backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Dấu hiệu băng huyết sau sinh là gì? Ai có nguy cơ bị băng huyết sau sinh?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung · Sản - Phụ khoa · Phòng khám phụ sản Cảm Xúc


Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 14/02/2022

    Dấu hiệu băng huyết sau sinh là gì? Ai có nguy cơ bị băng huyết sau sinh?

    Mặc dù chỉ xảy ra ở 1 – 5% sản phụ nhưng đây lại là nguyên nhân tử vong hàng đầu liên quan đến sinh nở. Vì vậy, việc nắm rõ các dấu hiệu băng huyết sau sinh và ai có nguy cơ bị băng huyết sau sinh là rất cần thiết và hữu ích cho mọi chị em đang hay sắp mang thai hoặc mới sinh con.

    Mời bạn cùng tìm hiểu qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau.

    Băng huyết sau sinh là gì? Ai có nguy cơ bị băng huyết sau sinh? 

    Băng huyết sau sinh là gì?

    Băng huyết sau sinh là tình trạng mất máu nhiều ở sản phụ sau khi sinh con. Bình thường, mẹ bầu không bị mất quá 500 ml máu nếu sinh thường và không quá 1000 ml nếu sinh mổ. Khi bị băng huyết, mẹ bị mất máu nhiều hơn một cách ồ ạt hoặc âm thầm, dẫn đến tụt huyết áp, suy các cơ quan và có nguy cơ đe dọa tính mạng.

    Ai có nguy cơ bị băng huyết sau sinh?

    Khi bị băng huyết, các mạch máu của tử cung tại vị trí gắn với bánh nhau không được siết chặt hoặc một vết thương nào đó tại tử cung, âm đạo… không cầm máu thành công dẫn đến mất máu nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Sản phụ có nguy cơ bị băng huyết nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Đờ tử cung: sau sinh tử cung co cứng lại làm gây tắc mạch sinh lý, giúp cầm máu sau sổ rau. Vì một lý do nào đó, quá trình này không diễn ra hoặc kém hiệu quả dẫn đến tình trạng đờ tử cung. Là nguyên nhân chính dẫn đến băng huyết sau sinh. Một số thai phụ có nguy cơ đờ tử cung như: đa thai, đa ối, chuyển dạ quá nhanh hoặc quá dài, dùng thuốc tăng co, u xơ tử cung, thai phụ gây mê, nhiễm trùng ối….
  • Sót nhau: thông thường bánh rau sẽ bong tróc và được tống xuất ra ngoài. Nếu rau không được bong tróc và lấy ra hết sẽ dẫn đến tình trạng sót rau. Thai phụ có yếu tố nguy cơ như: rau cài răng lược, rau tiền đạo, sinh non, bánh rau phụ, tiền sử mổ lấy thai, nạo hút buồng tử cung, u xơ tử cung…
  • Vỡ tử cung: Đã từng có các phẫu thuật ở tử cung như sinh mổ hoặc bóc u xơ, làm tăng nguy cơ bị rách, nứt tử cung khi chuyển dạ.
  • Vết rách ở cổ tử cung, tầng sinh môn, âm đạo… hoặc tụ máu đường sọm dục dưới sai sinh: gặp ở một số thai phụ đẻ khó: đẻ ngôi mông, chẩm thế sau, thai to, đẻ nhanh, đẻ cần dùng dụng cụ hỗ trợ, …
  • Rối loạn đông máu: gặp ở thai phụ có nguy cơ như: mắc bệnh lý đông cầm máu như: tiểu cầu thấp, thiếu các yếu tố đông máu, … hay thứ phát do các bệnh lý: rau bong non, nhiễm trùng, tắc mạch ối, thai chết lưu, hội chứng HELLP ( ở thai phụ tiền sản giật nặng)… 
  • Ngoài ra, mẹ có nguy cơ bị băng huyết sau sinh cao hơn nếu:

    • Đã từng sinh con nhiều lần trước đây
    • Sẹo mổ cũ
    • U xơ tử cung
    • Chuyển dạ kéo dài, chuyển dạ quá nhanh
    • Tiền sử rối loạn đông máu, huyết áp cao, đái tháo đường, béo phì…
    • Gây mê khi sinh mổ
    • Sinh con bằng giác hút hoặc sử dụng kẹp forcep
    • Bị nhiễm trùng tử cung hoặc âm đạo sau sinh.

    Dấu hiệu băng huyết sau sinh mọi phụ nữ mang thai và mới sinh con cần biết

    dấu hiệu băng huyết sau sinh

    Dấu hiệu bị băng huyết có thể xuất hiện ngay trong ngày đầu sau khi sinh hoặc thậm chí trong 12 tuần tiếp theo. Băng huyết là tình trạng nghiêm trọng nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì sản phụ có thể phục hồi tốt và tránh được nguy cơ đe dọa tính mạng.

    Tuy triệu chứng ở mỗi trường hợp là khác nhau nhưng nhìn chung, những dấu hiệu băng huyết sau sinh phổ biến và đặc trưng nhất bao gồm:

    • Âm đạo chảy máu nhiều và liên tục: Sau sinh, cơ thể sản phụ tống xuất mô niêm mạc tử cung kèm theo máu còn sót lại gọi chung là sản dịch, kéo dài từ 2 – 4 tuần sau sinh. Sản dịch sẽ loãng và ít dần. Tuy nhiên, lượng sản dịch chảy ra không hề giảm bớt hay loãng đi sau một vài ngày chính là dấu hiệu bị băng huyết.
    • Tụt huyết áp: mất máu nhiều gây tụt huyết áp và dấu hiệu bị suy các cơ quan bao gồm nhìn mờ, ớn lạnh, da nhợt nhạt, ẩm nhớt mồ hôi, mạch nhanh, suy giảm nhận thức, chóng mặt, buồn nôn và nôn, cảm thấy mệt và yếu, lờ đờ muốn xỉu…
    • Tử cung to mềm, nhão, không sờ thấy khối tử cung chắc ngay sau sinh ( cầu an toàn) là dấu hiệu của đờ tử cung.
    • Đau dữ dội ở bụng dưới hoặc khu vực sàn chậu
    • Tùy vào lượng máu mất mà có thể thiểu niệu, vô niệu
    • Lượng máu bị mất có thể không chảy ra ngoài mà ứ đọng trong lòng tử cung làm cho tử cung tăng thể tích, to ra và mềm nhão.
    • Sưng và đau trong cơ ở vùng âm đạo hoặc tầng sinh môn nếu bị băng huyết và ổ máu tụ ở khu vực này

    Trong nhiều trường hợp, máu không chảy ra ngoài khiến cho sản phụ không nhận biết được. Tuy nhiên cần nghĩ đến băng huyết nếu có một trong các triệu chứng kể trên.

    Có thể bạn quan tâm Sau sinh bao lâu hết sản dịch? Mẹ cần lưu ý gì về sản dịch sau sinh?

    Mẹ bầu cần làm gì để phòng ngừa băng huyết sau sinh?

    dấu hiệu băng huyết sau sinh

    Vì băng huyết có thể xảy ra ở bất kỳ mẹ bầu nào, không chỉ riêng những ai có nguy cơ bị băng huyết sau sinh như đã nêu ở trên, nên các mẹ bầu không được chủ quan. Cách ngăn ngừa hiệu quả nhất là chủ động kiểm soát, đặc biệt là giai đoạn chuyển dạ và hậu sản. Về phía chị em khi mang thai cần: 

    • Tuân thủ lịch khám thai định kỳ, đồng thời siêu âm, xét nghiệm đầy đủ để theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi, cũng như phát hiện ra các bất thường tăng nguy cơ băng huyết sau sinh cho mẹ.
    • Có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đủ sắt, acid folic khi mang thai để hạn chế tác hại do mất máu khi sinh.
    • Sinh con ở bệnh viện đủ năng lực và kinh nghiệm trong dự phòng và điều trị băng huyết.
    • Sau khi sinh, mẹ cần ở lại bệnh viện trong khoảng 3 – 5 ngày (tùy sinh thường hay sinh mổ và tình trạng sức khỏe của mẹ sau sinh) để bác sĩ theo dõi sức khỏe và khi có kết luận an toàn mới xuất viện. Để quá trình hồi phục sau sinh được thuận lợi, sau khi về nhà, mẹ cần ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi đầy đủ kết hợp vận động hợp lý, tránh làm việc quá sức và căng thẳng tâm lý.
    • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi tiến độ hồi phục sau sinh.
    • Theo dõi sản dịch, đi khám ngay khi thấy có những dấu hiệu bất thường.

    Mong rằng những thông tin xoay quanh các dấu hiệu băng huyết sau sinh trên đây sẽ giúp các chị em trang bị tốt hơn những hiểu biết cần thiết để có thai kỳ và giai đoạn hậu sản an toàn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung

    Sản - Phụ khoa · Phòng khám phụ sản Cảm Xúc


    Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 14/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo