backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Hậu sản là gì? Tìm hiểu chi tiết 13 vấn đề sau sinh thường gặp

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Ngày cập nhật: 19/05/2022

    Hậu sản là gì? Tìm hiểu chi tiết 13 vấn đề sau sinh thường gặp

    Có khá nhiều phụ nữ chưa biết hậu sản là gì cũng như các tình trạng từ nhẹ đến nghiêm trọng mà bản thân sẽ đối mặt sau khi sinh con. 

    Quãng thời gian trước và sau khi mang thai đều không hề dễ dàng với hầu hết phụ nữ. Việc nắm rõ các vấn đề về hậu sản giúp bạn chuẩn bị tốt hơn để đối phó kịp thời với những thay đổi về thể chất lẫn tinh thần sau khi bé yêu ra đời.

    Hậu sản là gì?

    Hậu sản là các vấn đề về sức khỏe, tinh thần mà bạn có thể gặp phải trong thời gian ngắn sau khi sinh con. Các vấn đề phổ biến của hậu sản là gì? Chúng bao gồm:

    • Rạn da sau sinh
    • Sản dịch
    • Rụng tóc
    • Bệnh trĩ và táo bón
    • Trầm cảm sau sinh
    • Băng huyết sau sinh
    • Khó chịu khi quan hệ
    • Tiêu, tiểu không tự chủ
    • Khó khăn trong việc lấy lại vóc dáng
    • Các vấn đề về ngực, chẳng hạn như tắc tia sữa hoặc viêm vú
    • Đau tầng sinh môn (khu vực nằm giữa âm đạo và trực tràng)
    • Nhiễm trùng sau sinh, bao gồm: nhiễm trùng tử cung, bàng quang hoặc thận…

    Nguyên nhân và cách khắc phục các vấn đề hậu sản là gì?

    1. Băng huyết sau sinh

    Việc chảy máu một chút ngay sau khi sinh là hiện tượng bình thường. Thực tế ước tính chỉ có khoảng 2% trong tổng số ca sinh có hiện tượng băng huyết. Nguyên nhân là do tình trạng chuyển dạ kéo dài, sinh nhiều lần hoặc do tử cung bị nhiễm trùng.

    Băng huyết sau sinh là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 liên quan đến các vấn đề về hậu sản. Nó thường xảy ra do tử cung không co lại tốt sau khi nhau thai đã ra khỏi cơ thể người mẹ hoặc do tử cung, cổ tử cung hay âm đạo bị tổn thương.

    Ngay sau khi em bé và nhau thai đã ra khỏi tử cung, bạn sẽ được theo dõi để đảm bảo tử cung đang gò. Nếu tình trạng chảy máu nghiêm trọng xảy ra, nữ hộ sinh hoặc bác sĩ có thể xoa bóp tử cung của bạn để giúp khu vực này co bóp bình thường. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bạn dùng một loại hormone tổng hợp nhằm kích thích các cơn co thắt của tử cung.

    Tình trạng băng huyết xuất hiện trong 1 – 2 hai tuần sau khi sinh có thể là do một mảnh nhau thai còn sót lại trong tử cung. Nếu vậy, bạn sẽ cần được phẫu thuật để loại bỏ các mô.

    2. Nhiễm trùng tử cung

    Nhiễm trùng tử cung là một trong những bệnh hậu sản nguy hiểm. Thông thường, nhau thai sẽ bong ra khỏi tử cung sau khi em bé ra ngoài và bị đào thải ra khỏi âm đạo trong vòng 20 phút sau khi sinh. Nếu các mảnh của nhau thai còn sót lại trong tử cung có thể dẫn đến nhiễm trùng.

    Nhiễm trùng túi ối khi chuyển dạ cũng có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng tử cung sau sinh. Ngoài ra, các tình trạng như sốt cao, tim đập nhanh, chỉ số bạch cầu cao bất thường, tử cung sưng, mềm và tiết dịch có mùi hôi… thường là dấu hiệu của nhiễm trùng tử cung.

    Nhiễm trùng tử cung thường có thể được điều trị bằng một đợt kháng sinh thông qua hình thức tiêm tĩnh mạch để ngăn sốc nhiễm trùng nhiễm độc.

    3. Nhiễm trùng vết mổ

    hậu sản là bệnh gì

    Nếu bạn sinh mổ, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể chăm sóc vết mổ đúng cách, ngăn ngừa biến chứng. Khi nhận thấy vết mổ có các dấu hiệu của nhiễm trùng như: sưng, đau, đỏ hoặc chảy mủ, bạn nên đến bệnh viện ngay.

    Trong trường hợp vết mổ bị ngứa, bạn không nên gãi lên đó mà hãy bôi kem dưỡng nhằm làm dịu sự khó chịu.

    4. Nhiễm trùng thận hậu sản

    Nhiễm trùng thận cũng nằm trong danh sách các vấn đề hậu sản sau sinh mà bạn có thể gặp. Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn từ bàng quang lây lan sang thận. Nhiễm trùng thận bao gồm các triệu chứng như:

    • Sốt cao
    • Táo bón
    • Tiểu đau
    • Tiểu nhiều lần
    • Cảm giác ốm yếu
    • Đau lưng hoặc đau bên hông

    Nếu xác định bạn đang gặp nhiễm trùng thận, bác sĩ sẽ điều trị bằng kháng sinh dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

    5. Đau tầng sinh môn sản hậu là gì?

    Đối với những phụ nữ sinh thường, đau tầng sinh môn là tình trạng hậu sản khá phổ biến. Những mô mềm nằm giữa khu vực âm đạo và trực tràng có thể bị kéo căng hoặc rách, bị cắt trong quá trình sinh nở. Đây là nguyên nhân khiến tầng sinh môn của bạn bị sưng, bầm tím và đau nhức.

    Ngoài ra, bạn hãy tự chăm sóc bản thân bằng cách vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng nước rửa phụ khoa hoặc tập một vài bài tập Kegel.

    6. Sản dịch

    Sản dịch là một hỗn hợp bao gồm máu và phần còn sót lại của nhau thai. Trong vài ngày đầu sau sinh, dịch tiết thường có màu đỏ tươi và có thể bao gồm cả máu đông.

    Sản dịch từ đậm màu dần dần chuyển sang màu hồng, sau đó trắng hoặc vàng trước khi dừng hoàn toàn. Sản dịch màu đỏ tươi có thể xuất hiện lại vào các thời điểm, chẳng hạn như lúc cho con bú hoặc nếu bạn tập thể dục, vận động với cường độ mạnh.

    Có thể bạn quan tâm: Sau sinh bao lâu hết sản dịch? Mẹ cần lưu ý gì về sản dịch sau sinh?

    7. Ngực sưng

    sưng ngực do sản hậu là gì

    Khi sữa mẹ xuất hiện (khoảng 2 – 4 ngày sau khi sinh), ngực của bạn có thể trở nên rất to, cứng và đau. Sự khó chịu này sẽ giảm bớt khi bạn cho bé bú đều đặn.

    Bạn có thể giúp bầu ngực thoải mái hơn bằng cách mặc một chiếc áo ngực dành cho phụ nữ cho con bú để hỗ trợ, chườm túi nước đá lên ngực, sử dụng máy vắt sữa. Tránh tắm nước nóng nếu bạn không cho con bú bởi điều này chỉ khiến tuyến sữa tiết ra nhiều sữa hơn và gây thêm sự khó chịu.

    Nếu bị nhiễm trùng vú, bạn vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ bình thường bởi tình trạng này không ảnh hưởng đến việc cho bé bú. Ngoài ra, một điều quan trọng nữa là bạn cần được nghỉ ngơi đầy đủ và uống nhiều nước. Một số biện pháp giúp giảm đau bao gồm: Chườm ấm hoặc chườm lạnh, tránh bận áo quá chật, hút hết sữa thừa sau mỗi cữ cho bé bú.

    8. Viêm vú, tắc tia sữa

    Việc các ống dẫn sữa bị tắc, có thể gây đỏ, đau, sưng làm xuất hiện một khối u cứng ở vú, gây viêm vú. Tình trạng viêm vú có các triệu chứng điển hình như sau:

    • Đau vú hoặc cảm thấy ấm khi chạm tay vào
    • Sưng vú
    • Đau hoặc cảm giác nóng rát liên tục trong khi cho con bú
    • Da khu vực viêm bị đỏ
    • Sốt từ 38°C trở lên

    Ngoài ra, bạn có thể được chẩn đoán bị tắc tia sữa khi có các triệu chứng như:

    • Đau, tức ngực nhẹ
    • Các nốt sần nhỏ nổi trên bầu ngực
    • Ngực sưng đỏ
    • Một số khu vực ở ngực có cảm giác ấm nóng bất thường khi chạm vào.

    Các biện pháp hỗ trợ cho tình trạng viêm vú và tắc tia sữa bao gồm: massage ngực, cho trẻ sơ sinh bú thường xuyên, dùng máy hút sữa để khơi thông dòng sữa bị tắc, chườm ấm… Nếu đã thử áp dụng nhưng vẫn chưa có sự cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ.

    9. Rạn da

    bị rạn da sau sinh

    Tình trạng rạn da thường xuyên xuất hiện ở vùng ngực, đùi, hông và bụng của mẹ bầu. Những vết rạn này đến từ sự thay đổi nội tiết tố và quá trình căng ra của da và chúng có thể trở nên nổi bật hơn sau khi bạn sinh con. Thực tế là rất khó để làm cho tình trạng rạn da biến mất hoàn toàn nhưng chúng có thể mờ dần theo thời gian.

    Bạn có thể sử dụng những loại kem chuyên dụng hoặc các biện pháp từ thiên nhiên để những vết rạn nhanh chóng biến mất.

    10. Trĩ và táo bón

    Bệnh trĩ và táo bón có thể xuất hiện trong thời gian hậu sản cũng như lúc phụ nữ mang thai. Tình trạng này đôi lúc trở nên trầm trọng hơn do sự tăng kích thước của tử cung tạo áp lực lên các tĩnh mạch bụng dưới.

    Biện pháp cải thiện có thể bao gồm: Thuốc mỡ và thuốc xịt kèm theo chế độ ăn giàu chất xơ và chất lỏng… Lưu ý là bạn không nên sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc đạn hoặc thụt mà chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là nếu bạn bị cắt tầng sinh môn hoặc có vết khâu ở vùng đáy chậu.

    11. Tiêu, tiểu không tự chủ

    Tình trạng tiêu tiểu không tự chủ sau sinh có thể làm khổ một số bà mẹ trong thời gian ngắn. Nguyên nhân của tình trạng vô tình tiểu, đặc biệt là khi cười, ho hoặc căng thẳng, thường là do sự kéo giãn của đáy bàng quang trong thời gian mang thai và sinh nở.

    Thông thường, thời gian là tất cả những gì cần thiết để đưa cơ bắp của bạn trở lại bình thường. Bạn có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi này bằng cách thực hiện các bài tập Kegel.

    Để đối phó với tình trạng này, bạn hãy sử dụng băng vệ sinh. Nếu tình trạng tiêu tiểu không tự chủ kéo dài, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chỉ định sử dụng thuốc. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý đến các hiện tượng như đau nhức, nóng rát, khó chịu khi đi tiểu bởi đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng bàng quang.

    Việc “đi nặng” không kiểm soát thường được cho là do sự kéo dài và suy yếu của cơ xương chậu, rách đáy chậu và tổn thương thần kinh đối với các cơ vòng quanh hậu môn trong khi sinh. Tình trạng này khá phổ biến ở những phụ nữ sinh thường và có thời gian chuyển dạ kéo dài.

    Mặc dù tình trạng đi tiêu không tự chủ thường biến mất sau vài tháng, nhưng bạn vẫn có thể hỏi bác sĩ về những bài tập giúp kiểm soát hành động này. Trong trường hợp vấn đề này không cải thiện, biện pháp phẫu thuật sẽ được cân nhắc.

    12. Rụng tóc

    rụng tóc do hậu sản là gì

    Trong thời gian mang thai, nội tiết tố tăng vọt khiến tóc trở nên chắc khỏe, bóng mượt và ít rụng hơn. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi em bé ra đời, nhiều bà mẹ bắt đầu đối mặt với một tình trạng tồi tệ khi tóc rụng với tốc độ đáng báo động. Nếu đang trong tình trạng này, bạn không nên quá lo lắng. Thực tế là lượng tóc rụng trong thời kỳ hậu sản chỉ tương đương với lượng tóc đáng lẽ sẽ bị rụng trong thời gian bạn mang thai mà thôi.

    Có thể bạn quan tâm: Nguyên nhân rụng tóc sau sinh là gì? Làm thế nào để cải thiện hiệu quả?

    13. Trầm cảm sau sinh

    Hầu hết phụ nữ trải qua một thời gian u buồn sau khi sinh con. Sự thay đổi nồng độ nội tiết tố, kết hợp với trách nhiệm mới trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh khiến nhiều bà mẹ cảm thấy lo lắng, choáng ngợp hoặc tức giận. Đối với phần lớn các trường hợp, trạng thái u uất sẽ biến mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.

    Trầm cảm kéo dài hơn hoặc nặng hơn được phân loại là trầm cảm sau sinh, một tình trạng ảnh hưởng đến 10 – 20% phụ nữ vừa mới sinh con. Trầm cảm sau sinh thường trở nên rõ ràng từ 2 tuần đến 3 tháng sau khi em bé chào đời. Bệnh được đặc trưng bởi cảm giác lo lắng hoặc tuyệt vọng mãnh liệt. Tình trạng thiếu ngủ, thay đổi nồng độ nội tiết tố và đau đớn về thể xác sau khi sinh con đều có thể góp phần gây ra trầm cảm.

    Bước đầu tiên trong điều trị trầm cảm sau sinh là nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè thân thiết. Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn với người thân, bạn bè và nhờ họ giúp đỡ chăm sóc bé yêu thay vì cố gắng làm mọi thứ một mình. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về bất kỳ triệu chứng nào của trầm cảm sau sinh để được chỉ định thuốc hỗ trợ hoặc có được lời khuyên đúng hướng nhất nhằm đối phó tốt hơn với những cảm xúc hỗn loạn này.

    Hy vọng những thông tin được cung cấp bên trên đã giúp bạn phần nào hiểu được hậu sản là gì. Quá trình mang thai đã vất vả nhưng có lẽ quãng thời gian sau khi bé yêu chào đời cũng sẽ khiến bạn mệt mỏi không kém. Do vậy, hãy tìm hiểu những vấn đề có thể xảy ra để biết được cách khắc phục và tận hưởng niềm vui được làm mẹ một cách trọn vẹn nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Ngày cập nhật: 19/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo