backup og meta

Vấn đề tiêu hóa do nhiễm ký sinh trùng Blastocystis hominis có nguy hiểm không?

Vấn đề tiêu hóa do nhiễm ký sinh trùng Blastocystis hominis có nguy hiểm không?

Tìm hiểu chung

Nhiễm ký sinh trùng Blastocystis hominis là gì?

Nhiễm ký sinh trùng Blastocystis hominis mô tả tình trạng nhiễm phải loài ký sinh trùng này qua đường tiêu hóa ở người. Blastocystis hominis (B. hominis) có thể được tìm thấy trong phân ở những người đã tiêu thụ nguồn thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm. Đôi khi ký sinh trùng này cũng được tìm thấy ở những người khỏe mạnh không có triệu chứng tiêu hóa hay trong phân của người bị tiêu chảy, đau bụng hoặc có vấn đề về đường tiêu hóa khác.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết hết đầy đủ vai trò của B. hominis trong việc gây bệnh ở người, nếu có. Một số ký sinh trùng có nhiều khả năng liên quan đến nhiễm trùng với nhiều triệu chứng. Hầu hết trường hợp nhiễm B. hominis đều tự khỏi mà không cần can thiệp.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng nhiễm ký sinh trùng Blastocystis hominis

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể liên quan đến tình trạng nhiễm ký sinh trùng B. hominis bao gồm:

  • Tiêu chảy
  • Ngứa hậu môn
  • Sụt cân
  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Táo bón
  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Mất cảm giác ngon miệng khi ăn
  • Sụt cân
  • Mệt mỏi

nen-an-va-khong-nen-an-gi-khi-bi-tieu-chay

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các triệu chứng như tiêu chảy, đau quặn bụng kéo dài hơn 3 ngày, hãy đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng Blastocystis hominis là gì?

Blastocystis là một chi ký sinh trùng đơn bào đa dạng về di truyền và có khả năng gây bệnh chưa rõ ràng, thường phát triển ở ruột người hoặc nhiều động vật khác. Ở người, loài Blastocystis được phân lập thường thấy nhất là B. hominis.

Thực tế, trong đường tiêu hóa người có rất nhiều sinh vật đơn bào sinh sống, chúng có thể vô hại, có lợi hoặc gây bệnh. Việc loài Blastocystis được tìm thấy liệu có gây bệnh hay không vẫn chưa có câu trả lời.

Hầu hết người mang ký sinh trùng này không có dấu hiệu hay triệu chứng nào nhưng một số người lại bị tiêu chảy và các vấn đề đường tiêu hóa khác. Hơn nữa, Blastocystis thường có mặt cùng với nhiều sinh vật khác nên không xác định được chắc chắn đâu là nguyên nhân chính gây bệnh.

Các nhà nghiên cứu nghi ngờ loài ký sinh trùng này xâm nhập được vào hệ tiêu hóa khi bạn ăn thức ăn bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với phân của một người nhiễm B. hominis. Số lượng ký sinh trùng trong phân tăng lên khi điều kiện vệ sinh không tốt và vệ sinh cá nhân kém.

Khả năng nhiễm phải B. hominis cao hơn khi bạn đi du lịch hoặc sinh sống ở những nơi không đủ điều kiện vệ sinh hoặc có nguồn nước bị ô nhiễm hoặc khi phải xử lý những động vật bị nhiễm bệnh như lợn, gia cầm.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng Blastocystis hominis?

Nguyên nhân gây ra tiêu chảy có thể khó chẩn đoán chính xác. Thậm chí, khi B. hominis được tìm thấy trong mẫu phân của bạn thì chưa chắc đó là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hiện tại. Việc tìm thấy ký sinh trùng này thường cho biết bạn đã ăn hoặc uống nguồn thực phẩm bị ô nhiễm, có chứa nhiều sinh vật có khả năng gây ra vấn đề ở đường tiêu hóa.

canh-bao-cac-benh-nhiem-ky-sinh-trung-ban-nen-biet-de-bao-ve-ban-than

Bác sĩ sau khi kiểm tra bệnh sử sẽ hỏi bạn về những hoạt động gần đây, như có đi du lịch hay không và tiến hành kiểm tra sức khỏe. Một số xét nghiệm được thực hiện để giúp chẩn đoán bệnh do nhiễm ký sinh trùng cũng như các nguyên nhân không phải nhiễm trùng khác, bao gồm:

  • Xét nghiệm phân. Kỹ thuật viên sẽ nhờ bạn thu thập mẫu phân và đem quan sát dưới kính hiển vi để tìm sự hiện diện của ký sinh trùng hoặc trứng của chúng.
  • Nội soi. Nếu bạn có các triệu chứng nhưng xét nghiệm phân không tìm được nguyên nhân, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm nội soi. Bác sĩ sẽ luồn một ống mảnh, linh hoạt có gắn một camera nhỏ ở đầu vào miệng hoặc trực tràng để quan sát đường tiêu hóa.
  • Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu để phát hiện ký sinh trùng B. hominis thường không phổ biến. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn chỉ định bạn làm xét nghiệm này để tìm kiếm các nguyên nhân khác gây ra dấu hiệu và triệu chứng.

Những phương pháp điều trị nhiễm ký sinh trùng Blastocystis hominis

Nếu nhiễm B. hominis mà không có dấu hiệu hay triệu chứng, bạn không cần phải điều trị. Các triệu chứng nhẹ có thể tự cải thiện trong vòng một vài ngày.

Các loại thuốc có tiềm năng điều trị nhiễm ký sinh trùng Blastocystis hominis bao gồm:

Khả năng đáp ứng với thuốc điều trị B. hominis khác nhau ở mỗi người. Bởi vì nguyên nhân gây ra triệu chứng ở bạn chưa chắc là do B. hominis nên hiệu quả điều trị có thể là do tác dụng của thuốc lên các sinh vật khác.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa nhiễm ký sinh trùng Blastocystis hominis?

Bạn có thể phòng ngừa bị nhiễm B. hominis hoặc nhiễm các ký sinh trùng đường tiêu hóa khác bằng một số biện pháp sau, nhất là khi đi đến những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

Chú ý đến thực phẩm

Nguyên tắc chung là “ăn chín, uống sôi”. Ngoài ra, bạn cần:

  • Tránh ăn nhiều thực phẩm hàng rong nếu cảm thấy không hợp vệ sinh
  • Hạn chế ăn trứng chưa chín kỹ
  • Tránh dùng sữa chưa qua tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa, kể cả kem
  • Tránh ăn thịt, cá và động vật có vỏ chưa được nấu chín kỹ
  • Ăn những thực phẩm được nấu chín và ăn nóng
  • Gọt vỏ trái cây trước khi ăn, hạn chế các loại trái cây khó gọt vỏ như nho, quả mọng…

Ngăn ngừa lây truyền ký sinh trùng cho người khác

Nếu bạn đã nhiễm B. hominis hoặc ký sinh trùng đường tiêu hóa nào khác, hãy vệ sinh cá nhân thật tốt, tránh lây truyền chúng cho những người xung quanh.

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên, nhất là sau khi đi vệ sinh hay trước, trong và sau khi xử lý thực phẩm. Mỗi lần rửa tay thực hiện trong ít nhất 20 giây. Nếu không thể dùng xà phòng với nước, hãy vệ sinh tay với nước rửa tay khô gốc cồn với độ cồn ít nhất là 60%.
  • Rửa tay sau khi thay tã em bé nếu bạn làm việc trong trung tâm chăm sóc trẻ em, ngay cả khi bạn đã đeo găng tay.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Blastocystis hominis. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/blastocystis-hominis-infection/symptoms-causes/syc-20351205. Ngày truy cập 26/4/2020.

Blastocystis sp. https://www.cdc.gov/dpdx/blastocystis/index.html. Ngày truy cập 26/4/2020.

Blastocystis. https://www.who.int/water_sanitation_health/gdwqrevision/phe_wsh_blasty_fact%20_sheet.pdf. Ngày truy cập 26/4/2020.

Blastocystis hominis fact sheet

https://www.health.nsw.gov.au/Infectious/factsheets/Pages/blastocystis-hominis.aspx

Truy cập ngày 28/06/2021

Blastocystis: how do specific diets and human gut microbiota affect its development and pathogenicity?

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5554277/

Truy cập ngày 28/06/2021

Phiên bản hiện tại

28/06/2021

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Không chỉ sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm do muỗi như virus Zika, sốt rét, viêm não Nhật Bản cũng cần phòng ngừa!

Nhiễm ký sinh trùng đường ruột qua thức ăn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 28/06/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo