backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

5 bài thuốc dân gian chữa hậu sản mòn hiệu quả, an toàn cho mẹ sau sinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 16/11/2023

    5 bài thuốc dân gian chữa hậu sản mòn hiệu quả, an toàn cho mẹ sau sinh

    Hậu sản mòn là hiện tượng phụ nữ sau sinh thiếu cân, quá gầy chủ yếu do chế độ dinh dưỡng và chăm sóc không tốt. Hậu sản mòn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của phụ nữ sau sinh. Việc dùng một số bài thuốc dân gian có thể hỗ trợ chữa hậu sản mòn cho bà đẻ khá hiệu quả. 

    Xã hội hiện đại với nhịp sống hối hả làm cho các mẹ bầu cũng bận rộn hơn với công việc và nhiều áp lực. Đây cũng là một trong các nguyên nhân được ghi nhận có ảnh hưởng đến tỉ lệ mắc hậu sản mòn đang có xu hướng tăng cao hơn trong những năm gần đây. Chứng hậu sản mòn tuy không quá nguy hiểm nhưng lại có nhiều tác động xấu đến mẹ và bé. Hậu sản mòn không chỉ khiến cơ thể mẹ bỉm gầy yếu, suy nhược, mà còn gián tiếp gây còi cọc, ốm yếu cho trẻ sơ sinh vì không được nhận đủ dưỡng chất từ sữa mẹ. Thậm chí có thể ảnh hưởng đến lần mang thai sau của mẹ. Để khắc phục tình trạng này, Hello Bacsi mời bạn tham khảo các bài thuốc dân gian chữa hậu sản mòn được tổng hợp trong bài viết dưới đây.

    Vì sao có thể dùng các bài thuốc dân gian chữa hậu sản mòn?

    1. Giai đoạn hậu sản là gì?

    Hậu sản là thời gian khoảng 6 tuần sau sinh. Lý do có khoảng thời gian như vậy là vì khi mang thai, các cơ quan sinh dục của phụ nữ phát triển để thích nghi với việc có em bé. Sau khi sinh con được 6 tuần ngoại trừ vú vẫn phát triển tiết sữa để nuôi con, các cơ quan sinh dục dần trở lại bình thường như trước sinh. Đây cũng là thời gian quan trọng để cơ thể mẹ phục hồi sức khỏe.

    2. Vì sao có thể dùng các bài thuốc dân gian chữa hậu sản mòn?

    Theo y học cổ truyền, trong suốt quá trình mang thai cơ thể người mẹ đã phải thay đổi rất nhiều về tất cả các cơ quan bộ phận để phù hợp với thai nhi. Thai nhi được nuôi lớn hoàn toàn từ khí huyết người mẹ. Cơ quan tỳ, vị có chức năng thu nạp và vận hóa thủy cốc, biến chất tinh vi của thủy cốc thành huyết, tỳ thống nhiếp huyết đưa huyết đi nuôi cơ thể.

    Sau 9 tháng 10 ngày mang thai và trải qua cuộc chuyển dạ, người mẹ mất rất  nhiều khí huyết. Lục phủ ngũ tạng chưa hồi phục, tỳ vị tổn thương không thu nạp và vận hóa được thủy cốc gây nên chứng mệt mỏi, xanh xao, sôi bụng, chán ăn, ít sữa… Tỳ khí hư khiến người sợ lạnh, chân tay lạnh, thích ăn uống đồ ấm…

    Mỗi phụ nữ sẽ có tốc độ hồi phục khác nhau. Không phải ai cũng có thể nhanh chóng khỏe lại, thậm chí, không ít chị em bị hậu sản mòn.

    Khi mắc phải chứng bệnh này, mẹ sau sinh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, lịch sinh hoạt, nghỉ ngơi… Bên cạnh đó, nếu muốn bệnh nhanh khỏi, các mẹ mới vượt cạn có thể tham khảo sử dụng các bài thuốc dân gian chữa hậu sản mòn.

    Theo kinh nghiệm dân gian, các bài thuốc này không chỉ mang lại hiệu quả điều trị tích cực, giúp cơ thể phụ nữ sau sinh bớt mệt mỏi, dần lấy lại sức lực mà còn không tốn quá nhiều chi phí. Nhiều bài thuốc cũng được đánh giá là lành tính, an toàn với sức khỏe của mẹ và trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.

    Tổng hợp 5 bài thuốc dân gian chữa hậu sản mòn cho mẹ sau sinh

    Hiện nay, xã hội đang ngày càng được phát triển, người dân càng được chăm sóc tốt hơn về sức khỏe. Tuy nhiên ở những vùng sâu vùng xa, nơi mà người dân chưa được tiếp cận với nền y tế chất lượng cao, việc phụ nữ sau sinh mắc bệnh hậu sản không được chăm sóc và điều trị tốt dẫn đến tỉ lệ tử vong của mẹ và bé vẫn còn ở mức cao. Do đó, người dân ở đây vẫn duy trì sử dụng những bài thuốc hay kinh nghiệm dân gian để chữa các bệnh hậu sản. Dưới đây là 5 bài thuốc mà các chị em có thể tham khảo:

    1. Bài thuốc dân gian chữa hậu sản mòn từ lá tre gai

    bái thuốc dân gian chữa hậu sản mòn bằng lá tre gai

    Theo y học cổ truyền, lá tre gai có vị đắng, tính mát, giúp thanh tâm, giải nhiệt, cầm huyết, hỗ trợ điều trị bệnh nhiễm trùng, sốt cao, phù thũng… Mẹ sau sinh có thể dùng lá tre gai như một bài thuốc trị hậu sản theo hướng dẫn sau đây: 

    Nguyên liệu:

    • Một nắm lá tre gai tươi

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Rửa sạch lá tre gai rồi để ráo.
    • Bước 2: Cho lá tre gai vào siêu đất, thêm lượng nước vừa phải rồi nấu đến khi sôi thì chắt ra, uống trong ngày.

    Lưu ý

    Do lá tre có vị đắng, tính mát tác dụng thanh nhiệt, chỉ huyết cho nên sẽ phù hợp để điều trị cho phụ nữ sau sinh có sốt, ra mồ hôi, có viêm nhiễm sau sinh mức độ nhẹ. Với trường hợp sản phụ mệt mỏi nhiều, người lạnh, chân tay lạnh, sôi bụng, đi ngoài phân lỏng nát thì nên hạn chế dùng vị thuốc lá tre.

    2. Bài thuốc chữa hậu sản mòn từ mồng tơi

    Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng rau mồng tơi có thể dùng để nấu ra những món canh thơm ngon, tươi mát. Tuy nhiên, không nhiều người biết được cây và rễ mồng tơi có thể được sử dụng làm bài thuốc chữa hậu sản mòn cho mẹ sau sinh.

    Theo Đông y, mồng tơi có tính hàn, vị chua, không độc, giúp tán nhiệt, giải độc. Hơn nữa, loại rau này còn được cho là có thể hỗ trợ điều trị các bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Không những thế, mồng tơi còn được cho là có công dụng hỗ trợ làm đẹp da. Do đó, các mẹ sau sinh nên ăn mồng tơi để nhận được những lợi ích này.

    Nguyên liệu:

    • Cây và rễ mồng tơi
    • Gừng

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Rửa sạch các nguyên liệu rồi để ráo.
    • Bước 2: Thái nhỏ, hong khô. 
    • Bước 3: Sao hỗn hợp cho khô.
    • Bước 4: Đổ vào siêu rồi sắc nước uống trong ngày.

    3. Bài thuốc dân gian chữa hậu sản mòn bằng củ tam thất

    bái thuốc dân gian chữa hậu sản mòn bằng củ tam thất

    Tam thất là một vị thuốc hoạt huyết, bổ huyết rất nổi tiếng trong y học cổ truyền. Hiện nay, nguồn dược liệu tam thất trong nước ta đều nhập từ Trung Quốc và tam thất từ Vân Nam cho sản lượng và chất lượng tốt nhất. Vùng trồng tam thất người dân tin rằng có thể dùng loại thảo dược này để thay thế cho nhân sâm trong việc bồi bổ sức khỏe.

    Tam thất còn có các tên gọi khác nhau như sâm tam thất, thổ sâm hay kim bất hoán (nghĩa là có tiền vàng cũng không đổi được), tên khoa học: Panax pseudo-ginseng (Burk) F.H.Chen, họ: Araliaceae (nhân sâm). Theo y học cổ truyền, củ tam thất có vị đắng ngọt, tính ôn, chủ yếu đi vào can và vị, giúp phá huyết tán ứ, tiêu thũng, giảm viêm, giảm đau, cầm máu ở bên trong và bên ngoài cơ thể, cũng như cải thiện hệ miễn dịch. Những công dụng này đều có lợi cho các mẹ sau sinh, nhất là những phụ nữ bị hậu sản mòn, đẻ xong máu hôi không sạch.

    Nguyên liệu:

    • Củ tam thất khô 

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Rửa sạch phần bụi bẩn bên ngoài rồi để ráo. 
    • Bước 2: Cắt nhỏ củ tam thất rồi cho vào máy xay để xay nhuyễn thành bột.
    • Bước 3: Khi sử dụng mỗi ngày, bạn lấy 2 thìa cà phê bột củ tam thất hòa tan với nước để uống ấm vào buổi sáng và buổi tối.

    Trong thời gian đầu, các mẹ sau sinh có thể chưa quen với vị hơi đắng của củ tam thất. Sau vài lần uống, mẹ sẽ cảm thấy bớt đắng và dần quen với hương vị của loại thảo dược này. Hoặc các mẹ sau sinh cũng có thể pha bột tam thất với sữa, mật ong để dễ uống hơn. 

    Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng tam thất hầm với gà, chân giò heo, thịt bò để tẩm bổ. Đây là món ăn bổ dưỡng có công dụng bổ máu, tăng cường lưu thông máu rất tốt cho phụ nữ sau sinh.

    4. Bài thuốc dân gian chữa hậu sản mòn bằng tầm gửi cây gạo

    Cây Tầm gửi gạo còn có tên gọi khác là: mộc vệ trung quốc, tầm gửi, chùm gởi, mạy phác (Tày). Tên khoa học: Taxillus chinensis (DC.) Danser, Họ: Loranthaceae (Tầm gửi). Theo y học cổ truyền, mỗi loại tầm gửi lại có một công dụng khác nhau. Loại được đánh giá cao trong các loại cây tầm gửi là tầm gửi mọc trên cây gạo tía. Có một thời gian, tầm gửi gạo còn được ví như cây bách bệnh vì tác dụng điều trị được nhiều chứng bệnh của vị thuốc này.

    Với những bà đẻ bị mệt mỏi, đau lưng, đau khớp do hậu sản mòn, bài thuốc dân gian từ tầm gửi cây gạo có thể hỗ trợ chữa những triệu chứng này. Theo Đông y, tầm gửi cây gạo có vị ngọt, đắng, mùi thơm, tính bình, thường được dùng để tiêu viêm, giải độc, thanh nhiệt, hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi đường tiết niệu, viêm cầu thận, điều trị bệnh hậu sản cho phụ nữ sau sinh. Hơn nữa, loại thảo dược này còn giúp điều hòa miễn dịch và chống oxy hóa.

    Lưu ý

    Theo kinh nghiệm dân gian, việc dùng lá tầm gửi cây gạo chỉ chọn thứ lá to, dày, xanh và không mục nát. Lá nhỏ, mỏng, vàng thường có tác dụng dược lý yếu. Lá của cây tầm gửi gạo nên được thu hái vào mùa hè, lúc mà cây phát triển mạnh mẽ nhất. Sau đó, phơi khô để dùng dần.

    Nguyên liệu:

    • 20 – 30g tầm gửi cây gạo/ngày. 

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Rửa tầm gửi cho sạch, ngâm trong nước ấm rồi đổ vào siêu.
    • Bước 2: Thêm nước cho đủ 1 lít rồi đun sôi trong vòng 5-10 phút là được. Khi sắc, bạn nên sắc 2-3 lần để hoạt chất trong dược liệu được tận dụng tối ưu.

    Khi uống, bạn nên để nguội và dùng thay nước uống hàng ngày.

    Lưu ý khi sử dụng cây tầm gửi gạo:

    • Một số sản phụ không sẵn có cây tầm gửi gạo mà phải mua dược liệu thì nên chú ý rằng, cây tầm gửi gạo ký sinh trên cây gạo tía có tác dụng dược lý tốt hơn nhiều so với trên cây gạo trắng. Dược liệu thật thường có màu đỏ nhạt, tím, màu hồng hoặc màu vàng hơi ngả hồng. Khi sắc lên sẽ thấy nước có màu nâu hoặc hơi tím, đặc biệt ở mặt nước có váng nổi lên. Ngoài ra nước sắc từ dược liệu này còn có mùi thơm nhẹ như mùi rơm bếp, uống vào có vị ngon và chát nhẹ.
    • Không nên sử dụng quá liều lượng khuyến cáo vì có thể gây suy giảm chức năng gan.

    5. Bài thuốc chữa hậu sản mòn bằng hồng sâm

    bái thuốc dân gian chữa hậu sản mòn bằng hồng sâm

    Nhân sâm là vị thuốc quý được sử dụng rất lâu đời trong y học cổ truyền, làm tăng thể lực và trí lực, dùng trong trường hợp cơ thể suy yếu, kiệt sức, mệt mỏi và trong thời gian dưỡng bệnh. Hiện nay, nhân sâm được phân thành 2 loại là hồng sâm và bạch sâm. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến tác dụng của hồng sâm lên sức khỏe sản phụ sau sinh, còn bạch sâm với vị đắng ngọt, tính hàn sẽ không phù hợp với bệnh cảnh này.

    Hồng sâm là nhân sâm 6 năm tuổi sau khi thu hoạch và trải qua quá trình bào chế hấp ở nồi áp suất cao và sấy khô đến khi củ sâm có màu hồng. Hồng sâm loại đẹp sẽ có hình dáng giống như con người và đóng hộp gỗ khoảng 15 củ/ hộp.

    Ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu tác dụng của hồng sâm lên cơ thể con người. Hồng sâm có vị đắng ngọt, tính ấm, quy 5 phủ tạng, 12 kinh, có tác dụng đại bổ nguyên khí, giúp giảm mệt mỏi, tăng cường miễn dịch, cải thiện quá trình lưu thông máu và chống oxy hóa, làm đẹp da…. Những công dụng này đều có lợi cho phụ nữ sau sinh bị hậu sản mòn.

    Nguyên liệu:

    • Vài lát hồng sâm khoảng 4-8g

    Cách thực hiện:

    • Cho hồng sâm vào nước, đun sôi trong 5 phút là được.

    Các mẹ bỉm vừa vượt cạn có thể uống nước hồng sâm khi còn ấm để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, các mẹ bỉm cần lưu ý rằng hồng sâm không dùng cho trường hợp sốt cao, ra mồ hôi, bệnh lý tăng huyết áp. Khi dùng hồng sâm thì không uống trà hay ăn củ cải. 

    Cách chữa hậu sản mòn tại nhà

    Ngoài việc áp dụng các bài thuốc dân gian chữa hậu sản mòn, phụ nữ sau sinh cần kết hợp điều trị tình trạng này tại nhà bằng các biện pháp đơn giản sau:

    • Cân đối dinh dưỡng hàng ngày, đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất (đường bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).
    • Uống đủ nước mỗi ngày.
    • Ngủ sớm và đủ giấc.
    • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, chia sẻ gánh nặng chăm con, làm việc nhà với người thân.
    • Tập thể dục nhẹ nhàng, điều độ.
    • Tránh suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng. Luôn cố giữ tinh thần lạc quan, thoải mái bằng cách ngồi thiền, tập yoga, làm những việc yêu thích…
    • Không nên quan hệ tình dục quá sớm sau khi sinh để cơ thể có đủ thời gian phục hồi hoàn toàn.

    Bạn có thể quan tâm:

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được những bài thuốc dân gian chữa hậu sản mòn cho mẹ sau sinh, đồng thời “bỏ túi” những cách chữa hậu sản mòn tại nhà đơn giản. Tuy nhiên, các mẹ bỉm cũng cần nhớ rằng, trong bất cứ trường hợp nào thì lời khuyên được đưa ra từ bác sĩ sau khi đã thăm khám kỹ lưỡng sẽ luôn là tin cậy nhất. Vì vậy, hãy luôn lắng nghe cơ thể mình và đừng ngại đi khám khi cần thiết nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 16/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo