backup og meta

Dây rốn bám màng: Tình trạng hiếm gặp nhưng nguy hại cho em bé

Dây rốn bám màng: Tình trạng hiếm gặp nhưng nguy hại cho em bé

Dây rốn bám màng là tình trạng bất thường về dây rốn khá hiếm gặp và cần được theo dõi sát sao trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, nếu có biện pháp thích hợp, mẹ bầu sẽ giảm được những ảnh hưởng tiêu cực mà tình trạng bất thường liên quan đến dây rốn này gây ra cho sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi. 

Trong thai kỳ, dây rốn đóng vai trò vô cùng quan trọng làm nhiệm vụ kết nối thai nhi với nhau thai. Do vậy, bất kỳ sự bất thường nào xảy ra giữa việc gắn kết của dây rốn và nhau thai đều có thể khiến thai kỳ có nguy cơ gặp phải biến chứng cao hơn.

Dây rốn bám màng là gì?

Trong một thai kỳ bình thường, các mạch máu của thai nhi chạy qua dây rốn kết nối trực tiếp vào giữa nhau thai của mẹ. Dây rốn bám màng là khi dây rốn của thai nhi chèn bất thường vào rìa của bánh nhau dọc theo màng nhau – ối, khiến các mạch máu của thai nhi phải hoạt động mà không có sự bảo vệ của nhau thai cho đến khi chúng kết nối với nhau tại dây rốn.

Biến chứng mang thai không phổ biến này xảy ra ở khoảng 1% các trường hợp mang thai đơn và 15% các trường hợp mang thai đôi.

Hiện vẫn chưa có giải thích rõ ràng vì sao lại xảy ra tình trạng này. Mặt khác, bạn sẽ cần quan tâm đến tình trạng này một cách kỹ lưỡng để hạn chế nguy cơ xấu ảnh hưởng đến bé yêu.

Chẩn đoán dây rốn bám màng

Bác sĩ có thể có chẩn đoán tình trạng dây rốn bám màng dựa trên hình ảnh siêu âm của nhau thai và dây rốn trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Một số trường hợp tình trạng này có thể được phát hiện khi mẹ bầu tiến hành siêu âm thai 3 tháng đầu.

Ai có nguy cơ mắc phải tình trạng này?

Theo nghiên cứu, mẹ bầu có nguy cơ mắc phải tình trạng này khi có một trong các yếu tố sau:

  • Mẹ bầu gặp phải tình trạng nhau tiền đạo hoặc mạch máu tiền đạo có nguy cơ gặp phải hiện tượng nhau bám màng cao hơn so với bình thường
  • Các bà mẹ mang song thai có chung màng đệm cũng có nhiều nguy cơ
  • Một số nghiên cứu cho thấy biến chứng này có thể phổ biến hơn đối với các trường hợp thai thụ tinh trong ống nghiệm
  • Mang thai khi đã lớn tuổi có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này.

Dây rốn bám màng và những biến chứng có thể xảy ra?

Các biến chứng do dây rốn bám màng khá hiếm khi xảy ra nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện, chúng bao gồm:

  • Nén hoặc vỡ mạch máu cuống rốn: Tình trạng dây rốn bám màng khiến các mạch máu cuống rốn không được bảo vệ khiến chúng có nguy cơ bị nén hoặc vỡ cao hơn. Điều này đặc biệt dễ xuất hiện khi các mạch này nằm gần cổ tử cung.
  • Mổ lấy thai: Trường hợp dây rốn bị vỡ trong khi chuyển dạ làm gia tăng nguy cơ, mẹ bầu cần phải mổ lấy thai khẩn cấp.
  • Xuất huyết khi chuyển dạ: Nếu mắc phải tình trạng dây rốn bám màng, bạn có thể gặp phải vấn đề về xuất huyết khi chuyển dạ.

Dây rốn bám màng có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Khám thai định kỳ ở tam cá nguyệt thứ nhất

May mắn thay, mức độ ảnh hưởng của nguy cơ biến chứng thai kỳ này chỉ có thể làm tổn thương thai nhi ở mức rất thấp dù tình trạng dây rốn bất thường này làm tăng nguy cơ sinh non, chỉ số Apgar thấp và trẻ sơ sinh khi ra đời cần phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Trong các trường hợp mang thai đôi bị dây rốn bám màng, cả 2 thiên thần nhỏ đều có nguy cơ bị hạn chế tăng trưởng.

Mẹ bầu cần làm gì?

Nếu kiểm tra siêu âm cho thấy bạn bị dây rốn bám màng, mẹ bầu cần được siêu âm thường xuyên hơn nhằm theo dõi tình trạng của em bé và nhau thai để đảm bảo an toàn. Cụ thể là siêu âm khảo sát giải phẫu thai thật chi tiết, xem có nhau tiền đạo không, đánh giá tăng trưởng của thai.

Bên cạnh đó, bạn cần được đo tim thai thường xuyên hơn bắt đầu từ tuần 36, đo liên tục trong lúc sinh để phát hiện dấu hiệu chèn ép dây rốn và vỡ mạch máu tiền đạo.

Trong trường hợp các chỉ số đều ổn, các chuyên gia khuyến cáo nên để chuyển dạ tự nhiên đến 40 tuần và sinh thường qua ngả âm đạo. Bác sĩ sẽ chưa cần đến biện pháp giục sinh mặc dù mẹ bầu có thể sẽ lâm bồn vào trước tuần thứ 40 của thai kỳ. Không có bằng chứng cho thấy giục sinh hay mổ lấy thai sẽ hạn chế được nguy cơ và biến chứng.

Các biện pháp ngăn ngừa dây rốn bám màng

Hiện nay vẫn chưa có biện pháp để ngăn ngừa dây rốn bám màng bởi chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây ra tình trạng này trong quá trình phát triển của thai nhi. Những điều mẹ bầu có thể làm là phát hiện càng sớm càng tốt thông qua việc khám thai định kỳ và siêu âm thai để theo dõi và đảm bảo sự an toàn của bé cho đến ngày sinh.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Is Velamentous Cord Insertion?  https://www.whattoexpect.com/pregnancy/your-health/velamentous-cord-insertion/ ngày truy cập 02/02/2020

Velamentous Cord Insertion Pregnancy Complications https://www.verywellfamily.com/velamentous-cord-2371665 ngày truy cập 02/02/2020

Abnormal Cord Insertion https://www.birthinjuryhelpcenter.org/abnormal-cord-insertion.html ngày truy cập 02/02/2020

 

Phiên bản hiện tại

07/04/2021

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Nhau thai bám thấp: Dấu hiệu, nguy cơ và cách điều trị

Dây rốn quấn cổ thai nhi: Bác sĩ giải đáp những điều gì về hiện tượng này?


Tác giả:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Ngày cập nhật: 07/04/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo