Nâng ngực là một trong những loại hình phẫu thuật thẩm mỹ tương đối phổ biến giúp cải thiện kích thước và hình dạng của vòng một. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mẹ từng nâng ngực có cho con bú được không, liệu việc nâng ngực có ảnh hưởng gì đến việc cho con bú và chất lượng sữa mẹ hay không?
Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ tổng hợp các thông tin nhằm giải đáp những thắc mắc kể trên, đồng thời bật mí các mẹo nuôi con bằng sữa mẹ đơn giản và hiệu quả cho các chị em từng phẫu thuật nâng ngực tham khảo!
Phụ nữ từng phẫu thuật nâng ngực có cho con bú được không, có ảnh hưởng gì không?
Từng phẫu thuật nâng ngực xong có cho con bú được không, nâng ngực đường quầng có cho con bú được không, có ảnh hưởng gì không… ? Câu trả lời sẽ có dưới đây!
1. Phụ nữ từng phẫu thuật nâng ngực có cho con bú được không?
Có nhiều lời đồn thổi cho rằng nếu từng phẫu thuật nâng ngực hoặc thu nhỏ ngực, chị em phụ nữ không thể cho con bú và nuôi con bằng sữa mẹ.
Theo các chuyên gia, chị em phụ nữ hoàn toàn có thể cho con bú sau khi đã nâng ngực hay thu gọn bầu ngực. Nguyên do là bởi trong quá trình phẫu thuật nâng ngực, túi độn ngực sẽ được đặt dưới thành cơ ngực và bầu vú nhằm tránh tác động đến các ống dẫn sữa hoặc tuyến vú nơi sữa được tiết ra. Với phẫu thuật thu nhỏ bầu ngực có thể có một số mô tuyến bị loại bỏ trong quá trình thu nhỏ ngực và tùy thuộc vào loại kỹ thuật thu nhỏ mà mô tuyến vú không bị ảnh hưởng vẫn còn đủ mô vú để đảm bảo quá trình sản xuất sữa.
Đối với những người mẹ đã từng phẫu thuật đặt túi ngực, việc cho con bú sẽ không ảnh hưởng đến bộ ngực đã phẫu thuật, nhưng kích thước và hình dạng tổng thể của bầu ngực có thể sẽ thay đổi.
2. Nâng ngực bằng túi độn có ảnh hưởng tới khả năng cho con bú?
Ngoài thắc mắc “mẹ nâng ngực có cho con bú được không?” thì nhiều chị em cũng băn khoăn với việc phẫu thuật nâng ngực có ảnh hưởng tới khả năng cho con bú.
Theo các chuyên gia, việc phẫu thuật nâng ngực có ảnh hưởng đến khả năng cho con bú hay không phụ thuộc vào vị trí đường mổ để đặt túi ngực.
- Đường mổ ở nếp dưới bầu vú hoặc mổ nội soi đường nách: Các vị trí mổ này thường sẽ hạn chế thấp nhất tổn thương tuyến sữa. Do đó, với các mẹ có kế hoạch sinh thêm con và nuôi con bằng sữa mẹ có nhu cầu phẫu thuật nâng ngực nên ưu tiên chọn phương pháp này.
- Đường mổ ở quầng vú: Đường mổ này giúp tạo khoang đặt túi nhanh nhưng có nguy cơ làm tổn thương dây thần kinh núm vú và tuyến sữa. Thế nên, các bác sĩ thẩm mỹ thường chỉ khuyên áp dụng phương pháp này với những chị em không có kế hoạch sinh thêm con hoặc không nuôi con bằng sữa mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ sau phẫu thuật nâng ngực có thể gặp những vấn đề nào?
Một nghiên cứu trên hơn 4.500 phụ nữ nâng ngực cho thấy hầu hết phụ nữ sau phẫu thuật nâng ngực đều có thể cho con bú mà không gặp phải bất kỳ biến chứng nào. Vấn đề phổ biến nhất khi cho con bú là không có đủ lượng sữa đáp ứng nhu cầu của bé. Theo các chuyên gia ước tính, tình trạng này xảy ra ở khoảng 20% phụ nữ từng phẫu thuật nâng ngực. Thế nhưng thực tế là tỷ lệ bà mẹ không phẫu thuật nâng ngực và đã phẫu thuật nâng ngực bằng việc đặt túi độn gặp vấn đề về nguồn sữa là như nhau.
Dưới đây là những vấn đề mà bà mẹ từng phẫu thuật nâng ngực bằng phương pháp đặt túi độn có thể gặp phải khi cho con bú:
- Lượng sữa sản xuất ít: Tùy thuộc vào phương pháp thực hiện phẫu thuật nâng ngực, bạn có thể gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ sữa mẹ để nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.
- Hạn chế việc tiết sữa: Khi em bé mút núm vú của bạn, cơ thể bạn sẽ sản sinh ra hormone prolactin, kích thích cơ thể sản xuất sữa. Nếu các dây thần kinh quanh núm vú bị ảnh hưởng, cơ thể bạn có thể không tiếp nhận được đầy đủ hành động bú mút của bé nên có thể dẫn đến việc sản xuất sữa giảm.
- Đau núm vú: Nếu núm vú của bạn nhạy cảm hơn trước khi phẫu thuật, bạn có thể bị đau núm vú, khiến việc cho con bú trở nên đau đớn.
- Ngực căng cứng: Việc túi độn chiếm chỗ ở trong bầu ngực nên chị em từng phẫu thuật nâng ngực có nguy cơ bị căng bầu vú quá mức cao hơn so với các bà mẹ không thực hiện loại hình phẫu thuật này.
- Viêm tắc tuyến vú: Một nghiên cứu tiến hành trên 28.000 phụ nữ đã kết luận rằng phẫu thuật nâng ngực có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm tắc tuyến sữa.
Phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn silicon có thể gây hại cho bé bú mẹ không?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hiện chưa có báo cáo nào về các vấn đề lâm sàng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ liên quan đến các việc mẹ cho con bú sau khi phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn. Bên cạnh đó, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết “không đủ bằng chứng” cho thấy các bà mẹ từng đặt túi độn bằng silicon không nên cho con bú.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), silicone an toàn cho trẻ sơ sinh nếu nuốt phải. Do đó, ngay cả khi một ít silicon lọt vào sữa mẹ thì nguy cơ gây hại cho em bé là gần như không xảy ra.
Mẹo cho con bú đúng cách sau khi nâng ngực
Bạn đang băn khoăn về việc đặt phẫu thuật nâng ngực bằng cách đặt túi có thể ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ? Hãy tham khảo các mẹo sau:
1. Cho con bú thường xuyên
Việc cho bé bú thường xuyên sẽ giúp cơ thể bạn nhận được được tín hiệu nên sản xuất nhiều sữa hơn. Hãy đảm bảo cho con bú theo nhu cầu, khoảng 8-12 cũ bú/mỗi ngày.
2. Làm trống bầu ngực thường xuyên
Ngoài việc cho bé bú thường xuyên, bạn nên làm trống bầu ngực sau mỗi cữ cho bé bú. Bạn có thể dùng máy vắt sữa hay vắt bằng tay giữa các lần cho con bú. Điều này giúp kích thích cơ thể tiết ra nhiều sữa hơn, đáp ứng nhu cầu của bé.
3. Cho bé bú đúng cách
Việc có thể ngậm đúng tư thế khi bú giúp bé nhận được đủ lượng sữa mẹ qua mỗi cữ bú và mẹ cũng bớt bị đau đầu vú hơn.
4. Nhờ đến “sự trợ giúp” của các sản phẩm có công dụng lợi sữa
Sữa mẹ được xem là nguồn dinh dưỡng quý giá giúp nâng cao sức đề kháng cho trẻ và đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh. Do đó, nếu ít sữa, các mẹ có thể tham khảo các loại cốm lợi sữa, viên uống lợi sữa, ngũ cốc lợi sữa, thức uống lợi sữa… để tăng nguồn sữa mẹ đáp ứng đủ nhu cầu của bé.
Lưu ý là các mẹ cần chọn sản phẩm uy tín, có chất lượng và tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng.
5. Bổ sung thêm sữa công thức vào chế độ ăn của trẻ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bạn nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và đảm bảo việc cho trẻ bú mẹ bên cạnh chế độ ăn dặm cho tới khi trẻ được 2 tuổi hoặc hơn.
Tuy nhiên, khuyến cáo này không đồng nghĩa với việc bạn phải tuân thủ việc cho bé bú mẹ hoàn toàn mà vẫn có thể kết hợp giữa sữa mẹ và sữa công thức để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho con. Sữa công thức chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé.
Bạn hãy tham khảo bài viết Cách nuôi con bằng sữa bột kết hợp với sữa mẹ và những lưu ý cần nhớ để có giải pháp tối ưu.
6. Các lưu ý khác
Để việc nuôi con bằng sữa mẹ sap phẫu thuật nâng ngực được hiệu quả và dễ dàng hơn, ngoài các lưu tý ở trên, các mẹ bỉm cũng cần:
- Theo dõi tình trạng của bản thân: Nếu gặp bất kỳ vấn đề nào khi cho con bú, ví dụ như đau rát đầu vú, tắc tia sữa hoặc ít sữa, hãy đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ hay chuyên gia nuôi con bằng sữa mẹ.
- Kiên nhẫn và nhờ đến sự trợ giúp đúng lúc: Việc nuôi con bằng sữa mẹ sau khi nâng ngực có thể gặp một số khó khăn, nhưng các mẹ hãy kiên nhẫn và luôn nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia nếu cần.
Hello Bacsi tin rằng những thông tin được tổng hợp trong bài đã giải đáp rất cụ thể cho bạn thắc mắc “phẫu thuật nâng ngực có cho con bú được không, có ảnh hưởng hay trở ngại gì không?”. Thực tế là cũng như các mẹ bỉm khác, bạn có thể gặp chút khó khăn trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ. Hãy đi khám, trao đổi với bác sĩ về các vấn đề mà bản thân đang gặp phải để việc nuôi con bằng sữa mẹ sau phẫu thuật nâng ngực không gây ra bất kỳ điều đáng tiếc nào bạn nhé!
[embed-health-tool-ovulation]