ quan sinh dục ngoài cho bé đặc biệt là sau khi bé đại hoặc tiểu tiện.
- Chăm sóc giấc ngủ cho bé: Cho bé nằm ngủ ở tư thế nằm ngửa là tư thế tốt nhất, có thể học cách làm ổ cho bé ngủ được sâu giấc. Tránh rung lắc gây tổn thương não của bé. Tránh ánh sáng hoặc tiếng ồn quá mạnh làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh non nớt của trẻ.
- Theo dõi cân nặng, vàng da, nhịp thở, các chấm nốt xuất huyết dưới da, cơ quan sinh dục ngoài nếu có bất thường cần đưa trẻ đi khám ngay.
- Tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng
- Bổ sung vitamin D cho trẻ
- Thực hiện giao tiếp với bé khi bé thức
- Cho bé đi khám sức khỏe định kỳ
- Theo dõi các cột mốc phát triển của bé về cân nặng, chiều cao, phản xạ…
Lưu ý hơi tế nhị dành cho các bố mẹ có con mới sinh mổ là chúng ta cần hạn chế việc thăm hỏi trong tháng đầu tiên vì hệ miễn dịch của bé còn chưa hoàn thiện nên rất dễ lây nhiễm bệnh từ người thân, những người đến thăm.
* Cách tăng cường miễn dịch cho trẻ sinh mổ:
Trẻ sinh mổ có nguy cơ bị suy giảm hệ miễn dịch cao hơn 1,5 lần và khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn 1,3 lần so với trẻ sinh thường. Nguy cơ này vẫn tiếp tục cho đến khi trẻ 5 tuổi.
Như vậy vấn đề đặt ra là làm sao có thể tăng cường miễn dịch cho trẻ sinh mổ, giải pháp là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu thêm:
Tầm quan trọng của sữa mẹ/ Các dưỡng chất giúp tăng cường miễn dịch trong sữa mẹ:
Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất, bao gồm các dưỡng chất như: lactose, chất béo, chất đạm, HMO (human milk oligosaccharides), nucleotides, lợi khuẩn (probiotics), vitamin và khoáng chất… Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có:
- Các kháng thể có công dụng chống lại các vi khuẩn
- Chống dị ứng
- Hình thành mối quan hệ mẹ – con
- Bảo vệ sức khỏe bà mẹ (co hồi tử cung tốt hơn, giảm nguy cơ ung thư vú về sau)
- Thuận lợi và tiết kiệm.
Những biện pháp tăng cường và bảo vệ nguồn sữa mẹ
- Cho trẻ bú càng sớm càng tốt
- Mẹ mới sinh cần ăn uống và lao động hợp lý
- Tinh thần thoải mái
- Hạn chế sử dụng thuốc
- Sinh đẻ có kế hoạch
- Thực hiện cách cho con bú đúng
- Chăm sóc bầu vú
Những lưu ý về dinh dưỡng cho mẹ khi cho con bú
- Các thực phẩm chứa hàm lượng sắt cao như: bí đỏ, lòng đỏ trứng gà, nho, chuối, các loại hạt, các loại rau xanh thẫm.
- Các thực phẩm chứa nhiều protein: thịt bò, thịt lợn, thịt gà, pho mát hoặc thực phẩm có nguồn gốc thực vật như hạt cây, đậu phụ, sữa thực vật.
- Bổ sung vitamin E từ mầm lúa mì, hạnh nhân, lạc (đậu phộng), dầu thực vật, rau bina, bông cải xanh.
- Thực phẩm giúp tăng sữa như: cháo thịt bò, cháo móng giò, cháo đu đủ xanh.
- Phụ nữ nuôi con bú cũng cần chú ý đến việc bổ sung đủ nước cho cơ thể ít nhất 1,5-2 lít mỗi ngày để tránh thiếu nước sau sinh gây ra hiện tượng táo bón sau sinh. Các sản phẩm như sữa chua, sữa rất tốt vì vừa cung cấp nước vừa có các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
- Thực phẩm dành cho mẹ nên đảm bảo chất lượng và vệ sinh, tươi sạch và nấu chín kỹ càng.
Những điều cần lưu ý khi lựa chọn sữa công thức cho trẻ sinh mổ.
Cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt là biện pháp hiệu quả nhất để hỗ trợ bé nhưng không phải bé nào cũng được bú mẹ ngay hay bú đủ. Nguyên nhân là mẹ sinh mổ rất dễ bị ít sữa hoặc sữa về chậm. Nếu rơi vào tình huống này, mẹ có thể lựa chọn sữa công thức, 1 số loại sữa công thức có các thành phần như HMOs, Nucleotides, Probiotic Bifidobacterium.
HMOs giúp nuôi dưỡng, phát triển của lợi khuẩn và khôi phục hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ sinh mổ, từ đó giảm nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ;
Nucleotides giúp sản sinh tế bào, tăng cường kháng thể nên là nền tảng cần thiết cho hệ miễn dịch.
Đặc biệt là Probiotic Bifidobacterium, trong đó B. breve M-16V là chủng có nhiều nghiên cứu lâm sàng chứng minh về độ an toàn và hiệu quả ở trẻ trong việc phục hồi sự thiếu hụt lợi khuẩn và khôi phục sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột của trẻ sinh mổ, đồng thời giúp trẻ sinh mổ giảm 53% nguy cơ mắc các bệnh lý về da, 73% các bệnh lý liên quan đến dị ứng như viêm da cơ địa, chàm sữa.
Giải đáp thắc mắc của các thành viên trên cộng đồng Hello Bacsi
Trong phần thứ 2 của buổi livestream, ThS-BS sản phụ khoa Huỳnh Kim Dung cùng TS-BS Nguyễn Bùi Bình đã giải đáp một số thắc mắc của các mẹ bầu, mẹ mới sinh:
1. Thành viên Phương Thùy Đỗ: Bác sĩ ơi, em sinh mổ xong 2 tháng đầu sữa cũng về nhiều mà giờ con gần 4 tháng tự nhiên ít sữa hẳn. Em đi làm không có thời gian cho con ti nên có em vắt mà vắt 1 lần có 40-50 ml thôi. Em sợ con em không đủ sữa, bác có cách gì cho sữa về nhiều lại không ạ, chứ em buồn vì không nhiều sữa cho con bú, nhìn thương con quá.
ThS-BS Huỳnh Kim Dung: Thật ra lượng sữa của mẹ sinh thường hay sinh mổ không có khác biệt nhiều nếu mẹ biết cách. Ngày xưa sản phụ sinh mổ ít sữa vì chưa có thực hiện phương pháp da kề da và thuốc giảm đau chưa tốt như bây giờ. Hiện nay, mổ xong em bé được nằm da kề da với mẹ, tìm và nút vú mẹ sớm nên kích thích việc xuống sữa. Cộng thêm khi được giảm đau tốt, sản phụ đỡ bị căng thẳng cũng giúp cơ thể tiết sữa nhiều hơn so với trước. Một số bệnh viện phụ sản có thực hiện massage bầu ngực giúp kích thích xuống sữa nhanh và nhiều nữa.
Sữa nhiều hay không trong 1-2 tuần đầu sau mổ là biết rồi. Sau 2 tháng bạn mới bị ít sữa dần thì nguyên nhân không còn là do sinh mổ nữa. Bạn hãy xem lại mình ngủ có đủ giấc không, có căng thẳng lo lắng gì không, có ăn uống đủ chất, uống nhiều nước? Bạn có tiêm vaccine ngừa COVID-19 không, hiện chưa có nghiên cứu khẳng định nhưng đây cũng có thể là nguyên nhân khiến lượng sữa mẹ tiết ra giảm. Bạn đi làm nhưng cũng nên tranh thủ cho bé mút núm vú để kích thích tiết sữa. Bạn hãy uống nước liên tục, ăn các loại hạt, ăn đủ bữa, đa dạng các thực phẩm… và đừng quên kết hợp massage bầu ngực.
Để massage bầu ngực, bạn hãy day ấn theo vòng xoắn ốc, vuốt theo hình nan hoa. Nếu khi đã làm đủ mọi cách mà vẫn ít sữa, bạn cũng đừng buồn, chỉ là do cơ địa mỗi người mà thôi. Mẹ ít sữa thì dặm thêm sữa ngoài cho trẻ vẫn được. Mình xin nhắc chung cả bạn và các bạn khác, có thể có 1 số bạn sẽ không đồng ý quan điểm này, các bạn đừng suy nghĩ quá cực đoan về sữa công thức, không đủ sữa mẹ thì mình cứ dùng thêm không gì phải căng thẳng cả. Mình có căng thẳng thì cũng đâu thay đổi được. Thay vì vậy, hãy chấp nhận sẽ vui vẻ hơn và việc nuôi con sẽ bớt áp lực.
Tìm hiểu thêm Khám phá quá trình massage sau sinh tại nhà giúp mẹ nhanh phục hồi
2. Thành viên Kelly Ngô: Bé nhà em sinh mổ được 14 ngày. Khi ngủ nếu nằm ngửa, bé hay bị khò khè khó thở nên con hay tự xoay đầu ngủ nghiêng. Khi ngủ nghiêng, bé thở bình thường không khò khè nữa. Bác sĩ cho em hỏi có phải vì phổi bé còn dịch nên bé bị khó thở? Em nên làm sao để giúp bé đây ạ? Mong được bác sĩ tư vấn. Em cảm ơn bác sĩ!
TS-BS Nguyễn Bùi Bình: Hiện tượng trẻ sinh mổ thở khò khè thường là do dịch trong phổi chưa tiêu hết, do hội chứng trào ngược ở trẻ bú mẹ. Bé nhà bạn tự xoay đầu ngủ nghiêng là hoàn toàn bình thường. Mẹ có thể vỗ ợ hơi sau khi bú để giúp bé giảm hiện tượng khò khè này nhé. Hiện tượng này có thể kéo dài trong tháng đầu tiên.
3. Thành viên mẹ của Bắp Cải: Chào bác sĩ, mình đọc sách báo và được biết nếu sinh mổ thì con sẽ không được hưởng lợi khuẩn từ quá trình chuyển dạ như sinh thường theo đường dưới của mẹ, nên đường hô hấp và đường ruột của bé sinh mổ sau này cũng dễ yếu hơn so với các bạn được sinh thường. Do đó, bé dễ mắc các bệnh hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm ruột…
Vì mình có nguy cơ tiền sản giật nên khi khám thai đã được chỉ định sẽ mổ rồi. Vậy sau khi sinh mổ chúng ta cần bổ sung những dưỡng chất gì để con được phát triển tốt nhất ạ?
TS-BS Nguyễn Bùi Bình: Vai trò của chế độ dinh dưỡng cho sản phụ sau sinh mổ khá quan trọng giúp nhanh liền vết mổ, tăng lượng sữa mẹ và kiểm soát cân nặng sau sinh. Về chế độ dinh dưỡng cho mẹ, bạn nên tham khảo lại chia sẻ của bác sĩ ở phần trước về “Những lưu ý về dinh dưỡng cho mẹ khi cho con bú” . Với những sản phụ hiện đang cho con dùng sữa công thức thì mẹ cần lưu ý những dưỡng chất có trong sữa như Bình có chia sẻ ở trên như HMOs, Probiotics, Nucleotides,…
4. Thành viên Kẹo Ngọt: Bác sĩ cho em hỏi bé đầu em sinh mổ, nếu sinh bé thứ 2 em có nên sinh mổ luôn cho an toàn không ạ? Em cảm ơn!
ThS-BS Huỳnh Kim Dung: Tùy vào nguyên nhân mổ và phương pháp mổ lần trước của bạn là gì. Nói về nguyên nhân, nguyên nhân nào mà suốt đời không thay đổi thì chắc chắn mổ lại. Ví dụ khung chậu hẹp thì không thể sinh thường được nên mang thai lần 2 sẽ mổ lại. Nói về phương pháp, nếu lần sinh trước vì lý do nào đó mà bác sĩ phải xẻ dọc tử cung để lấy em bé ra thì lần này bạn không để sinh thường được. Lần mổ trước cách lần mang thai này quá gần cũng sẽ phải mổ lại. Hoặc bạn có một lý do sản khoa nào đó mà đi kèm với vết mổ trước thì buộc phải mổ chẳng hạn như: thai ngôi ngang, ngôi mông, thai quá to…
Còn nếu không có vấn đề gì phải mổ lại thì bạn vẫn có thể sinh thường (nếu có thể sinh thường) và được theo dõi để có thể sinh thường. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ tư vấn bạn cân nhắc giữa sinh thường và sinh mổ, về lợi ích và nguy cơ.
Nếu bạn chọn sinh thường, bác sĩ sẽ theo dõi để bạn sinh thường đến khi không sinh được thì mới mổ. Tuy nhiên, cách theo dõi sinh thường đối với người đã từng mổ sẽ có khác so với người chưa từng mổ lần nào. Bắt đầu từ khi vào chuyển dạ, bạn sẽ phải nằm trong phòng sanh, được gắn máy để theo dõi liên tục các cơn co tử cung, theo dõi bất thường vết mổ. Nếu phát hiện có bất cứ nghi ngờ gì bác sĩ sẽ đưa đi mổ chứ không chần chừ.
Tìm hiểu thêm Kinh nghiệm sinh thường sau sinh mổ: Lợi ích dành cho mẹ
5. Thành viên Thu Ngọc: Em bé sinh mổ hay khò khè, có tiếng huýt sáo khi thở vào hay bị vào tối. Bé vẫn ăn ngủ bình thường ạ. Như vậy có sao không bác sĩ, em cần phải làm gì để bé dễ chịu hết khò khè ạ.
TS-BS Nguyễn Bùi Bình:Bé sinh mổ thở khò khè là do dịch trong phổi chưa tiêu hết, còn tiếng huýt sáo khi thở vào thường do hẹp lỗ mũi sau hoặc mũi bé có dịch nhầy hoặc cặn sữa trào ngược lên khiến lỗ mũi bé hẹp lại gây tiếng thở rít nhẹ như tiếng huýt sáo.
Tuy nhiên, nếu bé vẫn ăn ngủ bình thường, mẹ không cần lo lắng nhé, tiếng khò khè sẽ dần hết khi dịch trong phổi tiêu hết và hết dần khi bé lớn dần lên.
6. Thành viên Hương Mimi: Bé nhà mình được 2 tháng 19 ngày, từ lúc sinh mổ đến giờ bé bú hay bị nuốt khó, hay sặc và ho khi bú. Bé giờ mới được 4 kg, vậy có bị nhẹ cân hơn so với các bé cùng tháng không ạ? Có cách nào cải thiện không thưa bác?
TS-BS Nguyễn Bùi Bình: Lý do khiến bé khi bú hay bị nuốt khó, hay sặc và ho thường là do những nguyên nhân sau:
- Do mẹ cho trẻ bú không đúng tư thế, ép trẻ bú khi trẻ đang khóc hay đang ho. Tư thế đúng là nên bế trẻ cao đầu, tư thế thoải mái. Trong trường hợp mẹ cho bé nằm bú trong tình trạng gập cổ hoặc ngửa cổ quá sẽ khiến trẻ rất dễ bị sặc. Cha mẹ cũng cần lưu ý, nếu trẻ đang khóc, bạn đừng quá sốt ruột mà nhanh chóng ấn ngay núm vú vào miệng trẻ, hành động này thường sẽ khiến trẻ bị sặc sữa ngay.
- Một số bà mẹ cho trẻ bú trong tình trạng trẻ đang mơ màng, nghĩa là đang bú nhưng cơ thể trẻ đã bắt đầu chuyển dần sang trạng thái ngủ. Lúc này, sữa mẹ vẫn chảy nhưng trẻ không nuốt mà chỉ ngậm trong miệng. Khi trẻ thở nhanh, trẻ có thể hít sữa đưa lên mũi vào khí quản, phế quản và gây ra sặc.
- Do sữa mẹ quá nhiều, sữa trào ra với dòng chảy lớn khiến trẻ không kịp nuốt.
- Trẻ đói nên bú sữa vội vàng, rồi có thể vặn mình, ho hay cười bất chợt khiến trẻ bị sặc.
- Ép bé bú quá nhiều với hy vọng con lớn nhanh. Việc cho trẻ bú quá nhiều dễ dẫn đến trớ sữa.
Về thắc mắc của bạn Hương Mimi là con bạn 2 tháng 19 ngày, nặng 4 kg có bị nhẹ cân không? Bác sĩ xin trả lời là: Mặc dù trong tháng đầu trẻ sơ sinh có sụt cân sinh lý 10% nhưng trong 3 tháng đầu bé tăng cân trung bình 800-1500gram mỗi tháng. Nếu bé nhà bạn vẫn ăn uống bình thường và tăng cân như vậy thì mẹ hoàn toàn yên tâm bé không bị nhẹ cân nhé!
7. Thành viên Lộc Nguyễn: Bác sĩ ơi, có phải các mẹ sinh mổ bị đau lưng nhiều là do bị tiêm gây tê tủy sống không ạ? Làm cách nào cho đỡ đau ạ. Đau lưng quá mà em phải khom lưng một chặp mới đứng thẳng lên đi được ạ.
ThS-BS Huỳnh Kim Dung: Bản chất của việc mang thai đã gây đau lưng. Tại sao lại như vậy? Trong thai kỳ có sự tăng hormone relaxin giúp cho cơ khớp chậu giãn nở phục vụ cho việc sinh, sau sinh nó vẫn tồn tại vài tuần đến vài tháng. Chính hormone này khiến cơ và khớp lưng dưới lỏng lẻo gây đau lưng. Một nguyên nhân nữa là cơ vùng bụng có thể bị yếu đi khi mang thai do tử cung lớn làm kéo căng và tách các cơ. Cột sống giữ được vị trí giải phẫu bình thường nhờ vào cơ lõi và cơ lưng. Khi một trong các cơ này bị yếu thì cơ kia phải làm việc nhiều hơn để bù lại, kết quả là gây đau lưng. Ngoài ra, một số thay đổi sinh lý giải phẫu khác trong thai kỳ cũng gây đau lưng. Cho nên sau khi sinh em bé xong cơ thể cần thời gian để hồi phục.
Đau lưng cũng có thể là tác dụng phụ của gây tê, gây tê ngoài màng cứng trong sinh thường đẻ không đau hoặc gây tê tủy sống trong mổ lấy thai. Và sau sinh bạn phải chăm bé, giữ tư thế cho bé bú cũng là tác nhân làm tăng sự đau lưng. Đôi khi là do cơ địa nữa. Sức cơ và độ đàn hồi cơ của bạn yếu, bạn không tập luyện từ trước thì càng dễ đau lưng trong và sau thai kỳ. Nên bản thân mình trong khi thăm khám hay khuyên các bạn nên tập yoga từ trước khi mang thai, tiếp tục tập trong khi mang thai và tập sau sinh. Việc này sẽ giúp các bạn hạn chế những cái khó chịu rất nhiều.
Để giảm bớt đau lưng sau sinh, bạn hãy:
- Uống nhiều nước, uống bổ sung vitamin B tổng hợp, trường hợp đau nhiều không ngủ hay không làm gì được thì mới cần dùng đến thuốc giảm đau
- Giảm mỡ cơ thể (nếu cần) bằng cách ăn uống và tập luyện dần
- Tránh các tư thế xấu: gập người, buông thõng, ngồi cả ngày, nghiêng người về trước khi ngồi xuống
- Luôn nhớ: đứng phải xoay vai mở ngực đừng cúp ngực lại, ngồi phải giữ cột sống luôn thẳng
- Ngủ đúng tư thế: nằm ngửa kê gối dưới khoeo hoặc nằm nghiêng kẹp gối giữa 2 chân nhưng không nên quá gò bó.
Trường hợp bạn có thời gian, hãy tập một số động tác giúp mạnh cơ lõi, cơ mông, hông, lưng như:
- Tư thế cây cầu: nằm ngửa 2 chân co đạp sàn, tay xuôi thân lòng bàn tay úp, hít vào nâng hông lên cao, thở ra hạ xuống, làm 20 lần.
- Tư thế bò/mèo: chống quỳ, hít vào từ từ ngẩng mặt uốn cong lưng vươn dài cột sống, thở ra cuộn tròn lưng cằm chạm ngực, làm 20 lần.
- Động tác quỳ căng lồng ngực: cũng chống quỳ, đặt 1 tay sau đầu, hít vào nâng cùi chỏ mắt nhìn theo, xoắn theo sức của mình, cố định hông không di chuyển, thở ra hạ chỏ xuống. Làm 10 lần, lần cuối giữ 5 giây, xong đổi bên.
Cơ bản là 3 động tác này, các bạn có thể bắt đầu tập sau sinh mổ 1 tháng, về sau bạn có thể tập nhiều động tác khác.
Bạn cố gắng kiên nhẫn tập, nhẹ nhàng từ từ, để cấu trúc cơ dần trở về như bình thường thì sẽ hết đau. Vì mới sinh khá bận rộn nên các bạn có thể tranh thủ lúc bé ngủ hoặc thậm chí vừa tập vừa trông bé.
Trên đây là 7 vấn đề nổi bật nhất được Ths-BS Huỳnh Kim Dung cùng TS-BS Nguyễn Bùi Bình giải đáp trong buổi livestream Kinh nghiệm sinh mổ: Mẹ phục hồi nhanh, bé miễn dịch tốt hơn. Các bạn độc giả muốn theo dõi đầy đủ nội dung thắc mắc và tư vấn của các bác sĩ trong buổi livestream này có thể xem lại tại đây:
Trong thời gian tới, Hello Bacsi sẽ tiếp tục tổ chức các buổi livestream chia sẻ nhiều kiến thức y khoa bổ ích thiết thực cho cộng đồng bố mẹ chuẩn bị có con, mẹ bầu, mẹ sau sinh… Hãy tiếp tục theo dõi Hello Bacsi để chăm sóc bản thân, gia đình tốt hơn bạn nhé!
[embed-health-tool-ovulation]