backup og meta

Tất tần tật về mất cân bằng nội tiết mà bạn không nên bỏ qua

Tất tần tật về mất cân bằng nội tiết mà bạn không nên bỏ qua

Nội tiết tố đóng vai trò thiết yếu trong nhiều hoạt động của cơ thể nên khi xảy ra tình trạng mất cân bằng nội tiết tố, sức khỏe tổng thể sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. 

Hãy cùng tìm hiểu về tình trạng mất cân bằng nội tiết tố và tìm lời giải đáp cho những thắc mắc xoay quanh tình trạng này qua những thông tin tổng hợp được trong bài viết bên dưới của Hello Bacsi nhé. 

Mất cân bằng nội tiết tố là gì?

Nội tiết tố (hay còn gọi là hormone) là những chất hóa học do các tuyến nội tiết tạo ra, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiều hoạt động trong cơ thể như: 

  • Quá trình trao đổi chất 
  • Nhịp tim
  • Chu kỳ ngủ
  • Sinh sản và hoạt động tình dục 
  • Quá trình tăng trưởng và phát triển của cơ thể
  • Tâm trạng và mức độ căng thẳng.

Bình thường lượng nội tiết tố được tạo ra sẽ dao động ở một số giai đoạn trong cuộc đời, đáng chú ý nhất là ở các thời điểm dậy thì, và ở nữ thì có thêm trong thai kỳ, khi cho con bú, trong chu kỳ kinh nguyệt và tiền mãn kinh. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân mà lượng nội tiết tố sản xuất nhiều hoặc ít hơn bình thường, dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố. Dưới đây là một số triệu chứng có thể gặp của mất cân bằng nội tiết tố nữ:

  • Các vấn đề về kinh nguyệt như trễ kinh, không có kinh hoặc có kinh thường xuyên. 
  • Tính tình cáu gắt, nóng nảy, đổ mồ hôi đêm
  • Lông trên mặt, cằm hoặc các bộ phận khác của cơ thể khá rậm 
  • Mụn trên mặt, ngực hoặc lưng 
  • Sạm da, đặc biệt là dọc theo cổ, ở bẹn và bên dưới vú
  • Các vấn đề về âm đạo như khô âm đạo, teo âm đạo, đau khi quan hệ tình dục.
  • Tăng cân khó kiểm soát 
  • Giảm ham muốn tình dục. 

Mất cân bằng nội tiết tố: Nguyên nhân do đâu? 

mất cân bằng nội tiết tố

Nguyên nhân gây mất cân bằng tùy thuộc vào loại nội tiết tố hoặc tuyến nội tiết sản xuất ra loại hormone đó. Dưới đây là một số nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết phổ biến: 

  • Một số loại thuốc
  • Hóa trị liệu trong điều trị ung thư
  • Có khối u, dù lành tính hay ác tính
  • Rối loạn ăn uống
  • Căng thẳng
  • U tuyến yên. 

Ngoài ra, một số bệnh lý nền cũng được xem là nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố: 

  • Bệnh đái tháo đường (típ 1 hay típ 2)
  • Một số bệnh liên quan đến tuyến giáp như suy giáp, cường giáp, viêm tuyến giáp, hoạt động tuyến giáp không bình thường.
  • Hội chứng Cushing hoặc nồng độ cortisol cao
  • Tăng sản thượng thận bẩm sinh, gây ra mức độ thấp của cortisol và aldosterone
  • Bệnh lý Addison.

Mất cân bằng nội tiết tố chỉ xảy ra ở nữ giới: đúng hay sai?

Tình trạng mất cân bằng nội tiết tố không chỉ xảy ra ở nữ giới mà có thể xảy ra ở nam giới. Các triệu chứng nam giới bị mất cân bằng nội tiết tố có thể kể đến như:

  • Giảm ham muốn tình dục
  • Rối loạn cương dương (ED)
  • Số lượng tinh trùng thấp
  • Giảm khối lượng cơ
  • Giảm sự phát triển của lông trên cơ thể
  • Căng ngực và sự phát triển quá mức của mô vú
  • Thay đổi tâm trạng.

Nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết ở nam giới được cho là có liên quan đến hai giai đoạn tự nhiên của con người là dậy thì và lão hóa. Ngoài ra, một số bệnh lý cũng có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố ở nam như ung thư tuyến tiền liệt hay mãn dục nam (hypogonadism)

Mất cân bằng nội tiết tố được điều trị như thế nào? 

mất cân bằng nội tiết tố

Đối với nam giới, một số biện pháp điều chỉnh testosterone có thể giúp thuyên giảm triệu chứng và lấy lại sự cân bằng nội tiết tố như thuốc điều trị testosterone, gel hoặc miếng dán có chứa testosterone. 

Đối với nữ giới, các phương pháp điều trị mất cân bằng nội tiết tố nữ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Sau đây là một số biện pháp được áp dụng phổ biến: 

1. Kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố

Một số phương pháp kiểm soát sinh sản có chứa nội tiết estrogen và progesterone có thể giúp điều hòa kinh nguyệt, bao gồm các dạng: thuốc viên, vòng, miếng dán hay dụng cụ đặt tử cung (IUD).

2. Liệu pháp estrogen

Những triệu chứng khô âm đạo hoặc đau khi quan hệ thường liên quan đến sự thay đổi nồng độ estrogen và dẫn đến tình trạng mất cân bằng nội tiết tố. Do đó, các liệu pháp estrogen sau có thể giúp giảm các triệu chứng này, bao gồm thoa kem có chứa estrogen lên các mô âm đạo, sử dụng viên nén hoặc vòng estrogen. 

3. Các loại thuốc điều trị triệu chứng

  • Thuốc thay thế hormone: Có tác dụng hỗ trợ giúp làm thuyên giảm các triệu chứng liên quan đến thời kỳ tiền mãn kinh như hay cáu gắt, đổ mồ hôi ban đêm.
  • Eflornithine: có thể giúp làm chậm sự phát triển quá mức của lông mặt.
  • Thuốc kháng androgen: khi cơ thể có mức androgen cao, các hiệu quả bao gồm: hạn chế tình trạng mụn trứng cá, rụng tóc quá nhiều và lông vùng mặt.
  • Clomiphene và letrozole: giúp kích thích rụng trứng ở những người bị hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Metformin: thuốc điều trị bệnh đái tháo đường loại 2 giúp kiểm soát hoặc giảm lượng đường trong máu nhưng có thể có tác dụng giảm androgen và kích thích rụng trứng.
  • Levothyroxine: thuốc có chứa levothyroxine như Synthroid và Levothroid, có thể giúp cải thiện các triệu chứng của suy giáp, một nguyên nhân của mất cân bằng nội tiết tố.
  • Việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ.

Mách bạn 4 biện pháp cân bằng nội tiết tố tại nhà

1. Ngủ đủ giấc

mất cân bằng nội tiết tố

Tình trạng rối loạn nội tiết tố có thể gây mất ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ. Do đó, việc cố gắng ngủ đủ giấc (7-9 giờ mỗi ngày) và hạn chế tối đa những nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ là một trong những yếu tố quan trọng để cân bằng nội tiết tố .

2. Tránh quá nhiều ánh sáng vào ban đêm

Theo nghiên cứu, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh hay ánh sáng nhân tạo có thể khiến cơ thể không phân biệt được ngày hay đêm và sản xuất các chất ức chế hormone melatonin – một loại hormone được tạo ra nhiều vào ban đêm, có tác dụng gây buồn ngủ. Do đó, việc tránh tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo có thể giúp điều chỉnh hormone và khôi phục nhịp sinh học tự nhiên.

3. Quản lý căng thẳng

Yếu tố căng thẳng là nguyên nhân thúc đẩy quá trình sản xuất hormone adrenaline và cortisol. Nếu nồng độ của các nội tiết tố này quá cao, sự cân bằng tổng thể có thể bị phá vỡ và góp phần gây ra các yếu tố như béo phì, thay đổi tâm trạng hay các vấn đề về  tim mạch. Sau đây là gợi ý một số biện pháp giúp quản lý căng thẳng như:

  • Nghe những bản nhạc êm dịu, du dương 
  • Đọc sách
  • Ngồi thiền.

4. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Một chế độ dinh dưỡng cân bằng sẽ giúp kiểm soát cân nặng ở mức vừa phải, ngăn ngừa một số bệnh lý nền và duy trì sự cân bằng nội tiết tố . Sau đây là một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng: 

  • Chất béo lành mạnh: Bạn nên tiêu thụ các chất béo từ dầu ô liu, dầu quả bơ. Các chất béo này có thể ổn định quá trình sản xuất của một số nội tiết tố liên quan đến cảm giác thèm ăn, cảm giác no và quá trình trao đổi chất. 
  • Chất xơ: Chất xơ có nhiều trong các loại rau xanh. Dưỡng chất này đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe đường ruột và hỗ trợ điều chỉnh hormone insulin – nguyên nhân chính gây ra bệnh đái tháo đường. 
  • Các loại cá béo: Hàm lượng chất béo cao trong một số loại cá (như cá hồi) có thể gia tăng sức khỏe tim mạch và hệ tiêu hóa, đồng thời có thể mang đến nhiều lợi ích cho não và hệ thần kinh trung ương. 
  • Trà xanh: Trà xanh là một loại đồ uống có chứa chất chống oxy hóa và các hợp chất giúp tăng cường trao đổi chất, giảm tiết cortisol (một loại nội tiết tố tăng tiết khi bị căng thẳng), đồng thời giảm quá trình viêm và oxy hóa.
  • Tránh sử dụng nhiều đường: Các loại bánh ngọt, kem, nước ngọt… có chứa khá nhiều đường. Việc tiêu thụ nhiều đường ảnh hưởng đến một vài quá trình chuyển hóa của cơ thể. Do đó, hạn chế đường trong chế độ dinh dưỡng có thể giúp ổn định nồng độ hormone insulin. 

Tình trạng mất cân bằng nội tiết tố có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, để kiểm soát tình trạng này nhằm đảm bảo sức khỏe, hãy luôn duy trì lối sống lạnh mạnh. Hy vọng với những thông tin trong bài viết trên, bạn đã hiểu hơn về sự mất cân bằng nội tiết tố cũng như tìm được giải pháp để duy trì sự cân bằng nội tiết tố cho bản thân. 

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Causes of Hormone Imbalance https://womeninbalance.org/seventh-woman/causes/ Ngày truy cập 05/10/2021

Your Health and Hormones https://www.hormone.org/your-health-and-hormones Ngày truy cập 05/10/2021

Hormone Imbalance https://lucasresearch.org/education/hormone-imbalance/ Ngày truy cập 05/10/2021

Everything You Should Know About Hormonal Imbalance

https://www.healthline.com/health/hormonal-imbalance Ngày truy cập 05/10/2021

How can I balance my hormones? https://www.medicalnewstoday.com/articles/324031 Ngày truy cập 05/10/2021

Phiên bản hiện tại

27/12/2021

Tác giả: Nhi Bui

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Trần Tố Trân

Cập nhật bởi: phuong le


Bài viết liên quan

Từ A đến Z: Cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai, thụ thai, bảo vệ sức khỏe

9 cách giúp kích thích hormone tăng trưởng tự nhiên


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Trần Tố Trân

Lão khoa · Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 27/12/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo